3 thg 6, 2012

Làm sao trị được bệnh dối trá?


TTO - Câu 2 đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm nay yêu cầu viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Đề thi này được nhiều bạn đọc quan tâm.
Tòa soạn vừa nhận được ý kiến của bạn đọc Dương Minh Triết. Xin giới thiệu với bạn đọc và mong nhận được ý kiến chia sẻ khác của bạn.
Một trong những tài liệu siêu nhỏ sót lại trước Trường THPT Lê Quý Đôn, Buôn Ma Thuột - Ảnh: TR.TÂN
Đọc đề thi văn năm nay thấy các bạn trẻ hớn hở vì nắm chắc điểm cao, tôi cũng vui với các bạn trẻ nhưng tôi buồn. Buồn vì chính nội dung đề thi đó, khi cả đến nhà trường bây giờ cũng phải cảnh báo về thói dối trá và dạy cho các em rằng "thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội".
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ: sáng nay đang ngồi cà phê sáng, bỗng gặp một người quen cũ lâu ngày không gặp. Hỏi anh bây giờ làm ở đâu, anh nói trước đây là phó tổng giám đốc kinh doanh của ngân hàng A, nay mới chuyển sang làm phó tổng giám đốc kinh doanh của ngân hàng C (nước ngoài). Tôi thán phục anh.
Nhưng tôi thật thất vọng khi nói với anh rằng tôi có quen ông tổng giám đốc và cô phụ trách quan hệ công chúng của ngân hàng C đó, anh nói anh chưa biết chỉ vì anh mới vào làm được vài tháng. Làm vài tháng với một vị trí như anh nói mà không biết ông tổng giám đốc và cô phụ trách PR thì quả là chỉ có anh "nổ" - nói toạc ra là anh đã nói dối tôi. Tôi không hỏi gì thêm nữa.
Chuyện này không lạ. Thói dối trá tôi vẫn gặp hằng ngày.
Buổi trưa, tôi biết có nhiều phụ nữ hoặc đàn ông đi vào nhà nghỉ, khách sạn, tiệm matxa để "nghỉ ngơi" trong khi nói dối với vợ hoặc chồng mình là đi làm, giao dịch khách hàng.
Đón con đi học về, tôi mở vở của con đang học mẫu giáo ra, toàn điểm 9 và điểm 10. Hỏi ra mới biết con tôi làm toán sai, nhưng cô giáo bày lại, sửa lại và chấm đúng để con tôi được vui và quan trọng là phụ huynh như tôi được vui.
Vợ tôi cũng là giáo viên, cô ấy kể cuối mỗi học kỳ đều nâng điểm cho học sinh yếu lên mức trung bình theo yêu cầu của tổ trưởng, của hiệu trưởng để lấy chỉ tiêu thi đua với các tổ khác, với các trường khác.
Vô số những chuyện như vậy, tôi không thể kể hết.
Từ bao giờ thói dối trá đã hiển hiện trong xã hội chúng ta như một cái bệnh? Và xem ra căn bệnh này ngày một phổ biến, trầm kha.
Khi trong một xã hội mà mỗi người nói dối không biết ngượng, làm điều dối trá như một việc bình thường thì rõ ràng xã hội đó đáng báo động về sự suy thoái đạo đức dù có khoác lên mình bao nhiêu phù hoa.
Chúng ta có dạy cho con em chúng ta môn học giáo dục công dân từ bậc tiểu học. Chúng ta có đầy đủ những luật, những thiết chế xã hội và vô số những hoạt động từ gia đình, nhà trường đến xã hội để nâng niu giá trị thật, bài bác sự dối trá. Nhưng như thế chưa đủ. Trẻ em và những thế hệ đi sau luôn nhìn lớp đi trước. Nếu người lớn vẫn nói dối không ngượng miệng mà không hề bị phê phán, một số quan chức làm dối nói dối mà vẫn ung dung tự tại thì đừng trách lớp trẻ sao không nói thật, làm thật.
Tôi vẫn thấy chúng ta tiên tục phát động những phong trào như không khói thuốc, không ma túy, không mại dâm, không đủ thứ không. Nhưng tất cả những cái đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu cái cơ bản là tính trung thực không được xác lập, đề cao đúng mức.
Vậy tại sao không phát động phong trào một đơn vị, một cơ quan, một xã hội không dối trá?
DƯƠNG MINH TRIẾT
email
email
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
top
(9)
Tự trọng!
03/06/2012 03:27:21
Vì tự trọng mà không làm điều xấu,không làm gì trái với lương tâm,chứ hoàn toàn không phải vì sợ,nếu không bạn sẽ là người dối trá.
AN HÒA
Dối trá là xấu chứ không phải nói dối là xấu
02/06/2012 18:05:35
Dối trên, lừa dưới, xảo trá với mọi người là điều xấu xa, ai ai cũng lên án, là điều cả xã hội đều lên án. Nói dối đúng nơi đúng chỗ mà không hại người, hại mình thì không cho là xấu. Đôi khi còn có thể giữ được hạnh phúc cho mình và cho người khác. Nói vậy không phải tôi đồng ý cho việc nói dối, Thử hỏi có ai mà chưa một lần nói dối.
LÊ HẢI NHÂN
Làm sao trị được bệnh dối trá?
02/06/2012 16:57:39
Theo tôi thấy thì hình như dối trá đã trở nên quá quen đến nỗi người ta không nhận ra là mình dối trá! Khổ là chỗ đó!
PHAN VĂN BÌNH
Trị Bệnh Dối Trá ?
02/06/2012 15:59:52
Tôi rất đồng ý với bài viết về việc dùng các thiết chế xã hội, đạo đức, phải để mọi người thấy rằng sẽ có hậu quả khi nói dối cũng giống như hậu quả làm trái lại pháp luật vậy. Đó là rất cần thiết, và song song với đó là phải xác định rằng muốn trị được dối trá thì chỉ thành công khi mà tạo được một thế hệ hoàn toàn không có dối trá và chỉ cần một thế hệ hoàn toàn không có dối trá thì sau đó thế hệ con cháu cũng không mắc căn bệnh này. Vì "trẻ con như búp trên cành" và sẽ hấp thụ không những những thứ được dạy mà còn là những thứ chúng nhìn thấy. Tôi rất tâm đắc với một câu nói "trẻ bắt đầu hư khi chúng bắt đầu hiểu người lớn" , phải chăng đây là câu nói dành cho căn bệnh này?
NGUYỄN ANH TIẾN
Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức
02/06/2012 15:43:22
"Từ bao giờ thói dối trá đã hiển hiện trong xã hội chúng ta như một cái bệnh? Và xem ra căn bệnh này ngày một phổ biến, trầm kha" - DƯƠNG MINH TRIẾT. Thiết nghĩ, làm sao để ngăn chặn được "căn bệnh khó chữa" này? Câu trả lời có vẻ còn quá xa vời khi đại bộ phận con người đều tạo ra vỏ bọc cho bản thân mình, sống chỉ vì lợi ích, mục đích, tham vọng cá nhân mà bất chấp tất cả, và dối trá là điển hình. Nhiều người còn lừa dối chính bản thân huống hồ gì là dối trá người khác...Nếu mỗi người tự ý thức và sống trong nền giáo dục hoàn thiện thì mới mong hạn chế bớt sự dối trá trong xã hội.
TRẦN THỊ BÍCH PHƯỢNG
Làm gương
02/06/2012 15:40:33
Đề Văn thi năm nay có câu 2 thật hay vừa thực tế trong việc thi cử của các em lại vừa mang tính thời sự. Ngày nay những thuật ngữ "nổ", "chém gió" xuất hiện càng nhiều đó là biểu hiện của sự dối trá càng trầm trọng. Còn làm sao trị được bệnh này quả là không dễ thực hiện trong một thời gian ngắn. Dân gian có câu "nhà dột từ nóc" và "quét cầu thang phải quét từ trên xuống" nên trị được bệnh này thì cũng thực hiện từ trên xuống. Trong một gia đình nếu cha mẹ luôn thành thật với nhau trong cuộc sống chắc hẳn con cái sẽ không dối mẹ, lừa cha. Ở công ty, nếu ban giám đốc không lừa lọc cấp dưới, luôn sống gương mẫu thì nhân viên hoặc công nhân đâu dám dối ai.... Chính vì vậy, để trị dứt căn bệnh này, những người lãnh đạo phải biết làm gương từ trong công việc đến cuộc sống.
LÊ QUANG HUY - TIỀN GIANG
DỐI TRÁ LÀ MỘT CĂN BỆNH
02/06/2012 15:36:08
Thực ra thì dối trá giống như một căn bệnh vậy, căn bệnh đó xuất phát từ những việc nhỏ nhất, rồi bệnh nặng dần và lây lan, cứ như vậy dối trá dần dần trở thành một nghệ thuật sống... Biết nói dối, biết tán thưởng, khen tụng để được lợi... Cữa căn bệnh này thật khó và thực sự thì hoàn cảnh xã hội này bắt buộc con người ta phải như vậy... Muốn không có sự dối trá, cần phải xuất phát từ giáo dục trong mỗi con người, trong mỗi nhà, trong mỗi cơ quan, đơn vị và cần có những hình thức quy định xử phạt những sự việc dối trá gây hậu quả nghiêm trọng, như vậy, mới hi vọng có được một xã hội trong sạch.
ĐẬU NGỌC LINH
Bác sĩ đã tìm ra bệnh nhưng không cho uống thuốc điều trị 
02/06/2012 15:25:58
Bệnh dối trá tất cả từ trên xuống dưới đều biết. Như bác sĩ đã tìm ra bệnh nhưng không cho uống thuốc để điều trị dứt điểm, nếu hết bệnh thì bác sĩ sẽ thất nghiệp, mất việc làm lấy tiền đâu mà nuôi vợ con.
PHẠM QUANG THẠNH
Do giáo dục mà ra
02/06/2012 15:13:20

1 nhận xét:

  1. xã hội đang phát triển theo quy luật tất yếu mà , dễ gì ngăn lại dược

    Trả lờiXóa