13 thg 4, 2012

Dũng khí và lòng tự trọng


(Dân trí) - Ở ta hiện nay, trong mỗi cơ quan, từ người đứng đầu cho đến công chức, nhân viên, việc tự nhận trách nhiệm về mình là điều rất hiếm. Có lẽ đây là một trong các nguyên nhân căn bản nhất khiến đất nước ta chưa giàu mạnh, cường thịnh.
 
 
 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

Bức ảnh Cảnh sát trưởng Hàn Quốc – ông Cho Hyun-oh cúi đầu xin lỗi người dân và xin từ chức với gương mặt hối lỗi rất chân thành đã gây xúc động không chỉ đối với nhân dân Hàn Quốc. Ở những quốc gia mà quan chức rất hiếm khi bắt gặp thái độ tương tự thì người dân không chỉ xúc động mà còn mang một nỗi khát khao có được những con người có dũng khí và lòng tự trọng như vậy.

Ông Cho Hyun – oh nói rằng, từ chức để nhận toàn bộ trách nhiệm về điều mà ông gọi là “sự cẩu thả không thể bỏ qua” của các nhân viên cấp dưới. Cụ thể là cảnh sát đã không bảo vệ được một phụ nữ bị hãm hiếp, mặc dù người đó đã gọi điện cầu cứu. Cấp dưới là những cảnh sát ông không điều hành trực tiếp, nhưng ông vẫn đứng ra chịu trách nhiệm. Ông không nói “tôi xin chịu trách nhiệm” suông, không xin lỗi cho qua chuyện, mà thể hiện bằng hành động rất quyết liệt với chính mình, sòng phẳng với người dân -  từ chức.

Chắc bạn đọc còn nhớ, cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun gieo mình xuống vách núi tự sát vào sáng ngày 23.5.2009. Nguyên nhân là vì vợ ông bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Người dân Hàn Quốc đã khóc như mưa tiễn biệt ông, không chỉ vì ông là một cựu tổng thống, mà tiễn đưa một CON NGƯỜI.

Đất nước Hàn Quốc có tham vọng vượt lên giàu có như Nhật Bản và họ đã làm được nhiều việc. Yếu tố để họ thành công chính là vì họ có những con người lãnh đạo như ông Roh Moo – huyn, như Cho Huyn – oh. Cái giá phải trả cho hai chữ trách nhiệm là chính chức vụ của mình, cái giá phải trả cho danh dự chính là mạng sống. Tôi có thể mất chức, thậm chí có thể chết để bảo toàn danh dự, phẩm giá, trước hết là của một con người, sau đó là của một quan chức có trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước.

Có những điều so sánh là khập khiễng, nhưng riêng danh dự, phẩm giá, trách nhiệm của con người thì ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này cũng giống nhau. Ở ta hiện nay, trong mỗi cơ quan, từ người đứng đầu cho đến công chức, nhân viên, việc tự nhận trách nhiệm về mình là điều rất hiếm. Có lẽ đây là một trong các nguyên nhân căn bản nhất khiến chúng ta chưa giàu mạnh, cường thịnh.

Rừng bị phá tan hoang, tai nạn giao thông mỗi năm làm chết  gần 12.000 người, tập đoàn, tổng công ty nhà nước sai phạm hàng chục nghìn tỉ đồng… nhưng chưa thấy bất kỳ ai cúi đầu xin lỗi nhân dân và từ chức. Cái bả lợi danh đã làm lóa mắt, đã làm người ta quên mất danh dự và lòng tự trọng.

Phải có một sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm và danh dự trong mỗi công dân. Để trong tương lai, hy vọng đất nước có những quan chức dám từ chức như Cảnh sát trưởng Hàn Quốc Cho Hyun-oh.

Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn! 

1 - Nguyễn Mạnh - 08:06 13-04-2012
Theo cá nhân của tôi, muốn thay đổi tư tưởng của một xã hội cần phải đi từ lớp trẻ, những cô bé, cậu bé học trong mẫu giáo, lớp một. Khi chúng ta hình thành được cho những lớp măng non này cách sống có trách nhiệm, có ý thức với mọi người, khi đó chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Cũng như lời Bác Hồ nói, các thiếu niên nhi đồng là tương lai của xã hội, do các em là những người duy nhất trong xã hội chúng ta có khả năng thay đỏi, cải biến những thói hư tật xấu của xã hội hiện nay, là hy vọng để chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc khác trên thế giới
2 - nguyễn yến - 08:19 13-04-2012
bài viết hay quá. Đất nước ta đến bao giờ sẽ có những con người như thế nhỉ.
3 - Phan Duy Vĩnh - 08:21 13-04-2012
Chúng ta từ trước tới nay chưa có tiền lệ là từ chức khi bản thân mình bị phạm lỗi, chứ nói gì đến việc cấp dưới làm sai mà người đứng đầu chị trách nhiệm. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ " phải" có người làm được.
4 - nguyen kien - 08:27 13-04-2012
Lãnh đạo phải là người gương mẫu trong mọi việc, là tấm gương để mọi người soi vào. Một người lãnh đạo thực sự luôn trăn trở cho công cuộc đưa nhân dân thoát khỏi nghèo đói, công bằng xã hội và trung thành với lý tưởng Hò Chí Minh vĩ đại... Tôi thật ngưỡng mộ những người lãnh đạo như ở Hàn Quốc, hay Nhật Bản, khi họ không làm được việc hay lầm lỗi thì họ đều xin lỗi và tự chịu trách nhiệm "từ chức". Có như vậy đất nước họ mới vươn xa như ngày hôm nay.
5 - muasaobang - 08:31 13-04-2012
Đây là một bài báo đánh trúng vào thực trạng của Việt Nam ta hiện nay. Tôi thật sự rất thích những vấn đề mà tác giả đưa ra. Tuy nhiên, những cái xấu đó như là một thói quen, đã ăn sâu vào trong tư tưởng của một tầng lớp cán bộ từ thấp đến cao của ta. Tôi là người dân Việt Nam, tôi lấy làm buồn và thất vọng trước thực tế này. Tôi thiết nghĩ, nên đề cao giáo dục nhân cách và triết lý sống trong trường lớp. Đó có thể xem là một bước khởi điểm trong lộ trình cải thiện nhân cách của con người trong thời đại mới. Con người ta sống mà cứ chạy theo bằng cấp, lương bổng, chức vị và vô số cái phù phiếm khác mà bỏ quên hai từ "nhân cách".
6 - mrtran - 08:32 13-04-2012
chào bạn, cảm ơn bạn vì bài viết ,đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều tri thức trẻ và những người thực sự có tâm huyết và có trách nhiệm với đất nước ,nhưng chưa có ai góp ý thẳng thắn được như bạn. cảm ơn bạn rất nhiều !
7 - Jamesbond277 - 08:33 13-04-2012
Bai viet that hay va co y nghia.
8 - Nguyễn Văn Tuấn - 08:34 13-04-2012
Quan chức của nước Việt ta, vẫn còn nhiều quan chức làm quan của dân, họ có thể không biết hoặc đôi khi không muốn biết, địa vị của họ đang có bây giờ là nhờ nhân dân mà có.
9 - Trịnh Hải - 08:35 13-04-2012
Thực tế việc nhận trách nhiệm còn tránh thì cần có biện pháp xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm. Tuy nhiên muốn xử lý nghiêm thì lãnh đạo cấp trên phải liêm chính.
10 - Phạm Khánh - 08:37 13-04-2012
Với kiểu "chạy" để làm cán bộ, "chạy" để làm quan thì mỗi cán bộ, quan chức để ngồi được vào ghế phải tốn biết bao công sức, tiền của và quan hệ thì thử hỏi thách anh nào dám từ chức đấy! Anh ta từ chức thì ai gỡ vốn cho anh ta? Dại, dại quá! Nếu anh nào từ chức ở Việt Nam, thiếu gì cách mà phải từ chức. Anh có thể bị phê bình rồi làm tiếp, có thể điều chuyển lên cấp cao hơn hoặc có thể chả làm gì để đợi đến khi về hưu mà!
11 - duclong - 08:39 13-04-2012
bài viết rất hay, rất rất hay nói đã nói lên được thực trang chung của đất nước ta. xin cám ơn bạn đã nói lên được những gì mà chúng ta chưa làm được.
12 - Mơ hão - 08:50 13-04-2012
Từ chức vì không hoàn thành trách nhiệm à? Ở Việt Nam ư?? Bạn đừng có bao giờ mơ tưởng.
13 - Bùi Lâm - 08:51 13-04-2012
Khi đọc tin cảnh sát trưởng hàn Quốc từ chức vì tự nhận không làm tròn trách nhiệm để xảy ra vụ án mạng làm chết một công dân bình thường của Đại hàn dân quốc, tôi thực sự xúc động và mong ước rằng không biết đến bao giờ đất nước mình mới xuất hiện những người biết tự trọng và tôn trọng nhân dân như vậy.
14 - Long Hồ - 08:54 13-04-2012
Cám ơn bài viết hay quá!
15 - Nhân dân - 08:57 13-04-2012
Bài viết thật ý nghĩa hi vọng những người lãnh đạo của chúng ta đều như vậy cho nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
16 - BInh - 08:59 13-04-2012
Lớp trẻ thay đổi, nhưng nếu những người lãnh đạo họ lại quá cổ hủ định kiến họ cũng bị gò bó, không được làm theo những gì mình muốn. Không thể phủ nhận tương lai là của thế hệ trẻ, vì vậy các bạn hãy sống có trách nhiệm và ý thức hơn nha
17 - Tuyết lạnh kr - 09:01 13-04-2012
Bài viết quá hay.Tôi cũng đang sinh sống tại Hàn Quốc và tôi thấy rằng quan chức của Hàn Quốc họ làm việc đều dựa trên cái TÂM cái ĐỨC và vì thế nên đất nước họ văn minh lịch sự. Mong rằng Vn mình đc như nước bạn. Nếu muốn đc như thế thì phải thay đổi cách nghĩ và cách làm việc hiện tại thì đất nước mới phát triển đc. Mong rằng những người làm việc trong các co quan nhà nước từ thấp đến cao hãy sống và làm việc đúng trách nhiệm của mình biết nhận trách nhiệm khi mình làm sai để cho tương lai sau này tốt đẹp hơn.
18 - mrbuivanhai - 09:05 13-04-2012
Không chỉ riêng bài này của lê Chân Nhân đề cập đến vấn đề này, đã có rất nhiều bài viết, rồi đưa lên bàn nghị sự nhưng đâu vẫn vào đó. Lòng tự trọng của con người trở thành xa xỉ. Khi mà người lớn chủ trương đưa ra bộ sách giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh (Chắc chắn trong đó giáo dục về tính chịu trách nhiệm, lòng tự trọng), đề thi ĐH đưa ra về ý thức trách nhiệm của cá nhân nhưng có lẽ chỉ để ... cho vui. Cái mà người dân cần nhất đó là từ lời nói đi liền với hành động cụ thể thì người lớn cứ phớt lờ, chưa là tấm gương nhưng cứ hô hào, giáo huấn suông.
19 - Phung Long - 09:06 13-04-2012
Đây là điều mà chúng ta đã thấy từ lâu và chúng ta "luôn nói"..nhưng chúng ta "chưa làm"..! Tuy nhiên, nếu các bạn đề cập đến việc phải giáo giục từ lớp trẻ thì tôi cũng đồng ý, điều đó chũng ta vẫn làm và đã làm, chúng ta luôn nói con trẻ phải biết nhận lỗi khi làm việc sai, luôn nói đến cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước hành động của mình...nhưng bản thân những người lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm cao nhất ở mỗi vị trí, hay những bậc cha mẹ...có thực sự làm điều đó không..? Nếu bản thân chúng ta, những ngừoi lớn còn chưa làm việc đó mỗi ngày, ngay trong gia đình mình, để thực sự làm gương cho con cháu thì sao có thể hy vọng đến những điều lớn hơn..!
20 - Hoàng Mai - 09:15 13-04-2012
Tôi không dám nghĩ ở Việt Nam có quan chức sẽ làm được những việc như thế.
21 - LÝ VĂN CƯỜNG - 09:20 13-04-2012
Bài viết hay! Vấn đề nào mà chả có mắt tốt xấu. cùng nhau hạn chế cái xấu để phát triển..Chỉ cần ra đường chấp hành văn minh đừng nghĩ người này người nọ xấu..Bao giờ cũng nói mạt tốt trước xong mới nói về mặt xấu mà.
22 - Tống Xuân Trường - 09:22 13-04-2012
Bài viết thật hay nhưng cũng khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ. Tác giả đã đánh đúng vào thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Đọc bài báo, tôi nhận thấy mỗi chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân mình. Không thể nói chỉ là lãnh đạo hay cấp trên cấp dưới. Mỗi chúng ta ai cũng được đứng ở một vị trí trách nhiệm cao cả hay đúng hơn là người đứng đầu. Ở góc nhìn gia đình đó có thể là vị trí bố mẹ, anh chị, vợ chồng…ở trường lớp chúng ta là những thầy giáo cô giáo, những bạn cán bộ lớp và xa hơn nữa là trên góc nhìn xã hội cúng ta được đứng ở vị trí lãnh đạo, là người đứng đầu của xã, huyện, tỉnh….Vậy đã khi nào làm sai điều gì đó mà chúng ta dám đứng lên tự nhận trách nhiệm về bản thân chưa? Bạn lớp trưởng có dám đứng lên nhận khuyết điểm khi trong lớp mình có bạn mắc lỗi chưa? Điều này xuất phát từ cách giáo dục trong gia đình từ lúc chúng ta đang còn là những đứa trẻ chập chững bước đi. Thiết nghĩ, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cách làm và rèn luyện cho mình là người biết nhận lỗi, biết nhận trách nhiệm và biết xin lỗi. Có như vậy xã hội mới có thể phát triển và đất nước mới vững bước đi lên.
23 - Nguyễn Văn Khải - 09:23 13-04-2012
Tôi rất đồng tình với tác giả.vấn đề hiện nay là ở chỗ một hệ thống pháp lý thiếu minh bạch, thiếu chặt chẽ không qui trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí lãnh đạo do vậy việc đùn đảy trách nhiệm diễn ra phổ biến. Khi sự vụ việc xảy ra xử lý không đến nơi đến chốn không triệt để , bao che cho nhau thì làm sao tạo ra một chuẩn mực xã hội được?.Ở Hàn Quốc còn có trường hợp Ngoại trưởng từ chức chỉ vì người ta phát hiện ra rằng con trai ông ta vào làm trong ngành ngoại giao thật đáng kính phục.
24 - dân thường - 09:25 13-04-2012
cảm ơn tác giá
25 - hahafafafafa - 09:27 13-04-2012
bai nay de cho cac quan doc thi tot nhat.
26 - pham quoc tuan - 09:27 13-04-2012
thế hệ chúng ta điều này chắc chắn không thể thay đổi được. mình hy vọng những thế hệ sau chúng ta sẽ làm được. lòng tự trọng, nhân cách, và trách nhiệm của một người lãnh đạo là quan trong nhất.
27 - sithu - 09:35 13-04-2012
Tôi rất ủng hộ bài viết này. Đúng là cái bả lợi quá cao và che lấp đi cái giá trị thực sự của cuộc sống. Lỗi nhiều nên đằng nào cũng lỗi, xin lỗi một lần không hết nên đành ngắm mắt làm ngơ. Hay xin lỗi từ việc nhỏ, từ khi còn nhỏ thì mới có thói quen lớn lên xin lỗi được.
28 - Hùng Thành - 09:39 13-04-2012
Tôi thấy bài viết sáng, chân thực và tha thiết. Xin cảm ơn tác giả. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng người Việt cũng rất giàu lòng tự trọng-giá trị đó đã được lịch sử dân tộc minh chứng. Theo tôi, trước hết các nhà giáo dục, các nhà tuyên truyền cần làm hết sức việc truyền bá tinh hoa văn hoá cho lớp trẻ thì mới mở ra hy vọng xây dựng nền văn hoá chính trị dân chủ, văn minh được.
29 - Nguyễn Hạnh - 09:47 13-04-2012
Bài viết quá hay, những người Hàn Quốc thật có dũng khí.
30 - sithu - 09:50 13-04-2012
Khi các cảm xúc được giải quyết, văn hóa có bản sắc, có những tấm gương lớn thì xã hội tự có tinh thần tốt và ủng hộ nhà nước đến cùng và dân tộc ta sẽ tạo ra những cộng hưởng lực vô cùng to lớn... thì mới có thể giầu mạnh thực sự được. Con thuyền Việt Nam sẽ đi nhanh hơn rất nhiều khi có những thuyền trưởng mẫu mực để tạo ra một tinh thần quật cường của các thủy thủ để họ chèo chung một hướng, chung một nhịp chèo.
31 - mr_bahoa - 09:50 13-04-2012
Theo em thì đơn giản, nếu bản thân mỗi chúng ta có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với công việc, với xã hội... thì tự khắc "đâu sẽ vào đó" thôi ah.
32 - mr.them - 09:51 13-04-2012
hay qua that y nghia.
33 - Trần Thị Thuỳ Trang - 09:54 13-04-2012
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn.Tôi cũng đang làm việc trong cơ quan nhà nước và tôi tin chắc rằng nước Việt Nam mình không bao giờ có chuyện "từ chức". tôi đồng tình với ý kiến là họ đã tốn biết bao nhiêu là " công sức và tiền của" để được lên chức. Làm gì mà có chuyện " từ chức".Chỉ có lớp trí thức trẻ cống hiến làm việc mà hằng ngày bị chèn ép thôi.Vì thế Việt Nam không bao giờ phát triển kịp với các nước bạn trên thế giới.
34 - May Tran - 09:58 13-04-2012
Quan chức cũng xuất phát từ những người dân. Muốn thay đổi cách suy nghĩ, cách hành động của dân thì cần phải có 1 nền giáo dục tốt. Tôi thấy rất khâm phục nền giáo dục của Hàn Quốc, họ giáo dục từ trường học, họ giáo dục trong gia đình thậm chí ngay từ những bến xe, bến tàu đến văn hóa "ngoài chợ". Những sản phẩm văn hóa của họ luôn đầy ắp tính giáo dục. Họ giáo dục lòng yêu nước, sự tôn kính với bề trên cho những đứa trẻ, họ giáo dục sự tôn trọng với người lớn tuổi, với những nghề nghiệp mà nếu ở VN thì sẽ bị coi là thấp hèn, sự nhường nhịn, chia sẻ giữa những người cùng sống chung trong cộng đồng. Họ giáo dục sự khiêm tốn, lòng thương người ở tầng lớp nhà giàu. Với thanh niên, họ giáo dục lòng say mê với nghề nghiệp, sự cầu tiến và tinh thần dám đấu tranh chống lại cái xấu trong xã hội.... Nếu ai xem nhiều phim Hàn Quốc sẽ nhận ra ngoài những câu chuyện đời thường là những lời răn dạy hết sức có ý nghĩa với mọi tầng lớp trong xã hội ở mọi lúc mọi nơi. Ở VN khi nào làm được thế thì mới mong có được sự giàu mạnh, cường thịnh. Bởi vì nếu mong muốn các quan chức có được ý thức như quan chức Hàn Quốc thì ý thức đó cũng phải được hình thành ngay từ khi họ còn là những đứa trẻ.
35 - Nguyễn Văn Thanh - 10:13 13-04-2012
bài viết rất hay.trong thời gian này mà có bài viết này thì mong các chú,các bác lãnh đạo đọc để có trách nhiệm với nhân dân và vì nhân dân,nhất là bộ giao thông vận tải,về vấn đề giải quyết ATGT va UTGT hiện nay
36 - Trân Hiên - 10:20 13-04-2012
Tôi có một ước mơ khát khao: Đến một ngày nào đó sẽ được nhin thấy hình ảnh quan chưc Việt xin lỗi dân như thế khi họ mắc sai lầm!
37 - Lê Văn Được - 10:32 13-04-2012
Bài viết đúng thực tế Việt Nam chúng ta. Người Việt chúng ta rất anh hùng và rất dũng cảm, nhưng có lẽ do cách giáo dục của chúng ta quên đi việc khơi gợi lòng dũng cảm nên nhiều thế hệ đã quên mất đức tính này.
38 - Lindy - 10:36 13-04-2012
Trong sách dạy chúng ta thì rất đúng, rất hay về lòng tự trọng, tính dám chịu trách nhiệm trước mọi sự việc. Những điều đó chúng ta được học ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng khổ nỗi, trong thực tế những người lớn, đặc biệt những người có chức, có quyền lại thì lại sống và hành động vô trách nhiệm. Khen thưởng, thành tích thì có phần, tội lỗi đổ lên đầu dân. Rồi tham ô, tham nhũng, mua quan, bán chức thành 1 hệ thồng từ trên xuống dưới.
39 - Quanchinhhang - 10:36 13-04-2012
Tôi nghĩ rằng,ở VN ta nhiều người đã đang quên đi lòng tự trọng...thậm chí lời nói không đi đôi với hành động và còn có người không còn cảm thấy xấu hổ trước cộng đồng.Các vị có chức sắc hãy làm gương,tự khắc dân sẽ noi theo thôi!Ở ta có sự lạ:các danh hiệu thi đua cao,thành tích tốt hầu như chỉ dành cho các trưởng đầu ngành,còn lao động bình thường rất hiếm !
40 - dang - 10:39 13-04-2012
Đất nước Hàn Quốc có tham vọng vượt lên giàu có như Nhật Bản và họ đã làm được nhiều việc. Yếu tố để họ thành công chính là vì họ có những con người lãnh đạo như ông Roh Moo – huyn, như Cho Huyn – oh. Cái giá phải trả cho hai chữ trách nhiệm là chính chức vụ của mình, cái giá phải trả cho danh dự chính là mạng sống. Tôi có thể mất chức, thậm chí có thể chết để bảo toàn danh dự, phẩm giá, trước hết là của một con người, sau đó là của một quan chức có trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước...
41 - hungtini2003 - 10:40 13-04-2012
Chừng khi nào xã hội còn nạn chạy chức chạy quyền thì việc từ chức vẫn còn xa lắm. Chạy để lên chức mục tiêu là gì thì ai cũng biết, vậy có ai chạy chức xong lại dễ dàng từ bỏ nó không. Đấy là cái gốc.
42 - Lê Văn Cư - 10:44 13-04-2012
Việt Nam ta vẫn còn coi trọng lý thuyết hơn thực hành. Giáo dục mang tính giáo điều. Tôi là một giáo viên đang đứng lớp THCS. Trong quá trình giảng dạy, tôi thường xuyên bắt gặp một bộ phận HS vi phạm nội qui nhà trường. Nhưng những HS này không bao giờ dám tự nhận những lỗi sai phạm của mình, luôn tìm cách chối quanh. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích những điều tai hại kết hợp với 5 điều Bác Hồ dạy " khiêm tốn, thật thà, dũng cảm " thì những HS này mới chịu nhận lỗi về mình. Do đó theo tôi thấy nước Việt Nam ta muốn thực hiện được "tính tự trọng, coi danh dự hơn tiền tài" trong mỗi con người. Thì trong giáo dục ở các cấp học đừng nên quá coi trọng lý thuyết, đừng nên quá giáo điều mà hãy dựa vào những điển hình thực tế để giáo dục con người. Có như thế thì mới mong các thệ hệ ta sau này mới làm được điều ấy như các nước văn minh.
43 - nguyen van vuong - 10:45 13-04-2012
Hội Cha Mẹ Học sinh ở các Trường học, ai cũng đùn đẩy nói mình không có khả năng, không đủ trình độ,không có thời gian, không đủ sức khỏe để làm ( vì không có quyền lợi cá nhân trực tiếp mà chỉ có quyền lợi cộng đồng, trong đó có mình ); Cuối cùng là 1 người không ngại khó, không ngại mất thời gian của riêng mình và được mọi người tín nhiệm đứng ra NHẬN CHỨC và sẵn sàng TỪ CHỨC bất cứ lúc nào .Muốn vậy, phải xây dựng cơ chế thích ứng.
44 - Ng Dan - 10:51 13-04-2012
Tôi chưa đồng ý với bạn Nguyễn Mạnh ! Tôi khẳng định 100% phụ huynh chúng ta dạy con phải có lòng tự trọng, phải dũng cảm có sai phải sửa , có lỗi phải nhận thế mới thành người...
45 - TA Tuan - 11:02 13-04-2012
Bài viết quá đúng. Dạo này tôi cũng thấy bức xúc cho những việc đã và đang diễn ra, cứ ban hành cái này cái nọ rồi đến lúc chả có kết quả gì thì chả ai đứng ra chịu trách nhiệm.
46 - phuvinh131 - 11:03 13-04-2012
Họ từ chức là do họ có năng lực, có trình độ, có thể sống bằng năng lực của họ khi họ từ chức, còn ta thì khi từ chức thì sợ không sống được.
47 - Ly Cong Tran - 11:28 13-04-2012
Uoc gi bao chi VN co duoc nhieu bai viet xuat sac nhu vay. Chac chan rang khi do Quan Chuc VN se bat dau co long tu trong va dung khi.
48 - Nguyễn Văn Đức - 11:35 13-04-2012
Theo tôi, nếu các vị này mà từ chức thì chắc chắn họ sẽ đối mặt với thất nghiệp, nghèo khổ. Bởi vì đa phần họ là học giả, bằng thật nên làm sao dám từ chức.
49 - lê huy Hưng - 11:49 13-04-2012
Bài viết này hay quá và co nhiều lời bình luộn cũng rất hay,nhưng nhìn lại đát nước việt nam mình thì lại buồn.một đất nước mà những sinh viên đi học ra trường rồi đi làm trái nghành, chạy việc, và co những quan chức vẫn nhận tiền thì chúng ta khó có thể hy vọng.
50 - Nguyễn Đình Khôi - 14:04 13-04-2012
Theo tôi một số vị trí ta nên thuê như thuê HLV nếu làm không tốt không tù chức cũng bị sa thải. Từ đó ta sẽ có lớp người làm việc có trách nhiệm, chịu sự trách nhiệm có lòng tự trọng như nước bạn.
51 - Phạm Minh Quang - 14:31 13-04-2012
Tôi rất tâm đắc với bài viết. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta không dễ tìm được một quan chức có lòng tự trọng như Cảnh sát trưởng Hàn Quốc.
52 - Minh - 14:35 13-04-2012
Đừng so sánh với Hàn Quốc, vì để được như họ Việt Nam ta cần phải mất vài chục nam nữa.
53 - phuong - 14:41 13-04-2012
bài viết hay thật.Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật như thế thì đất nước mới có tương lai phát triển hơn. Văn hoá "từ chức" và "nhận trách nhiệm" không thể chỉ nói mà cần phải làm.
54 - kgkgolguho - 15:49 13-04-2012
cần có thời gian để thay đổi một thói quen.
55 - Tuan Nguyen - 18:52 13-04-2012
Còn lâu nữa Việt Nam chúng ta mới có những con người như vậy!!! Tại sao thì ai cũng biết, ai cũng thấy. Cái bánh ngân sách nhà nước từ tiền thuế của dân quá lớn và quá dễ ăn thì làm sao mà từ bỏ được. Nếu đặt bạn vào vị trí đó thì cũng vậy thôi. Nói vậy là không phải chúng ta đầu hàng cái xấu. Hãy bắt đầu từ chính mình đi. Tôi tin chắc xã hội sẽ thay đổi.
56 - Nguyễn Viết Chương - 19:23 13-04-2012
Tôi nghĩ,ở nước ta khó mà làm được. Tại sao ư? Ngồi nói cả năm cũng không hết.
57 - Dan ngu cu li - 21:29 13-04-2012
Đừng có Hy vọng thay đổi từ giới trẻ, vì người lớn và xã hội là tấm gương của chúng.
58 - Ngọc Sơn - 21:30 13-04-2012
Bác cứ đùa zai, ví cán bộ mình với Hàn Quốc hàn xẻng, bên họ làm lãnh đạo là vì đồng lương của dân trả... Bên mình đồng lương do dân trả quá bèo phần thu nhập khác do cán bộ tự tìm tòi làm thêm mới lớn do đó chả làm gì phải từ chức, chưa có trường lớp nào dậy cách xin lỗi dân và từ chức nên không biết đâu.
59 - luyt210 - 21:47 13-04-2012
Có những chức phải bán và mua,do đó không thể từ được mà bán lại.Thời kinh tế thị trường chức -bổng lộc.
60 - tungphamduong90 - 22:37 13-04-2012
Tóm lại là, ko cần ngồi đấy mà nói suông trong khi chính mình cũng còn mắc phải những lỗi tương tự. Hãy tự sửa đổi bản thân từ những cái nhỏ nhất đi, rồi dạy dỗ con bạn, em bạn, cháu bạn. Đấy là hành động thiết thực nhất! :)
61 - Hai - 22:39 13-04-2012
Bài viết phản ảnh đúng thực trạng hiện tại Việt Nam , Chúng ta hãy thay đổi từ chính mình, cần mỗi người tự quên đi cái "Tôi" thì sẽ thay đổi được!
62 - Nguyên - 02:24 14-04-2012
Chức nhiều khi là do "chạy", do mua bán mà có thì lấy đâu ra chuyện "từ chức"? Đã mua chức thì phải "thu hồi vốn" đã, các chuyện khác như lòng tự trọng, liêm sỷ... tính sau.
63 - Nguyễn Thế Anh - 07:37 14-04-2012
VN mình hả: Tự phê bình, tự kiểm điểm đấy thôi?Tập thể tự phê bình, tập thể tự kiểm điểm, mà đã là tập thể thì tức là chẳng ai bị sao cả!!!!

1 nhận xét:

  1. Cùng mua
    xe điện gấp
    gọn siêu nhỏ đa năng hiệu quả đi lại với giá rẻ nhất thị trường được Decalsaigon cung cấp trên toàn quốc.

    Trả lờiXóa