28 thg 6, 2012

5 chức năng của gia đình


Gia đình là tế bào của xã hội, con cái có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già, song theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, ngày nay nhiều bạn trẻ rất lơ là nhiệm vụ này.

Nhân ngày gia đình Việt Nam, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM chia sẻ với bạn đọc VnExpress.net những chức năng cốt lõi của tổ ấm và một số vấn đề gia đình hiện đại đang gặp phải.
“Chỉ có nơi gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại mọi tai ương của số mệnh”, câu nói nổi tiếng này của nhà thơ, nhà viết kịch Euripide đến ngày nay vẫn được nhiều người chia sẻ.
Trên thực tế, ai sinh ra cũng mong ước mình được sống trong một mái ấm, lớn lên ai cũng muốn tạo dựng được một gia đình và nhất là một gia đình hạnh phúc. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong hành trình đi tìm hạnh phúc đích thực của con người. Dưới góc độ tâm lý học và giáo dục học, gia đình có 5 chức năng cơ bản; trong đó có trách nhiệm chăm sóc người già, cụ thể là ông bà, cha mẹ tạo một mái ấm trên thuận dưới hòa.
Gia đình. Ảnh: wp.
Cha mẹ sinh thành dưỡng dục con cái, đến khi cha mẹ già thì con cái chăm sóc lại. Điều đó thể hiện tính nhân văn của quy luật cho - nhận trong một gia đình. Ảnh minh họa: Demiduy.

Chăm sóc người già:

Ngạn ngữ có câu “Tuổi già là một bệnh viện, nhận đủ thứ bệnh”, nên lúc này các cụ cần được yêu thương, chăm sóc. Theo chu trình, con cháu khi còn nhỏ cần được ông bà, cha mẹ chăm sóc, đến khi ông bà cha mẹ già nua thì cần được thế hệ trẻ chăm sóc lại.
Tuy nhiên hiện nay trong nhiều gia đình, một số người con, người cháu đã không làm tròn trách nhiệm này. Thực tế là chúng ta vẫn thường gặp nhiều người già bị bỏ rơi phải ngủ trên vỉa hè, xin ăn ở trên đường phố, hoặc một số người con thì thuê khoán nhân viên chăm sóc cha mẹ vì không muốn chuốc phiền phức.
Một đặc điểm thường thấy ở các bạn trẻ hiện nay là khi lập gia đình đều muốn ra riêng thật sớm, không ở chung với bố mẹ, ông bà vì sợ người già khó tính, nói nhiều, bắt theo các phép tắc, quy củ, sợ phải hầu hạ, chăm sóc… Song họ quên mất rằng rồi đến lúc họ cũng sẽ già, "bạn hãy chờ nơi con cái bạn điều mà chính bạn đã làm cho cha mẹ bạn”.
Vì thế khi hiểu được điều này, các thế hệ trẻ cần quan tâm hơn đến cha mẹ và ý thức điều đó là một quy luật cho - nhận và làm tròn chức năng của gia đình. Khi thực hiện việc chăm sóc ông bà, bố mẹ lúc tuổi già, các bạn cần thiết phải chú ý:
- Thuốc thang đầy đủ lúc cha mẹ già ốm đau.
- Ăn uống đầy đủ phù hợp với thu nhập của gia đình.
- Chăm sóc các cụ một cách thành tâm, chân thực đúng với tấm lòng kính trọng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
- Kiên nhẫn và hết sức nhân hậu. Dù cha mẹ bị bệnh tật dày vò, dù bất cứ trường hợp nào cũng đừng tỏ ra bất hiếu.
- Cái quan trọng nhất là thái độ phải giữ đúng vị trí người con hiếu thảo, hành vi ứng xử, ngôn ngữ phải lễ phép, cung kính.
Chức năng tái sản xuất con người:
Nhà giáo dục nổi tiếng V.A.Xukhômlinxki viết: “Có hàng chục, hàng trăm ngành nghề, công việc khác nhau..., nhưng công việc phổ biến nhất, phức tạp nhất và cao quý nhất giống nhau đối với mọi gia đình, đồng thời lại có tính đặc thù và không lặp lại, đó là sự sáng tạo ra con người. Sáng tạo ra con người là sự nỗ lực cao nhất của tất cả sức mạnh tinh thần của bạn. Đó là sự khôn ngoan, là tài nghệ, là nghệ thuật trong cuộc sống của bạn”.
Tác phẩm vĩ đại nhất của tạo hóa đó là con người, song đây cũng là sản phẩm khó kiến tạo nhất của một gia đình. Tuy nhiên hiện nay một số gia đình đã không thể làm được việc này do lối sống thiếu hiểu biết. Mặt khác một bộ phận bạn trẻ lại nhận thức chưa đầy đủ việc tạo ra một sinh linh, một người con. Họ coi bản thân không khác gì cái máy đẻ thuê, đẻ mướn, thích thì mang thai, không thích thì nạo phát dẫn đến suy giảm khả năng sinh con.
Vì thế khi nhìn nhận chức năng này, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng để có những đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn thì cha mẹ phải có sức khỏe, sinh hoạt điều độ, ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt cha mẹ phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc sinh con. Đứa con sinh ra phải là đứa con được chờ đợi, chào đón để ra đời. Đừng tạo ra những đứa trẻ khi bạn chưa toàn tâm, toàn ý.
Chức năng giáo dục con cái:
Đứa con sẽ là phần thưởng hay hình phạt cho cha mẹ tùy theo sự giáo dục của họ. Song hiện nay nhiều bậc cha mẹ hầu như chỉ quan tâm đến việc cho con ăn no, ăn ngon, mặc đẹp, hợp thời trang hơn là việc giáo dục con cái. Họ phó mặc sự giáo dục con cái cho người giúp việc, ông bà, người nuôi trẻ, hay hoàn toàn giao cho nhà trường. Có những ông bố bà mẹ không cho con tham gia hoạt động gì, không được chơi với ai, không được làm việc gì ngoài việc học, học, và bắt con học đến mức phát bệnh…
Đến khi thấy con cái vô lễ, hư hỏng, không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sống ích kỷ thì bố mẹ lại than thân trách phận mình vô phước. Họ mắng chửi con cái rằng: "Tao đã vắt kiệt sức để kiếm tiền cho mày ăn ngon, mặc đẹp, học trường xịn, mày còn đòi hỏi gì nữa, sao mày ác thế?". Theo tôi, họ đã quên mất chức năng này của gia đình. Gia đình muốn hạnh phúc thì cha mẹ cần bỏ thời gian, công sức, tiền của để giáo dục con em của mình, đừng phó thác trách nhiệm giáo dục con cái cho kẻ khác.
Chức năng kinh tế đảm bảo sự tồn tại và phát triển của gia đình:
Sự ổn định về kinh tế là một cơ hội để có một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc.
Trong khi nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu chỉ hai người hiểu nhau, yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân, thì một số bạn nữ khác lại khá thực tế khi đưa ra điều kiện đòi hỏi chồng tương lai phải có thu nhập cao, nhà sang, xe xịn… Tuy nhiên tiền bạc như nước hay nhà cao cửa rộng rồi cũng tiêu tan nến bản thân các bạn chưa nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế trong đời sống gia đình và thiếu kỹ năng tổ chức quản lý kinh tế.
Trong quá trình công tác, các nhà tư vấn từng gặp những đức ông chồng than thở: "Tôi đưa bao nhiêu tiền cho cô ấy cũng không đủ. Lúc nào cô ấy cũng lột sạch ví tôi. Khi nào nói chuyện cũng là tiền, trước đây cô ấy lấy tôi vì cái nhà, cái xe; giờ tôi phá sản cô ấy bỏ tôi đi theo người khác". Ngược lại thì các chị em lại than: "Nhà không có tiền mà lúc nào cũng đi nhậu, khi nào anh cũng nghi ngờ tôi đưa tiền cho nhà ngoại, tiền đưa được mấy đồng mà đòi ăn ngon, mặc đẹp, vợ ngoan".
Để cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc, không nên đặt vấn đề tiền bạc lên trên các giá trị khác. Vợ chồng cũng cần rành mạch, thống nhất, tin tưởng trong chi tiêu gia đình, đồng thời ghi chép các khoản thu chi. Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên dạy cho con cái cách quản lý về tiền bạc, thói quen tiết kiệm.
Chức năng thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của các thành viên:
Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái là cha mẹ yêu thương nhau. Trong một gia đình sự yêu thương là liều thuốc chữa lành mọi vết thương.
Theo nghiên cứu "tháp nhu cầu" của Maslau, con người có 5 nhu cầu cơ bản sắp xếp theo bậc thang thấp nhất là sinh lý cơ bản; an toàn; giao tiếp, yêu thương; được tôn trọng, kính nể, ngưỡng mộ; tự khẳng định, thành đạt. Gia đình cần tạo điều kiện để mỗi thành viên được thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu nói trên tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh riêng.
Song thực tế hiện nay nhiều bậc cha mẹ do tìm kế sinh nhai, vì thăng tiến trong sự nghiệp đã cách ly con cái của mình quá sớm. Có người giao con cho ông bà, người giúp việc, họ ra đi khi con chưa thức dậy và trở về lúc con đã đi ngủ. Có những đứa trẻ mới 4 tháng tuổi đã cai sữa, có đứa mới sinh mẹ sợ xấu dáng nên cho bú sữa ngoài. Sữa mẹ không chỉ tốt nhất về mặt dinh dưỡng mà cái quan trọng hơn nữa đó là nó giúp gắn kết tình yêu thương và thỏa mãn các nhu cầu tâm lý của đứa trẻ.
Tôi đã từng tiếp xúc với một số em ở trường giáo dưỡng Ninh Bình. Các em kể gia đình rất nhiều tiền, nhưng chưa lần nào con cái được tâm sự, nói chuyện, hay chơi đùa với bố mẹ quá 20 phút, chưa một lần được mẹ bố đi họp phụ huynh. Ngoài ra các em còn bị cấm không cho chơi với bạn bè và không được tự quyết một vấn đề gì dù là nhỏ nhất.
Về khía cạnh này, nghiên cứu của nhóm tác giả Ngô Công Hoàn kết luận rằng: “Đối với trẻ em từ lọt lòng đến 6 tuổi không có gì chấn động mạnh trong đời sống tâm lý sau này bằng sự chia ly của cha mẹ, bằng sự tách rẽ sống xa gia đình”.
Vì thế để giữ hạnh phúc gia đình, mỗi thành viên cần tìm hiểu đặc điểm tâm - sinh lý của từng người để biết yêu thương và hy sinh cho nhau hơn. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các thành viên được thỏa mãn các nhu cầu phù hợp với chức năng, phẩm giá.
Nguyễn Thị Minh

2 nhận xét:

  1. Gia đình là tổ ấm bền vững, trong đó người chồng là mái nhà, là trụ cột, còn người vợ là nội thất, đó là cơ cấu của hạnh phúc.

    Trả lờiXóa