Chung Hoàng Nguyệt Thu_ STT:36
Lớp: 12A6
Đề bài: Học để khẳng định mình
Bài làm
Cuộc sống con người cứ mỗi ngày qua lại đổi thay chóng mặt, chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học công nghệ ngày một nâng cao. Con người muốn đuổi kịp đà phát triển vượt bậc ấy chỉ có con đường duy nhất là ra sức học tập. Thế nhưng để đáp ứng nhu cầu cao của cuộc sống hiện tại thì việc học không chỉ dừng lại ở mục đích đơn giản là chỉ học cho biết, học để làm, để ứng dụng những kiến thức đã biết vào thực tế cuộc sống, để hòa nhập với cộng đồng mà hơn thế nữa việc học phải được nâng cao thành ý thức được khẳng định bản thân trong xã hội. Vậy học để khẳng định mình có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta trong cuộc sống hôm nay?
Trước tiên chúng ta cần hiểu cho tường tận “học” là gì?, và “học để khẳng định mình” là như thế nào? Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy, học hỏi những kiến thức cho bản thân thông qua việc học ở trường lớp, ở gia đình, qua bạn bè hay cũng có thể là từ tư liệu sách vở và thực tế cuộc sống. UNESCO đã từng đề xướng ra một mục đích học tập đúng đắn dành cho mỗi công dân của cuộc sống hiện đại, đó là:”Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình”. Nếu như học để biết thiên về nhận thức, yêu cầu có đựơc kiến thức lí thuyết về mọi lĩnh vực tự nhiện và xã hội, để không bị tụt hậu với thời đại và yêu cầu cao của cuộc sống; học để làm thiên về việc áp dụng những kiến thức lí thuyết đã học vào thực hành, biến kiến thức kĩ năng đã biết thành hiện thực và học để chung sống yêu cầu chúng ta ứng dụng những kiến thức đã biết, những việc đã làm vào để cùng hòa nhậptốt với cộng đồng, để có thể giải quyết khéo léo mối quan hệ cá nhân với cộng đồng, mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên… ,thì việc học để khẳng định mình lại hướng đến việc được đề cao “cái tôi” của mỗi người trong cuộc sống ngày nay. Trong cuộc chạy đua khốc liệt để dành đựơc chỗ đứng và những thành công nhất định được xã hội công nhận đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có bản lĩnh riêng, tài năng riêng và cái cá tính riêng. Muốn như vậy mỗi người cần phải ra sức khẳng định mình thông qua việc nỗ lực học tập cả về trí thức lẫn nhân cách.
Thật vậy, việc học không chỉ giúp ta mở ra cánh cửa của trí thức, rèn luyện cho ta kĩ năng trong thực hành, dạy ta cách đối nhân xử thế, thao tác các tình huống sao cho khéo léo, tốt đẹp mà hơn hết nó còn giúp chúng ta khẳng định vị trí của bản thân trong cuộc đời này. Bản thân việc học vốn đã là một nghĩa vụ quan trọng nhưng quan trọng hơn là ta phải biến những tri thức, kĩ năng đựơc học thành sức mạnh, công cụ hữu dụng để tìm được thành công và tìm đựơc chỗ đứng trong xã hội. Khẳng định vị trí của mình không chỉ đơn giản đem đến lợi ích cho riêng bản thân ta mà hơn thế nữa là đem đến niềm tự hào cho gia đình và Tổ quốc. Ví như ta chỉ học thật tốt, thật nhiều kiến thức, biết thật nhiều kĩ năng nhưng lại để nó mai một, lãng phí mà không hình thành cho bản thân mục đích đem kiến thức, kĩ năng ấy để được khẳng định mình thì làm sao phục vụ cho đất nước, cho gia đình và toàn xã hội. Ra sức học tập cho bản thân cũng chính là nuôi dưỡng cho mình quyết tâm phấn đấu để được tôn vinh và khẳng định “cái tôi” của mỗi người trong cuộc sống tương lai. Biến những gì đươc học, được dạy, được rèn luyện thành cái riêng đặc sắc của bản thân, có như vậy chúng ta mới có thể vươn cao vươn xa ở ngày mai. Nếu như ai cũng cho việc học chỉ dừng lại ở mốc hiểu, biết và làm mà không hề có cá tính sáng tạo thì làm sao đất nước ta có những tài năng. Có những con người đã không dừng vịêc học của mình ở mức “học để biết, học để làm” mà họ còn dùng việc học tập để phát huy khả năng vốn có của mình và họ đã trở thành những con người ưu tú, đầy sáng giá của đất nước với tài năng và bản lĩnh đáng khâm phục.
Vậy thì việc học để khẳng định mình, để được khẳng định “cái tôi” vốn có của cá nhân là một điều vô cùng quan trọng nhất là trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay. Ta dễ dàng tìm thấy được rất nhiều những ví dụ điển hình cho việc thành công nhờ học tập và quyết tâm muốn phát huy hết công suất tiềm lực của bản thân. Đó là những sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài, họ đã khẳng định tầm vóc trí thức không chỉ của mình mà của cả dân tộc mình, đó còn là những gương mặt sáng giá trong các lĩnh vực kinh tế, y học, giáo dục… Tất cả họ đều đã thành công, họ không chỉ khẳng định vị trí của mình đối với đất nước, với xã hội mà có thể còn trên toàn thế giới bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách sống. Tuy nhiên bên cạnh những con người đã xác định cho bản thân mục đích học tập đúng đắn, những con người đang ngày đêm tìm tòi, tích lũy tri thức, nghiên cứu, nâng cao năng lực thì vẫn tồn tại đâu đó những con người mang suy nghĩ sai lệch về việc học. Họ học miệt mài như máy, coi việc học như một nghĩa vụ, trách nhiệm không thể chối bỏ đối với gia đình, thầy cô và xã hội. Thiết nghĩ nếu như việc học chỉ được coi như nghĩa vụ bắt buộc và chỉ dừng lại ở mức độ biết thì mỗi cá nhân sẽ không phát huy được tài năng, cá tính sáng tạo của bản thân và vô tình họ đã kìm hãm sự phát triển của bản thân cũng như toàn xã hội.
Mỗi người chúng ta hôm nay sẽ là một nhân tốt quyết định cho xã hội mai sau. Bản thân chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy xác định cho mình mục đích học tập thật đúng đắn và không ngừng ra sức nỗ lực hết mình vì mục đích đã đặt ra ấy. Học là để biết, để ứng dụng, để chung sống nhưng hơn hết học còn là yếu tố giúp chúng ta được khẳng định trong cuộc sống. Vậy thì chúng ta hãy tiếp thu, học hỏi kiến thức, ứng dụng điều được học vào thực tế cuộc sống, tu dưỡng nhân cách, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, những người xung quanh và thể hiện “cái tôi” riêng của cá nhân mỗi người.
Tóm lại học tập là một việc làm luôn luôn vô cùng cần thiết đối với mỗi người và học để được khẳng định mình lại càng quan trọng hơn. Mỗi người chúng ta hãy sống và học tập hết mình, để mỗi người đều là một bông hoa đuợc tỏa sáng và có chỗ đứng nhất định trong xã hội này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét