Thiếu gia đất mỏ bán cơm 5.000 đồng
Từ một thanh niên rất "chơi bời", mua sắm không tiếc tiền, Trung bỗng thay tính đổi nết và luôn đau đáu với các bệnh nhân nghèo. Suất cơm 5.000 đồng hay bữa cháo miễn phí của Trung đã mang lại niềm vui cho nhiều người.
> Quán cơm 5.000 đồng ở Hà Nội
Thứ bảy và chủ nhật, quán cơm bình dân di động của Nguyễn Thành Trung (24 tuổi, quê Quảng Ninh) lại đến với các bệnh nhân ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngoài ra, cứ hai tuần một lần, Trung cùng các tình nguyện viên đến biếu cơm miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện K. Trước đó, quán cơm 5.000 đồng của chàng trai đất mỏ Quảng Ninh này "đóng đô" ở cổng sau của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Với Trung, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện K là hai nơi cậu mong muốn được chia sẻ nhất. Trung lý giải, Bệnh viện Nhi là nơi những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời còn Bệnh viện K đón bệnh nhân nặng sắp ra đi. Bởi vậy, khi không được Bệnh viện Nhi Trung ương cho phép bán cơm 5.000 đồng ở cổng, thiếu gia này đã khóc...
Một lần tình cờ xem bức ảnh ông cụ đói lả nằm co quắp trên cầu Thanh Trì được chia sẻ trên mạng, Trung xúc động và cảm thương cho những hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo của cậu ra đời từ đó. Ban đầu, định phát cơm miễn phí nhưng nhiều người khuyên làm theo mô hình cơm 2.000 đồng trong TP HCM để người mua cảm thấy thoải mái, cậu bắt đầu lên kế hoạch.
Không chỉ bạn bè, người thân mà ngay bản thân Trung cũng không ngờ cậu thanh niên ăn chơi ngày nào lại thay đổi đến vậy. Ảnh: NVCC. |
Để ý tưởng thành hiện thực, Trung lặn lội vào TP HCM để học hỏi kinh nghiệm và tham khảo mô hình quán cơm 2.000 đồng. Thấy không đủ tiền và hình thức đó không phù hợp ở Hà Nội nên Trung quyết định làm theo ý mình.
Khi mới bắt tay vào làm cơm di động 5.000 đồng, Trung vừa ra trường và đang đi làm ở cửa hàng điện thoại. Toàn bộ 20 triệu đồng tích cóp được, Trung dành 10 triệu mua đồ dùng nấu ăn, đóng 3 tháng tiền thuê nhà trên đường Láng và chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu đồng để mua rau, thức ăn.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, "ông chủ" trẻ cười híp mắt và luôn miệng nói "khó khăn lắm, giờ nhắc tới vẫn buồn cười". Vừa nói, thân hình gày gò vừa trải qua phẫu thuật của Trung lại rung lên theo tiếng cười vui vẻ. Khuôn mặt nhỏ cùng cặp kính to màu đen trở nên "sinh động" nhờ nụ cười tươi.
Thức dậy từ 3h sáng, Trung lục đục cắm hai nồi cơm to để kịp chín. 4h, cậu cùng hai người bạn gái ra chợ Ngã Tư Sở mua đồ về nấu. Mỗi người chịu trách nhiệm một khâu, riêng Trung nhận phần nấu ăn. Ngày còn học ở nước ngoài, cậu thường xuyên phải nấu cơm nên công việc này với Trung là bình thường.
Trước đó, cả ba cùng lên thực đơn và liệt kê xem cần mua thứ gì, số lượng bao nhiêu khi chỉ có 2 triệu đồng. Không có tiền mua bếp gas, Trung dùng tạm 4 bếp than được một chị ủng hộ. Hôm Trung nhờ bạn lấy ôtô xịn chở bếp than, bát đũa đến, ai cũng phì cười vì không ngờ một thiếu gia như Trung lại "đồng nát" đến thế. Để tiết kiệm, Trung còn định mang than từ dưới quê Quảng Ninh lên.
Hôm đầu may nhờ có bà hàng xóm quen dùng bếp lò nhóm giúp, nếu không ba người loay hoay mãi không nổi lửa lên được. Bữa cơm đầu tiên có 67 suất gồm các món: trứng rán, canh rau ngót, thịt gà, lợn kho và đậu rán. Loay hoay mãi tới tận 10h30 mới xong. Trước khi mang cơm đến viện, một người được phân công đến phát phiếu ăn cho người bệnh.
Nhiều bệnh nhân và người nhà quen đồ ăn ở quán của Trung cứ tới thứ bảy, chủ nhật lại ra xếp hàng mua cơm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhắc đến kỷ niệm bán cơm, Trung cho biết, lần đầu thấy rất ngại khi 3 người ôm thùng xốp to đứng trước cổng viện trước ánh mắt nhìn tò mò, lạ lẫm của mọi người. "Quan trọng nhất là vượt qua được cái Tôi. Một thanh niên ăn mặc sạch đẹp đứng ôm thùng xốp dán tờ giấy in chữ bán cơm có ngượng không? Tuy nhiên lúc nhìn thấy bệnh nhân chạy ra lấy cơm, cảm giác ấy không còn nữa", Trung nói.
Suốt những ngày bán cơm ở cổng Bệnh viện Nhi, hình ảnh bệnh nhân nghèo khổ và nụ cười hạnh phúc của họ khi nhận hộp cơm giá rẻ hay những âu cháo miễn phí nhưng đủ chất khiến Trung nhớ mãi. Có lần, một phụ nữ dân tộc mang phiếu cơm đến nhưng không có tiền mua. Trung liền xới cơm và gắp đồ ăn vào hộp biếu hai mẹ con. Lần khác, chứng kiến bà cụ 80 tuổi lập cập đi mua cơm, Trung lại chạnh lòng xót xa nhớ tới bà mình ở quê.
Dù mưa hay nắng, cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, quán cơm di động của Trung lại đều đặn xuất hiện. Có hôm mưa bão, Trung và nhóm bạn vẫn mang cơm đến. Tới nơi thấy bệnh nhân và người nhà đang đứng đợi, cả nhóm cảm động rơi nước mắt.
"Cảm giác khó tả lắm. Chỉ biết rằng em thấy hạnh phúc. Nhiều người khổ quá", cậu thanh niên 24 tuổi tâm sự.
Hai tháng bán cơm ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, quán cơm của Trung bị bệnh viện đuổi với lý do "căng tin không bán được hàng". Cơm, canh đã chuẩn bị sẵn mà không được bán, Trung ức phát khóc. Đến giờ mua cơm không thấy xe đến, bệnh nhân nhắn tin, gọi điện tới hỏi thăm. Tin nhắn nghi ngờ nhóm lừa đảo khiến Trung thấy đau đớn, cảm giác mình phụ lòng của những người nghèo khổ.
Bệnh nhân xếp hàng mua cơm 5.000 đồng dưới trời nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không được bán ở Bệnh viện Nhi, Trung chở cơm sang bán ở Bệnh viện Thanh Nhàn và sau đó là phát miễn phí ở Bệnh viện K. Thời điểm đó, nhóm nấu cơm của Trung đã phát triển rộng với nhiều thành viên tham gia. "Ông chủ" trẻ phải phân công các bạn làm theo ca, ca sáng chịu trách nhiệm nấu, ca sau dọn dẹp và "phục vụ" lại các bạn đi làm buổi sáng. Dựa vào đơn đăng ký ghi rõ khả năng làm được việc gì, Trung sẽ chốt lịch hàng tuần và sắp xếp các tình nguyện viên tham gia.
Mọi công việc đều do Trung tự tay lên kế hoạch lo liệu rồi vào bếp nấu. Cậu bảo, chưa yên tâm giao cho ai đó đỡ đần công việc. Đợt Trung phải nằm viện vì phẫu thuật khối u, bạn bè quen trên Facebook khi biết công việc của cậu tìm đến bệnh viện thăm.
"Có đôi vợ chồng trung tuổi ở Hà Nội đến thăm em. Hai bác nói một câu khiến em thấy mình phải bình phục nhanh để còn tiếp tục công việc giang dở. Bác ấy dặn: 'Cháu hãy cố gắng ăn uống để có sức khỏe. Còn nhiều người vẫn đang chờ cháu giúp đỡ", Trung kể lại.
Đến giờ người thân, bạn bè và bản thân Trung vẫn bất ngờ khi cậu bỗng dưng thay đổi không ngờ. Trung thừa nhận, trước đây rất "chơi bời". Thú vui lớn nhất của cậu là mua sắm và đi du lịch. Mỗi lần đi shopping, cậu không tiếc tiền nhưng giờ, mỗi lần định mua cái áo, đôi giày hàng hiệu, cậu lại tiếc rẻ nghĩ số tiền ấy có thể nấu được bao nhiêu suất cơm cho người nghèo.
Mới đây, Trung cùng nhóm tình nguyện của mình tới tặng quần áo mới, sách vở cho các em nhỏ làng chài Vông Viêng (Hạ Long). Ảnh: NVCC. |
"Không ai nghĩ em thay đổi như vậy. Bản thân em cũng không hiểu và chỉ cảm thấy mình bớt bồng bột, điềm đạm hơn và vui khi nhìn thấy nụ cười của những người nghèo khổ em giúp", Trung chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Quảng Ninh, sau một thời gian "bươn chải" ở Hà Nội, Trung về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Cậu tâm sự, trước đây chỉ mong có nhiều tiền để làm từ thiện còn giờ chỉ ước có nhiều thời gian để đi được nhiều nơi. Năm học mới này, cậu cùng nhóm tình nguyện đi tặng sách vở và quần áo cho các em nhỏ ở làng chài Vông Viêng (Quảng Ninh). Mới đây, cậu cũng lên tận Lào Cai để chia sẻ với người dân nghèo. Trung thu tới, cậu cũng có kế hoạch tổ chức vui chơi cho trẻ nhỏ.
Biết công việc này của Trung, bố mẹ và người thân ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Trung sợ nhất nước mắt của mẹ và chính bà lý do để cậu "quay đầu"... Nói đến dự định tương lai, cậu ước sẽ mở được quán ăn giá rẻ bán cơm một tuần ba buổi cho người nghèo, riêng thứ 7 sẽ phát cơm miễn phí ở bệnh viện. Trong thâm tâm, cậu vẫn áy náy vì không được đưa cơm tới Bệnh viện Nhi.
Bình Minh
Tôi là Nguyễn Thành Trung
Tôi là Nguyễn Thành Trung, nhân vật được viết đến trong bài. Tôi xin cảm ơn sự ủng hộ và động viên của các cô, bác, anh chị. Tôi mong được đóng góp và sẻ chia khó khăn với những bệnh nhân nghèo khó. Hy vọng quán cơm 5.000 đồng của tôi sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh.
Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng mô hình này ở nhiều bệnh viện khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mong rằng dự định ấy sẽ nhận được sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm. Để góp sức vào quán cơm 5.000 đồng, bạn có thể gia nhập nhóm tình nguyện theo địa chỉ: Cơm 5 Nghìn: http://www.facebook.com/Com5Nghin hoặc liên hệ với tôi theo số điện thoại: 0168 241 9999. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Cảm động
đọc bài viết mà chảy nước mắt... thật cảm động,,, và thật khâm phục anh,,,, ước gì có nhiều cậu ấm cô chiêu làm được như anh
Sao lại thế
Sao Bệnh viện Nhi lại làm thế. Khi lòng tốt của những người như thế bị từ chối. Hay những người nghèo phải góp tiền cho người giàu ở bệnh viện (căn tin) mới đúng. Bạn TRUNG ơi! Tôi cảm phục bạn và luôn ủng hộ việc tốt của bạn.
Giám đốc Viện Nhi phải đọc bài nãy
Chỉ vì cái căng tin không bán được hàng mà bệnh viện để bao bệnh nhân nghèo không được tiếp cận lòng tốt của Trung và các bạn sao?
Ô nhiễm môi trường
Trung thân mến, bạn đã làm được việc tốt nhưng nếu bạn khuyên bệnh nhân mang càmen đi để lấy cơm và thức ăn, tránh phải dùng hộp xốp làm ô nhiễm môi trường thì thật là tuyệt vời. Nếu bệnh nhân không có tiền, bạn có thể tặng họ càmen bằng nhựa, và khuyên họ giữ lấy để dùng lại nhiều lần. Chúc bạn làm được nhiều công đức cho đời.
Tấm lòng vàng trong thời đại mới
Chào Trung! Anh đã khóc và không thể cầm được nước mắt khi đọc bài viết nói về em và những việc làm của em đã làm . Ở một môi trường và xã hội thay đổi đến chóng vánh như bây giờ thật khó có thể tin được là em đã làm những việc thật phi thường và cao đẹp. Cám ơn em rất nhiều, đây sẽ là tấm gương cho thế hệ của đất Việt nên suy nghĩ và làm theo. Hy vọng sẽ có nhiều người hơn và cả cơ quan cùng chung tay giúp sức cho những người có ý tưởng và tấm lòng như Trung, đúng là một tình yêu" thuần khiết". Chúc em luôn thành công trong công việc và thật nhiều sức khỏe. Và ý tưởng của em sẽ được nhân rông ra khắp đất nước xinh đẹp này". Việt Nam ơi.
Xin cảm ơn, những con người tốt bụng!
Hàng ngày đọc báo toàn cảnh cướp, giết, hiếp, tham nhũng... thấy xã hội đi xuống quá, đôi khi thấy nản với cuộc sống này. Nhưng khi được đọc những bài viết như thế này ta lại thấy cuộc đời tươi đẹp vì vẫn còn đó những con người tốt, những tấm lòng cao cả, đặc biệt hơn khi những con người nhân ái đó có tuổi đời rất trẻ. Thiết nghĩ bài viết về những tấm lòng nhân đạo cao cả, những gương người tốt việc tốt, gương hiếu học... nên được đưa thường xuyên hơn trên báo như một công cụ hướng thiện cho xã hội. Xin cảm ơn quý báo!
Thật hay, thật tình người
Rất vui khi thấy một người làm việc có ích cho xã hội như bạn mong rằng bạn và các thành viên khỏe mạnh để có sức giúp đỡ nhiều người hơn nữa, Cảm ơn Trung
Hành động rất đáng học tập
Đọc bài viết này, mình cảm thấy rất vui, vì có nhiều tấm lòng như cậu thì rất trân trọng. Cảm ơn Trung và những người bạn của em. Cảm ơn tấm lòng của em. Chị hy vọng có nhiều người làm được công việc như em đang làm. Nếu em ở HCM chị cũng gia nhập.
Anh khâm phục em lắm Trung ơi, cố lên em nhé!
Nhìn Trung mà anh thật thương và khâm phục. Anh cũng đã có suy nghĩ như Trung mà thật tình anh chưa làm được gì cả. Anh mong Trung hãy nhân hành động của mình đi càng xa Trung nhé. Trung hãy cho mọi người biết thông tin: Email, sdt, Facebook,.... để mọi người ủng hộ ở mức có thể Trung nhé. Thân chào và chúc em sức khoẻ vì có nhiều người cần em lắm.
Xuc dong!
Toi da cam dong roi nuoc mat khi doc bai viet! Thay tin tuong vao lop tre hon, thay yeu cuoc doi nay hon.
Cảm ơn Trung và các bạn!
Thứ 7 vừa rồi mình vào viện thăm người nhà ốm, mình đã chứng kiến cảnh các cô, các bác trong phòng bệnh đón nhận những phiếu ăn 5.000 một cách rất cảm động! Cám ơn các bạn đã có những hành động thật đáng khâm phục. Chúc các bạn có sức khỏe, tình yêu cuộc sống để tiếp tục những việc làm hết sức ý nghĩa. Mong rằng sẽ có nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.
Tấm lòng thơm thảo
Cảm phục tấm lòng của Trung! Xã hội này vẫn cần rất nhiều người chung tay vì cộng đồng.
Khâm phục
Hạnh phúc chính là sự sẻ chia, khi bạn cảm thấy mình sống có ích cho mọi người và cho xã hội, bạn thật sự đã trưởng thành, xã hội vẫn còn đó những mảnh đời đầy bất hạnh, và cũng còn đó những con người đầy vô cảm. Mong rằng xã hội sẽ có nhiều người như Trung.
Mong càng ngày càng có nhiều người có lòng như Trung!
Mong bạn hãy để lại thông tin liên lạc hoặc số tài khoản của quỹ. Chúng tôi mong được là một phần trong công việc của bạn!
Hoan nghênh tinh thần vì cộng đồng của Trung
Đây là một tấm gương sáng để các bạn trẻ VN làm gương, hay chung tay để xã hội tốt đẹp hơn.
kết bạn
có thể cho Thảo biết gmail của Trung được không ? hay những gì có thể để mình có thể liên lạc với Trung .
That cam dong!
Cảm ơn tòa soạn đã cho đăng câu chuyện của em Trung, một thanh niên thật sự có tấm lòng vàng đáng để mọi người ngưỡng mộ và học tập.
Đồng cảm
Xin cám ơn tấm lòng của bạn đã tiếp thêm tinh thần cho những người làm công tác thiện nguyện như mình. CLB Vòng tay nhân ái của mình hiện nay cũng ấp ủ dự án quán cơm như bạn và sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian tới. Mong rằng những việc làm cao cả như thế sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới.
Thật khâm phục ý trí và tấm lòng của bạn
Qua bài báo tôi đọc hôm nay mà thấy cảm động quá. Thời buổi này tìm đâu ra những người có tấm lòng như bạn Trung? Các Bệnh viện hãy ủng hộ tấm lòng của Trung.
do choi xe ford ranger 2016 thai
Trả lờiXóa