Trương Ngọc Yến Như Số thứ tự: 29 Lớp: 12A5 Trường THPT Võ Thị Sáu
Ở nước ta ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế – khoa học kỹ thuật, hoàn cảnh xã hội và môi trường sống cũng dần thay đổi. Bên cạnh những kế hoạch, những chính sách phát triển kinh tế thì các vấn đề về xã hội cũng đang được nhà nước và nhân dân ta quan tâm rất nhiều. Hiện nay, một vấn đề cấp thiết cần được xã hội quan tâm va giải quyết là tình trạng của các trẻ em lang thang, kiếm sống trong thành phố. Đây là một thế hệ tương lai của đất nước tuy nhiên cũng là một đối tượng có nguy cơ bị xâm hai cao bởi các tệ nạn xã hội. Nhận thấy được điều đó cùng với sự cảm thông, chia sẻ, nhiều tổ chức, giáo dục, cá nhân đã thu nhận trẻ em lang thang, kiếm sống trong thành phố về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên.
Đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp của những người không thể im lặng và ngoảnh mặt trước bao mảnh đời đáng thương của trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Cuộc sống của các em đa số không gia đình, không nghề nghiệp, lang thang đánh giày, bán vé số… nay đây mai đó, làm được có tiền thì ăn, không thì phải nhịn đói. Có nhiều em, do ra đời từ rất sớm nên chưa có nhận thức về cuộc sống, chưa có thể tự nuôi sống bản thân đã dẫn đến con đường ăn cắp, móc túi… Đối với các em lớn hơn, có chút sức khỏe thì đi làm mướn, làm thuê để kiếm sống nhưng cũng bị người xấu dụ dỗ, lợi dụng. Trẻ em lang thang luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa, nếu không được quan tâm thì sẽ có nguy cơ trở thành một thành phần xấu, tiêu cực cho xã hội sau này. Do vậy, khôi phục cho trẻ em lang thang được học hành, được chăm sóc, được che chở dưới mái ấm gia đình là một việc làm vô cùng cấp thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp các em hướng thiện, tạo hành trang để các em có thể tự tin bước vào đời. Một em được nhận vào làm việc tại khách sạn bốn sao sau khi được tạo điều kiện tham gia một khóa học đã tâm sự:” Việc tiếp xúc, định hướng cho những đứa trẻ đường phố , lang thang như chúng em rất khó vậy mà các thầy, cô đã vượt qua tất cả để dạy dỗ, giúp đỡ chúng em. Chúng em học mà không tốn bất cứ khoản tiền nào , còn được ăn ngủ miễn phí. Bây giờ, em và các bạn khác đã có thể tự tin hòa nhập với xã hội. Em thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác”.
Thế nhưng, trong khi mọi người đang cố gắng, nổ lực để có thể giúp đỡ các trẻ em lang thang thì đâu đó trong xã hội vẫn còn một số người nhận nuôi các em vì mục đích xấu xa. Họ thu nhận các trẻ em lang thang về nuôi không phải để dạy dỗ, chăm sóc, giáo dục mà chỉ lợi dụng các em để thu lợi cho riêng bản thân họ. Họ đã bóc lột sức lao động và biến trẻ em lang thang thành một công cụ kiếm ra tiền bằng những con đường phạm pháp. Một vấn đề xã hội đang bức xúc hiện nay là tình trạng một số em gái bị bán sang Trung Quốc. Trẻ em lang thang luôn đứng trước nhiều mối đe dọa nhưng sự phối hợp và tập trung giải quyết của các ngành, các cấp thì chưa thật đúng mức, đồng bộ nên chưa có hiệu quả cao. Đã có nhiều trường hợp các em “ tái lang thang”, trở về với cuộc sống cơ nhỡ trước kia. Việc tiếp xúc, định hướng cho những đức trẻ đường phố lang thang là rất khó nhưng không phải là không làm được. Để giúp đỡ các em một cách có hiệu quả nhất thì phải có sự phối hợp không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà còn ở các tổ chức, cá nhân của toàn thể cộng đồng.
Ai trong chúng ta có thể không chút chạnh lòng khi biết đâu đó ở các bãi rác trong thành phố chính là nơi kiếm sống của nhiều trẻ em, những đứa trẻ mô côi, lang thang phải đi bán báo, đánh giày… rong ruổi khắp đường phố từ sáng sớm đến tối mịt để có được ngày hai bữa ăn.
Tuy cuộc sống của chúng ta ngày một phát triển hơn, bận rộn hơn nhưng đằng sau những điều ấy, chúng ta luôn mong được chia sẻ, được làm gì đó cho xã hội, cho mọi người. Hãy đừng chỉ sẻ chia bằng lời nói, cảm thông bằng suy nghĩ mà chúng ta phải cùng nhau hành động, hành động vì một thế hệ tương lai của đất nước. Chúng ta hãy sẵn sàng tham gia và ra sức kêu gọi mọi người cùng tham gia vào các tổ chức, các đoàn thể giúp đỡ những mái ấm tình thương để có thể tạo một môi trường sống và học tập thật tốt cho các trẻ em lang thang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét