11 thg 7, 2012

Thần tượng: nét đẹp văn hóa hay thảm họa?


Câu 2. (3,0 điểm) ký thi đại học Khối D 2012
Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
----------------------

Gợi ý làm bài của giaoduc.edu.vn
·        Mở bài: Đặt vấn đề: Con người sinh ra được giáo dục để sống có ích, làm những điều tốt đẹp và hướng thượng. Thần tượng chính là một nét đẹp đầy hào quang và cao thượng để con người chiêm ngưỡng, tôn thờ và phấn đấu. Tuy nhiên, có nhiều người đã ngưỡng mộ thần tượng một cách mê muội và quên cả những nét đẹp chân chính, thiên liêng khác. Chính vì vậy, có người đã đưa ra ý kiến: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”
·        Thân bài:
+ Giải thích: Thế nào là thần tượng? Thế nào là văn hóa? Thế nào là ngưỡng mộ thần tượng? Thế nào là nét đẹp văn hóa? Thế nào là mê muội thần tượng. Thế nào là một thảm họa?
+  Lý lẽ:
_ Thần tượng là một hình ảnh đẹp mà con người yêu mến, ngưỡng mộ và tôn thờ. Sự ngưỡng mộ thần tượng đã trở thành thói quen tập quán qua nhiều thế hệ, và hơn nữa, ngưỡng mộ thần tượng chính là một nét đẹp văn hóa của loài người.Có một thần tượng để chúng ta ngưỡng mộ và phấn đấu giúp chúng ta sống tốt hơn, đam mê hơn, yêu đời hơn và nỗ lực hơn. Nhiều người cùng ngưỡng mộ một thần tượng tốt có thể chia sẻ với nhau về sở thích, niềm vui và làm phong phú hơn đời sống tinh thần, làm con người cảm thấy gần gũi nhau hơn và thương yêu nhau hơn.
_ Tuy nhiên, có những hiện tượng tôn thờ thần tượng đến mê muội không phân biệt rõ đúng sai. Ví dụ như, có những người hôn cả đôi giày của thần tượng, và hôn cả chỗ ngồi của thần tượng, cũng như những hành động lố bịch khác xuất phát từ sự mê muội thần tượng. Có người mê muội đến nổi, có những việc làm sai của thần tượng cũng cho  là đúng. Từ đó dẫn đến những hành động sai trái, và hậu quả có thể làm mất nhân cách của chính mình. Và có những hành động gây nguy hiểm cho đồng loại. Có những người mê muội trước những thần tượng xa xôi mà quên đi những tình cảm thân thương, thiêng liêng bên cạnh mình, như cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Sự mê muội thần tượng là một thảm họa, là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng; quên những nhiệm vụ cụ thể và đơn giản của một con người bình thường.
_ Dẫn chứng.
                  + Mở rộng:
      _ Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
      _ Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
                  + Liên hệ thực tế:
_ Chúng ta khuyến khích và thông cảm những người ngưỡng mộ thần tượng một cách chính đáng và chừng mực. Coi việc ngưỡng mộ thần tượng một cách chân chính là một nét đẹp văn hóa cần được tôn trọng và duy trì.
_ Đồng thời, chúng ta phải kiên quyết lên án những kẻ mê muội thần tượng. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng sự mê muội thần tượng là một hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta phải đủ bản lĩnh và kiên trì đấu tranh với những hiện tượng sai trái này.
·        Kết bài: Khẳng định rằng, ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa cần thiết cho tất cả mọi người và mê muội thần tượng là một thảm họa cần phải đấu tranh để hạn chế. Ý kiến trên là một lời nhắc nhở đối với tất cả chúng ta hãy tự nhìn lại mình, hiểu hơn chính mình và những thần tượng của mình; từ đó, có những suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn
-----------------

HƯỚNG DẪN CHẤM CHÍNH THỨC CỦA BỘ GIÁO DỤC

1. Giải thích ý kiến (0,5 điểm)
Ngưỡng mộ thần tượng là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối
tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn
hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng; mê muội thần tượng là sự say mê,
tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng.
- Về nội dung, ý kiến này đề cập đến tính hai mặt của việc say mê thần tượng: nếu
ngưỡng mộ đúng mức là tích cực, thì ngưỡng mộ quá mức là tiêu cực và có thể
còn gây ra hậu quả khôn lường.

2. Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm)
Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa (1,0 điểm):
+ Ngưỡng mộ thần tượng thể hiện nhu cầu văn hóa cao của con người: nhu cầu
được sống trong những tình cảm cao cả, nồng nhiệt; nhu cầu được hướng tới,
vươn tới những tầm cao, những đỉnh cao sáng giá của đời sống.
+ Ngưỡng mộ thần tượng là một ứng xử văn hóa, biểu hiện ở các phương diện:
thái độ trân trọng mến phục; hành động tôn vinh cổ vũ; ngôn ngữ ca ngợi tán
dương.
- Mê muội thần tượng là một thảm họa (1,0 điểm):
+ Mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình
cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị; mê muội
thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại
cho bản thân và xã hội.
+ Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay khuyếch trương thần tượng quá mức
đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu
lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)
- Cần có nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những
hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, làm cho tâm hồn
phong phú hơn, nâng tầm văn hóa cho bản thân, từ đó phấn đấu vươn tới những
tầm cao của đời sống.
- Biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo
thần tượng một cách mù quáng; phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong
cuộc sống hàng ngày, trước hết là trong học đường.




7 nhận xét:

  1. 'Đề Văn về thần tượng nhằm thức tỉnh lối sống ảo'
    Theo nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, đề Văn đại học năm nay rất hay, nêu đúng thực trạng của một bộ phận thanh niên sùng bái và mê muội một cách hình thức các ngôi sao.
    Một nhóm học sinh đã phản ứng cho rằng đề thi "đá đểu", "xoáy vào Kpop" khiến thầy Đại không hài lòng.
    Theo thầy, đề Văn nêu trên đã mở rộng đường cho học sinh bàn luận. Những học sinh ở THPT Nguyễn Gia Thiều, nơi thầy làm hiệu trưởng khi được hỏi đều cho biết đã viết rất tốt. Người ra đề cũng đã tách bạch được vấn đề: có thần tượng là điều tốt, sùng bái thần tượng không phải chuyện xấu nhưng mê muội thì là thảm họa.

    "Chỉ một số em có suy nghĩ lệch lạc, chủ yếu là fan của nhạc Hàn mới nhận định sai lệch về đề thi như thế. Tôi rất mừng vì đa số học sinh đã phản ứng lại ý kiến của em đó rất tốt, thể hiện được sự hiểu biết của mình", thầy Đại nói.


    Theo thầy Đặng Đình Đại, đề Văn theo hướng mở rất hay và giám thị chấm phải mở theo hướng "phiêu" của thí sinh. Ảnh: Hoàng Hà.
    Theo thầy giáo dạy Văn lâu năm, mỗi người đều cần có thần tượng để học tập, vươn lên. Thần tượng của mỗi người là khác nhau, ngưỡng mộ thái quá hay mê muội là điều không nên. Đề thi của Bộ cũng không có ý nào nói "không cần thần tượng" mà chỉ tạo cơ hội cho thí sinh được thể hiện suy nghĩ của mình về đối tượng, mức độ noi theo thần tượng. Câu hỏi này cũng đòi hỏi người viết sử dụng vốn sống thực tế, suy nghĩ chín chắn chứ không máy móc.

    Đề thi đã nêu đúng thực trạng của một bộ phận thanh niên hiện nay, sùng bái và mê muội một cách hình thức các ngôi sao mà không nghĩ đến điều kiện kinh tế gia đình, không theo được những cái tốt, không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

    Thầy Đại cho rằng, đề mở dễ cho người viết và khó đối với người chấm. Hiện nay Bộ vẫn có barem chấm điểm nên việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh còn tùy thuộc vào năng lực người chấm. Tuy nhiên, dù viết theo hướng nào thì bài phải đạt yêu cầu thể hiện sự phân biệt các thái độ đúng với thần tượng, không mê muội, hình thức diễn đạt mạch lạc, sáng sủa.

    "Tôi cho rằng người ra đề đã có ý định hướng giới trẻ qua câu nhận định, tuy nhiên những em nào giỏi có thể phản bác lại điều này, phủ định mê muội không phải là thảm họa thông qua các dẫn chứng thuyết phục và vẫn có thể đạt điểm tốt", người thầy có nhiều năm chấm thi Văn nói.

    Theo thầy Đại, một nữ sinh sau khi thi đã viết lên facebook những lời nhục mạ người ra đề và các bạn không cùng quan điểm với mình - đó là một cách phủ định lại đề thi. Tuy nhiên, lập luận của em này không vững chắc, lí lẽ không thuyết phục nên chắc chắn không được giám thị chấp nhận và bị cộng đồng mạng "ném đá".

    Ông cũng khẳng định, với bất kỳ thần tượng nào nếu thái quá đều không tốt. Ví như việc thần tượng Ngô Bảo Châu, nếu vì yêu thích anh mà bắt con phải học Tiểu học Thực nghiệm, cấp 2 Trưng Vương, cấp 3 chuyên Toán...thì thật mù quáng. Thầy Đại cho rằng, học tập thần tượng là điều tốt nhưng ở từng khía cạnh nhất định và trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

    "Dư luận đã rất phẫn nộ khi một bộ phận giới trẻ hôn ghế nơi thần tượng ngồi. Tôi cho rằng đề thi này hướng tới việc thức tỉnh các em, không nên sống ảo, ngộ nhận, đánh giá không đúng về bản thân. Đề thi đã để học sinh tranh luận, phản biện để rèn luyện kỹ năng. Đây là việc mà các nhà trường chưa làm được", thầy Đại nhận xét.

    Trong buổi họp báo chiều 10/7, trả lời cầu hỏi của VnExpress về việc đề mở như môn Văn cách chấm thi liệu có mở hay không, Cục phó Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Trần Văn Nghĩa cho biết, việc ra đề mở trong môn Văn gắn liền vấn đề xã hội đã được thực hiện nhiều năm, tránh để học sinh học vẹt.

    Bộ cũng có hướng dẫn chấm thi và nêu rõ thí sinh có thể làm khác đáp án nhưng lập luận chặt chẽ, lí lẽ xác đáng thì vẫn được điểm tối đa. "Các em hoàn toàn có thể bình luận ngược lại ý trong đề thi với những dẫn chứng cụ thể và xác đáng. Bộ luôn khuyến khích những bài làm không giống đáp án và mang tính sáng tạo cao", Cục phó Nghĩa nói.
    Hoàng Thùy

    Trả lờiXóa
  2. Hy vọng từ đề thi mở
    12/07/2012 4:05
    Không gói gọn những gì đã học trong sách giáo khoa; biết bám sát những vấn đề thời sự, liên quan đến cuộc sống đang diễn ra hằng ngày; để cho thí sinh tự do phát biểu quan điểm của mình… Đó là những đổi mới trong cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT những năm gần đây, đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa diễn ra.

    Phần lớn các giáo viên đều nhận định đề thi được ra theo hướng rất mở, kích thích tư duy sáng tạo, vượt khỏi công thức: bám sát sách giáo khoa - đúng đáp án - có điểm cao đơn điệu như lâu nay.

    Liên tục trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, đề thi môn địa lý nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa - trực diện hay gián tiếp bàn đến chuyện chủ quyền biển đảo đang nóng bỏng của đất nước. Đề thi môn văn không ngần ngại nhắc đến những hiện tượng đang là mối lo của xã hội: sự vô cảm, thờ ơ, thói dối trá, cơ hội, hội chứng mê muội thần tượng đến phát cuồng... Ngay cả ở những môn khoa học tự nhiên đơn thuần là công thức và tính toán, những vấn đề nóng của toàn cầu cũng được khéo léo lồng ghép. Đơn cử như đề thi môn hóa, có hai câu nói về khí ozone trong tầng khí quyển và chất thải công nghiệp.

    Chưa bao giờ xảy ra hiện tượng một nội dung của đề thi tuyển sinh trở thành diễn đàn tranh luận trên mạng như đề thi văn khối D vừa qua. Điều này, chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã thành công trong việc ra đề thi theo hướng mở và biết chạm đến vấn đề những người trẻ quan tâm. Có tranh luận nghĩa là có trăn trở, có quan tâm. Còn hơn với những đề thi cố làm cho xong để lấy điểm rồi muốn quên ngay sau khi rời khỏi phòng thi.

    Tuy vậy, dư luận cũng băn khoăn, lo lắng về sự không đồng bộ giữa việc ra đề thi - cách chấm thi và phương pháp giáo dục trong trường phổ thông hiện nay.

    Ngay trong cuộc họp báo kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào chiều tối 10.7, khi phóng viên đặt vấn đề nếu thí sinh có ý kiến khác thì có được tính điểm hay không, ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định: “Đề thi mở thì nội dung đúng hay sai không quan trọng”. Ông Nghĩa nói thêm: “Thí sinh có thể bình luận không đúng nhưng phải có lập luận và đưa ra được chứng cứ. Đề thi nhằm khuyến khích những bài giải khác đáp án nhưng phải có đầy đủ lý lẽ thì vẫn được cho điểm”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khi trả lời Báo Thanh Niên cũng nhấn mạnh: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách trình bày khác so với đáp án nhưng đúng thì vẫn cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”.

    Thí sinh hy vọng quan điểm này của lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ được các giám khảo lĩnh hội nhất quán trong suốt quá trình chấm thi.

    Một vấn đề không kém quan trọng cần đặt ra khi đề ra theo hướng mở. Đó là phương pháp dạy học trong trường phổ thông cũng phải hướng đến sự tự do, sáng tạo. Điều này phải trở thành hiện thực chứ không thể là lý thuyết suông như lâu nay. Bởi thực tế hiện nay không nhiều học sinh hứng thú với những giờ học văn trong trường phổ thông. Đây là môn học vẫn bị cho là khô khan, không ấn tượng. Đó là chưa kể việc giáo viên khuyến khích học sinh làm bài theo khuôn mẫu ngay từ tiểu học cũng là thực trạng báo động trong việc dạy và học văn hiện nay.

    Mọi sự đổi mới, phát triển phải đồng bộ thì mới có hiệu quả. Hy vọng từ đổi mới trong công tác ra đề, Bộ GD-ĐT sẽ mạnh dạn cải tổ chương trình cũng như phương pháp dạy và học trong trường phổ thông.

    Đăng Nguyên

    Trả lờiXóa
  3. hay quá bạn ơi cảm ơn bạn nha

    Trả lờiXóa
  4. Hay quá
    ----------------
    Mr. Thanh Phong - chuyên tư vấn thiết kế và xây dựng theo trường phái Phong Thủy Học tại TPHCM
    Mời bạn tham quan bài viết Thiết kế nội thất văn phòng theo Phong thủy tại TPHCM hoặc Thiet ke noi that van phong theo Phong thuy tai TPHCM

    Trả lờiXóa