31 thg 3, 2011

Người Việt ta học được gì từ người Nhật?


Người Nhật rất ngạc nhiên khi thấy thế giới ca ngợi mình trong cơn động đất, và khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Người Nhật đang làm những công việc phải làm để vượt qua cơn khủng hoảng, nhưng với thế giới, đó là những biểu hiện đáng khâm phục, tính kỷ luật, trật tự, tính tự giác, ý thức cộng đồng, sự chịu đựng, biết kìm nén sợ hãi để có được sự bình tĩnh vượt qua khó khăn.



Thủ tướng Kan thường cúi đầu chào lá cờ Nhật trước
sau đó mới quay lại phía các nhà báo chờ câu hỏi. 

Tôi còn nhớ hồi World Cup năm 2002, tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Rất nhiều fan từ châu Âu sang Nhật xem bóng đá. Trong các sân vận động, sau khi trận đấu kết thúc, người xem ra về, nhưng người Nhật nán lại nhặt các vỏ đồ hộp, chai, lọ, rác vứt rải rác trong sân vận động, để mang ra thùng rác bên ngoài. Nhiều fan Tây thấy xấu hổ, cũng quay lại, học người Nhật, nhặt các vỏ chai lọ, đồ hộp, bao giấy mà mình vứt lại, mang ra thùng rác. Ý thức công cộng của người Nhật quả là đáng khâm phục.

Ở trên đường, khi thấy có đồ bị rơi, như áo len, khăn quàng, găng tay, chìa khóa... người Nhật thường nhặt lên, để ở lan can ven đường cho đỡ bẩn, để cho chủ bị rơi đồ nếu quay lại chỗ cũ tìm, thì thấy được đồ của mình. Có lần tôi để quên cái đồng hồ đắt tiền ở trên bàn, nơi tôi làm việc, tuần sau tôi quay lại, vẫn thấy cái đồng hồ ở đó. Một nữ sinh viên người Việt học nâng cao tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo để quên cái ví trong toa-let. Trong ví có tiền, thẻ tín dụng, thẻ đăng ký người nước ngoài, chìa khóa nhà... Lát sau, người dọn vệ sinh gọi điện cho chị, hỏi có phải chị bị quên ví không (trong ví của chị có số điện thoại). Thật là may mắn.

Ở trên tàu điện, toa nào cũng có hàng ghế ưu tiên dành cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ bế em nhỏ. Những người thuộc đối tượng này nếu lên tàu, thường được người ta nhường ghế cho. Ở chỗ không có ghế ưu tiên, nếu gặp người già, phụ nữ có thai, trẻ em... người ta cũng thường đứng lên nhường ghế. Khi tàu dừng, cửa mở, người chờ lên tàu tự giác đứng  xếp hàng, lánh sang 2 bên cửa, để có chỗ cho người xuống tàu đi ra, sau đó, người lên tàu mới vào tàu, trật tự, không chen lấn, xô đẩy. Tôi đã thấy một nhóm khách du lịch người Pháp đứng trố mắt nhìn người Nhật trật tự xếp hàng chờ lên tàu, không chen lấn, xô đẩy, không cãi cọ, to tiếng. Một thầy giáo người Pháp, đồng nghiệp của tôi ở chỗ làm, đã giải thích là người Pháp cũng xếp hàng lên tàu, nhưng không được trật tự như người Nhật.



Chúng ta cũng cần học thêm từ người Nhật
sự tận tụy, tự giác, lịch sự và khiêm nhường

Hồi năm ngoái, khi Việt Nam thảo luận về làm đường sắt cao tốc, Chính phủ Nhật đã sẵn sàng giúp, nhưng quan ngại nhất là văn hóa đi tàu của người Việt Nam ta.

Có lần, con tôi chơi ở công viên, ném quả bóng qua hàng rào, ra ngoài đường. Một người đi xe máy qua đó, liền dừng xe, xuống xe, nhặt quả bóng, chạy lại đưa cho con tôi, rồi quay lại, miệng cười tươi, lên xe đi.

Một lần khác, khi đến đón con ở nhà trẻ, chưa gặp con, đã thấy cô giáo chạy đến, nói lời xin lỗi, vì trán con tôi hơi bị đỏ. Cô giáo giải thích hôm nay các em tập cúi thấp người để chào. Nhưng con tôi cúi người mạnh quá, nên trán vập xuống đất, bị sầy trán. Trong nhà trẻ, hàng ngày các cháu ăn gì, phải trưng bày mẫu đồ ăn thật trong tủ kính, để ở cửa ra vào, để bố mẹ các cháu khi đến đón con, biết con mình hôm nay ăn gì. Bố mẹ có thể lấy ra để ăn thử.

Trong sổ liên lạc của nhà trẻ, hàng ngày các cô giáo phải viết chi tiết hôm nay đứa trẻ làm gì, học gì, để bố mẹ được biết sinh hoạt của con hàng ngày ở nhà trẻ diễn ra thế nào. Cái sự tỉ mỉ đó của người Nhật về sự chăm sóc trẻ em, có lẽ khó nước nào theo kịp.

Trên các đường phố, nhà ga ở Tokyo, người ta sơn biển cấm hút thuốc lá. Thời gian đầu, người ta chưa phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng, mà chỉ nhắc nhở. Khi có người hút thuốc lá ở trên đường, nhân viên trật tự sẽ đến, đưa cái gạt tàn thuốc lá ra, nói lịch sự rằng: “Dạ thưa, ở đây không được hút thuốc lá. Xin quí vị cho thuốc lá vào đây ạ”. Người Nhật khuyến khích sự tự giác, chứ không ra chế tài xử phạt nghiêm khắc như ở Singapore.

Các nhân viên bán hàng ở Nhật thì rất đặc biệt, khi bán hàng họ chỉ đứng, không được ngồi. Như vậy nếu một ngày làm việc bán hàng 8 tiếng, là 8 tiếng đứng, để bày tỏ sự lễ phép, lịch sự, và tận tụy với khách hàng. Các nhân viên bán hàng khi nhận tiền của khách, phải nói to số tiền khách đưa là bao nhiêu, và phải kẹp tiền đó ở máy tính tiền trước mặt khách, để tránh sự nhầm lẫn. Khi trả lại tiền thừa, cũng phải nói to số tiền trả lại là bao nhiêu. Khi giao hàng cho khách, phải nói lời cảm ơn khách, và kính mời khách hàng quay lại.

Ở rất nhiều siêu thị lớn, lãnh đạo siêu thị thường đứng ở cửa ra vào, để cúi đầu chào khách hàng, dù mua hay không mua hàng. Khách hàng vào xem hàng, thử hàng chán chê, không mua, đi ra, vẫn được cảm ơn, không hề có sự nguýt môi, chửi rủa.



Người Nhật rất ngạc nhiên khi thấy thế giới ca ngợi mình trong cơn động đất

Ở Paris gần đây mới có một số cửa hàng ăn uống do người Nhật mở, với văn hóa phục vụ kiểu Nhật. Các cô gái Nhật đứng ở cửa cúi người chào khách qua lại, dù khách có vào cửa hàng hay không. Nếu khách hàng vào cửa hàng, sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo, với các nhân viên phục vụ luôn đứng khom người khi ghi thực đơn, trả lời, phục vụ khách hàng. Người Pháp không có văn hóa đứng khom người khi phục khách như người Nhật.

Mấy hôm nay động đất, người ta thấy Thủ tướng Kan, và Chánh Văn phòng Nội các Nhật Edano thường xuyên phải trả lời phỏng vấn của báo chí. Trên truyền hình, người ta thấy Thủ tướng Kan, hay Chánh Văn phòng Nội các Edano khi đi ra bục đặt micro, thường cúi đầu chào lá cờ Nhật trước, sau đó mới quay lại phía các nhà báo chờ câu hỏi.

Người Việt ta vốn tự hào về truyền thống anh hùng, đánh thắng quân xâm lược qua các cuộc chiến tranh và nền văn hiến lâu đời nhưng có những điều thiết nghĩ chúng ta cũng cần học thêm từ người Nhật, đó là sự tận tụy, sự tự giác, lịch sự, khiêm nhường, ý thức công cộng...

Minh Tuấn (từ Tokyo) viết riêng cho ĐĐK

2 nhận xét:

  1. quả thật người Việt cần phải suy ngẫm nhiều, nên biết tôn trọng người khác hơn. Sống đâu phải có mỗi mình đâu

    Trả lờiXóa
  2. Thủ tướng Nhật Kan Naoto đã chấm dứt chương trình khai thác điện năng nguyên tử vào ngầy 5/6/2011.. nhưng Việt Nam đang tiến hành dự án xây tại Phan Rang? Người Việt đã học được gì??

    Trả lờiXóa