Khát khao tiến lên phía trước
TT XUÂN - Họ, tuổi đời còn rất trẻ và bình thường, dung dị như bao chàng trai, cô gái đồng trang lứa trong cuộc sống nhưng trong họ chất chứa những khát khao cháy bỏng về lý tưởng sống.
Ngô Phan Hà Châu: Nắm đất nối bờ và biển gần nhau
Ngô Phan Hà Châu đang lên nhà giàn DK1 trong chuyến hành trình - Ảnh: Nguyễn Á |
Chuyến tàu “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo” đến với Trường Sa trở thành kỷ niệm không thể quên trong đời mình. Trước chuyến đi, kể chuyện với một người bạn là cán bộ Đoàn, anh nói đã từng đọc Đảo chìm của Trần Đăng Khoa và gợi ý sao không mang một nắm đất từ đất liền ra Trường Sa?
Hôm đi, mình đã bước ra khỏi cổng trường nhưng cứ miên man nghĩ về nắm đất. Và một nắm đất từ bồn hoa của trường được gói cẩn thận cho vào balô.
Đêm ở đảo Trường Sa Lớn, một anh lính đảo dẫn đường và soi đèn pin cho mình. Và nắm đất từ đất liền được gửi vào đám rau muống biển trong thinh lặng của không gian, chỉ có sóng biển rì rào và những cảm xúc của lòng mình (và anh lính nữa?) trào dâng cuộn sóng. Một cảm giác khó diễn tả thành lời khi mình thả nắm đất hòa vào lòng Trường Sa Lớn thân yêu của Tổ quốc.
Câu chuyện chỉ có anh lính biển biết. Nhưng rồi… bị phát hiện khi bài viết của mình tham gia cuộc thi nhật ký hành trình của chuyến đi được phát trên tàu. Mình ước rằng đất liền và biển đảo là một, và nếu mỗi người, mỗi bạn trẻ khi đến với Trường Sa đều mang theo nắm đất thì bờ và biển sẽ gần nhau hơn. Mình còn ước mỗi tháng đều có tàu ra đảo vì nhiều lần nói chuyện, chạnh lòng khi nghe các anh lính đảo nói “chẳng thiếu gì, trừ bóng người và hơi ấm đất liền”!
Mình không dám nhận hành động nhỏ của mình có thể góp ý tưởng cho cuộc vận động với sức cộng hưởng và lan tỏa lớn như “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động. Với mình, đó không còn là cuộc vận động đóng góp vật chất đơn thuần mà là hành động đầy trách nhiệm, biểu thị lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam về ý thức chủ quyền Tổ quốc. Mình biết ơn về lời gợi ý của anh cán bộ Đoàn, giúp mình và bạn bè có một khoảng lặng để dừng lại, suy nghĩ về bổn phận với đất nước.
Chuyến đi cho mình nhiều suy nghĩ. Công việc hiện tại ở Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM cho mình cơ hội trò chuyện với nhiều đối tượng trẻ và mình tin mỗi người trẻ sẽ có cách để chọn cho mình cách thể hiện lòng yêu nước.
Một lời chúc năm mới gửi đến các bạn mà cũng là cho chính mình: sẽ có ý tưởng mới, xây dựng định hướng tương lai cuộc đời, xác định lý tưởng sống phù hợp và nỗ lực để đạt được điều mình mong ước.
QUỐC NGUYÊN ghi
Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã: Trên cà chua, dưới khoai tây
Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã với giống cây kỳ diệu do Nhã lai tạo: trên cà chua trĩu quả, dưới ken đặc khoai tây - Ảnh: Q.L. |
Nguyễn Thị Trang Nhã - cô gái xứ sở hoa Đà Lạt - vừa tặng món quà quý cho người trồng rau khi lai tạo ra giống cây kỳ diệu: loại cây mà trên cho quả cà chua và dưới cho củ khoai tây.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, không ít lần nữ kỹ sư ĐH Nông lâm TP.HCM vừa ra trường nói sẵn sàng chia sẻ kết quả vì “nghiên cứu khoa học chỉ có giá trị khi ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.
* Bạn đã làm như thế nào để tạo ra giống cà chua - khoai tây như thế này?
- Tạm hình dung sẽ chọn cây giống 20 ngày tuổi, sau đó ghép phần thân cây cà chua với phần gốc cây khoai tây vì cà chua cho trái trên cành, còn rễ khoai tây sẽ sinh củ. Để bảy ngày cho mối ghép liền rồi mang ra trồng ở vườn. Thời gian lấp đất phần thân cây khoai tây và việc tỉa lá, bón phân cần tính toán để cân bằng giữa trên và dưới đất sao cho khoai tây và cà chua phát triển đều, ra hoa kết trái và hình thành củ cùng vòng sinh trưởng, không lấn át lẫn nhau hoặc lệch kỳ thu hoạch nhau. Và sau 60 ngày cả cà chua và khoai tây sẽ cho thu hoạch.
Nhã đã thử so sánh khi trồng hai loại riêng, năng suất tốt nhất của một cây cà chua gần 6kg, khoai tây 0,7kg. Trong khi tại vườn của Nhã, cây cho năng suất cao nhất đạt 5kg cà chua và 0,5kg khoai tây, chất lượng củ, quả như loại trồng thường. Như vậy, khi kết hợp trồng trên cà chua - dưới khoai tây, nhà nông sẽ được lợi hơn nhiều tính trên cùng một diện tích canh tác, công cán và vật tư đầu tư.
* Ý tưởng lai tạo ra loại giống mới này đến với Nhã khi nào?
- Từ rất lâu. Đọc nhiều tài liệu và nghĩ rằng cần làm điều gì đó mới mẻ nhưng phải giữa năm thứ hai đại học Nhã mới dám đặt vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, lúc đó mình băn khoăn với kiến thức đại cương thôi, liệu có đủ sức thực hiện? Chưa kể phải học, thời gian đâu đi về giữa Sài Gòn - Đà Lạt làm mẫu nghiên cứu...
Quê mình ở Đà Lạt, vùng chuyên canh rau màu rất lớn. Thế nhưng việc canh tác khoai tây, cà chua khá thất thường, khi được mùa lúc mất giá và nhà nông rất khổ khi công cán đầu tư cao mà lợi nhuận thấp. Cũng từ vườn khoai tây của gia đình, Nhã tự hỏi “tại sao không ghép cà chua với khoai tây nhỉ?”. Và rồi sau đó, dù chưa được đăng ký đề tài nhưng Nhã cứ làm, đến khi mang được cây vừa ra cà chua vừa có khoai tây trình người hướng dẫn mới chính thức được thực hiện.
* Bạn sẽ bán loại giống này chứ và trong tương lai nó sẽ có triển vọng ra sao cho nhà nông?
- Khu vườn 2.000m² của gia đình Nhã làm lâu rồi và mình cũng đã chuyển giống cho nhiều nhà vườn tại huyện Đơn Dương trồng. Cuối năm nay sẽ triển khai thêm một số nơi tại Đà Lạt, Đắk Lắk. Nhã sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con vì công nghệ và ý tưởng không nên ích kỷ mà cần mở rộng, có vậy xã hội mới phát triển. Đó là cách đóng góp tốt nhất cho cộng đồng.
Nhã vẫn nghiên cứu tiếp để tối ưu một số yếu tố nữa. Nhưng đúng là nếu triển khai trên diện rộng thì cách làm hiện tại sẽ tốn chi phí cho nhân công khá lớn. Do đó, Nhã đang nghiên cứu ươm giống khí canh vì cho năng suất cao với khoai tây. Đồng thời, cây giống ghép chỉ cần 12 - 15 ngày tuổi chứ không phải mất 20 ngày mà lại không sâu bệnh, dinh dưỡng tốt, năng suất cao. Tuy nhiên mình đang loay hoay tìm… kinh phí. Thực hiện được loại giống mới với các yếu tố đó là khao khát lớn nhất của Nhã lúc này.
* Rõ bạn là người rất đam mê với việc mình theo đuổi. Bạn có điều gì chia sẻ với những bạn trẻ?
- Nếu tin tưởng tuyệt đối vào bản thân thì hãy dấn thân và chắc chắn sẽ có kết quả, đừng quá bận tâm xung quanh nói gì. Con đường đi đến thành công luôn chông gai nhưng hãy mạnh dạn chọn lối đi riêng cho mình. Nhã tin lúc nào đất nước cũng rất cần năng lực, trí tuệ của tuổi trẻ để thoát nghèo, phát triển. Mỗi bạn hãy tự hỏi và trả lời mình phải làm gì cho xứng đáng với Tổ quốc ở thời ta đang sống.
QUỐC LINH thực hiện
Phó giáo sư 29 tuổi Phạm Hoàng Hiệp: Luôn hỏi mình “tại sao?”
PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng các giáo sư tại Viện Fourier, ĐH Joseph Fourier (Pháp) - Ảnh: Hiệp Phạm |
Tôi cảm thấy vui và tự hào khi trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam. Tuy nhiên hạnh phúc nhất vẫn là thời điểm mà tôi giải quyết được một câu hỏi trong toán học”, phó giáo sư Phạm Hoàng Hiệp nói.
Ngày 12-11, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố và trao giấy chứng nhận cho 34 giáo sư và 374 phó giáo sư năm 2011. Giảng viên Phạm Hoàng Hiệp (ĐH Sư phạm Hà Nội), 29 tuổi, đã trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam đến thời điểm này trong lúc đang làm nghiên cứu về toán học tại Pháp.
Phạm Hoàng Hiệp bắt đầu đam mê toán học khi bước vào cuối năm lớp 9. Đó là dịp tình cờ cậu học trò đọc quyển sách về số học mà bố mua cho trước đó rất lâu, thích thú với những bài toán rồi tìm cách giải quyết. Bài toán càng khó, càng hóc búa Hiệp càng thích thú. Có những đêm Hiệp thức trắng để tìm cho được lời giải. Ngày nghỉ hoặc lúc rảnh rỗi, trong khi bạn bè ới nhau đi chơi thì Hiệp vùi đầu vào những con số.
Những con số có thể khiến người khác không thích thú nhưng với Hiệp luôn có những bí ẩn cần được khai phá. “Tại sao?” là câu hỏi luôn thường trực trong đầu của Hiệp và chính điều đó đã thôi thúc anh đi hết nghiên cứu này đến các trải nghiệm khác trong toán học. Hết phổ thông, Hiệp chọn ngành sư phạm để đi tiếp việc nghiên cứu toán học của mình.
Năm 2004 Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội và năm 2008 hoàn thành luận văn tiến sĩ tại ĐH Umea (Thụy Điển). Một năm sau đó, anh nhận lời mời sang giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Joseph Fourier (Pháp). Cuối năm 2012, Phạm Hoàng Hiệp cho biết sẽ về nước với mục tiêu đưa những nội dung mới học được vào chương trình giảng dạy toán học ở cao học và các lớp tài năng của ĐH Sư phạm Hà Nội.
Nói về kế hoạch cho tương lai, PGS Phạm Hoàng Hiệp cho biết: “Nghiên cứu toán học và giảng dạy là công việc tôi đã chọn và đang tiếp tục làm. Tôi sẽ cố gắng nghiên cứu để hiểu sâu hơn các lĩnh vực khác nhau trong toán học. Sau đó sẽ viết lại những gì đã hiểu một cách đơn giản nhất với hi vọng giúp ích cho những người muốn nghiên cứu toán ở Việt Nam, đặc biệt là giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận toán học một cách dễ dàng và chuyên sâu hơn”.
Vợ anh hiện cũng là một giáo viên dạy toán cấp III. Anh tự nhận mình là người may mắn khi có nhiều điều kiện thuận lợi để toàn tâm toàn ý nghiên cứu và mang kiến thức truyền lại cho sinh viên của mình. Cũng như nhiều người trẻ khác, PGS Phạm Hoàng Hiệp cũng có thần tượng của riêng mình, đó là GS Ngô Bảo Châu. Với suy nghĩ rằng tư duy toán học có mối liên hệ gián tiếp đến sự phát triển của đất nước, anh cho rằng nếu tạo ra được môi trường học tập tốt cho học sinh, sinh viên sẽ giúp các bạn trẻ có tư duy tốt và trở thành các nhân tố tác động vào sự phát triển của đất nước.
Huy chương vàng Olympic vật lý 2011 Nguyễn Huy Hoàng: Tìm đường đến những thiên hà
Chàng trai vàng vật lý Nguyễn Huy Hoàng - Ảnh: Phi Long |
Giật nhiều giải thưởng Trước khi đoạt giải vàng quốc tế tại Olympic vật lý quốc tế 2011 Thái Lan, Nguyễn Huy Hoàng đã giành được huy chương đồng cuộc thi Olympic vật lý châu Á, tổ chức tại Israel. Trước đó, Hoàng đoạt các danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, như giải nhì năm học lớp 11, giải nhất năm học lớp 12. |
Chàng tân sinh viên ngành điều khiển tự động ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết sở thích lớn nhất lúc nhỏ của mình là ngắm sao trên trời. Vẻ đẹp lấp lánh của trời sao vừa thu hút cậu học trò xứ Nghệ vừa gợi lên hàng loạt câu hỏi. Đi mất bao lâu mới đến được những ngôi sao trước tầm mắt? Sao khác hành tinh như thế nào? Thiên hà hình thành từ đâu?...
“Lúc đó mình luôn thắc mắc nhưng không biết hỏi ai vì có quá nhiều điều không biết, không hiểu. Cho đến khi tiếp xúc với môn vật lý ở cấp II, mình vỡ lẽ ra nhiều điều và nhận thấy đó chính là niềm đam mê của mình”, Hoàng nói. Những kiến thức trong sách giáo khoa không giải tỏa hết thắc mắc, cậu học trò lại tìm đến thầy cô và nhiều loại sách khác.
Cả ba năm cuối cấp điểm vật lý trung bình của Hoàng chưa bao giờ dưới 9. Hoàng hiểu chặng đường học tập phía trước của mình vẫn còn rất dài. Nhà sách là nơi lui tới thường xuyên của Hoàng để tìm sách vật lý trong khi những trang web chuyên ngành là nơi bạn ghé thăm mỗi ngày. Thời gian lên mạng Hoàng dành trọn vẹn để tìm đọc các tài liệu về vật lý trong và ngoài nước trong khi tiền tiết kiệm luôn được dành để mua sách. Ba tiếng mỗi ngày là thời gian tối thiểu cho vật lý mà Hoàng tự đặt ra cho mình.
Hoàng bày tỏ: “Ai cũng có mục tiêu và ước mơ của cuộc đời mình. Tôi yêu thích vật lý và sẽ chọn nó để trở thành người bạn đồng hành với sự nghiệp của mình. Du học sẽ giúp tôi thỏa mãn nhu cầu được học cao và chuyên sâu hơn ở lĩnh vực mình yêu thích. Con đường này vừa giúp tôi trước hết trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, sau đó sẽ phục vụ cho quê hương đất nước”. Nơi Hoàng chọn đến là Mỹ, quốc gia có nền khoa học vật lý phát triển.
Sau cuộc thi Olympic tại Thái Lan, con đường Hoàng chọn là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Hiện Hoàng đang nỗ lực học tiếng Anh để xin học bổng du học vào năm sau.
PHI LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét