Trẻ vô cảm do người lớn vô… tình
Dành nhiều tình cảm yêu thương, dạy dỗ cho trẻ giúp các em sống không vô cảm.Ảnh chụp học sinh chơi trung thu tại quận 7
|
Theo nhiều chuyên gia, sự vô cảm không hoàn toàn do giới trẻ mà một phần còn xuất phát từ việc người lớn vô tình!
“Phần ai nấy biết”
Đề thi tuyển sinh môn văn vào lớp 10 tại TP.HCM mới đây nhắc đến hai tình huống. Thứ nhất, một cô bé 15 tuổi được mẹ chở đi đánh cầu lông. Khi xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc văng tung tóe thì chỉ có người mẹ vội vàng gom nhặt và vài người đi đường dừng lại giúp. Riêng cô bé thờ ơ đứng nhìn. Sau khi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và còn thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè”.
Tình huống thứ hai, một học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ thì đã trả lời rất rành mạch từ cách ăn mặc đến sở thích… của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ, cậu lại ấp úng.
Tình huống nào trên đây hẳn cũng đều tạo sự thiếu thiện cảm cho người chứng kiến, thậm chí sẽ có người bất bình. Thực tế, tại một thành phố lớn như TP.HCM, vấn đề trẻ vô cảm, thờ ơ ngay cả với gia đình, cha mẹ không khó bắt gặp. ThS. Hoàng Thị Thùy Dương (giảng viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) dẫn chứng một trường hợp phụ huynh chở con đi học mà chị vô tình thấy được. Khi xe không may bị tắt máy giữa đường, chỉ có người mẹ đổ mồ hôi đẩy xe suốt đoạn đường dài tìm chỗ sửa, còn đứa con dù đã mặc đồng phục của một trường cấp 3 rồi mà vẫn chỉ leo tót lên lề đường đứng đợi mà không hề phụ giúp. Hay như mới đây, việc một bạn trẻ hùng hồn tuyên bố trên mạng rằng sẵn sàng… giết cha mẹ nếu không cho em đi xem thần tượng biểu diễn đã gây “sốc” trong dư luận. Đây có thể nói là lời cảnh báo về tình trạng tuột dốc đạo đức, vô cảm của một bộ phận giới trẻ. Theo ThS. Thùy Dương, hiện nay việc học sinh dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính… cho học sinh đã vô tình “nhốt” các em vào một thế giới ảo, ngăn cách với mẹ cha, bạn bè. Giữa lớp học rất đông vẫn còn đó vài học sinh sống thu mình chỉ “ta với ta”, khi được phân công việc gì dù không hứng thú vẫn miễn cưỡng làm mà không thể hiện chính kiến. Ngay cả khi gặp khó khăn lúc thực hiện nhiệm vụ được phân công, các em cũng vẫn không hề chia sẻ với giáo viên. Đối với những trường hợp học sinh như vậy, giáo viên rất khó xác định các em nghĩ gì… Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, học sinh thường tự giải quyết được nhiều nhu cầu thông tin từ đó ít tiếp xúc, chia sẻ với cha mẹ. Các em sống cho riêng bản thân mình nhiều hơn. Thậm chí ngay cả khi cha mẹ, ông bà bị bệnh có em vẫn thờ ơ.
Lấy tình cảm trị… vô cảm
Ở góc độ tâm lý, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận, một số bạn trẻ hiện nay xem thần tượng, bạn bè quan trọng hơn cha mẹ. Lâu lâu được bạn giúp đỡ một lần các em thấy ấn tượng và nhớ mãi trong khi cha mẹ quan tâm, nuôi nấng cả chục năm trời vẫn không nhận ra công lao. Thậm chí nhiều em ích kỷ, chê bai đấng sinh thành từ chuyện nấu bữa ăn dở đến mua món đồ không hợp thời trang trong khi chính bản thân các em chưa hề nấu được bữa ăn hay mua tặng mẹ cha tấm áo… Tuy nhiên xét ở khía cạnh khác, ThS. Hiếu cho rằng sự vô cảm của giới trẻ hiện nay, lỗi không hoàn toàn ở phía các em mà một phần do sự vô tình của người lớn. Nhiều em rơi vào lối sống này vì thiếu tình thương, ít được quan tâm, hay bị cha mẹ đay nghiến. “Một khi còn cảnh tượng cha mẹ khuyến khích con mình ùa vào đám đông để cùng nhặt tiền, đồ đạc của người khác đánh rơi do một vụ va quẹt xe trên đường thì sự vô cảm, sai lệch lối sống là khó tránh. Do tâm lý bắt chước, “bệnh” vô cảm nếu không ngăn sẽ lây lan như virus. Giới trẻ không thể làm chủ được xã hội nếu cứ sống vô cảm!” - ThS. Hiếu khẳng định. TS. Mai cũng cho rằng, hành động định hướng, uốn nắn thường xuyên của cha mẹ là không thể thiếu đối với việc “trị bệnh” vô cảm ở giới trẻ.
Muốn “trị” hết bệnh vô cảm cho con, cha mẹ phải nhận ra sự vô cảm ở trẻ, từ đó phê phán, phân biệt để định hướng cho các em. ThS. Hiếu nhấn mạnh, với học sinh - sinh viên, việc có thần tượng không phải là xấu. Các bậc cha mẹ không nên bôi xấu hình ảnh thần tượng của con. Thay vào đó nên lái tình cảm ấy sang hướng tích cực. Chẳng hạn, hướng các em vào việc ước mơ, nỗ lực để đạt được thành công giống như thần tượng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Đừng “bôi xấu” thần tượng của con
“Với học sinh - sinh viên, việc có thần tượng không phải là xấu. Các bậc cha mẹ không nên bôi xấu hình ảnh thần tượng của con. Thay vào đó nên lái tình cảm ấy sang hướng tích cực. Chẳng hạn, hướng các em vào việc ước mơ, nỗ lực để đạt được thành công giống như thần tượng” - ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét