23 thg 7, 2012

Suy ngẫm: Từ đề thi đến đáp án môn Sử ĐH 2012


Góp ý về đáp án đề thi đại học 2012 môn Lịch sử
15/07/2012 6:47:54 CH
Góp ý về đáp án đề thi đại học 2012 môn Lịch sử
Mặc dầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự điều chỉnh đáp án ở câu 4a, song với cá nhân tôi vẫn còn băn khoăn với đáp án môn Lịch sử trong kỳ thi đại học năm nay.
Trong kỳ thi tuyển sinh 2012 – 2013, đề thi đại học môn lịch sử 2012 đã thể hiện rõ tính phân hóa thí sinh rõ nét khi có đến hai câu thông sử (Câu 1, Câu 4a hoặc 4b) và hai câu tư duy nâng cao (Câu 2 và câu 3 phần Lịch Sử Việt Nam).
Tuy nhiên, theo bản thân tôi nhận thấy rằng giữa đề thi và đáp án kỳ thi đại học môn lịch sử năm nay có sự vênh khá rõ. Điều đáng nói là sự vênh này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi tuyển của các em. Có thể thấy rõ điểm vênh này qua đáp án của các câu 1, câu 3 và câu 4a.
Ở câu 1: (2,0 điểm) Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Với câu này học sinh hiểu là tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đến nền kinh tế Việt Nam. Nghĩa là biến chuyển của nền kinh tế Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp. Đây là phần đầu tiên ở mục 3 bài 12 sách giáo khoa Lịch sử 12 theo chương trình chuẩn (trang 77): “Những chuyển biến mới về kinh tế và giai cấp xã hội ở Việt Nam”. Học sinh hiểu phải trình bày về mặt tích cực và hạn chế của kinh tế Việt Nam do tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp mang lại, trong đó hạn chế là chủ yếu.
Tuy nhiên trong đáp án của bộ giáo dục lại nặng về trình bày nội dung cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chiếm 1,5 điểm. 0,5 điểm còn lại dành cho phần tác động. Rõ ràng với đáp án trên cho một câu thông sử thuần túy, thí sinh đã mất trắng 1,5 điểm! Đúng ra câu này bộ nên điều chỉnh ngược lại: phần nội dung cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp nêu ngắn gọn lại và chỉ cần cho 0,5 điểm là đủ. Phần tác động nên mở rộng với 1,5 điểm thì mới đúng thực chất
Ở câu 3: (3,0 điểm) Cuối tháng 3 - 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 - 1975).
Trong đề thi này đã xác định rõ thời gian là “cuối tháng 3 – 1975” nên không thể đòi hỏi thí sinh trình bày sự kiện hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối 1974 đầu 1975 (0,5 điểm) được.
Với câu này học sinh tập trung nêu quyết định của Bộ Chính trị là: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975)”. “Ngày 14/4/1975 Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Sau đó nêu cơ sở là “từ thắng lợi nhanh chóng của hai chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế- Đà Nẵng” cùng ý nghĩa của 2 chiến dịch đó là đủ. Như vậy, với câu này thí sinh mất tiếp 0,5 điểm.
Ở Câu 4a: Theo chương trình Chuẩn (3,0 điểm)
Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Ý thứ tư trong đáp án (0,5 điểm): “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam, và các cuộc đấu tranh theo mùa… luôn diễn ra mạnh mẽ” không thuộc chính sách đối ngoại! Phần này Bộ đã điều chỉnh bỏ !
Như vậy, nếu các em đọc kỹ đề thi, hiểu tường tận đề thi, làm theo đúng yêu cầu của đề thi thì các em vẫn còn bị mất oan 2 điểm sau khi Bộ đã điều chỉnh, bằng một phần tư tổng số điểm tối đa!
Vẫn biết, việc ra đề thi và đáp án của kỳ thi đại học là công việc chịu áp lực nặng nề. Hạn chế về đáp án đề thi có thể không tránh khỏi, song việc đáp án vênh quá lớn so với đề thi sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả của các em. Mong sao trong quá trình thảo luận đáp án, các nhà sư phạm hãy vì tương lai các em có những kiến nghị sao cho phù hợp để các em không phải chịu thiệt thòi.

THS SỬ HỌC NGUYỄN VŨ, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT CHUYÊN QUỐC HỌC

2 nhận xét: