15 thg 3, 2011

Tuổi trẻ và Giá trị sống

Học giá trị sống
Một tháng qua xảy ra 2 vụ sinh viên nhảy lầu tự tử ở Hà Nội do buồn chán việc gia đình và khúc mắc tình cảm. Vì sao những người trẻ có học thức lại chọn cái chết để giải quyết bế tắc?
Ths. Tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư TPHCM phân tích, có không ít vụ tự tử vì tình thời gian gần đây. Dù đây chưa phải là hiện tượng nổi cộm trong giới trẻ nhưng xã hội cần lưu tâm. Tuổi trẻ luôn có những khát khao và luôn mang trong mình một tình yêu đôi lứa đầy nhiệt huyết.
 
Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh, sinh viên giải tỏa stress - Ảnh: Phạm Yên
Tình yêu ở thời điểm này rất đẹp và hội đủ những yếu tố cần thiết của một tình yêu, lãng mạn, trong sáng, nhiệt thành và cả sự hy sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào tình yêu cũng mang lại cảm giác hạnh phúc, vì thế mà đã có không ít bạn trẻ cảm thấy sốc khi tình yêu đổ vỡ.
12 giá trị sống do Liên Hiệp Quốc đưa ra: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do, đoàn kết. 
Theo đó là cảm giác chán nản xen lẫn hụt hẫng, cảm thấy bị người khác xem thường… Để giải tỏa bế tắc, một số người nông nổi đã tìm đến cái chết.
Theo Ths. Long, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người dễ rơi vào trạng thái cô đơn, ít có cơ hội bộc lộ cảm xúc, dẫn đến stress tâm lý. Cuộc sống xuất hiện nhiều nhu cầu hơn, tìm cách thỏa mãn nhu cầu bản thân cũng là điều khó khăn cho giới trẻ.
Con người luôn có xu hướng sống nhanh, nên ít có điều kiện để nhìn lại bản thân và điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ hay hành vi. Đời sống gia đình đang phải chịu nhiều thử thách, nếu con cái ít có cơ hội được gần gũi, tâm sự với cha mẹ sẽ rơi vào trạng thái cô đơn... “Đó là những nguyên nhân tạo ra khoảng cách rất lớn trong tâm hồn bạn trẻ và là động cơ thúc đẩy họ suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống”.
“Ở bậc đại học, tổ chức lớp thường rời rạc, nhất là trong đào tạo tín chỉ. Do vậy, các tổ chức trong nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, lớp học nên tổ chức các hoạt động tập thể gắn kết các thành viên”, PGS.TS Võ Minh Chí, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học- Sinh học lứa tuổi (Trường ĐH Sư phạm HN) nhận xét.
Theo PGS.TS Chí, vai trò của phụ huynh đối với con cái ở lứa tuổi này cũng giảm dần, sinh viên bắt đầu với cuộc sống tự lập, xa gia đình. Do vậy, về mặt khoa học, đầu tiên phải giáo dục giá trị sống cho sinh viên, rồi mới dạy kỹ năng sống để giúp họ hiểu giá trị của bản thân và cuộc sống…
Đại học Sư phạm Hà Nội vừa qua đã tổ chức các lớp học về 12 giá trị sống do Liên Hiệp Quốc đưa ra: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do, đoàn kết. Lớp học này giúp sinh viên ý thức được giá trị của bản thân mình và ý nghĩa cuộc sống để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn qua các giá trị: Yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc.
Ths. Nguyễn Hữu Long cho rằng, để hướng đến một cuộc sống tích cực hơn, mỗi bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu sống của mình, trước hết phải luôn trân trọng bản thân. Biết tự tìm hoạt động vui chơi để có đời sống tinh thần và suy nghĩ tích cực hơn.
Gia đình phải là chỗ dựa vững chắc cho con trẻ, các bậc cha mẹ cần quan tâm và sớm nhận ra thay đổi từ con cái để kịp thời uốn nắn và định hướng con mình...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét