5 thg 10, 2009

Để từ đó tôi yêu người

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã dạy bảo con cháu rằng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và một trong những đức tính quan trọng và cần thiết của con người là phải có ơn, có nghĩa. Trong kho tàng dân ca Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ nói về điều này như là : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”, … và “Uống nước nhớ nguồn” là câu cụ thể nhất, vừa ngắn gọn, vừa hàm súc. Có thể nói đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy.
“Uống nước” là cụm từ mà hiểu theo nghĩa bóng có nghĩa là tiếp thu hay thừa hưởng một cái gì đó từ ai. “Nhớ” – một động từ, ý chỉ sự thương nhớ, hay rộng hơn có nghĩa là biết ơn. “Nguồn” là một danh từ , ý chỉ cội nguồn, nơi xuất phát và mở đầu. Ta có thể thấy câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” ẩn chứa nhiều ý nghĩa lớn lao. Nó không đơn thuần là lời dạy của ông bà, mà còn là một là tự nhắc nhở đến chúng ta phải biết sống có tình, có nghĩa. Sống trên đời, khi sử dụng hay sở hữu một thứ gì đó, ta luôn phải đặt cho mình câu hỏi : “Những thứ này ở ra?”, “Ai đã tạo ra chúng?”, “Ta phải sử dụng chúng như thế nào?”, …, để từ đó, ta biết trân trọng hơn, yêu quý hơn những gì mình đang có.
“Uống nước nhớ nguồn” – câu tục ngữ thể hiện truyền thống, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam qua bao thời đại. Thiết nghĩ, nó sẽ luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, dù xa xưa hay hiện đại. Khi ta biết mang ơn một ai đó, tức là ta đã biết cách xử sự đúng đắn với người đó.
Theo định luật bảo toàn năng lượng thì “Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”. Thật vậy, trong tự nhiên, mọi vật trên đời này đều có nguồn, có cội. Ông bà ta vẫn hay nói “Chim có tổ, người có tông”. Câu tục ngữ “Uống nước, nhớ nguồn” như một lời nhắc nhở đến thế hệ con cháu chúng ta phải nhớ đến tổ tiên. Đất nước ta, để có được hòa bình, độc lập, chủ quyền như ngày hôm nay, cha ông ta đã phải đấu tranh gian khổ, hi sinh máu thịt. Ngày nay, lớp trẻ đã biết giữ gìn, phát huy và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, đẩy mạnh kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó chính là những hành động thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của độc lập, bình đẳng và phát triển.
Nói như thế, nhưng vẫn có một số bộ phận những người chỉ quan tâm đến bản thân mình, chỉ biết hưởng thụ, chứ không biết góp công vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước; sống như thế thì “vàng có chất thành núi, rồi cũng sẽ lỡ”. Những con người đó đã không chỉ đánh mất danh dự bản thân, gia đình, xã hội. Họ đã lao vào những cuộc ăn chơi triền miên, lười lao động, gây ra tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự và để lại những hậu quả khôn lường. Những việc làm đó thể hiện sự vô tâm, không biết quý trọng tài sản vô giá đã được đánh đổi bằng chính sinh mạng của đồng bào ta. Những con người vô trách nhiệm này thật đáng lên án và bị xã hội trừng trị.
Có “Uống nước, nhớ nguồn” thì ta mới thấu hiểu được sự gian khổ, khó khăn của những người đã tạo ra những thành quả đáng trân trọng, cũng như của chính bản thân ta. Để từ đó, ta biết cố gắng, phấn đấu hơn nữa cho xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Biết mang ơn và trân trọng những gì mình có, ta sẽ trở nên rộng lượng hơn, không ích kỉ và sẽ sống có ích hơn cho mọi người và xã hội.
Là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cách tốt nhất là chúng ta phải cố gắng, siêng năng, chăm chỉ. Vì một khi ta học tập tốt, nghĩa là ta đã biết nhớ ơn và trân trọng từng con chữ mà thầy cô đã dùng hết tâm huyết tryền đạt.
Từ câu tục ngữ “Uống nước, nhớ nguồn”, người xưa muốn nhắc nhở ta không ngừng cố gắng, phấn đấu để ngày một tiến bộ. Ngoài ra, ta nên tiếp thu một cách có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của người khác để làm phong phú thêm cho bản thân, đất nước và trành được những sai lầm mà người khác đã phạm phải. Mỗi con người chúng ta dù đi đâu, làm gì thì vẫn là người Việt Nam, ta phải luôn ghi nhớ những gì mà tổ tiên đã dạy bảo, phải sống “có trước, có sau” và sống cho xứng đáng là một “con người”. Xin mượn một câu hát thay cho lời kết “… để từ đó tôi yêu người, để từ đó tôi yêu tôi …”.
12a6-02-0910

3 nhận xét:

  1. Nguyễn Trần Phương Vy – 35 – 12a6lúc 02:37 7 tháng 10, 2009

    Người sửa: Nguyễn Trần Phương Vy – 35 - 12a6

    _Bố cục : bố cục đầy đủ
    _Hệ thống luận điểm: hệ thống luận điểm đã rõ ràng, mạch lạc nhưng còn thiếu phần giải thích nghĩa bóng của “ Nguồn’’
    _Dẫn chứng: đã có các dẫn chứng để thuyết phục người đọc, dẫn chứng thực tế, dễ hiểu
    _Chính tả: còn viết sai chính tả. Phần liên hệ bản thân: “truyền đạt” mà bạn viết thành “ tryền đạt” . Kết bài: “Tránh được những sai lầm” mà bạn vviết thành “Trành được những sai lầm” …..

    _Đề nghị:
    1. Giải thích nghĩa bóng của “ Nguồn” rồi từ đó hãy suy ra nghĩa sâu xa mà ông cha ta muốn gởi gắm qua câu tục ngữ
    2. Nên thêm một đoạn nhỏ nói về nếu con người không biết “ Uống nước nhớ nguồn” thì sẽ trở thành như thế nào? Sẽ bị xã hội nhìn với con mắt như thế nào?...Và nêu vài ví dụ cụ thể


    _Sửa theo lời đề nghị ( 2 )
    Ngược lại,thiếu tình cảm biết ơn,sống phụ nghĩa quên công,con người trở nên ích kỉ,vô trách nhiệm,những kẻ ấy sẽ bị người đời chê trách,mỉa mai,bị gạt ra ngoài lề xã hội và lương tâm của chính họ sẽ kết tội.Thật đáng chê trách cho những ai còn đi ngược lại với lẽ sống cao thượng ấy.Sống dưới mái ấm gia đình,có những người con vẫn chưa cảm nhận hết công sức của đấng sinh thành,họ thản nhiên tiêu xài hoang phí những đồng tiền phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi,nước mắt của cha mẹ,thậm chí còn có kẻ đã ngược đãi với cả những người đã tạo dựng ra mình.Dưới mái học đường,nhiều học sinh vẫn còn xao lãng với chuyện học hành.Đó là gì,nếu không phải là vô ơn với thầy cô?Trong xã hội cũng không ít kẻ “uống nước” nhưng đã quên mất “nguồn".

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Vũ Thanh Danh_4_12A6lúc 22:43 13 tháng 10, 2009

    -Bố cục 6 phần đầy đủ.
    -Hệ thống luận điểm rõ ràng, tuy nhiên phần bình và phần luận nên làm rõ thêm nữa.
    -Dẫn chứng cụ thể, sát với thực tế, rõ ràng, người đọc dễ dàng hiểu được nội dung bài viết.
    -Tác giả nên chú ý hơn về lỗi chính tả như bạn Phương Vy đã nêu ở trên.

    -Đề nghị:
    1.Phần luận nên mở rộng phê phán theo khía cạnh khác như những người bạc tình bạc nghĩa, không nhớ ơn những người đã có ơn với mình, và tác hại cũng như hậu quả của việc làm sai trái này.bạn nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa sinh động.
    2.Phần phương hướng hành động, bạn nên mở rộng thêm về hướng gia đình, xã hội. Nêu biện pháp, phương hướng hành động cụ thể...

    -Sửa theo đề nghị 2:
    Là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cách tốt nhất là chúng ta phải cố gắng, siêng năng, chăm chỉ. Vì một khi ta học tập tốt, nghĩa là ta đã biết nhớ ơn và trân trọng từng con chữ mà thầy cô đã dùng hết tâm huyết truyền đạt.Không chỉ cố gắng học tập với bổn phận là một người học sinh, ta hãy cố gắng trở thành một công dân tốt, đem sức, đem tài xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn, để tiếp nối cha ông ta,để lưu truyền đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đến mai sau.

    Trả lờiXóa
  3. Lê Thị Thúy Ngân_13_12A12_2009-2010lúc 03:30 15 tháng 10, 2009

    *NHẬN XÉT:
    - Bố cục: Thiếu phần bình.
    - Các luận điểm chưa rõ ràng (đọan thứ 2,4).
    - Còn sai lỗi chính tả (tryền đạt).
    - Viết sót chữ làm cho câu trở nên khó hiểu (Những thứ này ở ra?).
    - Nêu nhiều dẫn chứng rõ ràng , dễ hiểu , phù hợp với nội dung bài.

    *ĐỀ NGHỊ:
    - Cần xem lại cấu trúc câu và lỗi chính tả.
    - Cần có luận điểm rõ ràng ở đầu mỗi đọan.
    - Đoạn 7 cần nêu rõ phương hướng hành động.

    *SỬA CHỮA (theo đề nghị 3):
    Bên cạnh nhận thức đúng về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" , ta cũng cần có những hành động cụ thể để bảo vệ và phát huy truyền thống ấy . "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ" , là một học sinh nói riêng hiện đang ngồi trên ghế nhà trường , chúng ta cần ra sức học tập siêng năng , chăm chỉ vì chỉ có thế mới đền đáp được kì vọng , công ơn dạy dỗ của thầy cô và niềm mong mỏi , công ơn dưỡng dục cùa cha mẹ . Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức , ta cần tuyên truyền những gì học dược , nhắc nhở người thân , bạn bè , những người xung quanh ta phải luôn biết quý trọng , gìn giữ phẩm chất cao đẹp ấy - phẩm chất vốn quý của người Việt Nam "uống nước nhớ nguồn".

    Trả lờiXóa