3 thg 6, 2012

Hơn cả một bài văn



TT - Sống trong xã hội hiện đại, người ta thường đánh giá cao những giá trị hữu hình, nên lòng trung thực trở thành “món hàng xa xỉ” không đến được với số đông.
Nhưng dẫu có “thích nghi với hoàn cảnh” đến đâu thì chúng ta cũng cảm thấy giật mình khi biết rằng: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” - đề thi chính thức môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
Vẫn biết rằng đây là vấn đề không mới, nhưng những gì khiến ta phải liên tưởng thì còn nguyên tính thời sự. Có lẽ dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về ông “vua đạo văn” Lê Đức Thông - nhân vật chính trong hàng loạt bài báo suốt tuần qua. Chúng ta được biết thêm “nhiều bạn trẻ đang tham gia nghiên cứu khoa học đã sao chép đến tận dấu chấm, dấu phẩy... cho yên tâm” (chia sẻ của GS.TS Đào Tiến Khoa trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-6-2012). Thật xót xa cho thế hệ tương lai của đất nước trong thời đại “kinh tế tri thức”!
Thế nên xã hội sẽ phải đón nhận những kẻ sống lừa đảo một cách tinh vi. Giả dối xuất hiện nhiều nơi. Trong quảng cáo chào hàng, trong thực phẩm.. Và núp mình dưới nhiều hình thức như đánh bóng tên tuổi, sử dụng bằng cấp giả, mua chức quyền, tham ô hối lộ. Thói giả dối còn hiện diện cả ở những nơi linh thiêng như đền, chùa... với các kiểu “mua thần bán thánh”.
Với những thực tế đó, đề văn sẽ tạo được nhiều cảm hứng để học sinh nghĩ và viết. Các em không thể thuyết phục được người đọc nếu dừng lại ở lý thuyết về lòng trung thực. Mà phải lý giải về hậu quả của sự giả dối, về khả năng “tấn công” của nó đối với nhân cách của con người. Để từ đó các em nhận ra sống giả dối sẽ trở thành những người rất nguy hiểm cho xã hội. Bởi như thế là sở hữu khả năng tự hủy diệt.
Chúng ta biết rằng cái đúng bao giờ cũng là điểm gặp nhau ở cấp độ cao nhất của mọi văn hóa và tư tưởng. Thế nên tỉ phú Warren Buffett - người đã cống hiến hầu hết gia tài của mình (trên 30 tỉ USD) cho công việc từ thiện - thường nhắc nhở các học sinh sinh viên ngày họ ra trường rằng: “Các em cần tính trung thực sự thông minh và ý chí để thành công. Nhưng nếu có tất cả các yếu tố sau mà thiếu trung thực thì các em trở thành mối nguy hại cho xã hội”. Bởi chỉ khi biết quý sự thật thì xã hội mới tiến bộ. Có sự thật (chân) thì mới có cái hay cái tốt (thiện), và cái đẹp (mỹ). Như thế con người mới có thể sống bình yên.
Để làm được điều đó, các em cần có sức mạnh. Đó là tri thức và tâm hồn. Để không bị cám dỗ, các em cần có dũng khí. Đó là niềm tin vào bản thân và bản lĩnh để không chạy theo thời thế.
Các em hãy nhớ điều đó để làm được nhiều hơn một bài văn.
DƯƠNG THU TRANG (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét