(Dân trí) - Dám nhận trách nhiệm về mình và dám từ chức khi không hoàn thành tốt chức trách có khó không? Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng rất khó. Song muốn vậy, theo bạn đọc, trước hết có lẽ cần bắt đầu từ ý thức tự sửa đổi của chính mỗi người...
>> Dũng khí và lòng tự trọng
>> Dũng khí và lòng tự trọng
Tư lệnh lực lượng Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Hyun-oh nghiêng mình xin lỗi gia đình nạn nhân (ảnh: Yonhap)
Khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn
Trong cuộc sống, chuyện gì cũng có cả những mặt phải và mặt trái của nó. Con người ta cũng vậy dù khi mới sinh ra ai cũng “tính bản thiện”. Cùng với thời gian trưởng thành lên, dựa trên nền tảng cơ sở của sự giáo dục từ gia đình tới nhà trường, công sở và môi trường xã hội, những nét tính cách được hình thành dần trong mỗi con người. Song ở vào mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, con người đều có thể có những thay đổi bao gồm cả về cách đối nhân xử thế, cách hòa nhập với cuộc sống…
Bởi thế, đôi khi cũng thật cũng khó có thể tách bạch được ranh giới đẹp - xấu, thiện – ác, văn minh – cổ hủ… trong một con người. Cùng với sự phát triển ngày càng đi lên của xã hội, những mặt trái trong xã hội nói chung và mỗi cá nhân nói riêng dường như cũng bộc lộ ngày một đa dạng hơn, thậm chí càng khó nắm bắt và phân định được rạch ròi hơn…
Có lẽ phần nào cũng vì vậy mà thời bây giờ nhiều người than phiền rằng: lòng tử tế giữa con người với con người trong cư xử với nhau ngày càng ít thấy hơn. Tinh thần hy sinh mình vì mọi người lại càng hiếm… Và cái gọi là văn hóa nhận trách nhiệm về mình và dũng cảm từ chức ở các giới chức nước ta (tất nhiên phải là giới chức vì họ mới là những người có chức trách) xem ra ngày càng như "lá mùa thu"...
Cho nên mỗi khi có một vụ việc nào đó xảy ra gây xôn xao dư luận, câu hỏi đầu tiên được đông đảo bạn đọc nêu ra luôn là: Ai chịu trách nhiệm? cùng kết luận: Người đó nên tự từ chức để thể hiện sự tự trọng!
Chúng ta cũng đã luận bàn về chủ đề nhạy cảm này không biết bao nhiêu lần, song kết cục ra sao thì… ai cũng đã thấy rõ. Như trong bài viết dưới tiêu đề “Thêm cơ chế buộc … từ chức” đăng trên báo Tiền Phong mới đây đã nêu rõ: Thực tế từ lâu, cơ chế pháp lý của việc từ chức đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Luật tổ chức Quốc hội ghi: “Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm, nếu vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thì có thể xin từ chức”. Theo Luật tổ chức Chính phủ, thì Thủ tướng có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức đối với các thành viên Chính phủ từ Phó Thủ tướng trở xuống. Nhưng sự thực là: “Bị miễn nhiệm khi mắc sai phạm nghiêm trọng là điều hiển nhiên. Nhưng còn từ chức, lâu nay vẫn quá lùng nhùng, và có vẻ “xa lạ” với cơ chế dân chủ tập trung ở ta. Nhớ lại, từ trước tới nay mới chỉ có vài ba trường hợp quan chức miễn cưỡng thực thi “văn hóa từ chức” sau khi mắc sai phạm, còn lại chẳng thấy ai động cựa”.
Ngoại trưởng Nhật Bản (đã từ chức) Seiji Maehara
Thay đổi thói quen?
Có lẽ cũng vì đã quá quen với chuyện chẳng thấy ai nhận trách nhiệm cụ thể về mình, nói gì tới từ chức – một hành động mà theo nhận xét của bạn đọc có nick Kgkgolguho là: “Cần có thời gian để thay đổi một thói quen!” – nên mỗi khi xuất hiện một tấm gương thể hiện văn hóa từ chức nào đó (tất nhiên là ở nước ngoài rồi), thì dư luận như lại được dịp ngợi khen, so sánh “trông người mà ngẫm đến ta”…
Một trong những ví dụ là vụ từ chức của Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara ngày 6/3 năm ngoái chỉ sau 6 tháng đảm nhận cương vị này, do bị chỉ trích về việc nhận tiền quyên góp chính trị từ một công dân nước ngoài. Mặc dù khoản tiền quyên góp 50.000 yen (tương đương 610 USD) từ một công dân Hàn Quốc đang sinh sống tại Nhật Bản này cho ông Seiji Maehara hoàn toàn không lớn, nhưng pháp luật Nhật Bản nghiêm cấm các chính trị gia nhận tiền từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngoại quốc đối với nền chính trị nước nhà.
Gần đây nhất là việc Tư lệnh lực lượng Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Hyun-oh ngày 9/4 vừa đệ đơn từ chức để nhận trách nhiệm trong vụ thuộc cấp yếu kém, khiến một nữ nạn nhân 28 tuổi bị hãm hiếp và giết chết tại thành phố Suwon, cách thủ đô Seoul 30 km về phía nam.
Bình luận về văn hóa từ chức vốn là chuyện bình thường của nhiều nước khác, bạn đọc Dang nhấn mạnh tới những cái giá các quan chức nước bạn chấp nhận phải trả để chứng minh trách nhiệm của mình với đất nước, với nhân dân:
“Đất nước Hàn Quốc có tham vọng vượt lên giàu có như Nhật Bản và họ đã làm được nhiều việc. Yếu tố để họ thành công chính là vì họ có những con người lãnh đạo như cố Tổng thống Roh Moo – huyn, như ông Cho Huyn – oh. Cái giá phải trả cho hai chữ trách nhiệm là chính chức vụ của mình, cái giá phải trả cho danh dự chính là mạng sống. Tôi có thể mất chức, thậm chí có thể chết để bảo toàn danh dự, phẩm giá, trước hết là của một con người, sau đó là của một quan chức có trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước...”
Qua những tấm gương như vậy, Bùi Lâm càng tha thiết mong muốn cũng là của chung nhiều người dân VN với giới chức nước nhà: “Khi đọc tin ông Cảnh sát Trưởng Hàn Quốc từ chức vì tự nhận không làm tròn trách nhiệm để xảy ra vụ án mạng làm chết một công dân bình thường của Đại Hàn dân quốc, tôi thực sự xúc động và mong ước rằng đất nước mình cũng xuất hiện ngày càng nhiều người biết tự trọng và tôn trọng nhân dân như vậy”.
Tuyết lạnh Kr khen ngợi: “Bài viết quá hay. Tôi cũng đang sinh sống tại Hàn Quốc và tôi thấy rằng hầu như các quan chức của Hàn Quốc họ làm việc đều dựa trên cái TÂM cái ĐỨC, vì thế nên đất nước họ ngày càng văn minh, con người cư xử lịch sự. Mong rằng VN mình được như nước bạn. Nếu muốn được như thế thì phải thay đổi cách nghĩ và cách làm việc hiện tại thì đất nước mới phát triển được. Mong rằng những người làm việc trong các co quan nhà nước từ thấp đến cao hãy sống và làm việc đúng trách nhiệm của mình, biết nhận trách nhiệm khi mình làm sai để cho tương lai sau này tốt đẹp hơn".
Nguyen Kien nhấn mạnh tới vai trò gương mẫu khi được giao trọng trách của các quan chức:“Lãnh đạo phải là người gương mẫu trong mọi việc, là tấm gương để mọi người soi vào. Một người lãnh đạo thực sự tốt là phải luôn trăn trở cho công cuộc đưa nhân dân thoát khỏi nghèo đói, công bằng xã hội và trung thành với lý tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại... Tôi thật ngưỡng mộ những người lãnh đạo như ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, khi họ không làm được việc hay lầm lỗi thì họ đều xin lỗi và tự chịu trách nhiệm bằng cách "từ chức". Có như vậy đất nước họ mới vươn xa được như ngày hôm nay”.
May Tran có bài viết khá sâu sắc: “Quan chức cũng xuất phát từ những người dân. Muốn thay đổi cách suy nghĩ, cách hành động của dân thì cần phải có 1 nền giáo dục tốt. Tôi thấy rất khâm phục nền giáo dục của Hàn Quốc, họ giáo dục từ trường học, họ giáo dục trong gia đình thậm chí ngay từ những bến xe, bến tàu đến văn hóa "ngoài chợ". Những sản phẩm văn hóa của họ luôn đầy ắp tính giáo dục. Họ giáo dục lòng yêu nước, sự tôn kính với bề trên cho những đứa trẻ, họ giáo dục sự tôn trọng với người lớn tuổi, với những nghề nghiệp mà nếu ở VN thì sẽ có thể bị coi là thấp hèn, sự nhường nhịn, chia sẻ giữa những người cùng sống chung trong cộng đồng. Họ giáo dục sự khiêm tốn, lòng thương người ở tầng lớp nhà giàu. Với thanh niên, họ giáo dục lòng say mê với nghề nghiệp, sự cầu tiến và tinh thần dám đấu tranh chống lại cái xấu trong xã hội....
Nếu ai xem nhiều phim Hàn Quốc sẽ nhận ra ngoài những câu chuyện đời thường là những lời răn dạy hết sức có ý nghĩa với mọi tầng lớp trong xã hội ở mọi lúc mọi nơi. Ở VN khi nào làm được thế thì mới mong có được sự giàu mạnh, cường thịnh. Bởi vì nếu mong muốn các quan chức có được ý thức như quan chức Hàn Quốc thì ý thức đó cũng phải được hình thành ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ".
Lộ trình cải thiện nhân cách
Song nhìn vào thực tế nước mình, Mua sao bang vạch rõ sự lãng quên hai chữ “nhân cách” trong nhiều con người thời đại mới, nên cần thiết có “lộ trình” cải thiện yếu tố quan trọng này.
“Đây là một bài báo đánh trúng vào một thực trạng của Việt Nam ta hiện nay. Tôi thật sự rất thích những vấn đề mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên, những cái xấu đó như là một thói quen, đã ăn sâu vào trong tư tưởng của một tầng lớp cán bộ từ thấp đến cao của ta. Tôi là người dân Việt Nam , tôi lấy làm buồn và thất vọng trước thực tế này. Tôi nghĩ, nên đề cao giáo dục nhân cách và triết lý sống trong trường lớp. Đó có thể xem là một bước khởi điểm trong “lộ trình” cải thiện nhân cách của con người trong thời đại mới. Con người ta sống mà cứ chạy theo bằng cấp, lương bổng, chức vị và vô số cái phù phiếm khác, song nhiều khi lại bỏ quên mất hai từ rất quan trọng là "nhân cách".
Bản tính con người không phải là thứ dễ dàng thay đổi, nhất là khi trong xã hội ngày nay cái Tôi của mỗi con người thường đặt lên trên hết, cộng với tư tưởng “thực tế” nhiều khi quá đà của khá nhiều người. Có lẽ vì vậy Nguyễn Mạnh nêu rõ:
“Theo cá nhân của tôi, muốn thay đổi tư tưởng của một xã hội cần phải đi từ lớp trẻ, những cô bé, cậu bé học trong mẫu giáo, lớp một. Khi chúng ta hình thành được cho những lớp măng non này cách sống có trách nhiệm, có ý thức với mọi người, khi đó chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn…
Phan Duy Vĩnh tuy chưa thể lạc quan, song vẫn bày tỏ hy vọng:
“Các cán bộ cấp trên của chúng ta từ trước tới nay chưa có tiền lệ là từ chức khi bản thân mình bị phạm lỗi, chứ nói gì đến việc cấp dưới làm sai mà người đứng đầu chịu trách nhiệm. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ " phải" có người làm được”.
Trịnh Hải đồng tình:
“Thực tế việc nhận trách nhiệm vẫn còn tránh né, thì cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm. Tuy nhiên muốn xử lý nghiêm thì lãnh đạo cấp trên phải thật sự liêm chính”.
Mr Bui Van Hai nhấn mạnh sự cần thiết của lời nói đi đôi với việc làm:
“Không chỉ riêng bài của Lê Chân Nhân đề cập đến vấn đề này, đã có rất nhiều bài viết rồi đưa lên bàn nghị sự… Nhưng đâu vẫn vào đó. Lòng tự trọng của con người trở thành xa xỉ rồi chăng? Khi mà người lớn chủ trương đưa ra bộ sách giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh (chắc chắn trong đó giáo dục về tính chịu trách nhiệm, lòng tự trọng), đề thi ĐH đưa ra về ý thức trách nhiệm của cá nhân nhưng có lẽ chỉ để ... cho vui. Cái mà người dân cần nhất đó là từ lời nói đi liền với hành động cụ thể, thì nhiều người lớn cứ phớt lờ, chưa là tấm gương nhưng cứ hô hào, giáo huấn suông".
Phung Long vạch rõ những nét xấu giờ đây xem ra đã ăn khá sâu vào cách sống, cách ứng xử của không ít người:
“Đây là điều mà chúng ta đã thấy từ lâu và chúng ta "luôn nói"..nhưng chúng ta "chưa làm"..! Tuy nhiên, nếu các bạn đề cập đến việc phải giáo giục từ lớp trẻ thì tôi cũng đồng ý, điều đó chũng ta vẫn làm và đã làm. Chúng ta luôn nói con trẻ phải biết nhận lỗi khi làm việc sai, cấp trên luôn nói với cấp dưới là phải chịu trách nhiệm trước hành động của mình...Nhưng bản thân những người lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm cao nhất ở mỗi vị trí, hay những bậc cha mẹ...có thực sự làm điều đó không? Nếu bản thân chúng ta - những ngườii lớn còn chưa làm việc đó mỗi ngày, ngay trong gia đình mình, để thực sự làm gương cho con cháu thì sao có thể hy vọng đến những điều lớn hơn?”
“Chạy” được đâu dễ từ bỏ
Vâng, đúng như nhiều bạn đọc đã nhấn mạnh rằng điều cốt lõi khiến văn hóa từ chức ở VN ta “không khả thi” là do vẫn còn nhiều tệ nạn như: chạy chức, chạy quyền (hay nói chua chát hơn là “mua quan, bán chức”); “nhất thân, nhì thế”; làm việc đa phần còn dựa trên các mối quan hệ “tình cảm”…
Phạm Khánh nhấn mạnh tới việc sau khi đã mất tiền chạy chọt, ai dại gì từ bỏ chức vụ để không còn cơ hội “gỡ vốn”:
“Với cái kiểu hiện vẫn tồn tại ở VN ta là "chạy" để làm cán bộ, "chạy" để làm quan chức thì có lẽ không ít cán bộ, quan chức để ngồi được vào ghế đó phải tốn biết bao công sức, tiền của và quan hệ. Vậy thì thử hỏi ai dám từ chức đây? Anh ta từ chức thì ai “gỡ vốn” cho anh ta? Dại, dại quá! Nếu anh nào muốn từ chức ở Việt Nam thì có lẽ cũng còn phải suy nghĩ nhiều , vì thiếu gì cách mà phải từ chức. Anh có thể bị phê bình rồi làm tiếp, có thể được điều chuyển lên cấp cao hơn hoặc có thể chả làm gì để đợi đến khi về hưu mà!”
Trần Thị Thuỳ Trang suy ra từ thực tế ở nơi làm việc của chính mình:
“Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn.Tôi cũng đang làm việc trong cơ quan nhà nước và tôi tin chắc rằng nước Việt Nam mình không bao giờ có chuyện "từ chức". Tôi đồng tình với ý kiến là họ đã tốn biết bao nhiêu là " công sức và tiền của" để được lên chức. Làm gì mà có chuyện " từ chức"...,. Vì thế tôi e là Việt Nam còn lâu mới phát triển kịp với các nước bạn trên thế giới”.
Tống Xuân Trường liên tưởng tới vai trò của mỗi con người trong đóng góp chung cho cộng đồng và xã hội:
“Bài viết thật hay nhưng cũng khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ. Tác giả đã đánh đúng vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Đọc bài báo, tôi nhận thấy mỗi chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình. Không thể nói chỉ là lãnh đạo hay cấp trên cấp dưới. Mỗi chúng ta ai cũng được đứng ở một vị trí trách nhiệm cao cả hay đúng hơn là người đứng đầu. Ở góc nhìn gia đình đó có thể là vị trí bố mẹ, anh chị, vợ chồng…Ở trường lớp chúng ta là những thầy giáo cô giáo, những bạn cán bộ lớp. Và xa hơn nữa là trên góc nhìn xã hội, chúng ta được đứng ở vị trí lãnh đạo, là người đứng đầu của xã, huyện, tỉnh….Vậy đã khi nào làm sai điều gì đó mà chúng ta dám đứng lên tự nhận trách nhiệm về bản thân chưa? Bạn lớp trưởng có dám đứng lên nhận khuyết điểm khi trong lớp mình có bạn mắc lỗi chưa? Điều này xuất phát từ cách giáo dục trong gia đình từ lúc chúng ta đang còn là những đứa trẻ chập chững bước đi. Tôi nghĩ, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cách làm và rèn luyện cho mình là người biết nhận lỗi, biết nhận trách nhiệm và biết xin lỗi. Có như vậy xã hội mới có thể phát triển và đất nước mới vững bước đi lên”.
Nguyễn Văn Khải nêu thêm một căn nguyên:
“Tôi rất đồng tình với tác giả.vấn đề hiện nay là ở chỗ một hệ thống pháp lý thiếu minh bạch, thiếu chặt chẽ không qui trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí lãnh đạo. Do vậy, chuyện đùn đẩy trách nhiệm diễn ra là phổ biến. Khi sự vụ việc xảy ra xử lý không đến nơi đến chốn, không triệt để, thậm chí còn bao che cho nhau thì làm sao tạo ra một chuẩn mực xã hội được?...”
Si Thu phân tíchvề sự cộng hưởng lực lớn từ những đóng góp nhỏ:
“Tôi rất ủng hộ bài viết này. Đúng là cái bả lợi quá cao và che lấp đi cái giá trị thực sự của cuộc sống. Lỗi nhiều nên đằng nào cũng lỗi, xin lỗi một lần không hết nên đành… nhắm mắt làm ngơ. Hãy xin lỗi từ việc nhỏ, từ khi còn nhỏ thì mới có thói quen lớn lên xin lỗi được. Khi các cảm xúc được giải quyết, văn hóa có bản sắc, có những tấm gương lớn thì xã hội tự có tinh thần tốt và ủng hộ nhà nước đến cùng. Và dân tộc ta sẽ tạo ra những cộng hưởng lực vô cùng to lớn... thì mới có thể giàu mạnh thực sự được. Con thuyền Việt Nam sẽ đi nhanh hơn rất nhiều khi có những thuyền trưởng mẫu mực để tạo ra một tinh thần quật cường của các thủy thủ, để họ chèo chung một hướng, chung một nhịp chèo".
Dù sao xu thế thời đại cũng không cho phép bất kỳ ai có thể cứ giữ mãi những tư duy lạc hậu, hay nói cách khác là “dậm chân tại chỗ” hoặc thậm chí là “muốn bước lùi”. Bởi vậy, đúng là chúng ta không thể “đầu hàng cái xấu” như Tuan Nguyen nhấn mạnh:
“Có thể còn lâu nữa Việt Nam chúng ta mới có những con người như vậy!!! Tại sao thì ai cũng biết, ai cũng thấy. Cái bánh ngân sách nhà nước từ tiền thuế của dân quá lớn và quá dễ ăn thì làm sao mà từ bỏ được. Nếu đặt bạn vào vị trí đó thì cũng vậy thôi. Nói vậy là không phải chúng ta đầu hàng cái xấu. Hãy bắt đầu từ chính mình đi. Tôi tin chắc xã hội sẽ thay đổi!”
Và để có được những đổi thay cần thiết nhằm thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp và bền vững, Tung Pham Duong90 lưu ý tới hành động thiết thực nhất cần có từ tất cả mọi con người trong xã hội:
“Tóm lại là không nên cứ ngồi đấy mà nói suông, trong khi chính mình cũng còn mắc phải những lỗi tương tự. Hãy tự sửa đổi bản thân từ những cái nhỏ nhất đi, rồi dạy dỗ con bạn, em bạn, cháu bạn. Đấy là hành động thiết thực nhất! :)”
Phụ kiện siêu hot
Trả lờiXóabao da samsung s7 edge
cho dế xịn đó là những chiếc
bao da galaxy s7 edge
mang nhiều phong cách chỉ có tại decal.
bao da ipad air
Trả lờiXóabao da ipad air
Trả lờiXóabán bao da macbook
Trả lờiXóa