31 thg 10, 2010

Học vấn là nấc thang không cùng

Họ và tên: Huỳnh Ngọc Khánh Kim


Lớp: 12A6-19

Đề bài: Cảm nhận của anh(chị) về câu nói: “Học vấn là nấc thang khôn cùng”



Bài làm

Nếu như những bông hoa là sự tô điểm cho cuộc sống thì học vấn lại là sự trang điểm cho trí tuệ. Và hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng đặt câu hỏi: tại sao con người phải có học vấn?, học vấn có điểm dừng là ở đâu?... Những câu hỏi ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ trả lời. Và để trả lời câu hỏi đó xin đưa ra câu nói của một nhà văn: “ Học vấn là nấc thang khôn cùng”.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta xem việc học không chỉ là tiếp thu kiến thức trên phương diện lí thuyết mà phải bết vận dụng nó vào thực tiễn, cuộc sống. Và cũng không biết tự bao giờ, học vấn là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nếu không có học vấn thì con người đã không có một thế giới phát triển như ngày hôm nay.

Có thể nói, học vấn trong xã hội hiện đại ngày nay khó mà có thể được định nghĩa theo một khuôn khổ nào. Nếu là người có nhiều kinh ngiệm sống thì có định nghĩa bao nhiêu cũng không đủ, còn nếu là người có ít vốn sống học vấn chỉ được định nghĩa trong vài dòng. Nhưng tóm lại, học vấn là vốn kiến thức tích lũy của con người qua sách vở, cuộc sống, là vốn hiểu biết của nhân loại; đó còn là sự trau dồi, tiếp nhận những kiến thức mới…để bắt kịp với thời đại.Chúng ta có thể học ở mọi nơi, mọi lúc nếu chúng ta có sự quyết tâm. Trình độ học vấn được so sánh như “nấc thang khôn cùng”. Nhắc đến những nấc thang, người ta thường liên tưởng đến những chiếc thang vừa cao, vừa dài và khá chông gai, nguy hiểm. Nhưng ở đây là nấc thang khôn cùng, nấc thang không có đích đến, kéo dài mãi đến vô tận. Qủa đúng như thế, cho dù học có bao nhiêu cũng chẳng đủ, lượng kiến thức mà con người chúng ta cần phải tiếp nhận hằng ngày là rất lớn; không ai là hoàn hảo và cũng không bao giờ thiếu những kiến thức mới để ta học tập, trau dồi.

Một người được xem là có học vấn không chỉ được đánh giá bằng kiến thức mà họ có mà còn qua nhân cách của người đó. Học đâu chỉ là học kiến thức về tự nhiên, khoa học, xã hội…mà còn là học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người; hay nói rõ hơn là vẹn cả đức lẫn tài. Qua nhiều thế hệ, học vấn đã trở thành thước đo phẩm giá của con người. Bởi học vấn đưa con người đến chân trời mới của một xã hội phát triển, hiện đại; tạo nên những nhân tài cho đất nước, làm cho mối quan hệ giữa chúng ta thêm gần nhau hơn; học vấn như một ngọn đèn soi đường trong đêm tối, xóa đi sự lầm đường, lạc lối…Người có học vấn càng cao sẽ càng dễ thành công hơn trong cuộc sống. Như một điều tất yếu phải có, nó còn như một người bạn giúp ta trong nhiều lĩnh vực, ta có thể đơn cử vài ví dụ. Chẳng hạn như trong khoa học, học vấn có một sức mạnh phi thường; loài người nhờ có kiến thức, kinh nghiệm, học tập, rèn luyện mà đã đóng góp cho các công trình khoa học to lớn, hoàn thiện hơn cuộc sống nhân loại… Hay như một đất nước có trình độ học vấn của người dân cao, tạo ra nhiều nhân tài thì sẽ có nhiều sự đóng góp tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao mang lại nguồn tài chính lớn cho đất nước, làm cho quốc gia đó mạnh hơn về kinh tế. Ngay cả ở bản thân ta, nếu được chuẩn bị kĩ càng về học vấn, kiến thức; ta sẽ được xã hội trọng dụng, mọi người nể phục, nâng cao nhận thức và có kinh nghiệm nhiều hơn.

Mặt khác, thử hình dung nếu xã hội mà không có học vấn cao thì chắc chắn đó sẽ là một khó khăn, trở ngại lớn cho cuộc sống con người trong các lĩnh vực. Chính vì thế, mỗi chúng ta ai cũng phải biết đầu tư học vấn, tri thức cho mình. Đặc biệt là khi tiếp nhận một kiến thức nào đó,ta phải chọn lọc cái đúng, nếu không ta sẽ phải nhận một hậu quả khôn lường.

Có thể nói; học vấn ngày nay không chỉ là nhu cầu về cuộc sống trí tuệ mà còn là đời sống tinh thần, bởi đó là nền tảng tạo nên nhân cách, nhận thức của một con người. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần có lí tưởng sống đúng đắn; vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn một cách hợp lí.

Mỗi chúng ta có thể tiếp nhận những tri thức qua nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như sách vở, thực nghiệm khoa học, suy luận, truyền thông, mạng…Học vấn có những lí thuyết, từ lí thuyết đó, ta phải thực hành, hòa nhập với nó để tạo được bản lĩnh riêng, giống như mục đích mà UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống.

Ngày nay, lượng tri thức khổng lồ đã làm cho ý nghĩ của nhiều người trở nên lệch lạc, có nhiều mục đích xấu, họ đã làm cuộc sống trở nên tồi tệ hơn, ví dụ như sử dụng nguyên tử, các hành động gây ô nhiễm môi trường…Và tất nhiên cũng không ít những kẻ lười biếng, không biết quý những gì mà cuộc sống ban tặng.

Có thể nói câu châm ngôn trên còn như một lời khuyên mỗi chúng ta phải thường xuyên học tập, trau dồi, tạo cho bản thân mình một vốn sống để sau này còn bước vào đời. Đặc biệt là đối với cấp quản lí giáo dục nên đưa ra những bài học có kiến thức, kĩ năng gắn liền với thực tế, cuộc sống; đáp ứng những nhu cầu của thực tế, xã hội sao cho mọi người thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa kiến thức và thực hành.

Học vấn là vô giá, là chìa khóa của sự thành công, nếu không biết nắm giữ, nó sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tầm tay. Chính vì thế việc xác định mục đích học tập của mỗi người là rất quan trọng, phải luôn xem “Học vấn là nấc thang khôn cùng” để thấy ta luôn cần “Học, học nữa, học mãi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét