Học làm người ôn hòa
TTO 23.12.2010
Lần đầu tiên, tại Đà Nẵng thử nghiệm mô hình “nói không với bạo lực gia đình” dành cho nam thanh niên thuộc thế hệ 9X trong trường THPT, ĐH. Các CLB nam thanh niên phòng chống bạo lực gia đình được gọi là CLB Bạn và tôi.
Lần đầu tiên, tại Đà Nẵng thử nghiệm mô hình “nói không với bạo lực gia đình” dành cho nam thanh niên thuộc thế hệ 9X trong trường THPT, ĐH. Các CLB nam thanh niên phòng chống bạo lực gia đình được gọi là CLB Bạn và tôi.
Một buổi sinh hoạt của CLB Bạn và tôi ở Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng - Ảnh: Đoàn Cường |
CLB Nam thanh niên phòng chống bạo lực gia đình nằm trong dự án hoạt động do T.Ư Đoàn và Quỹ phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2010. Đà Nẵng là địa phương được chọn thực hiện thí điểm đầu tiên trong cả nước.
“Giải nhiệt” cơn giận dữ
Một buổi tối giữa tháng 12-2010, tại căn phòng nhỏ của Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, 18 thành viên CLB Bạn và tôi cùng sinh hoạt.
Phan Thành Nam - chủ nhiệm CLB (26 tuổi, hiện là giảng viên Trường ĐH TDTT) - khởi động chương trình bằng một trò chơi vui nhộn. Tay cầm một con gấu bông, xung quanh đa số là sinh viên sắp ra trường đã được phát sẵn những tờ giấy A4. Nam nói nhỏ: “Lớp học để giúp các bạn trở thành người đàn ông lý tưởng trong tương lai”. Nam bật bản nhạc không lời nhẹ nhàng My heart will go on và nói các bạn hãy thả lỏng người, nhắm mắt lại để nghe nhạc.
Hãy chia sẻ cơn giận dữ gần đây nhất của mình. Chuyện gì đã xảy ra trong cơn giận dữ đó. 15 phút trôi qua... vẫn cầm trên tay con gấu bông, Nam nói đây là con vật “linh thiêng”, bạn nào muốn nói hãy giơ tay lên. Người cầm trên tay con vật này sẽ có quyền nói những gì đã trải qua, những người khác sẽ lắng nghe.
Một sinh viên năm 3 mở màn kể câu chuyện cách đây vài ngày đã cãi nhau với một sinh viên năm 1 ở cùng phòng trọ. Trong cơn bốc đồng, hai người thách đố nhau cùng ném hai chiếc điện thoại trị giá hơn 5 triệu đồng vào tường nát vụn... “Sau hành động đó, mình vẫn thấy bồn chồn và chuyển sang hối hận bởi trị giá hai chiếc điện thoại với sinh viên đâu có nhỏ” - bạn tâm sự. Một bạn khác kể sự việc chỉ vì trong lúc đá banh có va chạm với một người bạn rồi không kiềm chế nên hai bên nhảy vào định ăn thua đủ với nhau. Đỗ Lê Vũ, người phụ trách hoạt động của các CLB (Thành đoàn Đà Nẵng), chia sẻ cơn nóng giận giữa Vũ và một người bạn thân suýt làm đổ vỡ tình bạn của hai người...
Nam hỏi: “Vậy giải tỏa cơn giận bằng cách nào?”. Hai nhóm được phát hai tờ giấy lớn và ghi chi tiết: khi cơn giận dữ xảy ra, nên làm gì? Điểm chung các bạn nêu là: chia sẻ với ai đó, đi dạo, ngủ... Nam tâm sự: “Giận dữ và bạo lực rất gần với nhau. Vì vậy để không có bạo lực thì phải giải tỏa cơn giận bằng hành động tích cực”...
Từ nạn nhân bạo lực gia đình
“Kết thúc khóa học em sẽ về nói chuyện thẳng thắn với ba như hai người đàn ông rằng ba cần hiểu con cái hơn, quan tâm đến con hơn là những đòn roi” - Nguyễn Thành N. (khoa quần vợt) tâm sự. Dù là sinh viên năm 2 nhưng N. vẫn bị ám ảnh bởi những đòn roi của cha mà đỉnh điểm là khi bị bỏ vào bao tải và treo lên đánh đòn. Hậu quả là giờ đây giữa N. và cha rất ít nói chuyện với nhau, thậm chí lảng tránh nhau. Suốt thời gian đi học N. rất ít nói chuyện, luôn trầm ngâm so với bạn bè. “Không biết giải tỏa bằng cách nào” - N. cho biết.
Tương tự, Nguyễn Cao K. (khoa quần vợt) cũng từng là nạn nhân khốc liệt của bạo lực gia đình. Sau những cơn nhậu say xỉn, cha K. thường về nhà lôi vợ cùng hai con ra đánh rất thậm tệ. Cho đến lúc cha kéo đầu mẹ đập vào trong gương, thấy vậy K. vừa khóc vừa thương mẹ nên đã cầm cây gỗ đánh trả lại cha để giải cứu mẹ. Sau hành động đó K. bỏ nhà đi hai ngày. K. thổ lộ: “Em biết hành động của mình là sai, nhưng quá uất ức không biết phải làm gì để cứu mẹ đã dẫn tới sự việc đó”. Sau những buổi học, K. bày tỏ: “Em sẽ về nói với ba rằng con đã qua một lớp học phòng chống bạo lực gia đình. Rằng ba không có quyền đánh vợ con, nếu còn tiếp diễn con sẽ nhờ đến bà con hàng xóm, thậm chí chính quyền, pháp luật”. Và K. cũng tự hứa sẽ không bao giờ nhậu nhẹt như ba, sau này có vợ sẽ không làm khổ vợ như ba từng đối xử với mẹ.
Đỗ Lê Vũ kể có bạn nam sinh viên ở ĐH D do không kiềm chế cơn nóng giận đã... ra đòn với chính bạn gái của mình. Sau những buổi học tại CLB, nam sinh viên ấy đã về xin lỗi người yêu và cam kết không tái phạm nữa.
Sau nhiều buổi sinh hoạt tại CLB, nhiều bạn đã tự nhận thấy mình mềm mỏng hơn, sống có trách nhiệm và thương yêu người thân, bạn bè hơn trước.
Tác động thay đổi hành vi Tháng 9-2010, tám CLB Bạn và tôi đã được thành lập ở sáu trường THPT, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng. Nội dung các buổi sinh hoạt là làm quen, tạo không khí cởi mở, an toàn; nhận diện nam tính, phân biệt các dạng bạo lực; lập kế hoạch hành động... Các hoạt động nhằm tác động đến nhận thức, thay đổi hành vi của các nam thanh niên, chia sẻ những vấn đề về giới, khúc mắc trong mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè, sẻ chia những nỗi bất hạnh của phụ nữ... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét