29 thg 4, 2012

Chiến tranh: Quá khứ và Hôm nay


Đất nước tôi có một thời như thế

(Dân trí) - Bây giờ - Xin hãy lặng yên thôi! Hãy lặng yên để nghe lời đất kể. Đất nước tôi có một thời như thế. Làng tôi có một ngày như thế…!




(Minh họa: Ngọc Diệp) 
Là một ngày bắt đầu bằng từng đợt sương muối rơi mù mịt đất trời. Một ngày lặng yên chỉ có tiếng con chim chích chòe hót lên chào buổi sáng. Bố mẹ tôi và những người dân làng vác quốc ra đồng. Em Dướng, em Hường tôi ở nhà cùng với những đứa bé, người già trông nhà và quyét bếp. Một buổi sáng bình thường như muôn ngàn buổi sáng ở khắp nơi trên mặt đất.
Nhưng buổi sáng này – Một buổi sáng chiến tranh.

Khi máy bay Mỹ từ biển Đông kéo đến từng đàn. Rú lên rách trời và bom rơi nát đất. Những quầng lửa bốc lên từ căn nhà tranh còn nhiều chỗ dột. Để máu, để xương cùng tro  than và bùn đất trộn nhào.
Khi trái bom đầu tiên ném xuống trước cửa nhà tôi mảnh của nó đã chặt đứt chân em Hường khi em đang chơi ô ăn quan cùng em Dướng. Hai mươi năm sau bố tôi còn nặn tượng em Dướng cõng em Hường lủng lẳng một khúc chân. Các em tôi đã dìu nhau vào được một căn hầm nơi đấy đã có 7 người toàn người già và trẻ nhỏ thì một trái bom thứ hai rơi xuống nóc hầm. Người đàn bà láng giềng bữa ấy ra đồng trở về đã mất tất cả cửa nhà, chồng và những đứa con hóa điên bỏ làng đi biệt tích.
Hơn bốn mươi năm – Ngày giỗ em tôi và ngày giỗ dân làng trong khói hương nghi ngút của 70 căn nhà với 154 người chết ngày Mồng một tháng Mười năm Một ngàn Chín trăm Sáu mươi Bảy vẫn như còn phảng phất đâu đây mùi khét lẹt của những thân thể cháy đen.
Những căn nhà hai ba bốn tầng mọc lên vẫn không xóa được dấu tích nơi những trái bom rơi còn hằn vào mặt đất. Cần ăng ten với dây rợ lằng nhằng gợi lại hình ảnh một bộ ruột người với đủ cả tim phổi, dạ dày vắt dọc ngọn đa và đàn quạ đen nháo nhác bay lên, bay xuống.
Bốn mươi lăm năm là khoảng cách khá xa nhưng chưa đủ để xóa đi nỗi đau quá lớn. Người đàn bà bỏ làng ra đi hơn bốn mươi năm trước vẫn chưa vơi giọt nước mắt nào cho người chồng và 6 đứa con thơ.

Tôi không muốn ngửa mặt lên bầu trời này chỉ để niệm Nam mô.
Tôi không muốn cúi xuống mảnh đất này chỉ để kêu lên Đà Phật.
Tôi cúi xuống vốc lên một nắm đất trong nắm đất này có xương thịt, có linh hồn của những người đã mất, có giọt nước mắt bốn mươi lăm năm vẫn trong vắt nỗi đau.
Tôi muốn ném nắm đất này lên bầu trời xanh xanh ngắt một màu không phải để xua đi bốn mươi lăm năm tiếng kêu mất con, tiếng gào mất mẹ. Cũng không phải để xua đi ám ảnh của dãy nhà kho với hàng trăm tấm thân cháy đen co quắp không nhận nổi mặt người đến độ các bà mẹ nhìn vào chỉ ang áng con tôi…

Bây giờ
Xin hãy lặng yên thôi!
Hãy lặng yên để nghe lời đất kể
Đất nước tôi có một thời như thế
Làng tôi có một ngày như thế…!

Viết cho ngày đất nước tôi thống nhất (30/4)

Bùi Hoàng Tám

27 thg 4, 2012

Lối sống: Yêu thương và Trách nhiệm


“Một nửa yêu thương”

(TNTS) Một sơ suất tắc trách nhỏ của người lớn nhiều khi gây nên những bất hạnh cho con trẻ, thậm chí gây thù hận và đau đớn cho những người thân. Bộ phim THVN 30 tập Một nửa yêu thương phát sóng từ 16.4 trên SCTV14 khiến khán giả không khỏi suy ngẫm...
Bộ phim xoay quanh câu chuyện tình tay ba đầy bi kịch giữa hai anh em trai Đình Nam, Đình Phương (Minh Trí đóng) và Diệu Minh (Mỹ Uyên đóng) cùng bao hệ lụy cho cả những thế hệ sau trong gia đình. Do đau khổ vì Diệu Minh - người con gái mình yêu thương lại chọn anh mình để lấy làm chồng, Đình Phương nhậu xỉn và quan hệ với một cô gái vào đúng ngày cưới của anh trai. Hệ lụy là cô gái đó sinh ra một bé gái là Diễm Châu.
Thương em và cháu, Đình Nam nhận Diễm Châu về làm con nuôi trong khi anh đã có con gái là Diễm My. Đình Nam đột ngột qua đời khi chưa kịp giải thích rõ thân thế của Diễm Châu cho mọi người trong nhà, khiến Diệu Minh đi thêm bước nữa. Khi biết mình chỉ là con nuôi, Diễm Châu trở nên thay đổi tính cách, biến thành một người ích kỷ, ganh tị với chị gái và làm đủ mọi chuyện để phá hoại gia đình, thậm chí giết cả cha dượng. Bất chấp má nuôi Diệu Minh đã nhận tội thay mình và phải vào tù, Diễm Châu vẫn hận thù, tiếp tục gài bẫy hai chàng trai yêu thương chị mình là Gia Bảo và Minh Quân.
Hả hê trên đài danh vọng nhưng Diễm Châu suốt ngày lo lắng bí mật có ngày bại lộ. Trong lần định ra tay sát hại Gia Bảo, Diễm Châu bị bắt quả tang và trong lúc hoảng loạn bỏ chạy, cô bị tai nạn gãy chân và bị tâm thần phân liệt. Cuối cùng, Diễm My tìm được bến đỗ cùng Gia Bảo. Bà Diệu Minh rốt cục cũng chấp nhận tình cảm của Đình Phương...
Câu chuyện mang nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính bên cạnh đó là thông điệp sống “ mỗi người ít nhất hãy có trách nhiệm đối với những gì mình tạo nên”.

Cảnh trong phim Một nửa yêu thương - Ảnh: M&T Pictures
Một Nửa Yêu Thương - Sctv14

Phim Một Nửa Yêu Thương là Câu chuyện về hai nàng "Diễm" trong bộ phim "Một nửa yêu thương" - Hãng phim M&T Pictures và TKL sẽ thật hấp dẫn khi bộ phim công chiếu...
Những sinh linh bé nhỏ khi chào đời luôn là một món quà của tạo hóa, chúng cần lớn lên với nụ cười của cha và vòng tay ôm ấp của mẹ. Việc bỏ rơi những đứa con khi mới lọt lòng có thể chưa là tội ác nhưng rồi cuộc đời sẽ mang đến cho chúng khả năng làm đau những người xung quanh cũng như chính những người đã vô trách nhiệm với chúng.
Đình Nam và Đình Phương là hai anh em sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, sớm mất mẹ nên sống với cha, họ rất yêu thương nhau nhưng có một sự việc làm tình cảm của họ bị tổn thương là cả hai  cùng yêu một người con gái tên Diệu Minh.  Có tình cảm với cả hai, và cuối cùng Diệu Minh lựa chọn cưới làm chồng là Đình Nam. Ngày cưới của anh trai, Đình Phương chẳng những không tham dự mà còn nhậu nhẹt say xỉn và quan hệ với một cô gái, là lần quá đà đó đã khiến cho Đình Phương trở thành người cha bất đắc dĩ.  Đình Nam biết chuyện đã giấu kín mọi người,  nhận đứa con của Đình Phương về nuôi đặt tên là Diễm Châu, mọi chuyện chưa sáng tỏ thì Đình Nam đột ngột ra đi vĩnh viễn . Diệu Minh một mình nuôi hai đứa con Diễm My và Diễm Châu  khôn lớn. Cảm thấy thương đứa con dâu ngoan hiền, gia đình quyết định gả Diệu Minh cho người đàn ông khác để nương tựa khi lớn tuổi.
Từ một đứa bé ngoan hiền, Diễm Châu bất chợt trở thành một người ích kỷ, ganh tị với chị gái và làm đủ mọi chuyện để phá hoại gia đình khi biết mình là đứa con hoang, cô giết người cha dượng nhưng bà Diệu Minh nhận tội thay con phải vào tù. Hận bà Diệu Minh không thương mình, Diễm Châu tiếp tục gài bẫy Gia Bảo và Minh Quân, hai người đàn ông yêu thương Diễm My.  Kế hoạch của cô thành công khi tất cả những gì cô muốn đều diễn ra tốt đẹp và đúng kế hoạch.  Hả hê trên đài danh vọng nhưng Diễm Châu suốt ngày lo lắng bí mật có ngày bại lộ, trong 1 lần định ra tay sát hại Gia Bảo – người chồng của mình , cô bị bắt quả tang. Hoảng loạn bỏ chạy Diễm Châu bị tai nạn xe gãy chân và tâm thần phân liệt. Diễm My tìm được bến đỗ của riêng mình khi nép vào Gia Bảo. Bà Diệu Minh cũng bằng lòng chấp nhận tình cảm của Đình Phương dành cho mình. Họ lấy nhau sống trong hạnh phúc.
Một Nửa Yêu Thương, bộ phim thứ 51 do M&T PICTURES sản xuất xoay quanh gia đình gia giáo hai anh em Đình Nam và Đình Phương. Vì một phút lỡ lầm của Đình Phương; vì tấm lòng nhân hậu, quá thương em của Đình Nam; vì sự thùy mị, lòng khoang dung của Diễm My; vì lòng ích kỷ, ghen tị của Diễm Châu  đã kéo theo bi kịch một gia đình, xuyên suốt  .



Chi tiết : http://hoaphim.net/phim-online/3889/Mot-Nua-Yeu-Thuong-Sctv14.html#ixzz1tDoKLI1B

26 thg 4, 2012

Bạn có biết? Ẩm thực Việt thời hiện đại


Báo Tây choáng vì 'cơm nắm' Việt... thách thức McDonald’s
Cập nhật lúc :7:14 AM, 22/04/2012
(ĐVO) "Ở Malaysia, McDonald’s đã kiện thương hiệu Gà dùng chữ Mc. Khi cơm kẹp VietMac nổi tiếng toàn cầu, chữ 'Viet' chính là bùa hộ mạng", ông Thanh nói.
Trước hình ảnh một nữ tiếp viên trẻ cắn miếng cơm kẹp VietMac và thốt lên: "Quá ngon! Quá bổ dưỡng!", theo tờ The West Autralian, phản ứng của cô gái không phải là điển hình dành cho thức ăn nhanh, nhưng cơm kẹp rõ ràng là món ăn "độc nhất vô nhị" trên thế giới.

Menu của VietMac.

Cơm kẹp VietMac đang gây bão trên thế giới. Đó là hai bánh cơm được ép chặt, kẹp với thịt, rau… Ông Ngô Trọng Thanh, ông chủ VietMac, cho biết: Bánh hoàn toàn không có chất phụ gia, ăn bổ dưỡng hơn nhiều các loại đồ ăn nhanh khác.

Hiện, chỉ sau 1 năm khai trương cửa hàng đầu tiên, VietMac đến nay có tất cả 12 cửa hàng trên khắp Việt Nam và vào mùa hè này, món "cơm nắm" cách tân của người Việt sẽ đến Đức và Anh.

Theo ông Thanh, mục tiêu chinh phục thị trường của VietMac là tạo nên dây chuyền cửa hàng cơm kẹp thuần Việt có một không hai, với đối tượng khách hàng là giới trẻ, dân công sở, người độc thân và các gia đình trẻ. Với giá một phần ăn từ 1 USD đến 1,5 USD, ông Thanh tin tưởng rằng, những người trẻ sẽ rất thích cơm kẹp VietMac.


Cơm kẹp VietMac đang gây bão trên thế giới.

"Cơm kẹp là một trong những biểu tượng của đồ ăn nhanh trên thế giới. Tôi muốn mang đến cho thực khách cảm giác thưởng thức món ăn như ở nhà. Việt Nam là đất nước lúa gạo, nên tôi đã làm chiếc bánh này bằng gạo", ông Thanh chia sẻ và cho biết thêm: "Suất ăn VietMac gồm cơm kẹp và một bát súp. Đây là điều quan trọng để cân bằng tốt bữa ăn. Theo triết lý này, mọi thứ trên thế giới đều cần phải cân bằng, như: âm - dương, ngày - đêm. Ẩm thực Việt Nam cũng giống như thế!".

Ông chủ VietMac cũng tâm sự: "Cách đây 40 năm, khi tôi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi nghèo lắm. Chúng tôi chỉ ăn cơm với rau mỗi ngày. Khi đi học, mẹ thường nắm cơm cho tôi mang tới trường. Nhiều đứa trẻ cùng độ tuổi tôi cũng thế".

Một cửa hàng cơm kẹp VietMac.

Bùi Tang, sinh viên ĐH Hawaii, cho biết, cơm kẹp VietMac là sự kết hợp giữa những hương vị truyền thống với công thức và thói quen ăn uống hiện đại. "Ẩm thực phản ánh nền văn hóa của một đất nước. Cơm kẹp VietMac hoàn toàn phù hợp với xu thế và nhu cầu của một nền kinh tế đang nổi vì mọi người có quá ít thời gian dành cho ăn uống. Người làm ra đồ ăn phải nắm bắt được điều này".

Hiện, với việc McDonald’s vẫn chưa có mặt ở Việt Nam, ông Thanh có thể đăng ký thương hiệu VietMac và chắc chắn không gặp trục trặc nào ở trong nước. Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận, khi mở rộng kinh doanh trên toàn cần thì có thể gặp vướng mắc về tên và đó là lý do tại sao ông đã đăng ký thêm tên Vietburger.

"Ở Malaysia, McDonald’s đã kiện thương hiệu Gà dùng chữ Mc. Vì vậy, với tôi, khi VietMac trở nên nổi tiếng toàn cầu, chữ 'Viet' chính là bùa hộ mạng", ông Thanh cho biết.

Ông Thanh tự tin: "Cơm kẹp VietMac sẽ nổi tiếng. Tôi muốn mọi người trên thế giới thưởng thức cơm kẹp. Nếu bạn có thể tạo ra món ăn vừa kết hợp truyền thống với hiện đại, thì đó đã là thành công rồi”.

Những con số thú vị về cơm kẹp VietMac:
- Để ép một chiếc bánh cơm mịn màng, cần một lực tới… hơn 1 tấn. Nếu lực ép không đủ, bánh cơm rất dễ bị bở khi ăn, nhưng ngược lại, nếu lực ép quá lớn, thì hạt cơm sẽ bị vỡ và mất độ dai tự nhiên của nó. Để tìm ra một lực ép lý tưởng, những chuyên gia kỹ thuật của VietMac đã ép thử tới hơn 200 lần trong 3 tháng thử nghiệm.
- Để chọn loại gạo phù hợp, hơn 30 loại gạo đã được đề cử. Gạo tám thơm Hải Hậu suýt được lựa chọn nếu như nó không có nhiều … sạn. Thật tiếc cho loại gạo đặc sản này, nhưng qua đó chúng ta cũng hiểu một phần lý do gạo của chúng ta chưa thể xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Mỹ.
- Mỗi chiếc bánh cơm nhìn thật nhỏ và xinh. Nhưng đững vội coi thường. Lượng cơm của nó đúng bằng 1 bát cơm chúng ta ăn hằng ngày. Đôi khi, bạn vẫn còn thòm thèm sau 1 suất VietMac. Chẳng phải do ít cơm, mà bạn biết không: khi nắm cơm lại chúng ta thường ăn được nhiều hơn.

- Và để mỗi bánh cơm vừa đủ độ dai, nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo để kết dính, thì việc lựa chọn gạo sẽ là điều quyết định. 3 loại gạo đặc sản đã được phối trộn với nhau, nhưng loại gạo và tỷ lệ phối trộn lại là bí quyết riêng của VietMac.

- Salad được kẹp trong mỗi bánh cơm VietMac không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp vitamine và chất xơ để dảm bảo một bữa ăn đủ dinh dưỡng, mà quan trọng hơn nữa, nó mang lại cho Vietmac đủ 4 vị cho một bữa ăn ngon: mặn, ngọt, chua, cay. Cả một thế giới vị giác được thu nhỏ trong những lát salad mỏng manh.

- Khi mới bán thử nghiệm, VietMac rất ngạc nhiên khi phần lớn khách hàng gỡ bỏ giấy gói, và ăn bằng cách … xúc thìa. Chuyện lạ này được ghi nhận và phải sau 2 tuần, nguyên nhân mới được làm sáng tỏ: do cách đóng gói theo kiểu gói bánh chưng ban đầu.
Một chuyên viên sản xuất của VietMac được điều sang Singapore, học hỏi cách đóng gói của đồng nghiệp và nay, 80% khách hàng ăn theo kiểu hamburger.

25 thg 4, 2012

Những kỹ năng mềm giúp bạn vượt trội


3 tố chất của ứng viên được nhà tuyển dụng săn đón
(Dân trí) - Có khi nào bạn tự hỏi vì sao trình độ chuyên môn của mình hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng đề ra nhưng vẫn không được nhận. Câu trả lời là rất có thể bạn đã thiếu hoặc chưa thể hiện được một trong những tố chất sau…
 >> 12 cách “lật tẩy” những lời nói dối nơi công sở
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, để tìm được một công việc ưng ý là không hề dễ dàng. Số lượng vị trí cần tuyển thì có hạn trong khi người đi tìm việc lại rất nhiều khiến mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Nếu không có bề dày kinh nghiệm hoặc trình độ vượt trội so với các ứng viên khác bạn sẽ khó lòng thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng chỉ dựa trên tấm bằng đại học.
Nhà tuyển dụng không chỉ cần người giỏi mà cần người đáng tin cậy
Vậy các công ty mong muốn một ứng viên ra sao? Những nhân tố nào khiến bạn trở nên khác biệt? Có một điều đáng chú ý đó là rất nhiều công ty hiện nay, nhất là những công ty lớn, đều có quy trình sàng lọc ứng viên. Đơn giản bởi không nhà tuyển dụng nào muốn ngồi đọc hàng chồng hồ sơ ứng viên cho mỗi vị trí cần tuyển.
Vượt qua đợt sàng lọc này sẽ là những ứng viên đáp ứng các điều kiện nhất định như: kết quả học tập tốt, có những kỹ năng cơ bản phù hợp cho vị trí được tuyển và cả kết quả làm việc ở những công ty trước đây (nếu vị trí đòi hỏi người có kinh nghiệm). Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần để vượt qua vòng sơ loại.
Với mỗi vị trí cụ thể, nhà tuyển dụng lại tìm kiếm một loạt các tố chất chuyên biệt và những người có nền tảng hoàn hảo, ví dụ như từng làm việc cho đối thủ chính của công ty và có một số thông tin nội bộ hữu ích, sẽ là những người nổi bật nhất. Dù vậy thì đa số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc lựa chọn giữa những ứng viên khá sàn sàn nhau về năng lực và kinh nghiệm. Khi đó 3 tố chất sau thường khiến họ bị thuyết phục:
1. Độ tin cậy
Với nhiều nhà tuyển dụng, việc tìm được một nhân viên giỏi không quan trọng bằng một người có thể tin cậy. Câu hỏi họ thường đặt ra sau khi phỏng vấn đó là liệu đây có phải người tôi có thể giao phó để mọi việc diễn ra trôi chảy, ngay cả khi gặp khó khăn, áp lực? Mặc dù những phán đoán này rất chủ quan và hầu như chỉ là cảm tính nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định cuối cùng của nhà tuyển dụng. Vậy nên tốt hơn hết bạn hãy cố gắng thể hiện cho được mình là người đáng tin.
2. Khả năng làm việc theo nhóm
Ở bất kỳ doanh nghiệp nào dù lớn hay nhỏ, kỹ năng làm việc theo nhóm luôn rất quan trọng, quyết định hiệu quả và cả hòa khí tại nơi làm việc. Bởi vậy các nhà tuyển dụng sẽ đặc biệt chú ý xem liệu ứng viên đó có sẵn sàng phối hợp với các bộ phận khác hay chỉ thích “độc diễn”, kỹ năng ứng xử xã hội ra sao.
Nói cách khác, liệu những tính cách của ứng viên có hòa hợp được với văn hóa của doanh nghiệp hay không. Điều này là không thể xem thường bởi thực tế cho thấy đôi khi những người rất giỏi chuyên môn vẫn không phát huy được năng lực của mình chỉ vì phong cách có nhiều khác biệt so với kỳ vọng chung của doanh nghiệp.
3. Khả năng vượt khó
Một tố chất nữa mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên đó là khả năng vượt lên những khó khăn trong công việc. Đơn giản bởi không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ và đó chính là lúc cần có sự đột phá.
Những câu hỏi thường được nhà tuyển dụng đặt ra đó là: Người đó có nhiệt huyết với công việc hay không? Liệu doanh nghiệp có thể trông đợi người đó tạo ra những đột biến khi lâm vào tình huống khó khăn hoặc phải chạy đua với thời gian? Ứng viên ấy có thể tự hòan thành công việc khi bất ngờ không còn sự hỗ trợ từ các cộng sự? Tất nhiên bạn sẽ ít có cơ hội chứng minh điều này trong buổi phỏng vấn nhưng hãy khéo léo tìm cách gây ấn tượng rằng mình không phải là người dễ đầu hàng.
Thanh Tùng
Theo Forbes

24 thg 4, 2012

Suy ngẫm về Lá thư của tổng thống Abraham Lincoln


Đây là bức thư của Abraham Lincoln (1809 - 1865), tổng thống thứ 16 của Hoa Kì, gửi cho thầy giáo của con trai mình. Chắc chắn một điều : bức thư này không chỉ gửi cho thầy giáo của con trai Linconl mà tất cả chúng ta, những công dân của thời đại nứt vỡ, cũng nhận được nhiều điều.

                             a42b.jpg
 Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ ghét bỏ ta thì ta lại có thêm một người bạn.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quí giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố.
Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.
Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Xin thầy dạy cho cháu biết thà rằng bị điểm kém vẫn còn hơn là gian lận trong thi cử.
Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo.
Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã.
Xin hãy dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng.
Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được một con người cứng rắn.
Xin hãy giúp cháu có được sự dũng cảm để không dung thứ sự sai trái và giúp cho cháu có được sự bền chí để là người dũng cảm. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân mình, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn


A WORD TO TEACHERS 

He will have to learn, I know,
that all men are not just,
all men are not true.
But teach him also that
for every scoundrel there is a hero;
that for every selfish Politician,
there is a dedicated leader…
Teach him for every enemy there is a friend,


Steer him away from envy,
if you can,
teach him the secret of
quiet laughter.


Let him learn early that
the bullies are the easiest to lick…
Teach him, if you can,
the wonder of books…
But also give him quiet time
to ponder the eternal mystery of birds in the sky,
bees in the sun,
and the flowers on a green hillside.
In the school teach him
it is far honourable to fail
than to cheat…
Teach him to have faith
in his own ideas,
even if everyone tells him
they are wrong…
Teach him to be gentle
with gentle people,
and tough with the tough.
Try to give my son
the strength not to follow the crowd
when everyone is getting on the band wagon…
Teach him to listen to all men…
but teach him also to filter
all he hears on a screen of truth,
and take only the good
that comes through.
Teach him if you can,
how to laugh when he is sad…
Teach him there is no shame in tears,
Teach him to scoff at cynics
and to beware of too much sweetness…
Teach him to sell his brawn
and brain to the highest bidders
but never to put a price-tag
on his heart and soul.
Teach him to close his ears
to a howling mob
and to stand and fight
if he thinks he’s right.
Treat him gently,
but do not cuddle him,
because only the test
of fire makes fine steel.
Let him have the courage
to be impatient…
let him have the patience to be brave.
Teach him always
to have sublime faith in himself,
because then he will have
sublime faith in mankind.
This is a big order,
but see what you can do…
He is such a fine little fellow,
my son!
 Abraham Lincoln

Trung thực trong thi cử và trong cuộc sống


Đề bài:
Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin- côn (1809- 1965) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” (Theo Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135).
Từ ý kiến trên, anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực tong thi cử và trong cuộc sống.
(Câu II- 3đ- Đề Tuyển sinh Đại học 2009, Khối C)
--------------------

• GỢI Ý CỦA NGUYỄN HỮU DƯƠNG (TT GDTX Q6- Tp.HCM):
1. Hiểu được ý kiến của A. Lin- côn:
Tổng thống đề nghị nhà trường dạy cho con mình, cũng là dạy cho học sinh:
- Biết chấp nhận thi rớt (nếu mình chưa đủ tài).
- Tránh gian lận trong thi cử (đả kích tiêu cực trong thi cử).
=> Ý nghĩa câu nói: ca ngợi cách sống dũng cảm và trung thực.
2. Nêu suy nghĩ của bản thân:
Quan niệm của A.Lin- côn là đúng đắn với mọi thời đại.
- Học để thi đỗ là khát vọng chung của mọi học sinh.
- Nhưng sự trung thực trong thi cử, học tập mới là điều quan trọng.
- Mở rộng:
+ Trân trọng người thực tài, đả kích những kẻ gian dối, háo danh.
+ Trân trọng người trung thực, dũng cảm, đả kích thói giả dối, bất tài, vô dụng.
3. Rút ra bài học cho bản thân:
- Luôn nghiêm khắc với bản thân mình trong rèn luyện.
- Luôn coi trọng vấn đề thực học để trở thành những con người thực tài.
----------------------------------------
• ĐÁP ÁN CỦA BỘ GDĐT: 
1. Giải thích ý kiến (0.5đ):
- Về nội dung trực tiếp, lời của A. Lin- côn muốn khẳng định: chấp nhận thi rớt một cách trung thực còn vinh dự hơn thi đỗ nhờ gian dối.
- Về thực hất, ý kiến này đề cập đến đức tính trung thực của con người.
2. Bàn luận về trung thực trong thi cử và trong cuộc sống (2.0đ):
- Trong khi thi (1.0đ):
+ Trung thực là phải làm bài bằng thực lực và chỉ chấp nhận đỗ đạt bằng thực chất của mình. Còn gian lận là làm mọi cách để đỗ bằng được, không cần thực chất (0.5đ).
+ Người trung thực phải là người biết rõ: Trung thực trong khi thi dù thi rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận. Đối với tư cách của một thí sinh, trung thực trong khi thi là điều quan trọng hơn cả. (0.5đ).
- Trong cuộc sống (1.0đ):
+ Trung thực là coi trọng thực chất, luôn thành thực với mình, với người, không chấp nhận gian dối trong bất kì mối quan hệ nào, công việc nào. Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người và đức tính cần thiết cho cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sống trung thực là một niềm hạnh phúc cao quý. (0.5đ).
+ Thiếu trung thực là làm những điều gian dối, khuất tất. Thiếu trung thực không chỉ biến con người thành đê tiện mà còn khiến cho cuộc sống lâm vào tình trạng thực giả bất phân, ngay gian lẫn lộn. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng không trung thực sẽ là một người thiếu nhân cách và có thể gây ra nhiều nguy hại cho xã hội. (0.5đ).
3. Bài học nhận thức và hành động (0.5đ):
- Bản thân cần nhận thức sâu sắc trung thực là một giá trị làm nên nhân cách của mình; ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt vẫn cần sống cho trung thực.
- Đồng thời cần không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực mà hành động cụ thể lúc này là trung thực trong khi thi; cần khẳng định và bảo vệ sự trung thực, kiên quyết đấu tranh với mọi hiện tượng thiếu trung thực đang tồn tại khá phổ biến tron xã hội.
------------------------------------
• GỢI Ý LÀM BÀI:
Trong thư gửi thầy Hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A.Lin- côn viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi”. Về nội dung trực tiếp, lời của A. Lin- côn muốn khẳng định: chấp nhận thi rớt một cách trung thực còn vinh dự hơn thi đỗ nhờ gian dối. Về thực chất, ý kiến này đề cập đến đức tính trung thực của con người. Đó là đức tính trung thực trong thi cử và trong cuộc sống.
Xét ở khía cạnh thứ nhất của câu nói, trung thực trong khi thi tức là phải làm bài bằng thực lực và chỉ chấp nhận đỗ đạt bằng thực chất của mình. Điều này trái với gian lận trong thi cử tức là làm mọi cách để thi đỗ bằng được mà không cần thực chất.
Người trung thực phải biết rõ: Trung thực trong khi thi, dù bị rớt, vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận. Đối với tư cách của một thí sinh, trung thực vẫn là quan trọng hơn cả. Tại sao vậy?
Thi cử là một khâu quan trọng trong giáo dục để đánh giá đúng, đánh giá chính xác kiến thức cũng như năng lực của một học sinh, tránh những trường hợp không hề hiếm trong xã hội hiện nay: ngồi nhầm lớp, học giả- bằng thật,… Trung thực trong học tập và thi cử sẽ giúp phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh, giúp học sinh nhìn nhận đúng năng lực của mình. Từ đó, học sinh sẽ có hướng phấn đấu tích cực để khắc phục tình trạng của mình.
Đối với xã hội, thiếu trung thực trong học tập và thi cử là một việc làm khó có thể chấp nhận được. Vấn đề sẽ như thế nào nếu tất cả học sinh đều thiếu trung thực trong học tập và thi cử? Ra trường, đi làm, những học sinh đó sẽ ôm theo những tấm bằng đỏ chói, cao quý nhưng thực chất kiến thức lại vô cùng hạn hẹp, đầu óc lại rỗng tuyếch…. Vậy, vấn đề “Vinh dự” trong câu nói của A. Lin- côn là gì trong khi nhiều thí sinh đã rất vênh vang nhờ gian lận trong thi cử mà được bằng nọ, cấp kia, còn nhiều “cô chiêu, cậu tú” lại rất buồn bã, thậm chí đánh mất niềm tin ở cả chính mình khi không đỗ đạt chỉ vì quá trung thực trong khi thi. Theo A. Lin- côn, “vinh dự” ở đây chính là sự chiến thắng bản thân mình. Ở đâu đó, người ta nói: Chiến thắng chính mình là chiến thắng vĩ đại nhất. Một học viên lái xe sẽ gây tai nạn nếu học hành chểnh mảng và thiếu trung thực trong cuộc thi lấy bằng lái. Một sinh viên ý khoa sẽ cho bệnh nhân uống nhầm thuốc nếu cũng học hành chểnh mảng mà vẫn ra trường với bằng bác sĩ loại ưu. Một sĩ quan quân đội sẽ “ăn đạn” nếu không trung thực rèn luyện nghiêm túc trong trường quân sự…Cái “vinh dự” theo A. Lin- côn nói còn là “nhân cách” của một con người. Con người ấy, thí sinh ấy có thể thi rớt vì trung thực nhưng còn giữ lại được nhân cách, giữ lại được niềm tin ở cuộc đời. Trái lại, con người ấy, thí sinh ấy sẽ bị bôi mờ về nhân cách. Nhục nhã biết bao khi nhân cách bị bôi mờ! Một người khác vu oan cho ta, đổ tội cho ta, bôi nhọ ta, ta đã không chịu nổi, huống hồ tự ta lại bôi nhọ mình, sỉ nhục mình chỉ vì thiếu trung thực trong thi cử.
Nhưng ý nghĩa câu nói của A. Lin- côn chưa dừng lại ở đó. Lời ấy còn nhắc chúng ta phải trung thực trong cuộc sống. Tức là, trong cuộc sống, ta phải coi trong thực chất, luôn thành thực với mình, với người, không chấp nhận gian dối trong bất kỳ mối quan hệ nào, công việc nào. Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người và là đức tính cần thiết cho cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sống trung thực là một niềm hạnh phúc cao quý.
Ngược lại, thiếu trung thực trong cuộc sống là làm những điều gian dối, khuất tất. Thiếu trung thực không chỉ biến con người thành đê tiện mà còn khiến cho cuộc sống lâm vào tình trạng thực giả bất phân, ngay gian lẫn lộn. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng không trung thực sẽ mất nhân cách (như đã nói ở trên) và có thể gây ra nhiều nguy hại cho xã hội. Một sự thiếu trung thực trong việc xử lý nước thải của Công ty Bột ngọt VEDAN đã gây thiệt hại biết bao nhiêu cho đời sống, kinh tế, sức khỏe, môi trường,… của người dân hai bên bờ sông Thị Vải (Đồng Nai). Một sự thiếu trung thực trong sản xuất sữa bột ở Trung Quốc đã khiến cho biết bao trẻ em vô tội mang bệnh suốt đời, thậm chí là tử vong. Một sự thiếu trung thực nhỏ trong xây dựng cũng có thể gây ra gẫy sập cả một công trình kiến trúc lớn. Một sự thiếu trung thực trong thông tin tình báo có thể là mầm mống của một cuộc chiến tranh lớn khiến “thây chất thành núi, máu chảy thành sông”…Hậu quả của việc thiếu trung thực gây ra trong cuộc sống thật không thể lường hết được!
Tuy nhiên, trong cuộc sống này, cái gì cũng có tính tương đối của nó. Không phải lúc nào ta cũng trung thực một cách cứng nhắc. Bởi vì, có những lúc, sự trung thực của ta có thể gây ra bất lợi cho người khác, cho số đông, cho tập thể. Một người mẹ dối con về bệnh tật nguy kịch của mình để con có tâm lý tốt bước vào kỳ thi là điều có lợi hay có hại? Một bác sĩ giấu bệnh nhân tình trạng “gần đất xa trời” để anh ta sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại trong vui vẻ là có lợi hay có hại? Một Hạ Thiên (trong phim “Nghĩa nặng tình thâm”) giấu Thượng Mẫn (người yêu) tình trạng sắp chết của mình đễ Mẫn rời xa anh, đi tìm một tình yêu mới là có lợi hay có hại? Ta thử nghĩ xem, vì sao Pu- skin lại viết: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em” (Tôi yêu em)? Hóa ra, trong cuộc sống này, đôi khi, thiếu trung thực cũng là một vẻ đẹp, một tấm lòng cao thượng.
Nhưng nói gì thì nói, trung thực vẫn là một đức tính quan trọng mà mỗi người cần có và phải có. Trung thực làm nên nhân cách. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống cho trung thực. Có như thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản ở cõi lòng. Làm người, ta cần không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực. Làm người đi học, ta cần trung đặc biệt trong thi cử để đánh giá được đúng năng lực của ta. Suy cho cùng, câu nói của A. Lin- côn là một bài học làm lòng quý giá cho mỗi chúng ta.
Sơn Long, ngày 16/07/2009
Nguyễn Thanh Tùng.

22 thg 4, 2012

Suy ngẫm về Thế hệ trước


Người lớn làm tổn thương người trẻ

8/10 vị phụ huynh mà tôi từng tiếp xúc cho rằng: “Bọn trẻ bây giờ rất hư!”. Trong đó 8/8 vị cho biết trẻ hư do internet, trò chơi điện tử, bạn bè ảnh hưởng... Không có ý kiến nào trả lời “do người lớn”. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi lại nhận ra rằng: giới trẻ đang có một cái nhìn tổn thương về người lớn.
Trong một buổi chuyên đề về đạo đức, một em học sinh (Q.10, TP.HCM) hỏi tôi rằng: “Nhà trường thường xuyên dạy chúng em về tính trung thực, phải biết vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng trong thực tế sao em lại thấy có quá nhiều người lớn không trung thực nhưng vẫn thành đạt?”. Hôm khác, khi tư vấn cho một em hơi “quậy” ở Đồng Nai, tôi hỏi về bố mẹ, gia đình, em phán một câu xanh rờn: “Ổng bả thì biết gì về con cái, ổng bả chỉ biết lo đi kiếm tiền thôi thầy ơi”. Dù đã nghe câu này đến mươi lần rồi nhưng lòng tôi vẫn buồn rười rượi. Đối với nhiều đứa trẻ, tình yêu và những giây phút ấm áp gia đình thật sự là những món hàng xa xỉ…
Một hôm, khi đang dạy cho học sinh toàn trường phải biết trả lại của rơi, một em giơ tay thật cao: “Thầy ơi, em thấy trên báo người ta nói có người đi đường đánh rơi cả giỏ tiền hay xe tải bị lật rơi ra hàng hóa, người lớn ùn ùn kéo nhau đến hôi của mà có bị làm sao đâu”. Hôm nọ, khi vừa kết thúc buổi dạy, cậu sinh viên mới ra trường (cũng thuộc loại cận giỏi), điện thoại tâm sự: “Nản quá thầy ơi, em đi xin việc làm, muốn có một chân dạy trong trường cấp 3 ở quận 8 phải lo 200 triệu đồng, còn nếu chịu khó về Nhà Bè chỉ 50 triệu thôi! Giờ em nên chọn ở đâu thưa thầy?”. Tôi chẳng biết phải nói gì ngoài việc giới thiệu với em một thầy hiệu trưởng mà tôi thân thiết (mặc dù làm vậy tôi biết mình sai khi vô tình dạy em “nhất thân nhì thế”).
Bức tranh đạo đức xã hội đan xen cả hai mảng sáng và tối. Có lẽ do đặc trưng nghề nghiệp nên tôi mới gặp quá nhiều mảng tối. Tự an ủi mình như thế nhưng tôi không thể chối bỏ những thực tế trái ngược với đạo lý đang hiển hiện từ gia đình, nhà trường, công sở và ngoài xã hội đã gây ra những phản cảm nặng nề đối với lớp trẻ, làm họ mất niềm tin vào giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Thạc sĩ NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU(Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP