Không thể dùng tràn lan tên Tây
TT 17.06.2011 - Không phải tất cả đều lên án tình trạng phần lớn chung cư mới xây dựng đều mang tên “ngoại”, có một số người cho đó chỉ là chuyện mánh lới để bán hàng trong buôn bán bình thường, số khác cho đó là một hiện thực trong đời sống, cái gì tồn tại đều có lý. Tên ngoại được chuộng vì người dân ta có thói quen xấu lâu đời là chuộng đồ ngoại.
Đông Kinh Nghĩa Thục đã có cả một bài giảng thống thiết về thói xấu mà các cụ gọi là “đưa vàng đi đổ sông Ngô biết bao giờ mới thu về được?”. Có vẻ điều đó như là một nghịch lý đối với một dân tộc hàng ngàn năm nổi tiếng kiên cường chống ngoại xâm. Dân ta vốn thế, giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh, không chấp nhận người nước ngoài bắt cá, hôi của, hiếp đáp dân ta, nhưng không bài ngoại, có thể nói là một dân tộc hiền hòa, dễ tính, dễ hòa nhập và luôn là “đất lành chim đậu” với người nước ngoài, kể cả những nước cựu thù.
Nhưng có “dễ tính” đến đâu nếu đặt lên bình diện văn hóa, chuyện đặt tên Tây thật khó chấp nhận. Không nên trách các nhà đầu tư, các chủ cửa hàng nước ngoài. Họ phải chiều “Thượng đế” để chóng thu hồi vốn và lợi nhuận chứ đâu có nhiệm vụ bảo tồn văn hóa cho ta. Nhà doanh nghiệp trong nước thì dù có tâm với văn hóa dân tộc hay không cũng phải nhắm mắt đưa chân cạnh tranh để khỏi thua thiệt. Một số ít mất tự tin hay đua đòi.
Cuối cùng thì hãy chịu khó tưởng tượng một chút, chỉ sau 20 năm đổi mới mà đã có 70% chung cư mới mang tên nước ngoài lạ hoắc, 20 năm nữa chắc chắn là “trăm phần trăm”! Mà không chỉ chung cư. Cửa hàng, cửa hiệu, trường học, quán bar, vũ trường, hiệu sách, dịch vụ matxa, cắt tóc... Rồi tên sữa của trẻ con, những Tom, những Bob cho con trai, Mary, Jeanette cho con gái sẽ được gọi ầm ĩ trong nhà, trong các ngày lễ tết, trong khi bố mẹ vẫn xưng tên là anh Mít, anh Xoài khấn khứa trước ban thờ!
Chuyện “vong bản” này cũng có nguyên nhân. Số là, cũng như nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin với thương hiệu của mình, con em nhiều gia đình mới phất, mới nổi thì thiếu tự hào về dòng dõi nên “đi tắt đón đầu”, muốn dùng cái tên, tưởng có thể tự vượt vũ môn lên một giai tầng mới.
Tôi thấy hầu như không một gia đình nào có chiều sâu văn hóa ở nước ta, dù con cái đi đây đi đó cũng nhiều, thậm chí nhiều cháu du học từ thuở còn thơ, nhưng không thấy cháu nào kèm theo cho mình cái tên Tây. Ai cũng biết dù là người của công chúng, cần sự nổi tiếng trong công chúng, nhưng không có nghệ sĩ lớn nào của nước ta có tên Tây, trừ một số là Việt kiều. Không ai dại gì “mua rét về mà run”, những người tử tế!
Tiếng Việt còn, nước ta còn (Phạm Quỳnh). Chúng ta cũng tin như vậy. Hãy nhìn mặt mà đặt tên. Một trẻ Việt mắt đen tóc đen, một ngôi nhà dù chọc trời hay có mái cong tọa lạc trên đất Việt sẽ đẹp hơn rất nhiều khi mang tên Việt. Nếu nhà cửa đất đai, dinh thự, cầu đường rồi bến cảng, sân bay cũng như con em của chúng ta đều mang tên Tây hay kèm theo một cái tên Tây, thì tiếng Việt sẽ còn lại gì khi không còn âm hưởng gợi cảm của những cái tên riêng có thể làm run rẩy trái tim một người Việt lang thang trên phố?
Chúng ta không nên quá khích bịt mắt che tai xua đuổi tất cả những gì ngoại lai, làm thế sẽ có hại, rất có hại cho hòa nhập. Nhưng tên Tây không thể dùng lan tràn và bừa bãi đến mức có thể làm thay đổi bộ mặt một con đường, một thành phố. Tiện lợi cho thông tin, nhãn hiệu chỉ là chuyện nhỏ, về mặt này tiếng Việt còn thuận lợi hơn nhiều tiếng khác như Ả Rập, tiếng Trung.
Tất cả phải đặt sau lợi ích văn hóa lâu dài. Nhà nước nên có những quy định ngặt xem công trình nào, cửa hàng nào có thể lấy tên Tây, công trình nào không được. Nếu những chung cư, công trình do người nước ngoài đầu tư hay xây dựng mang tên Việt mà đẹp, mà nổi tiếng thì chắc lúc đó các nhà doanh nghiệp quen “ăn theo” của ta sẽ không còn lý do gì đặt cho sản phẩm của mình một cái tên lạ hoắc!
NGUYỄN QUAN THÂN