31 thg 3, 2011

Người Việt ta học được gì từ người Nhật?


Người Nhật rất ngạc nhiên khi thấy thế giới ca ngợi mình trong cơn động đất, và khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Người Nhật đang làm những công việc phải làm để vượt qua cơn khủng hoảng, nhưng với thế giới, đó là những biểu hiện đáng khâm phục, tính kỷ luật, trật tự, tính tự giác, ý thức cộng đồng, sự chịu đựng, biết kìm nén sợ hãi để có được sự bình tĩnh vượt qua khó khăn.



Thủ tướng Kan thường cúi đầu chào lá cờ Nhật trước
sau đó mới quay lại phía các nhà báo chờ câu hỏi. 

Tôi còn nhớ hồi World Cup năm 2002, tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Rất nhiều fan từ châu Âu sang Nhật xem bóng đá. Trong các sân vận động, sau khi trận đấu kết thúc, người xem ra về, nhưng người Nhật nán lại nhặt các vỏ đồ hộp, chai, lọ, rác vứt rải rác trong sân vận động, để mang ra thùng rác bên ngoài. Nhiều fan Tây thấy xấu hổ, cũng quay lại, học người Nhật, nhặt các vỏ chai lọ, đồ hộp, bao giấy mà mình vứt lại, mang ra thùng rác. Ý thức công cộng của người Nhật quả là đáng khâm phục.

Ở trên đường, khi thấy có đồ bị rơi, như áo len, khăn quàng, găng tay, chìa khóa... người Nhật thường nhặt lên, để ở lan can ven đường cho đỡ bẩn, để cho chủ bị rơi đồ nếu quay lại chỗ cũ tìm, thì thấy được đồ của mình. Có lần tôi để quên cái đồng hồ đắt tiền ở trên bàn, nơi tôi làm việc, tuần sau tôi quay lại, vẫn thấy cái đồng hồ ở đó. Một nữ sinh viên người Việt học nâng cao tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo để quên cái ví trong toa-let. Trong ví có tiền, thẻ tín dụng, thẻ đăng ký người nước ngoài, chìa khóa nhà... Lát sau, người dọn vệ sinh gọi điện cho chị, hỏi có phải chị bị quên ví không (trong ví của chị có số điện thoại). Thật là may mắn.

Ở trên tàu điện, toa nào cũng có hàng ghế ưu tiên dành cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ bế em nhỏ. Những người thuộc đối tượng này nếu lên tàu, thường được người ta nhường ghế cho. Ở chỗ không có ghế ưu tiên, nếu gặp người già, phụ nữ có thai, trẻ em... người ta cũng thường đứng lên nhường ghế. Khi tàu dừng, cửa mở, người chờ lên tàu tự giác đứng  xếp hàng, lánh sang 2 bên cửa, để có chỗ cho người xuống tàu đi ra, sau đó, người lên tàu mới vào tàu, trật tự, không chen lấn, xô đẩy. Tôi đã thấy một nhóm khách du lịch người Pháp đứng trố mắt nhìn người Nhật trật tự xếp hàng chờ lên tàu, không chen lấn, xô đẩy, không cãi cọ, to tiếng. Một thầy giáo người Pháp, đồng nghiệp của tôi ở chỗ làm, đã giải thích là người Pháp cũng xếp hàng lên tàu, nhưng không được trật tự như người Nhật.



Chúng ta cũng cần học thêm từ người Nhật
sự tận tụy, tự giác, lịch sự và khiêm nhường

Hồi năm ngoái, khi Việt Nam thảo luận về làm đường sắt cao tốc, Chính phủ Nhật đã sẵn sàng giúp, nhưng quan ngại nhất là văn hóa đi tàu của người Việt Nam ta.

Có lần, con tôi chơi ở công viên, ném quả bóng qua hàng rào, ra ngoài đường. Một người đi xe máy qua đó, liền dừng xe, xuống xe, nhặt quả bóng, chạy lại đưa cho con tôi, rồi quay lại, miệng cười tươi, lên xe đi.

Một lần khác, khi đến đón con ở nhà trẻ, chưa gặp con, đã thấy cô giáo chạy đến, nói lời xin lỗi, vì trán con tôi hơi bị đỏ. Cô giáo giải thích hôm nay các em tập cúi thấp người để chào. Nhưng con tôi cúi người mạnh quá, nên trán vập xuống đất, bị sầy trán. Trong nhà trẻ, hàng ngày các cháu ăn gì, phải trưng bày mẫu đồ ăn thật trong tủ kính, để ở cửa ra vào, để bố mẹ các cháu khi đến đón con, biết con mình hôm nay ăn gì. Bố mẹ có thể lấy ra để ăn thử.

Trong sổ liên lạc của nhà trẻ, hàng ngày các cô giáo phải viết chi tiết hôm nay đứa trẻ làm gì, học gì, để bố mẹ được biết sinh hoạt của con hàng ngày ở nhà trẻ diễn ra thế nào. Cái sự tỉ mỉ đó của người Nhật về sự chăm sóc trẻ em, có lẽ khó nước nào theo kịp.

Trên các đường phố, nhà ga ở Tokyo, người ta sơn biển cấm hút thuốc lá. Thời gian đầu, người ta chưa phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng, mà chỉ nhắc nhở. Khi có người hút thuốc lá ở trên đường, nhân viên trật tự sẽ đến, đưa cái gạt tàn thuốc lá ra, nói lịch sự rằng: “Dạ thưa, ở đây không được hút thuốc lá. Xin quí vị cho thuốc lá vào đây ạ”. Người Nhật khuyến khích sự tự giác, chứ không ra chế tài xử phạt nghiêm khắc như ở Singapore.

Các nhân viên bán hàng ở Nhật thì rất đặc biệt, khi bán hàng họ chỉ đứng, không được ngồi. Như vậy nếu một ngày làm việc bán hàng 8 tiếng, là 8 tiếng đứng, để bày tỏ sự lễ phép, lịch sự, và tận tụy với khách hàng. Các nhân viên bán hàng khi nhận tiền của khách, phải nói to số tiền khách đưa là bao nhiêu, và phải kẹp tiền đó ở máy tính tiền trước mặt khách, để tránh sự nhầm lẫn. Khi trả lại tiền thừa, cũng phải nói to số tiền trả lại là bao nhiêu. Khi giao hàng cho khách, phải nói lời cảm ơn khách, và kính mời khách hàng quay lại.

Ở rất nhiều siêu thị lớn, lãnh đạo siêu thị thường đứng ở cửa ra vào, để cúi đầu chào khách hàng, dù mua hay không mua hàng. Khách hàng vào xem hàng, thử hàng chán chê, không mua, đi ra, vẫn được cảm ơn, không hề có sự nguýt môi, chửi rủa.



Người Nhật rất ngạc nhiên khi thấy thế giới ca ngợi mình trong cơn động đất

Ở Paris gần đây mới có một số cửa hàng ăn uống do người Nhật mở, với văn hóa phục vụ kiểu Nhật. Các cô gái Nhật đứng ở cửa cúi người chào khách qua lại, dù khách có vào cửa hàng hay không. Nếu khách hàng vào cửa hàng, sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo, với các nhân viên phục vụ luôn đứng khom người khi ghi thực đơn, trả lời, phục vụ khách hàng. Người Pháp không có văn hóa đứng khom người khi phục khách như người Nhật.

Mấy hôm nay động đất, người ta thấy Thủ tướng Kan, và Chánh Văn phòng Nội các Nhật Edano thường xuyên phải trả lời phỏng vấn của báo chí. Trên truyền hình, người ta thấy Thủ tướng Kan, hay Chánh Văn phòng Nội các Edano khi đi ra bục đặt micro, thường cúi đầu chào lá cờ Nhật trước, sau đó mới quay lại phía các nhà báo chờ câu hỏi.

Người Việt ta vốn tự hào về truyền thống anh hùng, đánh thắng quân xâm lược qua các cuộc chiến tranh và nền văn hiến lâu đời nhưng có những điều thiết nghĩ chúng ta cũng cần học thêm từ người Nhật, đó là sự tận tụy, sự tự giác, lịch sự, khiêm nhường, ý thức công cộng...

Minh Tuấn (từ Tokyo) viết riêng cho ĐĐK

30 thg 3, 2011

Cải cách giáo dục

Đừng dạy theo tư duy “sản xuất hàng loạt”
TT - Tại hội thảo khoa học “Giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện”, do Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 29-3, ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, nhận định: “Giáo dục phổ thông có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng đến nay vẫn chỉ tập trung vào việc ứng thí (thi hết cấp, thi vào trường, thi tốt nghiệp). Quá nhiều nội dung buộc học sinh phải ghi nhớ một cách máy móc”.
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu trong giờ giải lao tại hội thảo - Ảnh: MINH ĐỨC
Đột phá ở TP.HCM?
“TP.HCM đã xác định sáu chương trình đột phá, trong đó chương trình cốt lõi nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực đạt trình độ cao thì phải bắt đầu từ hệ thống giáo dục phổ thông. Ngoài những cơ chế chính sách hiện có, TP.HCM phải đi đầu, phải tạo ra những gì mà hiện các tỉnh, thành khác chưa có mới là đột phá. Tháng 9-2010, thường trực Thành ủy đã làm việc với Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ GD-ĐT về phát triển GD-ĐT trong việc này. Tại buổi làm việc, cả Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ GD-ĐT đều mong muốn TP đi đầu trong công tác cải cách giáo dục”.
(Trích phát biểu của ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - tại hội thảo)
Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học giáo dục VN: “Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng dựa trên những cứ liệu về tâm sinh lý trẻ em cách đây 20 năm. Bây giờ không những thể lực mà động cơ, sự hứng thú, đặc điểm nhân cách, định hướng giá trị sống của học sinh phổ thông đã thay đổi nhiều. Qua chín năm triển khai, mặc dù có cải tiến (như hạn chế tính hàn lâm, lý thuyết, tăng cường thực hành, đổi mới phương pháp giảng dạy...) nhưng chương trình giáo dục phổ thông hiện tại vẫn bộc lộ sự bất cập, đó là tình trạng quá tải”.
Ông cho rằng sự bất cập thể hiện ở chỗ chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, thiên về trang bị kiến thức khoa học bộ môn, chưa chú trọng đúng mức tới việc rèn luyện phương pháp tự học, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn... cho HS.
Hướng tới học suốt đời
Tại hội thảo các đại biểu cùng đồng tình: “Cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Nói như ông Nguyễn Quang Kính: “Đổi mới căn bản, toàn diện hay cải cách giáo dục chỉ là một nội dung nếu chúng ta có đề án tổng thể do người đứng đầu hội đồng quốc gia như Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ soạn thảo. Đề án này phải được Quốc hội thông qua và có bố trí ngân sách, tránh tình trạng cải cách nhưng không có tiền thực hiện như ngày xưa”.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã “phác thảo” mô hình trường phổ thông VN trong tương lai: thay thế việc dạy hướng tới thi cử bằng việc dạy hướng tới học suốt đời. Thay thế chương trình giáo dục mang dấu ấn của tư duy sản xuất hàng loạt sang chương trình chú trọng năng lực cá nhân. Nếu trước đây nhà giáo đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức thì tương lai phải là người dẫn dắt học sinh tới các nguồn tri thức. Việc đánh giá HS nhằm vào kết quả học tập sẽ được đổi bằng đánh giá vào định hướng học tập. Tức là cần tìm hiểu xem HS học yếu chỗ nào, học tốt môn gì, định hướng học tập của các em ra sao để giúp đỡ các em chứ không giáo dục theo kiểu hàng loạt, cứ đến cuối kỳ thi em nào đạt thì tiếp tục lên lớp, không đạt thì thôi.
Điều đặc biệt là các đại biểu nhắc nhiều đến việc thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. TS Vũ Trọng Rỹ đề xuất: “Chương trình giáo dục phổ thông phải được thiết kế theo một chỉnh thể từ mầm non đến hết THPT theo hướng tiếp cận phát triển năng lực như: năng lực tính toán và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói và viết, năng lực tư duy logic, phê phán, sáng tạo, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực tự học, tự đánh giá, tự điều chỉnh và học tập suốt đời, năng lực hợp tác và làm việc theo nhóm, năng lực sử dụng công nghệ thông tin”.
Bắt đầu từ trường sư phạm
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam - khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông thực chất là cải cách giáo dục bởi nó cần một cuộc rà soát tổng thể. Trước đây, với cương vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi từng phụ trách công tác cải cách giáo dục. Điểm yếu của những lần cải cách trước là chúng ta lo cải cách chương trình, lo viết sách mới nhưng không lo về giáo viên, không lo cải cách việc đào tạo của trường sư phạm”.
Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu cho rằng đội ngũ giáo viên chính là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục phổ thông. Vì thế, củng cố, tăng cường, phát triển đội ngũ nhà giáo là vấn đề quan trọng bậc nhất cần tập trung giải quyết trong cải cách giáo dục.
Ông Nguyễn Quang Kính phân tích: “Nhất thiết phải có những sửa đổi trong tất cả các khâu: đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo. Phải khắc phục cho được quan niệm dạy lớp thấp không cần trình độ cao. Từ đó, thay đổi chuẩn đào tạo đối với nhà giáo theo hướng đại học hóa toàn bộ đội ngũ giáo viên phổ thông. Sự trì trệ của hệ thống các trường sư phạm trong tiến trình cải cách giáo dục từ trước đến nay chính là lực cản đối với mọi ý định cải cách nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông”.
Theo ông Kính: “Chỗ yếu nhất trong khâu đào tạo giáo viên hiện nay là kiến thức về bộ môn đang được coi trọng hơn kiến thức, kỹ năng sư phạm, mặc dù yếu tố này mới khiến dạy học trở thành một nghề”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đề nghị xem lại cách tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng theo biên chế đối với các trường công lập đã tạo ra sức ì trong việc sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ. Chưa kể cũng dẫn đến thiếu đồng bộ trong cơ cấu ở một trường. Về chế độ đãi ngộ, mức lương thấp đã buộc các nhà giáo phải dạy thêm và nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực/tham nhũng trong ngành giáo dục.
“Đã đến lúc cần thấy việc tồn tại tình trạng thầy dạy thêm để thu tiền, trò đóng tiền để được học thêm chính là cách hủy hoại tính chân chính của nền giáo dục. Muốn khắc phục tận gốc, không có cách nào khác là phải cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên” - ông Nguyễn Quang Kính đề nghị.
HOÀNG HƯƠNG
------------------------------------------------------------------------------------------

SUY NGHĨ  VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN VỀ NHỮNG Ý KIẾN TRÊN?

Bảo vệ môi trường từ hành động thiết thực

Tận dụng - cách tiết kiệm ý nghĩa nhất
TTO - Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... là những chủ đề "nóng" mà có lẽ ai cũng nghe qua chí ít vài lần. Rất nhiều người thân, bạn bè tôi vẫn cho rằng đó là những chuyện vĩ mô nên những người thay đổi cục diện phải ắt hẳn phải là vĩ nhân! Thật ra không phải vậy!
Các tình nguyện viên Giờ Trái đất 2011 tại TP.HCM gấp túi giấy kêu gọi cộng đồng hạn chế sử dụng túi nilông trong đêm sự kiện Giờ Trái đất 26-3-2011 - Ảnh: Nguyễn Thắm
Một ví dụ nho nhỏ nhưng ít ai biết: mỗi người thải ra trung bình 2kg rác mỗi ngày, giả sử ta chết đi ở tuổi 70 thì con cháu sẽ được thừa hưởng trên 50 tấn các loại. Hàng chục triệu con người với hàng tỉ tấn rác trong suốt cuộc đời như thế không sớm thì muộn hành tinh này sẽ trở thành bãi phế phẩm khổng lồ.
Nhưng bạn ơi, xin đừng lo lắng cũng đừng chờ đợi các chính trị gia thống nhất thêm một nghị định thư nào nữa; mà hãy thay đổi cuộc sống chính bản thân ngay từ bây giờ. "Sống xanh" ngay từ suy nghĩ và từ thói quen dù nhỏ nhất sẽ tạo ra những hiệu quả bất ngờ mà đôi khi bạn không nghĩ đến.
Tôi rất thích sự tận dụng vì đó là cách tiết kiệm thú vị nhất. Thay vì vứt bỏ vỏ trái cây, rễ rau củ, bã cà phê vào sọt rác; hãy dùng chúng làm phân bón để trồng trong vườn vài khay xốp rau ăn - vừa có thú tiêu khiển lại tái chế được nguồn dinh dưỡng; tận dụng dầu ăn thừa và học cách biến chúng thành những viên xà phòng hand-made hữu ích.
Hãy tận dụng bọc nilông từ những sinh hoạt khác để dùng làm túi rác thay vì phải mua những sản phẩm có sẵn thì siêu thị; phân loại tất cả sản phẩm từ giấy (tạp chí, tờ rơi quảng cáo, thẻ điện thoại…) để bán phế liệu hoặc xếp túi giấy.
Hãy sử dùng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc ống phun cho cây cảnh thay vì bình tưới như thường lệ và như thế bạn sẽ tiết kiệm được hơn 70% lượng nước tiêu dùng, đặt vé xem phim trên mạng và lưu lại mã đặt chỗ trong điện thoại thay vì mua vé trực tiếp vì giấy để in vé thường rất khó hoặc không thể tái chế bởi loại mực in sử dụng; hạn chế dây thun mà hãy nghĩ đến dây vải hoặc dây lạt, hoặc thậm chí chọn mua những loại kẹo không có vỏ trong hộp và như vậy thì bạn đã hạn chế được một lượng lớn nhựa khó tái chế; tất nhiên bạn có thể sử dụng vỏ hộp để trồng hoa nếu thích….
Có rất rất nhiều cách để trở thành một anh hùng tiên phong - "xanh" từ trong suy nghĩ. Hãy nhớ rằng: "Chúng ta không thừa hưởng Trái đất từ tổ tiên của chúng ta mà vay mượn nó từ con cháu của chúng ta” (ngạn ngữ Mỹ). "Sống xanh" cho chính bản thân mình và kêu gọi mọi người xung quanh cùng thực hiện vì chỉ có sức mạnh tổng lực của nhiều cá nhân mới có thể tạo ra sự khác biệt về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
NGUYỄN KHÁNH TOÀN (đại sứ môi trường Bayer 2010)

25 thg 3, 2011

Con lật đật và chúng ta

Con lật đật vẫn đứng đấy , đứng khuất cạnh bên trong cái góc cửa . Nơi mà nó biết rằng nó sẽ chịu những cái đẩy cửa thật đau , nơi mà chẳng ai thèm nhìn và chắc chắn rằng sẽ bị ruồng bỏ . Cũng phải thôi , vì nó là lật đật .chủ nhân của nó rồi cũng sẽ quên mất nó . Vì nó chẳng biết làm gì ngoài lắc lư và lắc lư .


Con lật đật vẫn lắc lư ... vẫn lắc lư . Từng nhịp , từng hồi , lại trở về với cái dáng đứng tròn tròn múp míp của nó . Nó chẳng hề xinh đẹp , cũng chẳng hề đặc biệt . Nó sinh ra vốn dĩ chỉ để được mua về , ruồng bỏ rồi lại lắc lư

Nào ai biết rằng con lật đật đang múa bài ca của cuộc sống , và chính nó cũng đang là cuộc sống . Con người rồi cũng sẽ gặp vấp ngã rồi cũng sẽ đứng lên như chính cái lắc lư của con lật đật . Rồi sẽ ra sao nếu ra không biết đứng lên , không biết đối diện ?? Tôi chẳng hề dám nghĩ đến cái viễn cảnh ấy đâu , tôi chỉ biết rằng chúng ta cũng đang là những con lật đật , rồi sẽ lắc lư theo cái xô bồ của cuộc sống . đôi lúc ta mất hết ý chí , ta mất hết hy vọng . Thì tôi xin một lần nhìn vào con Lật đật để tôi có đủ nghị lực và tự tin để tin tưởng một điều gì đó có chút mông lung .

Gửi cho chính tôi và những ai đã từng hoặc đang vấp ngã .

17 thg 3, 2011

Bài học từ một đứa trẻ trong hoạn nạn


Cho tới giờ phút này, đất nước Nhật Bản vẫn đang chìm trong những dư chấn và những đe dọa của hiểm họa hạt nhân. Nhưng điều quan trọng nhất mà thế giới chợt nhận ra là có một Nhật Bản thật kiên cường giữa tai biến, tang thương. Điều gì phía sau bí ẩn đó của xứ sở Phù tang?
Tuổi Trẻ mời bạn lắng nghe những câu chuyện từ trong lòng nước Nhật. Đầu tiên là chuyện của một cảnh sát gốc Việt đã sống ở đất nước này hơn 50 năm.
TT - Trong ngày hôm nay 17-3, nếu không đưa hết người ra khỏi khu vực này thì nguy quá. Trong thư gửi cho Tuổi Trẻ, anh Hà Minh Thành, một cảnh sát người Nhật gốc Việt, tỏ ra lo lắng cho số phận những tu nghiệp sinh VN được cho là vẫn còn quanh khu vực gần Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 và thành phố Sendai.

Cậu bé và gói lương khô
Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm.
Cậu bé kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần xảy ra, cha của cậu làm việc gần đó chạy đến trường. Từ bancông lầu 3 của trường cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha bị nước cuốn trôi. Chắc chắn ông đã chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà nằm ngay bờ biển, mẹ và em của mình chắc cũng không chạy kịp.
Cậu quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến người thân. Nhìn thấy cậu bị lạnh, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài. Tôi nhặt lên đưa cho bé và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem đặt vào đó? Bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Đến lúc này tôi phải vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hi sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hi sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang ở vào những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hi sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
HÀ MINH THÀNH - LÊ NGUYÊN MINH (ghi)

Cưng quá hóa hư

Quan niệm con còn nhỏ, từ từ dạy hoặc quá cưng chiều, sợ con khổ mà giành làm tất cả mọi việc, cha mẹ sẽ vô tình tạo ra những người lớn hư hỏng, vô tâm về sau.
Một buổi tối, tôi ghé vào quán ăn của người bạn trên đường Võ Văn Tần (quận 3 - TPHCM). Vừa kéo ghế định gọi món, bé Hoài Phương, con của bạn, đã nói trống không: “Sao ngày nào cũng tới đây ăn chực hoài vậy?”. Mặc cho tôi đỏ mặt trước các thực khách, bạn tôi bật cười: “Con bé lém quá!”. Thấy mẹ ủng hộ, bé Phương càng khoái chí bồi thêm vài câu nữa.
Nhỏ không dạy
Là “khách quen” của tiệm ăn này từ  khi bé Phương còn chập chững, tôi cũng không lạ gì lối nói không đầu không đuôi với người lớn của con bé. Nhưng quả thật không ít lần “chết đứng”, bực mình trước kiểu “con hát mẹ vỗ tay” như thế. Phương là con gái đầu lòng, bạn tôi cưng con hết chỗ nói, chưa bao giờ chị dám la con hay chỉnh sửa những câu nói của con. Biết con nói năng, ứng xử không tốt, anh Thanh, ba của bé, nhiều lần nhắc nhở vợ nhưng vì anh đi làm xa, thường vắng nhà nên cũng chỉ nhắc vậy thôi. Thời gian gần đây, vài người quen mắng vốn về thái độ của con bé, vậy là anh chị lại cãi nhau về cách dạy con.
Chị hàng xóm của tôi cũng có kiểu “dạy” con khá lạ lùng. Bé Quân (7 tuổi) trắng trẻo, mập mạp, khuôn mặt dễ nhìn, ai thấy cũng thích nhưng hễ có ai ôm hôn, nựng nịu…, thằng bé tỏ thái độ khó chịu và mắng ngay: “Đồ vô duyên!”. Nghe con nói vậy, mẹ Quân lại… xúi: “Con chửi họ đi, con người ta mà cứ ôm hôn hoài, ghê quá!”.
Một lần, bạn của anh Quân đến chơi, thấy Quân đang đứng ở tiệm bán đồ chơi bèn hỏi Quân mua gì? Không thèm trả lời, Quân cắm cúi lựa những thứ nó thích, rồi chìa trước mặt cô gái, nói gọn lỏn: “Trả tiền nhé, mẹ em đỡ tốn”. Cộng tất cả gần 200.000 đồng, cô gái lúng túng vì không đủ tiền, Quân nói ngay: “Không có tiền cũng đi chơi”. Vừa lúc đó, mẹ Quân đến. Không cản thằng bé vòi vĩnh quà người khác, chị nói: “Có nhiêu lấy nhiêu, thiếu thứ nào bữa khác mẹ mua cho con, hén!”.

Minh họa: NGUYỄN TÀI 
Lớn vô tâm
Cũng từ quan niệm con còn nhỏ, từ từ sau này lớn rồi tính và cũng vì thương con, không muốn con cực khổ, nhiều cha mẹ giành làm hết mọi việc để rồi lớn lên, con thành người lớn “hư hỏng”, không biết làm bất cứ việc gì, thậm chí vô tâm khi cha mẹ ốm đau.
Chị Thủy hiếm muộn, chạy chữa khắp nơi tốn thời gian, tiền của, đến khi có tuổi, chị sinh liên tiếp ba đứa con cả trai lẫn gái. Chưa kịp mừng, một thời gian sau, công việc làm ăn thất bại. Thương con chịu thiệt thòi, anh chị tất bật làm thuê đủ nghề kiếm tiền để các con không thua kém bạn bè. Khi con trai lớn vào lớp 10, anh ra đi vì bệnh nan y, mình chị lo cho ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Dẫu đã lớn nhưng cả ba đứa con của chị không giúp mẹ việc gì, kể cả nấu cơm hay dọn dẹp nhà cửa. Chị đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, về nhà phải phục vụ các con nên chưa tới 2 năm đã ngã quỵ. Vậy mà khi chị bệnh, chẳng đứa nào nấu được chén cháo hay đi mua giùm viên thuốc.
“Cũng vì quá cưng chiều con mà hôm nay tôi mới vô phước thế này. Muốn được uống ly nước do con pha, ăn chén cháo con nấu mà sao khó quá” - chị  Thủy nói trong nước mắt. Còn các con chị cho rằng không phải các cháu không thương mẹ nhưng “chưa bao giờ làm việc gì nên không biết phải làm sao…”. Từ nhỏ đến giờ, mọi việc đều có người làm, các cháu chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết cần phải “cho”. Vậy nên, mẹ bệnh nằm một chỗ, các cháu vẫn vô tư ngồi xem phim, lên mạng chơi, đói bụng thì ra ăn cơm tiệm.
Còn anh Trung, 35 tuổi, đã có vợ con nhưng rất thờ ơ trước những việc trong nhà. Tủ lạnh bị nghẹt gas, anh mặc kệ. Vòi nước nhà bếp tắc, cống bị nghẽn… anh cũng chẳng bận tâm. Trung mặc nhiên xem đó là chuyện của cha, dù ông đã gần 70 tuổi. Mỗi lần được con trai báo “sự cố”, ông cụ lại lụm cụm đi giải quyết. Thấy cha chồng tội nghiệp, vợ anh phải ráng học hỏi để tự làm những công việc của người đàn ông trong gia đình.
Vợ anh Trung than thở: “Lấy một người chồng không biết làm gì, không biết chia sẻ, chỉ muốn được người khác phục vụ, tôi rất buồn. Tôi quyết dạy dỗ các con thật nghiêm khắc để con tháo vát và biết sống vì người khác. Ít ra điều đó cũng sẽ đem lại cho gia đình riêng sau này của nó niềm hạnh phúc vẹn toàn”.
Theo Người Lao Động
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn nghĩ gì khi đọc xong bài viết trên?      

7 giây đầu tiên tạo nên 90% cơ hội

TTO - Trong 7 giây đầu tiên gặp gỡ, người khác đã có đến… 11 nhận xét về bạn.  Đa số được rút ra qua việc quan sát và thu nhận từ những biểu hiện bên ngoài như: làn da, gương mặt, kiểu ăn mặc, mái tóc, ánh nhìn, cử chỉ, giọng nói, cách chào hỏi…
Ấn tượng trong 7 giây đầu tiên quyết định 90% việc người khác có cảm tình với bạn về sau hay không, đặc biệt quan trọng trong những dịp không có cơ hội làm lại như đi phỏng vấn. Vậy, bạn phải làm gì khi chỉ có một cơ hội duy nhất.
Gương mặt: Là nơi thu hút cái nhìn đầu tiên trong giao tiếp. Luôn tạo ấn tượng cho người khác bằng nụ cười tươi tắn, bởi đó là cách nhanh nhất để tạo thiện cảm và lan tỏa năng lượng tích cực. Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của làn da cho dù bạn luôn tự hào mình là “đấng nam nhi” “mày râu nhẵn nhụi”. Một làn da sạch, không bóng nhờn không chỉ mang đến cho bạn một gương mặt đẹp mà còn quyết định 90% cơ hội thành công trong giao tiếp.
Tác phong: Tự tin là điều cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định kết quả tốt đẹp cho khởi đầu gặp gỡ. Hít thở sâu, mắt nhìn thẳng, vai ưỡn về trước, lưng giữ thẳng, chân bước khoan thai với độ dài bước chân vừa đủ… là vài “chiêu” giúp bạn thêm phần tự tin. Đừng quên tăng cơ hội “ghi điểm tức khắc” bằng một gương mặt tươi tắn!
Trang phục: Lịch sự nhưng không kém phần thanh lịch. Đừng để “mất điểm” hay khiến người đối diện phải “choáng” với chiếc áo đầy hoa bướm hay một chiếc quần lua tua. Trong kinh doanh, bạn có thể tham chiếu nguyên tắc chọn trang phục bằng hoặc hơn một cấp so với người mà bạn phải gặp gỡ (đối tác hoặc khách hàng), hoặc so với vị trí mà bạn muốn được tuyển vào. Ví như nếu bạn đi tư vấn cho một khách hàng của mình đang làm công việc văn phòng, trang phục phù hợp là quần tây, sơ mi, cà vạt; hoặc trang phục là veston nếu bạn ứng tuyển vào vị trí quản lý.
Cử chỉ, lời nói: Hãy chào bằng cái bắt tay đầy tự tin (bắt bằng một bàn tay, cách cổ tay người kia 1/3 chiều dài bàn tay, lắc nhẹ 1 lần và giữ khoảng 3 giây, nhớ giữ bàn tay khô và ấm). Anh chàng khéo léo sẽ có phong cách nói chuyện nhẹ nhàng. Trong khi đó, những chàng tự tin “có thừa” sẽ hơi cao giọng một chút. Nhưng cao giọng không đồng nghĩa với tự cao bạn nhé!
Nếu bạn chú ý giữ đúng những điều trên đây, bạn sẽ có 7 giây đầu tiên với nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người bạn gặp gỡ và 90% cánh cửa đi đến thành công của bạn đã được mở ra rồi đấy!

15 thg 3, 2011

Bản lĩnh và văn hóa


QĐND - Thứ Ba, 15/03/2011, 10:56 (GMT+7)
QĐND Online- Đất nước, nhân dân Nhật Bản vừa phải gánh chịu hậu
quả nặng nề của một trận động đất và sóng thần được ghi nhận là
 lớn nhất trong lịch sử 140 năm qua.
Hầu hết người dân trên thế giới phải rùng mình và xót xa khi xem
 những hình ảnh tàn phá khủng khiếp của sóng thần hôm 11-3.
Nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc bị san phẳng và đau đớn nhất
 là hàng nghìn người chết, mất tích.
Người Việt Nam chúng ta chia sẻ nỗi đau ấy với người dân Nhật Bản.
Người Việt chúng ta vốn có câu "Qua hoạn nạn thêm hiểu lòng nhau".
Từ trận động đất, sóng thần vừa qua ở đất nước mặt trời mọc,
 chúng ta thêm một lần nữa khâm phục và cảm phục vì bản lĩnh văn hóa
của người Nhật.
Khâm phục bởi lẽ, khi động đất xảy ra, công sở, nhà cửa rung lắc,
người dân Nhật Bản không hề hoảng loạn. Họ bình tĩnh hướng dẫn nhau
 và hướng dẫn người nước ngoài cách phòng tránh. Sóng thần tràn qua,
cướp đi nhà cửa, tài sản, cả những người thân của người dân Nhật,
 họ đau xót nhưng rất kìm nén, dũng cảm đương đầu, tìm cách
khắc phục hậu quả. Ấy là những nét thể hiện bản lĩnh của người Nhật.
Thực phẩm được vận chuyển đến thị trấn Minami Sanriku thuộc tỉnh Miyagi sau trận động đất, sóng thần hôm 11-3.
Ảnh: EPA
Trong sự tàn phá ghê gớm làm đảo lộn cuộc sống đó, ở các vùng bị
thiên tai, không một nơi nào diễn ra cảnh hỗn loạn, tranh giành như
 vốn dễ thấy ở nhiều quốc gia khác dù lương thực, nước uống khan
hiếm, thiếu thốn nhưng chẳng có mặt hàng nào bị tăng giá!
 Ngược lại, người dân Nhật Bản vẫn người nối người xếp hàng đợi
xe tắc xi hay mua bán, tiếp nhận lương thực, nước uống. Ấy là
sự thể hiện những nét văn hóa của người Nhật.
Người dân trật tự  xếp hàng dài chờ nhận lương thực tại thành phố Sendai.
Ảnh: AP
Nhiều người lý giải, đất nước Nhật Bản nằm ở nơi thường xuyên bị
ảnh hưởng của động đất, sóng thần nên họ được "rèn luyện".
 Lại nữa, bởi người dân nước này thừa hưởng tinh thần samurai
(võ sĩ đạo) vốn ăn sâu vào tâm thức, tình cảm, lối ứng xử của
người Nhật. Vì thế mà dù tài nguyên không giàu, khí hậu
khắc nghiệt, Nhật vẫn trở thành một cường quốc...
Vì bất cứ lý do gì, không thể nói khác rằng, người Nhật rất đáng
khâm phục.
"Trông người lại ngẫm đến ta". Dân tộc Việt Nam cũng đã khiến
cả thế giới (trong đó có người Nhật)  phải khâm phục bởi ý chí
quật cường và tinh thần dũng cảm, chiến đấu ngoan cường
 để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân.
 "Mưa bom, bão đạn" cũng không khiến chúng ta nản chí, sờn lòng.
Đất nước hòa bình, chúng ta cũng có nhiều thành tựu được
bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy thế, từ sự việc
động đất, sóng thần mới đây để thấy cách ứng xử của người
Nhật thì chúng ta cần phải học hỏi thêm người Nhật rất nhiều.
Đơn giản nhất là học hỏi cách ứng xử "xếp hàng" và "không tăng giá".
Nói ra e khập khiễng nhưng giá như ý thức chung của người dân
khi tham gia giao thông (lên, xuống xe buýt; dừng đỗ trước
đèn đỏ...) hiện nay, đâu có nguy hiểm, gấp gáp như sóng thần mà
phải chen nhau?
Nhiều bận lụt bão, nước ngập ( cục bộ ở vài tỉnh, thành), cả nước
đủ sức chi viện mà ...mớ rau vẫn (lợi dụng) tăng giá...làm ảnh hưởng
 đến truyền thống "tương thân, tương ái" ngàn đời nay của người
dân Việt.
Cái hay, cái tốt của người Nhật, đáng để chúng ta nghiền ngẫm
 mà học tập, xóa bỏ đi cái chưa tốt của mình.

Anh Thu

Mẹ - người thầy tinh thần của con


TTO - Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ hạnh phúc lớn nhất là được sống dưới một mái ấm gia đình. Và con cũng thật may mắn biết bao khi ngay giờ đây con vẫn được sống trong sự yêu thương đùm bọc của bố mẹ. Hơn cả là tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ luôn dành cho con. 
Mẹ ơi, trong mắt con mẹ đẹp lắm! Từ làn da sạm đen vì nắng cho đến những nếp nhăn xuất hiện theo thời gian, bàn tay xương gầy và mái tóc đen óng mượt luôn được mẹ xõa sau lưng. Tất cả như đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn của mẹ. Dường như thời gian và sự vất vả không thể làm mất đi vẻ đẹp của mẹ mà còn khiến con thêm yêu mẹ. 
Con yêu tất cả những gì thuộc về mẹ nhưng có lẽ yêu nhất vẫn là nụ cười và đôi mắt mẹ. Đó là những món quà tinh thần vô giá mà thượng đế đã ban cho bố con con. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mẹ, là nơi để mẹ bộc lộ cảm xúc, tình yêu thương với mọi người. Khi con buồn, đôi mắt như buồn cùng con. Nó trũng sâu hằn lên những nỗi lo lắng, suy tư. Khi con vui, nó lại ánh lên những tia hi vọng.
Còn khi con làm mẹ buồn con không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy nhưng cũng hiểu nó u sầu và thất vong đến nhường nào. Với con, mỗi lúc nhìn vào mắt mẹ, con biết mẹ yêu con đến nhường nào. Nụ cười của mẹ như tia nắng thần kỳ làm trỗi dậy trong con niềm tin yêu cuộc sống mỗi khi con thất vọng về bản thân. Nụ cười của mẹ như ánh bình minh tỏa sáng tâm hồn con mỗi khi con giành được những thành công nho nhỏ trong cuộc sống.
Thật kỳ diệu biết bao! Nó lớn lao hơn một lời chia sẻ, vĩ đại hơn một lời đồng tình và hơn cả là tiếp thêm cho con sức mạnh để có thêm những thành công trong tương lai. Bao nhiêu tình cảm yêu thương trìu mến có lẽ mẹ đã dồn hết vào nụ cười ấy để gửi tới con thông điệp yêu thương. Bởi vậy, con sẽ trân trọng và giữ gìn để nụ cười đừng bao giờ tắt trên khuôn mặt mẹ. 
Con yêu mẹ không phải chỉ vì những thứ trên mà còn vì bao điều tốt đẹp mà mẹ dành cho con, cho chính gia đình mình. Mẹ là một phụ nữ thành công trong công việc. Mẹ là một người sắc sảo, thông minh trong công việc, một người luôn hoàn thành những gì được giao. Ai cũng khen mẹ là vậy và điều này càng khiến con thêm tự hào về mẹ. Có lẽ nhờ học ở mẹ mà con có thêm bao thói quen tốt.
 Nhưng gần đây, công việc không còn làm mẹ thêm hứng thú mà thay vào đó là sự mệt mỏi. Con biết bố đi công tác xa, mẹ vừa là một người mẹ, vừa mang thêm một gánh nặng trên vai là trách nhiệm một người cha.Vậy mà mẹ đều trọn vẹn tất cả. Biết bao nhiêu là việc cứ thế đè lên vai mẹ nhưng mẹ vẫn dành thời gian quan tâm đến chúng con. Nhà mình chẳng phải khá giả gì nhưng chúng con chẳng thiếu thứ gì so với các bạn.
Những phút giây vui vẻ khi ba mẹ con cùng nghỉ ngơi thật sự đã bù đắp phần nào sự thiếu vắng của bố với chúng con. Dường như trong xã hội, mẹ gần như là một người phụ nữ lý tưởng. Với đồng nghiệp, mẹ thật hòa đồng, hài hước và có phần nghiêm túc khi làm việc khiến mọi người đều yêu mến mẹ. Với gia đình, mẹ là một người vợ đảm đang, một người mẹ hiền dịu và còn là một người con hiếu thảo. Mẹ là một tấm gương tốt để con noi theo. Nhìn mẹ, con ước rằng sau này con sẽ thành đạt như mẹ. 
Ở nhà mình, có lẽ con có nhiều kỉ niệm nhất với mẹ và với con, đó là những bài học quý giá mà mẹ day cho con. Con là một đứa hay ốm yếu, chảng phải khỏe manh gì. Những lúc đó, người ở bên và động viên con chính là mẹ. Có một kỷ niệm khiến con phải nhớ mãi, in sâu trong ký ức từng lời kể của bà và thực sự cảm thấy xúc động về tình cảm mà mẹ dành cho con. Năm ấy con lên ba.
Cả nhà cùng họ hàng tất bật chuẩn bị đón chú đi bộ đội về. Ngày ấy, con còn đang hồn nhiên và vô tư, chẳng sợ sệt hay nghĩ ngợi nhiều như bây giờ, chỉ biết chạy nhảy hát ca quanh nồi lẩu đang sôi sùng sục. Chẳng hiểu vì sao con lại ngốc nghếch đến thế khi bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của mọi người để rồi bị ngã vào nồi. Bà kể khi đó con ngất đi, mọi người ai nấy đều bàng hoàng và lo sợ chẳng biết làm gì. Riêng mẹ lúc ấy như người mất hồn nhưng vẫn làm theo bản năng, mẹ xé ống tay áo của con rồi quấn cho tay con và đưa con vào bệnh viện.
Sau đó, con hôn mê hai ngày sau và chẳng biết gì. Trong hai ngày tồi tệ đó, mẹ chẳng ăn uống gì, chỉ suốt ngày ngồi bên con và khóc. Nghe bà kể con thấy mình thật có lỗi khi bị như vậy dù đó chỉ là vô tình nhưng con thấy rất thương mẹ. Ông bà ở trong quê (Nghệ An) xa là vậy nhưng vì lo cho con nên cũng vội ra Hà Nội. Khi đó bố ở nước ngoài không về được cũng đứng ngồi không yên.
Quả thực, con rất muốn xin lỗi tât cả mọi người. Khi con tỉnh, ai cung thở phao nhẹ nhõm, cảm thấy khỏe manh hơn phân nào thì lúc ấy, mẹ chỉ kịp cươi cung con một nụ cươi thân qen rồi nất vì kiệt sức. In sâu mãi trong con là hinh ảnh me luc đó: mặt múi xanh xao và mẹ gầu đi nhiều. Vì con mà chỉ trong hai ngày mà me dã gầy đi khiến con thấy xúc động vô cùng. Nghe bà kể xong lòng con chỉ muốn thốt lên thật to rằng: "CON YÊU MẸ". 
Mấy ngày trước là đám tang của mẹ Hằng - đứa bạn thân của con. Nhìn thấy bạn đau buồn, lòng con cũng thấy xót. Trên đường về, con chợt nghĩ tới mẹ. Lúc đó con vội vàng chạy thật nhanh về nhà. Chưa nhìn thấy mẹ, lòng con chẳng yên tâm. Về đến nhà thấy mẹ ra mở cửa con bỗng thấy lòng thật nhẹ nhõm. Dẫu biết như vây là sai, là ích kỷ nhưng điều này đã khiến con phải suy nghĩ rất nhiều. Và con chợt nhận ra con yêu mẹ nhường nào. 
Không chỉ gồm riêng có kỉ niệm ấy mà con còn rút ra thêm nhiều bài bọc sâu sắc khác từ mẹ, từ bản thân mẹ hay từ chính những kỷ niệm giữa con và mẹ. Mẹ dạy con có lòng tự trọng, dạy con cần biết sẻ chia và giúp đỡ, dạy con biết dang rộng trái tim... Có chuyện gì con đều nhờ mẹ giúp đỡ hoặc con tâm sự cùng mẹ. Những lúc ấy, mẹ với vai trò là một người bạn đã luôn sẵn sàng giúp đỡ hoặc đưa cho con nhưng lời khuyên chân thành nhất.
Tất cả đã giúp con phần nào thêm hoàn thiện về tâm hồn cũng như tích góp thêm cho mình những kinh nghiệm sống. Hơn cả là tình mẫu tử giữa mẹ con ta càng thêm gần gũi, gắn bó và sâu sắc.Trong suy nghĩ của mình, con luôn coi mẹ là một người thầy tinh thần của con. Bao nhiêu điều tốt đẹp mẹ dành cho con bao giờ con mới trả hết được đây? Mong sao cho thời gian trôi qua thật nhanh để con có thể trưởng thành, "trả công" nuôi dưỡng sinh thành cho bố mẹ đến khi nào con không còn khả năng đó nữa. Điều đó là trong tương lai, còn hiện tại, con xin hứa sẽ học thật giỏi để xứng đáng là con của mẹ. Một lần nữa, con muốn gửi lời ngàn lời cảm ơn tới người mẹ kính yêu của con: "MẸ À, CON CẢM ƠN MẸ NHIỀU!" 
Với bản thân con và cả gia đình mình, mẹ không chỉ là người mẹ, người vợ mà con là người phụ nữ hoàn mỹ và tuyệt vời nhất thế gian. Cuộc đời này con sẽ luôn vững bước vì có mẹ kề bên. 
CON DÙ LỚN VẪN LÀ CON CỦA MẸ
ĐI SUỐT CUỘC ĐỜI LÒNG MẸ VẪN THEO CON...
PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

Tuổi trẻ và Giá trị sống

Học giá trị sống
Một tháng qua xảy ra 2 vụ sinh viên nhảy lầu tự tử ở Hà Nội do buồn chán việc gia đình và khúc mắc tình cảm. Vì sao những người trẻ có học thức lại chọn cái chết để giải quyết bế tắc?
Ths. Tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư TPHCM phân tích, có không ít vụ tự tử vì tình thời gian gần đây. Dù đây chưa phải là hiện tượng nổi cộm trong giới trẻ nhưng xã hội cần lưu tâm. Tuổi trẻ luôn có những khát khao và luôn mang trong mình một tình yêu đôi lứa đầy nhiệt huyết.
 
Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh, sinh viên giải tỏa stress - Ảnh: Phạm Yên
Tình yêu ở thời điểm này rất đẹp và hội đủ những yếu tố cần thiết của một tình yêu, lãng mạn, trong sáng, nhiệt thành và cả sự hy sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình yêu cũng mang lại cảm giác hạnh phúc, vì thế mà đã có không ít bạn trẻ cảm thấy sốc khi tình yêu đổ vỡ.
12 giá trị sống do Liên Hiệp Quốc đưa ra: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do, đoàn kết. 
Theo đó là cảm giác chán nản xen lẫn hụt hẫng, cảm thấy bị người khác xem thường… Để giải tỏa bế tắc, một số người nông nổi đã tìm đến cái chết.
Theo Ths. Long, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái cô đơn, ít có cơ hội bộc lộ cảm xúc, dẫn đến stress tâm lý. Cuộc sống xuất hiện nhiều nhu cầu hơn, tìm cách thỏa mãn nhu cầu bản thân cũng là điều khó khăn cho giới trẻ.
Con người luôn có xu hướng sống nhanh, nên ít có điều kiện để nhìn lại bản thân và điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ hay hành vi. Đời sống gia đình đang phải chịu nhiều thử thách, nếu con cái ít có cơ hội được gần gũi, tâm sự với cha mẹ sẽ rơi vào trạng thái cô đơn... “Đó là những nguyên nhân tạo ra khoảng cách rất lớn trong tâm hồn bạn trẻ và là động cơ thúc đẩy họ suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống”.
“Ở bậc đại học, tổ chức lớp thường rời rạc, nhất là trong đào tạo tín chỉ. Do vậy, các tổ chức trong nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, lớp học nên tổ chức các hoạt động tập thể gắn kết các thành viên”, PGS.TS Võ Minh Chí, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học- Sinh học lứa tuổi (Trường ĐH Sư phạm HN) nhận xét.
Theo PGS.TS Chí, vai trò của phụ huynh đối với con cái ở lứa tuổi này cũng giảm dần, sinh viên bắt đầu với cuộc sống tự lập, xa gia đình. Do vậy, về mặt khoa học, đầu tiên phải giáo dục giá trị sống cho sinh viên, rồi mới dạy kỹ năng sống để giúp họ hiểu giá trị của bản thân và cuộc sống…
Đại học Sư phạm Hà Nội vừa qua đã tổ chức các lớp học về 12 giá trị sống do Liên Hiệp Quốc đưa ra: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do, đoàn kết. Lớp học này giúp sinh viên ý thức được giá trị của bản thân mình và ý nghĩa cuộc sống để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn qua các giá trị: Yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc.
Ths. Nguyễn Hữu Long cho rằng, để hướng đến một cuộc sống tích cực hơn, mỗi bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu sống của mình, trước hết phải luôn trân trọng bản thân. Biết tự tìm hoạt động vui chơi để có đời sống tinh thần và suy nghĩ tích cực hơn.
Gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho con trẻ, các bậc cha mẹ cần quan tâm và sớm nhận ra thay đổi từ con cái để kịp thời uốn nắn và định hướng con mình...

7 thg 3, 2011

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

TT - Khi ngồi trong hội trường của khu lưu niệm ngã ba Đồng Lộc, xem những thước phim tư liệu về thời chiến tranh, tương phản với tiếng gầm rú của máy bay và bom đạn, hình ảnh những thanh niên xung phong ngã xuống, bất giác nhìn qua khung cửa sổ, chúng tôi bắt gặp một khoảng trời xanh trên cánh rừng thông nhú chồi nõn biếc.
Chúng tôi biết ngay lúc ấy, những người đang sống đang nợ người đã khuất cái giá của phút bình yên hôm nay.
Không chỉ nợ với những cô thanh niên xung phong Đồng Lộc đã hi sinh khi tuổi mười tám đôi mươi. Đấy còn là món nợ với tiền nhân đã đổ máu xương suốt dặm dài lịch sử làm nên hình hài Tổ quốc. Nợ hàng vạn người lính mà tuổi thanh xuân đã nằm lại trong những cánh rừng Trường Sơn. Nợ những bạn bè đồng trang lứa giờ đang thao thức với cây súng giữa trùng dương xa xôi hay biên cương heo hút.
Bởi thế, sau một hành trình qua những địa danh lịch sử của miền đất thiêng Hà Tĩnh, câu chuyện của những thế hệ vẫn trĩu nặng những trăn trở về sự hi sinh và cống hiến.
“Sống đẹp tuổi thanh xuân” là chủ đề của buổi tọa đàm diễn ra sáng nay 7-3, khép lại chuỗi hoạt động của hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ”. Những người có mặt trong buổi tọa đàm gồm nhiều thế hệ. Có những anh hùng mà sự hi sinh của họ đã được nhắc nhớ nhiều trong trang sử hôm qua và cũng có nhiều bạn trẻ đã được bạn đọc của báo Tuổi Trẻ cả nước biết đến bởi vẻ đẹp dâng hiến của họ cho ngày hôm nay.
Hành động của nữ anh hùng La Thị Tám đứng đếm bom giữa ngã ba Đồng Lộc của hơn 40 năm trước hay người thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Cải ở Củ Chi bây giờ, vượt qua khó khăn thường nhật để chăm lo học trò nghèo khó an tâm tới trường. Câu chuyện của thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương trên chiến trường ngày đánh Mỹ và hình ảnh của chàng trai Châu Thành Toàn, bằng tấm lòng của mình đã tập hợp nhiều bạn trẻ khác thành một nhóm tình nguyện, từ bao nhiêu năm nay đều đặn mỗi tuần đến các bệnh viện để mang nụ cười cho các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Giữa khoảng cách thế hệ ấy, vẻ đẹp của mọi người đều có chung một điểm: đấy là sự hi sinh và dâng hiến cho đất nước, cho cộng đồng từ chính sức lực, trí tuệ và trái tim của tuổi trẻ - tuổi thanh xuân tươi đẹp của đời người!
Câu chuyện “sống đẹp” của ngày hôm nay đã khác với thời chiến tranh bom đạn. Nhưng những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Xuống đường tranh đấu” của thế hệ trẻ ngày xưa hay những “Mùa hè xanh”, những phong trào tình nguyện hôm nay đều được thắp lên từ nhiệt huyết của trái tim tuổi trẻ.
Trong mỗi người trẻ luôn tiềm tàng những nguồn năng lượng, và lịch sử đã chứng minh rằng tổ chức Đoàn đã biết làm cho nguồn năng lượng ấy bùng lên thành ngọn lửa tỏa sáng cho cộng đồng. Cũng như những ngọn nến, để dâng tặng cho đời ánh sáng phải tự đốt cháy thân mình đến cạn kiệt.
Biết thế nhưng cuộc sống hôm nay cũng đặt ra nhiều thách thức với câu chuyện sống đẹp. Vẫn còn những người trẻ thích thụ hưởng hơn cống hiến, thích chọn nhẹ nhàng thay cho gian khổ, toan tính thu vén hơn là hi sinh.
Chợt nhớ những câu thơ nằm lòng của nhiều năm trước:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!”.
 (Tố Hữu).
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình!”
Sống đẹp tuổi thanh xuân phải chăng là như thế!
LÊ ĐỨC DỤC

2 thg 3, 2011

Nhìn là biết yêu đời - để sống trọn vẹn từng phút giây



TTO - Có khi nào bạn tự hỏi tại sao có những người lúc nào trông cũng tươi vui, lạc quan? Thật ra ai cũng gặp phải những điều không hài lòng, nhưng điều quan trọng là có bí quyết yêu đời cho riêng mình. Cuốn cẩm nang sống Nhìn là biết yêu đời của tác giả Dạ Quang, NXB Kim Đồng sẽ "bật mí" với bạn những điều này.
Vào buổi sáng, bạn thích uống trà sữa hay trà sen; việc đầu tiên bạn làm khi vào Facebook, món quà bạn tặng bạn bè như thế nào, bạn tỏa sáng theo cách nào... Ngay từ những trang đầu tiên, bạn sẽ "nhập cuộc" hành trình khám phá bản thân bằng những bài trắc nghiệm nho nhỏ, thú vị.
Không ít người nghĩ rằng sẽ không học được gì từ tính ích kỷ, thực dụng, tham vọng, đố kỵ̣… Nhưng có lẽ bạn sẽ phải ồ lên khi cuốn sách hé mở rằng những tính đó cũng chỉ cho bạn những bài học không kém phần quan trọng trong cuộc sống như sự nỗ lực, thực tế hơn, xác định được mục tiêu sống…
Mỗi phần của cuốn sách như những chặng hành trình để bạn "tiệm cận" với chân dung một người lạc quan. Những rắc rối vốn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với những rắc rối nho nhỏ như cái áo sơmi trắng tự nhiên bị dính vết mực dài, xe đạp dở chứng đứt dây sên hay rắc rối “tầm cỡ” như bạn đang đi chơi cùng cả lớp thì chiếc quần của bạn bị rách toạc ngay đầu gối…
Lúc này thay vì phàn nàn, bực bội thì người giữ “bí quyết lạc quan” nghĩ một cách vui vẻ: dùng thuốc tẩy là có thể đánh bay vết mực, nếu vết mực còn mờ mờ thì mình có dịp chia sẻ quần áo với những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Xe đạp hư à? Lâu ngày mình không đi bộ. Hôm nay tập thể dục bù vậy! Mai mốt trước khi đi xe phải kiểm tra cẩn thận mới được”. Còn chuyện cái quần rách đầu gối thì người lạc quan sẽ tìm cách giải quyết nhanh chóng như xé luôn ống quần còn lại và tạo ra phong cách mới cho mình.
Người lạc quan còn chủ động “dễ thương hóa cuộc sống” bằng cách tự thưởng như: trong tuần không quên khen mình, làm cho căn phòng mới hơn một chút; tham gia những cuộc thi cấp trường, cấp quận hoặc toàn quốc để nâng cao sự tự tin, đi du lịch cùng với người mình yêu thương nhất…
Cuốn sách nhỏ Nhìn là biết yêu đời còn gợi mở những bí quyết vừa nghe đã thấy tò mò như “Tự tay pha chế niềm vui mỗi ngày” hay “Cầm cọ lên tô hồng cuộc sống”… Khép lại trang sách, rất có thể bạn sẽ hồ hởi sẻ chia những điều thú vị vừa đọc được đến bạn bè thân yêu của mình.
NGUYỄN THẮM
* Sách được phát hành vào tháng 2-2011

Xin lỗi - Cảm ơn nên dạy từ nhỏ

TT - Ý kiến “Hãy nói lời xin lỗi” trên Tuổi Trẻ 28-2 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến bạn đọc lý giải cho cách ứng xử của người đô thị ngày nay và đưa ra giải pháp hướng đến cách giáo dục con em nói xin lỗi từ nhỏ.
* Sợ bị ăn vạ
Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê, ở đó một khi xảy ra chuyện này chuyện kia, cả hai bên đều rối rít xin lỗi nhau, ai cũng lựa những từ ngữ nhẹ nhàng giành phần lỗi về phía mình và xin phía bên kia bỏ qua. Ở đó, hiếm khi nào xảy ra các cuộc cãi vã nơi công cộng. Năm 1995, tôi tới thành phố học đại học và lập nghiệp. Một lần nọ khi vào hẻm nhỏ, xe đạp của tôi và một xe máy đi ngược chiều va quẹt tay lái rất nhẹ. Tôi với bản chất nhà quê quay sang xin lỗi anh, thì anh chàng thành phố ấy dừng lại bắt tôi phải bồi thường.
Sau một hồi phân bua rằng chẳng có gì thiệt hại để bồi thường, và lỗi do cả hai chứ không phải do cá nhân tôi gây ra, thì anh chàng thành phố ấy dẫn chứng “rất đúng”: “Mày không có lỗi tại sao hồi nãy mày lại xin lỗi tao?”. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên tôi học được khi sống ở một thành phố văn minh. Sau nhiều lần va chạm trong cuộc sống ở đô thị, dần dần không biết tự bao giờ, thói quen “xin lỗi”, “cảm ơn” của tôi bị biến mất. Và hiện nay, khi con tôi đang lớn, tôi đang dạy con tôi thói quen “đi thưa về trình, lời xin lỗi, cảm ơn luôn nằm ở đầu môi”, thì bản thân tôi cũng phải tự thực tập lại thói quen đó. Nhưng tôi vẫn sợ, sợ có ngày nào đó lại bị ăn vạ như thuở nào...
Thiên Phú Ngộ (thienphungo@...)
* Làm ngơ giáo dục lòng tự trọng
Tôi xin kể câu chuyện về một người tôi quen đang xây nhà. Mặc dù bạn tôi đã xin phép hàng xóm đàng hoàng nhưng có một người sát bên nhà suốt ngày cứ chửi rủa bạn tôi. Có chút gạch vụn hay vôi rơi vãi thì người đó chửi bới rồi bắt hai vợ chồng bạn tôi phải qua quét dọn sạch sẽ cho dù bạn tôi đã lớn tuổi. Mặc dù bạn tôi nhận lỗi đàng hoàng mà người đó vẫn không hài lòng, đêm khuya vẫn hay gọi điện dựng vợ chồng người bạn dậy rồi chửi đủ thứ. Người bạn chịu hết nổi dù đã nhẫn nhịn, cùng đường nên gọi điện cho một người quen trong ngành công an xin can thiệp. Người đó cử cán bộ đến nhà xem xét sự tình. Chỉ cần thấy sự xuất hiện của công quyền thì gã kia đã mặt mày xanh lét không dám nói gì nữa mà còn xin lỗi trối chết. Sau đó ông ta còn nói với bạn tôi: “Sao anh quen biết to thế mà ngay từ đầu anh không nói sớm?”.
Nói như thế để thấy nhiều khi người ta cũng biết sai quấy nhưng cái thói làm càn đã ăn sâu vào tính cách. Có thể chúng ta từ lâu đã làm ngơ giáo dục lòng tự trọng nên khó mà có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Chỉ mong bạn Allison gặp được nhiều người biết điều, cư xử với bạn tốt không chỗ nào chê được.
Nhã Chân (wakamori.jp@...)
* Gia đình và xã hội cần xem lại mình
Có chuyện gì không tốt người ta nghĩ ngay là “tại trường không dạy”. Tôi là một giáo viên tiểu học và xin thưa là chúng tôi dạy các em từ câu “chào cô, dạ, thưa” cho đến mọi thứ khác. Chúng tôi có dạy hết đấy và thường xuyên nhắc nhở: “Kìa, con làm rơi bút của bạn, sao không xin lỗi bạn đi?”, nhưng về nhà gia đình dạy thế nào, ra xã hội thấy thế nào là chuyện khác. Có những em trong lớp hiền lành ít nói, bước ra khỏi trường là chửi thề vì ảnh hưởng gia đình hay môi trường sống (vì trong lớp nếu nói là bị nhắc nhở ngay). Nếu ngay từ nhỏ gia đình đã dạy cách cư xử lễ phép thì vào trường chúng tôi chỉ cần nhắc lại.
Trong gia đình ngay từ khi con tôi còn nhỏ xíu chưa nói sõi, tôi vẫn dạy: “Bà cho con bánh kìa, khoanh tay ạ đi con”, nghĩa là hình thức cảm ơn. Câu xin lỗi, cảm ơn phải là câu đầu môi, thuộc lòng từ nhỏ, đã lớn rồi thì còn dạy gì nữa. Xin đừng trút hết tội lỗi lên đầu ngành giáo dục. Nếu trong gia đình và xã hội, người lớn làm đúng như những điều chúng tôi vẫn dạy để làm gương cho các em thì tất cả đã tốt đẹp hơn nhiều.
MỘT BẠN ĐỌC