20 thg 2, 2011

Sự vô cảm

Điều trị ngay bệnh vô cảm của một số bạn trẻ
TT - Dửng dưng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác là những biểu hiện thường nhận thấy nhất ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Tuần trước, khi đang đi trên xe buýt ở đoạn đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội), tôi đã quan sát nhóm học sinh chứng kiến một tai nạn xe máy nghiêm trọng, người bị nạn cần được cấp cứu nhưng nhóm học sinh đó vẫn thờ ơ, có vẻ “không liên quan”.
Một số bạn tò mò đứng xem lấy làm lạ, chỉ trỏ có vẻ hứng thú...nhưng không hề có ai đứng ra giúp đỡ người bị nạn. Hội chứng “mackeno” (mặc kệ nó) đã trở thành thói quen của một số bạn trẻ, trong đó có không ít học sinh, sinh viên.
Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) tặng quà cho các anh chị khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu trong chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục lòng yêu thương, biết quan tâm đến người khác - Ảnh: Phi Long
Thái độ và hành vi vô cảm đó xuất phát từ sự nhận thức nông cạn, thiển cận, chỉ thấy được lợi ích trước mắt, lợi ích của cá nhân mình, không quan tâm đến người khác. Mà hướng người trẻ đến lối sống đẹp, đầy nhân văn, đầy tình người phải là trách nhiệm của Đoàn.
Vì vậy nếu tôi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, việc đầu tiên tôi làm là phải xắn tay áo lên điều trị ngay căn bệnh vô cảm trong người trẻ. Hệ lụy của sự vô cảm chính là thái độ bàng quan với cuộc sống, mơ hồ, mờ nhạt về lý tưởng, hoài bão và lẽ sống. Mang tâm lý “mackeno” bước vào đời sẽ gây cho không ít bạn trẻ cảm giác chán nản, buồn phiền và khó hòa nhập với mọi người. Đó không chỉ là nỗi bất hạnh của cá nhân mà còn là của gia đình và xã hội.
Việc điều trị này không dễ nhưng Đoàn đã rất mát tay trong việc phát động các phong trào người trẻ tình nguyện, sống vì cộng đồng...thì ắt phải xây dựng được một chiến lược dài hạn cho thanh niên VN phát triển những tố chất tích cực của người trẻ: có chí hướng, có khát khao, có hoài bão, dám nghĩ, dám làm, giàu lòng nhân ái, biết sống vì người khác...
Và tôi - trên cương vị thủ lĩnh của thanh niên - sẽ là người chịu trách nhiệm chính của việc thực hiện thành công chiến lược con người này.
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (ĐH Nguyễn Huệ)

Đừng trách người khác
Là một người làm trong lĩnh vực y tế, thật sự tôi không khuyên bạn cấp cứu người bị nạn nếu bạn không hiểu rõ các nguyên tắc cấp cứu, nhất là các tai nạn gây đa chấn thương. Nếu là người có trách nhiệm, tôi sẽ trang bị kiến thức sơ cứu các tai nạn thường gặp và những việc nên làm khi có tai nạn cho các bạn trẻ ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường. Đừng trách người khác khi bản thân mình còn chưa làm được gì!

NGỌC THANH
Bức xúc giữa tấm lòng nhân đạo và những rắc rối khi thực hiện hành vi nhân đạo
Những thái độ vô cảm trong cộng đồng thật đáng trách, nhưng do môi trường sống đã hình thành một nhân cách như vậy biết làm sao hơn? Vì khi tham gia thể hiện tính nhân đạo của con người trong cộng đồng thì lại gặp phải nhiều điều rắc rối, không khéo bị nạn lây... Chẳng hạn khi xảy ra một vụ tại nạn xe trên đường, khi đi ngang dừng xe xuống giúp người bị nạn, công an lại lập biên bản lấy lời khai chung quanh. Sau đó chưa rõ một số chi tiết, công an phát giấy mời người có lòng giúp đỡ đến trụ sở công an, không những một lần mà lại nhiều lần, còn hơn kẻ phạm pháp gây ra tai nạn... (lẽ ra khi chưa nắm đủ các thông tin thì công an điện thoại hỏi hoặc đích thân đến gặp để ghi nhận thêm thông tin cho rõ, đằng này ngồi ở trụ sở phát giấy mời triệu tập). Vậy là lần sau tởn luôn không dám đến gần chổ xãy ra tai nạn để tránh rắc rối liên quan.
Lại một trường hợp khác: một thanh niên đi đường chạy ngang thấy một xe nằm giữa đường, một bà già và một người nam đang nằm trên đường. Anh ta dừng xe lại dìu đỡ bà già dậy, lúc đó trong nhà kế bên đường, 2, 3 người chạy ra cầm cây phang tới tấp làm người thanh niên ngã lăn cùng bà già. Khi ấy người đàn ông nằm gần tỉnh dậy la lên rằng anh ta chạy xe đứt thắng không kìm được khi bà gia chạy ngang đường nên tông phải. Người thanh niên kia khi đó đã bị đánh đến ngất, đưa lên bệnh viện bị chấn thương sọ não, hôm sau chết. Sự hồ đồ của thân nhân bà già làm oan mạng người thanh niên có lòng nhân đạo giúp đỡ.
Luật VN quy định gặp người bị nạn không giúp đỡ là phạm tội, nhưng giúp đỡ thì một số tình huống trở thành người bị thiệt... thật khó lòng. Tôi đã tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, nhưng qua thực tế buộc phải đắn đo không dám mạnh dạn nhiệt tình tham gia như trước nữa. Do đâu vậy?

QUANG VINH

    2 nhận xét: