28 thg 5, 2011

Sống thoáng và Trượt dốc

Nhiều bạn trẻ muốn chứng tỏ mình bằng cách yêu sớm, ăn chơi thường xuyên ở quán bar, vũ trường, nhà nghỉ. Hậu quả họ phải gánh chịu là những quả đắng đầu đời.
Một bộ phận học sinh nghĩ phải vào quán bar, sàn nhảy, biết uống rượu mạnh và dùng thuốc lắc… thì mới là “đẳng cấp” nhưng không biết rằng đây là những lối rẽ khiến họ trượt ngã.
Khoe mẽ ăn chơi
Một nam sinh mang trên vai phù hiệu trường P.Đ.P khoe: “Tối qua, thằng bạn tao rửa xe LX dẫn lên N.T (một quán bar lớn ở Hà Nội) đập phá hết gần 20 “củ” (triệu đồng), đến 2 giờ sáng kéo nhau về nhà nghỉ T.D.H “bay” (dùng thuốc lắc) tưng bừng tới sáng, phê lòi mắt”. Phong “Phố Huế”, học sinh trường H.B.T, hào hứng kể về những chuyến “bay” cùng bạn bè: “Nếu đã “cắn” (thuốc lắc) thì chắc chắn hôm sau cũng phải bùng (bỏ) học nên tụi em chỉ “bay” vào cuối tuần thôi. Bọn em không dám “bay” trong bar, sàn nhảy mà toàn phải vào nhà nghỉ vì vừa kín đáo vừa an toàn”.
Có lần, chúng tôi được người bạn dẫn đến dự sinh nhật của một “hot girl” sinh năm 1992. Bữa tiệc được tổ chức linh đình, xa hoa tại quán bar - karaoke trên phố Đê La Thành. Chi phí bữa tiệc hơn 10 triệu đồng nhưng cô bé kia chẳng phải bỏ ra xu nào vì đã có vài “thiếu gia” tranh nhau trả tiền để lấy lòng người đẹp. Tiệc xong, cả nhóm rủ nhau vào nhà nghỉ và quậy tới sáng.
 
Buổi sinh hoạt ngoại khóa về tâm lý học đường tại một trường học ở TPHCM. Hoạt động này góp phần định hướng lối sống tốt cho bạn trẻ . Ảnh: Minh Quyên
Tuấn “Tommy” được coi là một dân chơi Hà thành thứ thiệt. Dù mới 19 tuổi, đang là học sinh của một trường THPT nhưng tên tuổi của Tuấn khiến không ít dân chơi trẻ phải... ngả mũ. “Mỗi khi Tuấn “Tommy” xuất hiện, ai cũng phải lác mắt. Nhân viên chạy bàn đều được “boa” rất hậu. Đều đặn mỗi tháng một lần, Tuấn và bạn bè lại tổ chức những bữa tiệc ở vũ trường, sau đó ra tận Đồ Sơn (Hải Phòng) để “bay”. Mỗi lần như thế, Tuấn đốt không dưới 20 triệu bạc từ tiền của cha mẹ (buôn nhà đất)” - Hưng, một người bạn của Tuấn “Tommy”, kể.
Giới trẻ thời nay còn so kè “thành tích” yêu đương. Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 11 trường A.E (Hà Nội), nói: “Khoảng 70% bạn trai, bạn gái trong lớp em đã có người yêu. Đa số yêu nhau vài tuần rồi thay bạn như thay áo!”. Nhiều học sinh tuổi 9X quan niệm yêu thì phải hết mình. Thế nên, chuyện họ rủ nhau vào nhà nghỉ sau những giờ đến lớp hiện khá phổ biến.

Thiếu điểm tựa từ gia đình
TS Thạch Ngọc Yến, chuyên viên tư vấn của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TPHCM), lý giải: Phần lớn các bạn trẻ yêu sớm tìm đến nhờ chúng tôi tư vấn đều có một “mẫu số chung”, đó là sống trong một gia đình cơm không lành, canh không ngọt. Thiếu vắng tình cảm của cha mẹ và người thân, các em đến với bạn khác giới để tìm một điểm tựa về tinh thần hơn là do thôi thúc của cảm xúc giới tính. Sự gần gũi đó rất dễ làm nảy sinh những hậu quả phức tạp. Hiện tượng này thường xảy ra ở hai trẻ có hoàn cảnh giống nhau, cùng cảm thấy cô đơn trong gia đình cũng như ở trường lớp. Còn những trẻ có đủ đầy sự yêu thương từ cha mẹ và người thân thì ít khi cần đến những dạng tình cảm như vậy.
A.Thư
Chủ một nhà nghỉ ở khu vực đường Kim Giang (quận Thanh Xuân - Hà Nội) nói rằng khách hàng thân thiết nhất của các nhà nghỉ bây giờ là những cô cậu học trò. Lần đầu đến nhà nghỉ, các nàng cũng chút bẽn lẽn, ngại ngùng nhưng sau một vài lần thì… tự nhiên như ở nhà! Các nam sinh cùng trang lứa cũng tranh thủ dùng điện thoại, máy quay… ghi lại những khoảnh khắc yêu đương cuồng nhiệt rồi đem khoe “chiến tích” với bạn bè, truyền tay nhau xem hoặc tung lên mạng internet. Thời gian qua, hàng loạt video clip quay cảnh “mây mưa” của học sinh xuất hiện trên mạng chính là “phân khúc cuối” của những mối tình non dại đó.
Sai lầm không thể cứu vãn
Hầu hết các mối tình học trò đều sớm tan vỡ hoặc để lại quả đắng. Trai thì bỏ học, sức khỏe sa sút; gái thì phá thai hoặc phải làm mẹ sớm. Như trường hợp của N.V.T.A, nữ sinh 18 tuổi (ở TPHCM), xinh đẹp và cá tính. Sau nhiều chuyến “bay” đêm, T.A mang thai với người bạn cùng tuổi. “Bạn tình” đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới biết tin, vội trốn biệt; còn T.A phải giấu gia đình, mang bụng bầu đến lớp trong những bộ quần áo thùng thình. Đến khi thai đã gần 6 tháng, mẹ T.A mới phát hiện nhưng đã quá trễ, T.A đành nghỉ học, chờ sinh con.
Lúc chúng tôi đến thăm, mẹ của N.V.T.A thẫn thờ ngồi xóa đi những hình ảnh trên blog của con - chứng tích của những cuộc vui mà trước đây bà vẫn cho là “bình thường, không đáng lo”. Trong ảnh, cô bé trông thật xinh, làm dáng điệu nghệ trước ống kính. Mẹ của T.A từng nghĩ mình là người thành đạt, được xã hội trọng vọng, vì thế cho con gái ăn diện một chút cũng chẳng sao. Nhưng nay, nhìn con trượt dốc, bà mới nhận ra mình đã sai lầm.
Còn A.H, 16 tuổi (ở TPHCM), thì được mẹ đưa đi điều trị tâm lý do bị hoảng loạn trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm HIV. H. từng là một học sinh giỏi, ngoan, tích cực với các phong trào ở trường. Tuy nhiên, sau khi cha mẹ thường xuyên cãi nhau về chuyện tiền bạc và ly thân, cậu trở nên ít nói, sống thu mình. H. sống với mẹ nhưng cả mẹ và cha cậu khi ấy không có thời gian chú ý đến con. H. quen một bạn gái lớn hơn mình một tuổi.
Cô bé thường rủ A.H đi theo các cuộc vui chơi, ăn ngủ thâu đêm. Rồi một ngày, cô bạn gái có biểu hiện sức khỏe sa sút, sau đó chuyển ra Bắc sống, cắt đứt mọi liên lạc. Hỏi thăm, H. mới biết cô bạn gái có “tiểu sử” ăn chơi rất dày và nhiều mối quan hệ phức tạp. Một người biết chuyện nói rằng hình như cô ấy đã “dính” HIV nên phải trốn về Bắc. H. lo quá, đem chuyện kể với mẹ và được mẹ dẫn đi xét nghiệm. Hiện H. bị stress nặng, tiều tụy thấy rõ…
Theo Người Lao Động

Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới...

Từ một cậu bé mồ côi,thất học,Alesei Peshkov đã vươn lên trở thành M.Gorki-nhà văn bậc thầy của giai cấp vô sản,con người được nhân dân thế giới kính trọng vì một vốn hiểu biết văn hóa vừa rộng lớn vừa sâu sắc.Nhờ đâu ? Nhờ một nghị lực sống phi thường đã tìm gặp được một thứ tài sản phi thường: sách.Nói đến M.Gorki,không thể không nói đến tự học,do đó không thể không nói đến sách.Chính ông đã nói đến tác động ghê gớm của sách đối với mình trong một lời phát biểu giản dị :

“Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Câu nói ấy hàm chứa một ý nghĩa phong phú và một chân lí,một lời khuyên.

Từ lâu con người đã biết đến sự kì diệu của sách.Sách,đó là cái thần kì trong những cái thần kì mà nhân loại đã sáng tạo nên.Thật không thể hình dung một nền văn minh mà không có sách.Từ hàng nghìn năm trước,khi chưa có chữ in,chưa có máy in,chưa có cả giấy bút nữa,thì nhân loại đã nghĩ đến sách rồi,đã có những hình thức đầu tiên của sách rồi.Sách là cái cần có để con người lưu giữ và truyền lại cho người khác,cho thế hệ khác,những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh,những khám phá về vũ trụ,về con người,cả những ý nghĩ,những quan niệm,những mong muốn về cuộc sống cần gửi đến cho mọi người và trao gửi đến đời sau.

Sách,đó là kho tàng chứa đựng những hiểu biết của con người đã được khám phá,chọn lọc,thử thách,tổng hợp.Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại,những hoài bão mạnh mẽ nhất,những tình cảm tha thiết nhất của con người.Chỉ có những gì mà con người cảm thấy bức xúc cần nói,cần truyền lại,mới đi vào sách.

Tác động của sách không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian.Con người ngày nay vẫn không giảm sút hứng thú tìm lại những trang sách đã có hàng mấy nghìn năm nay,từ những hình vẽ bí hiểm trên những phiến đất sét,những chữ cái từ lâu đã trở nên lạ lùng trên các tấm da cừu,những con chữ tượng hình trên các thẻ tre…cho đến hôm nay,những cuốn sách được in hàng loạt bằng những máy in điện từ hiên đại.Một người sống ở một làng hẻo lánh Châu Á cũng có thể đọc được cuốn sách của một người viết từ một đất nước xa xôi ở Châu Mĩ.Thật có thể không ngoa rằng: có sách,các thể kỉ và các dân tộc xích lại gần nhau.

Sách là thế,sách có sức mạnh như thế,cho nên M.Gorki đã rất có lí khi nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh,về vũ trụ bao la,về những đất nước và dân tộc xa xôi.Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó,hiểu được quả đất tròn mang trên mình nó bao nhiêu đất nước khác nhau với những hoàn cảnh thiên nhiên khác nhau.Những quyển sách xã hội học giúp hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế,lịch sử,văn hóa,những truyền thống,những khát vọng.

Sách,đặc biệt là những cuốn sách văn học,giúp ta hiểu biết về đời sống bên trong của con người,qua các thời kì khác nhau,ở các dân tộc khác nhau,những niềm vui và nỗi buồn,hạnh phúc và đau khổ,những khát vọng và đấu tranh của họ.

Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình,hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này,hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác,với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này.Sách giúp người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc,đâu là nỗi khổ của mỗi người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thật sự.Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng.

Đã từng có những cuốn sách không chỉ “mở rộng những chân trời mới” cho một người,trăm người,triệu người,mà cho cả nhân loại.Những trang sách của Bruno,Galie về quả đất và thái dương hệ đã mở ra cho loài người một thời kì mới trên con đường chinh phục tự nhiên.Những trang sách của Dacuyn về các giống loài không chỉ giúp con người hiểu rõ về các giống loài sinh vật mà còn hiểu rõ hơn về chính con người.Sách của Secspia,của Diderro,Monteskier rồi của Mac,Angghen…thực sự đã giúp con người làm những cuộc cách mạng.Đọc Bangdac ta hiểu về thế giới tư bản với sức mạnh lạ lùng của đồng tiền.Đọc thơ Tago,thơ Lý Bạch,Đỗ Phủ,ta hiểu đời sống và tâm hồn của cả những dân tộc.Đọc Nguyễn Du,Hồ Xuân Hương,Cao Bá Quát…ta hiểu xưa kia cha ông ta từng đau khổ và ước mơ những gì…Thật không sao kể hết “những chân trời” mà các trang sách đã mở rộng trước mắt ta.Có thể nói một cách tóm tắt rằng: lợi ích của sách là vô tận.Ta đồng ý với lời nhận xét của M.Gorki cũng là tiếp nhận lời khuyên bao hàm chứa trong câu nói ấy : Hãy đọc sách,cố gắng đọc sách càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên,chẳng lẽ đó là một lời khuyên vô điều kiện ? Ngẫm cho kĩ,ta vẫn thấy có một khoảng trống cần cân nhắc trong lời khuyên ấy.Vì sao ? Vì không phải mọi quyển sách đề “mở rộng những chân trời mới”.

Từ khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản,mọi vận dụng của con người,trong đó có sách,đều trở thành hàng hóa.Sách không chỉ là cái do con người viết ra cho con người đọc,mà còn là một món hàng cho những ông chủ nhà in,chủ nhà xuất bản kiếm lời.Mục đích của những ông chủ ấy,nói chung,không phải là phục vụ nhân loại mà để kiếm lợi nhuận,lợi nhuận tối đa.Vì thế,trên thị trường sách,không phải bao giờ cũng chỉ có những cuốn sách tốt thực sự phục vụ mục đích cao cả của con người,mà còn có rất nhiều những cuốn sách vì mục đích kiếm lời,đã gây tác hại không nhỏ cho con người.

Thế nào là sách tốt ? Đó là những cuốn sách phản ánh chính xác quy luật của tự nhiên và của đời sống xã hội.Chúng giúp con người ta hiểu rõ về số phận của mình để có ý thức đúng về nghĩa vụ của mình trong đời sống.Một cuốn sách tốt phải giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn.Nó phải ca ngợi sự công bằng và tình hữu nghị giữa các dân tộc.Nó phải khiến cho con người thêm tự hào về mình,thêm vững tin ở cuộc sống để chiến đấu cho cuộc sống mỗi ngày một hợp lí và hạnh phúc hơn.Nó phải khiến cho tâm hồn con người trở nên phong phú hơn,độ lượng hơn,trong sáng hơn.

Đọc những cuốn sách như thế,đúng là chân trời mở rộng không chỉ trước mắt ta mà còn cả trong tâm hồn ta.Ta không chỉ tăng thêm hiểu biết mà còn tăng thêm giá trị và sức mạnh.

Còn thế nào là sách xấu ? Đó là những cuốn sách xuyên tạc đời sống,đưa đến cho người đọc những kiến thức giả trá về thế giới xung quanh.Chúng đề cao dân tộc này mà bôi nhọ dân tộc kia,chúng gây thù hằn và ngờ vực giữa các dân tộc,đề cao bạo lực và chiến tranh,kích động những thị hiếu bản năng thấp hèn của con người.

Đọc những cuốn sách như thế,người đọc không những không tăng thêm những hiểu biết mà còn trở nên dốt nát,mê muội hơn.Đọc những cuốn sách như thế,tâm hồn người đọc không những không hề mở rộng chân trời mà còn thêm khô cằn vì những thú tính độc ác,những ước muốn tầm thường ích kỉ,những tình cảm bạc nhược đớn hèn.Sách cỏ thể là một thứ thuốc bồi dưỡng cực kì công hiệu,cũng có thể là một thứ ma túy,một thứ thuốc độc cực kì nguy hiểm.

Bởi vậy,từ câu nói của nhà văn vô sản Nga,ta có thể tự xác định cho mình một thái độ đối với sách.Trước hết,phải biết quý trọng sách và coi việc đọc sách là một công việc rất cần thiết,vừa rất thú vị vừa rất bổ ích.Sống mà không đọc sách,không ham mê sách,là một điều không thể chấp nhận được.Nhưng phải chọn sách để đọc.Không bị mê hoặc bởi sự hấp dẫn của hình thức,không để bị lôi cuốn bởi những thị hiếu tầm thường,phải tìm đến những cuốn sách thực sự tốt,có ích.Mặt khác,đọc sách không chỉ là một sự hưởng thụ,mà còn là một cách hành động ở đời.Cho nên,đọc sách là để rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống tốt hơn,hành động có hiệu quả hơn.Đọc sách mà không tiêu hóa được,không vận dụng được vào hành động,thì dẫu đọc hàng nghìn cuốn sách cũng không hơn gì cái tủ mọt đựng sách.

Hàng ngàn năm qua,con người đã sáng tạo ra sách và mê đọc sách.Nhưng nếu xưa kia niềm vui ấy chỉ là đặc quyền của một số người rất nhỏ thì ngày nay là niềm vui,là quyền lợi của cả những con người bé nhỏ bình thường.Sách vẫn tiếp tục phát huy tác dụng kì diệu của nó.Ta không thể hình dung một thế giới không có sách.Không còn sách,nền văn minh nhân loại cũng sẽ không còn.


Nguồn từ: http://vanmau.com/forum/showthread.php/10530-quot-Sách-mở-rộng-trước-mắt-tôi-những-chân-trời-mới-quot-M.Gorki#ixzz1Nd430bcO

"Đói cho Sạch, Rách cho Thơm" có còn nguyên giá trị?

Đạo lí truyền thống của dân tộc ta được thể hiện khá toàn diện qua ca dao,tục ngữ.Nói về lối sống thanh cao và việc giữ gìn phẩm giá tốt đẹp trong hoàn cảnh khó khăn,người xưa có câu : “Đói cho sạch,rách cho thơm”.

Dân gian mượn hai yếu tố thiết yếu nhất trong cuộc sống hàng ngày là “ăn” và “mặc” để thông qua đó phản ánh quan niệm sống.Trong xã hội phong kiến,người lao động chân lấm tay bùn thường bị giai cấp bóc lột khinh thường,rẻ rúng.Bọn chúng cho rằng mọi sự xấu xa trên đời đều bắt đầu từ sự cùng khốn : “Bần cùng sinh đạo tặc” hay “Đói ăn vụng,túng làm càn”.Thực tế cũng có một số người bị tha hóa trước hoàn cảnh,còn phần lớn người dân lao động vẫn giữ vững nếp sống lành mạnh,trong sạch của ông cha.

Lúc đói,bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy rất mạnh để bảo tồn sự sống.Liệu có còn đủ lí trí để giữ cho sạch sẽ ? Khi nghèo nàn,rách rưới,mấy người còn nghĩ tới thơm tho ? Câu tục ngữ này không chỉ đề cập đến cái đói,cái rách mà cao hơn thế,nó nêu lên một triết lí sống,một quan điểm sống làm nền tảng đạo đức của nhân dân ta.

Câu tục ngữ lấy “đói” và “rách” là hai biểu hiện cụ thể nhất,tiêu biểu nhất của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để phản ánh cuộc sống gian truân,vất vả.Nước ta là một nước nông nghiệp,trước đây hơn chín mươi phần trăm dân số sống bằng nghề làm ruộng.Quanh năm họ dãi dầu nắng mưa,đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng ruộng để làm ra củ khoai,hạt lúa.Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu gạo,thuế nặng,bởi chính sách áp bức bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị.Suốt đời,người nông dân nghèo có mấy khi được vui vẻ,ấm no ?

Sống trong đói rách kéo dài triền miên như vậy,nếu không giữ gìn phẩm giá,con người sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức.

Trong hoàn cảnh ấy,những lời khuyên nhủ,những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết.Người lao động khuyên nhau,nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch,đúng với bản chất thiên lương,sao cho khỏi “cúi xuống thẹn đất,ngẩng lên thẹn trời” và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa.

Quan điểm này là sự đối nghịch với quan điểm sống tiêu cực của giai cấp bóc lột;là sự tự khẳng định và đề cao lối sống thanh cao của người lao động,không một uy lực nào,một cám dỗ nào có thể làm cho những con người chân chính khuất phục.

Trong sạch trong lối sống,trong nếp nghĩ.Thơm tho trên phương diện danh dự,đạo lí làm người.Điều đó đã được kết tụ trong cách sống cao thượng của những bậc chính nhân quân tử như Nguyễn Trãi,Cao Bá Quát,Nguyễn Công Trứ,Nguyễn Khuyến…Quan niệm sống cao đẹp ấy đã thành truyền thống từ ngày xưa truyền lại.Nó giống như những bông hoa sen vươn lên trên đầm lầy với vẻ đẹp thanh cao và làn hương thơm ngát.


Nguồn từ: http://vanmau.com/forum/showthread.php/11151-Đói-cho-sạch-rách-cho-thơm#ixzz1Nd2dRe3i

27 thg 5, 2011

Hạnh Phúc- của mình và của mọi người

ĐỀ BÀI:NGƯỜI HẠNH PHÚC NHẤT LÀ NGƯỜI ĐEM HẠNH PHÚC ĐẾN CHO NHIỀU NGƯỜI NHẤT.


Mỗi người trong chúng ta đều có một cách định nghĩa riêng cho bản thân:thế nào là một con người hạnh phúc.Bàn về con người hạnh phúc có ý kiến cho rằng:”Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất”. Theo tôi, đây là một quan niệm đúng đắn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Nói đến hạnh phúc là nói đến là trạng thái sung sướng, thỏa mãn của con người vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Trạng thái ấy có khi thoáng qua nhẹ nhàng, có khi sung sướng cao độ tràn đầy, có lúc là vui sướng xúc động sâu lắng, có lúc cảm thấy khó diễn tả, lung linh huyền diệu như bảy sắc cầu vồng... Đó chính llà trạng thái tốt đẹp nhất của con người trong cuộc sống.V ậy,thế nào là một con người hạnh phúc?Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. . Cảm nhận về hạnh phúc của con người là muôn màu muôn vẻ...nhưng chúng ta hết thảy đều mong muốn được hạnh phúc.

Hạnh phúc là ở trong tay con người, do con người sáng tạo ra, giữ gìn và phát triển mãi mãi.Biết bao người thân yêu đã trao lại cho ta hạnh phúc trong cuộc sống. Có thành đạt lớn nhỏ nào của riêng ta mà không có sự chăm lo giúp đỡ của mọi người. Cho nên hạnh phúc là biết sống vì mọi người. Hạnh phúc không phải là người sở hữu nhiều mà là người biết yêu thương, hy vọng nhiều. Nếu ai chỉ nghĩ tới lợi ích cho riêng mình, dửng dưng với mọi người, không dám chăm lo cho người khác, thì cũng chẳng hiểu nổi hạnh phúc là gì. Vì hạnh phúc có bao giờ đến với sự đơn độc, ích kỷ, cho dù "thiên đường riêng cũng buồn tênh". Khi ta quan tâm tới mọi người xung quanh, khi ta mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác, khi ta sẵn sàng thương yêu con người - có khi chỉ llà một cử chỉ, một việc làm nhỏ - sẽ làm cho chính lòng ta thêm ấm áp và thanh thản. Thật vậy, trong cuộc sống nếu chúng ta đem lại được hạnh phúc cho người khác thì quả là tuyệt vời. Hạnh phúc đó có thể dễ dàng có được khi ta giúp đỡ một cụ giá qua đường, hay nhường chỗ cho một phụ nữ có thai trên xe buýt… Tất cả những điều đó thật đơn giản nhưng đã mang lại hạnh phúc cho người khác, làm mọi người vui vẻ.”Tìm thấy niềm vui trong niềm vui của người khác chính là bí mật của hạnh phúc”. Và không dừng ở đó hạnh phúc cũng ở lại với chúng ta khi ta làm được một điều tốt đẹp, có ích cho người khác, cho xã hội. Hành động cao quý và tốt đẹp hơn, to lớn hơn chính là hạnh phúc của sự bình yên mà các anh bộ đội, các chiến sỹ Cách mạng đã đem lại cho chúng ta. Tất cả những hy sinh của các anh chỉ để đem lại hạnh phúc cho chúng ta, cho dân tộc. Hạnh phúc ở đây là sự độc lập tự do cho cả dân tộc. Thật cao quý và tốt đẹp dáng tôn vinh biết nhường nào!Quả thực:”Trong cuộc sống không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc đến cho người khác.

Việc đem hạnh phúc cho người khác thật đơn giản nhưng cũng rất cao quý. Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn nhiều người ngay cả việc nhỏ nhất họ cũng không làm. Một số họ chỉ biết có bản thân, toàn đem lại bất hạnh cho người khác. Trong gia đình, chúng ta cần lên án những người chồng vũ phu, đánh đập vợ con hoặc những đứa com bất hiếu chỉ ăn chơi, thoả mãn nhu cầu cá nhân, làm cha mẹ đau lòng. Tại sao những con người ấy lại nhẫn tâm đem lại sự bất hạnh cho chính những người thân yêu nhất của mình?... Ngoài xã hội, hiên có một lớp thanh niên, thay vì giúp đỡ người giá yếu , họ lại lợi dụng để cướp giất, móc túi… Những kẻ lấy sự bất hạnh của người khác làm hạnh phúc của mình cần đáng bị trừng trị!.

Hạnh phúc luôn trong tầm tay mỗi chúng ta! Hãy mang hạnh phúc đến cho người khác và bạn sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc của chính mình!!!!

Tận tâm và Thành công

“ THÀNH CÔNG CHỈ ĐẾN KHI BẠN LÀM VIỆC TẬN TÂM VÀ LUÔN NGHĨ ĐẾN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP”. SUY NGHĨ CỦA ANH CHỊ VỀ Ý KIẾN TRÊN 
--------
Bài làm
Thành công là đích đến đẹp đẽ và tươi sáng trong cuộc sống cúa bất cứ ai. Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của con người trên con đường đi đến thành công. Và câu nói nổi tiếng cúa Arnold Schwarzenegger liệu có phải là một lời khuyên đúng đắn về thái độ làm việc tốt nhất để hướng đến mục tiêu của mình ? “Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”


Con người ta sống ở đời đều muốn theo đuổi để đạt đến “thành công”. Vậy “thành công” là gì ? Là đạt được kết quả, mục đích như dự định. Là biến những hoài bão đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ trở thành sự thật. Điều đó đẹp lắm chứ, đáng mơ ước lắm chứ. Nhưng con đường để đạt được thành công vốn không dễ dàng gì, càng nhiều thử thách chông gai thì thành công mới thật có ý nghĩa. Đối diện với những khó khăn trước mắt, có người chọn cách thoái lui, có người rẽ sang hướng khác, dễ dàng và đơn giản hơn, dù nó không đúng với mục đích của mình.Còn có những người lại chọn cách nhìn nhận vấn đề thật lạc quan, và quyết tâm hướng đến mục tiêu của mình với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ. Theo như Schwarzengger, chỉ có những người như vậy mới có thể đạt được thành công,


Liệu suy nghĩ đó có thật sự đúng ? Cũng như Anita Hill đã nói : “Làm việc đừng quá trông đợi vào kết quả, nhưng hãy mong cho mình làm được hết sức”. Khi làm việc tận tụy và toàn tâm toàn ý hướng đến mục đích của mình, thì bản thân chuyện “thành công” đã không còn quan trọng nữa. Điều cốt yếu nhất là ta đã cố gắng hết sức, và hoàn toàn không phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ điều gì. “Tận tâm” không có nghĩa là bất chấp tất cả và bằng mọi giá phải thành công cho kì được, “tận tâm” là chọn con đường đúng đắn nhất và cố gắng hết sức để đi tới cuối con đường đó. Với một thái độ làm việc tích cực như thế, thành công đạt được trở nên rất xứng đáng và có ý nghĩa. Đối diện với những khó khăn trở ngại trên đường đời, nhiều khi nỗ lực hết sức vẫn là chưa đủ. Càng cố gắng thì gặp thất bại càng cay đắng. Khi đó, con người ta phải học được cách tiếp nhận và nhìn nhận sự việc theo hướng lạc quan, thay vì chôn vùi ý chí bản thân với những nguy cơ, hậu quả, thất bại… nặng nề, hãy biết “nghĩ đến những điều tốt đẹp” để củng cố tinh thần và có động lực tiến lên phía trước. Phải biết nhìn về phía ánh sáng mới có thể thấy được lối thoát trong khó khăn, và vững tin vào tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Chỉ biết giữ những suy nghĩ không thôi thì chưa thể thành công được, nhưng biết biến những suy nghĩ tích cực thành hành động thì chắc chắn, bạn sẽ thành công đấy !


Lấy chính bản thân tác giả của câu nói trên làm ví dụ. Arnold Schwarzenegger, từ một chàng trai người Áo 21 tuổi bỡ ngỡ bước chân đến Mỹ để đi tìm thành công cho bản thân chỉ với vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn, đã trở thành vận động viên, diễn viên phim hành động nỏi tiếng thế giới, và hiện tại đang đương nhiệm chức vụ Thống đốc bang California ở Hoa Kì. Ông vấp phải không ít khó khăn trên con đường lập nghiệp, nhưng với sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm được trở nên nổi tiếng, không ai có thể phủ nhận sự thành công của người đàn ông này. Chính những suy nghĩ tích cực và thái độ làm việc đúng đắn đã đưa ông tới đỉnh cao ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Roberto Goizueta cũng là một ví dụ điển hình cho thành công nhờ thái độ làm việc đúng đắn. Ông là một trong những doanh nhân thành công nhất thế kỉ XX, người đã đưa thương hiệu nước có ga nổi tiếng Cocacola trở thành hàng đầu thế giới. Con đường của một người con xuất thân từ một gia đình nông dân làm nghề trồng mía ở Cuba vươn lên trở thành CEO của hãng nước ngọt huyền thoại lớn nhất thế giới ắt hẳn không dễ dàng gì. Nhưng với lòng quyết tâm và những suy nghĩ lạc quan tin vào tương lai của bản thân, Roberto Goizueta đã đạt được thành công khiến Thế giới phải trầm trồ. Những con người này xuất thân bình thường, họ đạt được thành công nhờ biết suy nghĩ tích cực và tập trung cao nhất vào mục tiêu của mình. Với tâm niệm “thành công chỉ đến với những người làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”, bản thân mỗi chúng ta đều có cơ hội đạt được những đỉnh cao phi thường như thế. Tôi có lòng tin vào điều đó, còn bạn thì sao ?

Đối với tuổi trẻ, xác định được ước mơ của đời mình và nỗ lực không ngừng để đạt được thành công là điều không dễ. Nhưng thiết nghĩ, nếu biết cách biến những trở ngại của khó khăn trước mắt trở thành động lực thúc đẩy để tiến xa hơn, bay cao hơn, thì thành công ta đạt được sẽ càng có ý nghĩa. Cố gắng hết sức và luôn lạc quan, thì nhất định thành công sẽ đến.

22 thg 5, 2011

Mừng hay Lo ???

Lạm phát điểm 10
Mấy ngày trước cả nhà tôi rất vui, vì cậu con trai học bậc tiểu học thông báo: thi kiểm tra học kỳ 2 đạt 3 điểm 10. Trước đó, kiểm tra học kỳ 1 cu cậu cũng có thành tích đáng nể, giành trọn 30 điểm/3 môn. Quá giỏi!
Tôi mừng, vì con còn nhỏ mà học giỏi thì sau này lên lớp lớn hơn chắc chắn sẽ nắm được căn bản và tiếp tục học giỏi.
Tôi vui mừng nói với con trai: “Chắc chắn con sẽ được xướng tên khi nhận phần thưởng”. Con trai nói lại: “Chưa chắc đâu ba ơi”. Tôi giật mình và chợt nghĩ thầm: “Chẳng lẽ cu cậu nói dối”. Tôi hỏi: “Sao chưa chắc hả con?”. Con trai nói: “Lớp con toàn là học sinh giỏi, bạn nào cũng 3 điểm 10”. Cậu con trai còn kể, vì quá nhiều học sinh giỏi nên ngày mai cô giáo đề nghị cả lớp “hiệp thương” bầu chọn danh sách 10 em được lên sân khấu nhận phần thưởng!
Tôi đem câu chuyện của con trai nhà tôi kể với một người bạn làm công tác giáo dục. Anh bạn còn thông tin cho tôi biết năm học 2009-2010 nhiều trường còn có những lớp đạt 100% học sinh giỏi như lớp 1/1 trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), trường Tiểu học Minh Đạo (Q.5) có 8/10 lớp 1, 3/10 lớp 2, 1/11 lớp 5, 1/12 lớp 4 đạt học sinh giỏi...
Tôi bần thần không biết mừng hay lo. Ngồi nhẩm tính: cứ theo cái đà “lạm phát” điểm 10 thế này, chắc chắn 20 năm nữa đất nước ta toàn là người giỏi (vì số em học sinh này được đào tạo quá "bài bản" toàn là học sinh giỏi - trong đó có con mình).
Câu chuyện không phải của riêng ai. Thành tích là tốt nhưng không phải vì nó mà đua theo để rồi cả một thế hệ sau này trống rỗng kiến thức, hậu quả của một thời đi học chỉ quen với cách học “tủ” để được điểm cao. Không nên tạo ra một tiền lệ chạy theo thành tích, nhất là đối với trẻ em. Là phụ huynh tôi có quyền được biết học lực thực chất của con mình. Vì đây là niềm vui tinh thần vô cùng cần thiết, khi cha mẹ dày công nuôi con ăn học, nên cần phải được đánh giá đúng năng lực. Một khi đánh giá đúng thực chất, là dạy cho trẻ biết được thực lực của mình để vươn lên. Điểm số chỉ là một yếu tố, còn kiến thức rất quan trọng, tạo nền móng cho sự phát triển của một thế hệ.
Đối với công tác giáo dục, quan trọng là phải đánh giá đúng thực chất để nhận ra nhân tài tiếp tục bồi dưỡng thành những tài năng cho quốc gia, đồng thời phát hiện ra những mặt yếu của các em để uốn nắn, giúp đỡ và điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp.
Như Quỳnh

14 thg 5, 2011

Bạn nghĩ gì về dòng máu Việt?

Chính khách gốc Việt trở thành Phó thủ tướng Đức
TTO - Ngày 13-5, ông Philipp Rösler - một người Đức gốc Việt đang giữ chức bộ trưởng kinh tế - đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (FDP) đồng thời giữ chức Phó thủ tướng của đất nước này.
Ông Rösler đã chính thức trở thành thủ lĩnh mới của FDP và giữ chức Phó thủ tướng Đức - Ảnh: AFP
Theo Deutsche Welle, ông Rösler được bầu với hơn 95% số phiếu (619/651 phiếu), trở thành lãnh đạo FDP trẻ nhất trong lịch sử đảng này ở độ tuổi 38, tiếp nối vị trí của Guido Westerwelle - nhân vật đã từ chức sau khi FDP thất bại liên tiếp trong các cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay nhưng vẫn giữ chức ngoại trưởng.
Ngày 12-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cải tổ nội các và bổ nhiệm ông Rösler làm bộ trưởng kinh tế và công nghệ. Trước đó, ông Rösler giữ chức bộ trưởng y tế và sau đó vị trí này được chuyển giao cho ông Daniel Bahr.
Dù vậy, ông Rösler vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi các chính trị gia cho rằng Đảng FDP đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Ông Rösler sinh ngày 24-2-1973 tại Sóc Trăng, được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới 8 tháng tuổi. Ông gia nhập đảng khi 18 tuổi và nhanh chóng trở thành chủ tịch đoàn thanh niên và tổng thư ký FDP ở bang Niedersachsen.
PHAN ANH

Thi tốt nghiệp THPT tỷ lệ đỗ cao: "Bệnh thành tích" có nguy cơ trở lại

Thứ Bảy, 14 Tháng năm 2011, 15:05 GMT+7 

Một mùa thi nữa lại đến. Không ít người dự đoán rằng mùa thi tốt nghiệp năm nay lại đỗ cao. Riêng chúng tôi dám khẳng định: nếu thi thật, làm nghiêm túc, chặt chẽ, may ra tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt tối đa 50%!
Trước hết phải thừa nhận rằng cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và chống bệnh thành tích trong giáo dục” đã tạo được một phong trào mới “dạy ra dạy, học ra học” của ngành giáo dục nước nhà. Nhờ có cuộc vận động, chất lượng giáo dục đã được nâng lên.
Tuy vậy, sau một vài mùa thi làm nghiêm túc, phản ảnh đúng thực trạng về chất lượng dạy và học, thì những mùa thi gần đây xem ra bệnh thành tích đang có nguy cơ trở lại, Hay nói chính xác rằng trong vài kỳ thi tốt nghiệp gần đây chúng ta vẫn tiếp tục chống tiêu cực trong thi cử nhưng không triệt để. Có người "mạnh dạn" chỉ rõ:  các kỳ thi gần đây chỉ “ngoài nghiêm, trong lỏng”, vẫn còn hiện tượng phụ huynh vượt tường vào phòng thi ném bài đại thí.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: diemthi2011.com)
Các biểu hiện tập trung đông người, dùng các phương tiện thông tin để đại thí, làm mất trật tự khu vực thi… đã được ngăn chặn triệt để. Nhưng trong các phòng thi, hiện tượng quay cóp, truyền bài cho nhau, hiện tượng con cháu các sếp được gửi gắm vẫn còn. Có cháu còn nói thẳng với chúng tôi rằng nếu thi cử nghiêm túc, có một số phải nạp giấy trắng. Đằng này lại có điểm cao, thật khó tin!
Kỳ thi tốt nghiệp năm học 2009 - 2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của một số trường đạt 100%, bình quân chung đều đạt trên 80%. Nhưng liền sau đó, kỳ thi đại học, cao đẳng lại có những bài làm đạt điểm không (0). Nhiều bài văn ngây ngô, ngờ nghệch, đọc nghe chua xót, buồn đến nao lòng.
Ngoài việc kéo lùi, làm sai lệch lịch sử đến cả hàng thế kỷ, lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia … phản ảnh rõ nét về chất lượng dạy và học, điều mà nhiều người không ngờ chính là những bài làm, những câu văn đó lại của những học sinh vừa qua đợt sát hạch, thi cử, được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Và chắc chắn rằng trong đó không ít em vừa thi đậu tốt nghiệp có điểm “khá, giỏi”(?)
Một mùa thi nữa lại đến. Không ít người dự đoán rằng điểm tốt nghiệp năm nay chắc lại... cao. Riêng chúng tôi dám khẳng định: nếu thi thật, làm nghiêm túc, chặt chẽ, may ra tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt tối đa 50%!
Ngành giáo dục là ngành “công nghiệp” đặc biệt, bởi nó đào tạo ra con người- chủ thể của xã hội. Rất mong chúng ta hãy vì sự phát triển đi lên của xã hội, của đất nước, để đào tạo ra những con người toàn diện, đừng vì chút thành tích mà “sản xuất” ra "hàng rởm" làm cản trở sự phát triển đi lên của xã hội, của đất nước. 
Đừng để "bệnh cũ" vốn đã được chữa trị, nay có nguy cơ trở lại.
Phùng Văn Mùi / Dan tri

11 thg 5, 2011

Thực tiễn và Nghị lực sống

Trình bày suy nghĩ  của anh (chị)về câu nói: 
Rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi phải mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng”. 
(Theo Nguyễn Văn Thạc - Mãi mãi tuổi 20)

---------------------------------
Hướng dẫn làm bài

-     MB: Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
-   GT: Thực tế cuộc sống có nhiều không như mong muốn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần có niềm tin, hi vọng và nghị lực sống.

- Bình : Đúng vì:
 Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, trở ngại, không được như ý muốn. Đối diện với những khó khăn, thất bại, con người phải luôn giữ hy vọng, nghị lực.
+    Hy vọng, ý chí, nghị lực đem lại niềm tin, động lực sống; là sức mạnh tinh thần giúp con người có thể vượt qua khó khăn, trở ngại để thành công.
-    Lưu ý: học sinh cần có dẫn chứng để làm sáng tỏ.
-   Luận:     Phê phán những người sống thiếu ý chí, bi quan …
-  PHHĐ :     Rèn luyện lối sống tốt đẹp, tích cực:  có niềm tin, nghị lực …

( Trích  đề - Hướng dẫn chấm thi thử TN THPT TPHCM  Môn Ngữ văn năm học 2010-2011)

10 thg 5, 2011

Trường hợp được miễn thi và đặc cách

Đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, bao gồm: người học lớp 12 được Bộ GD-ĐT triệu tập tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (khu vực) các môn văn hóa, cả năm lớp 12 hạnh kiểm loại tốt, học lực từ loại khá trở lên; người học lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ có học lực từ trung bình trở lên; người khiếm thị học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị.
Hai đối tượng được đặc cách: bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi, xếp loại về học lực và hạnh kiểm cả năm ở lớp 12 đều từ khá trở lên; bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại với điều kiện điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5 trở lên, học lực lớp 12 từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Về các thí sinh tự do (TSTD), Bộ GD-ĐT có những lưu ý sau: Nộp phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh nơi cư trú, hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12. TSTD không đủ điều kiện thi ở những năm trước do xếp loại kém về học lực ở lớp 12 phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường THPT nơi học lớp 12 hoặc nơi ĐKDT một số môn học có điểm trung bình dưới 5 sao cho khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định. TSTD không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm lớp 12 phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú trong phiếu ĐKDT. TSTD bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2011 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp.
Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình TS không có hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong hộ khẩu.

9 thg 5, 2011

Để làm tốt bài văn NLXH

 Nguoilaodung.vn Thứ Năm, 05 Tháng năm 2011, 11:05 GMT+7 
Đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ môn văn có một câu nghị luận xã hội chiếm đến 3 điểm ở phần bắt buộc nhưng trên thực tế, học sinh ít khi làm tốt câu này.
Đây là kiểu bài làm văn chuyên về bàn bạc các vấn đề xã hội như chính trị, đạo đức, lối sống, tính cách… nhằm làm rõ đúng sai, tốt xấu của vấn đề, từ đó có thể hiểu một cách thấu đáo để vận dụng vào thực tiễn. Có hai dạng bài nghị luận xã hội: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh năm 2011 tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM. Ảnh: HUY LÂN
 Rút bài học nhận thức, hành động 
Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).  
Về cách làm loại đề này, trước hết phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra. Phần thân bài có nhiều luận điểm. Luận điểm 1, cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý; giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ...).  
Luận điểm 2, phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội). Luận điểm 3, bình luận mở rộng vấn đề; bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.  
Phần kết bài nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận. Rút ra bài học nhận thức và hành động. Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống. 
Bày tỏ thái độ bản thân  
Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ...). Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê. 
Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực. 
Phần mở bài cần giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận. Thân bài có luận điểm 1, giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài (tuy nhiên, đây không phải là thao tác bắt buộc). Luận điểm 2, nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.
Luận điểm 3, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người. Luận điểm 4, đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).
Kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.   
Đây chỉ là dàn ý chung. Trong thực tế, dù là nghị luận về một hiện tượng đời sống hay về một tư tưởng thì không phải lúc nào cũng có đủ các luận điểm đã nêu. Cách sắp xếp luận điểm cũng cần linh hoạt, tùy theo đề và mục đích nhấn mạnh của người viết.

6 thg 5, 2011

Văn hóa là gì?




QĐND - Trong một chuyến thăm Nhật Bản, đi tàu từ Tô-ki-ô đến Bép-pu và từ Bép-pu đi Ki-ô-đô, tôi chứng kiến nhân viên đường sắt vào toa kiểm vé và nhân viên bán hàng ăn uống. Trước khi vào và ra khỏi toa, họ đều cúi đầu chào mọi người. Khi kiểm vé, đến chỗ hành khách, họ không quên nói: “Go men na sai” - nghĩa là, xin lỗi đã làm phiền - và đưa hai tay trả lại vé.

Còn ở trong nước, giữa đường phố Hà Nội vào giờ tan tầm, xe cộ chen lấn, không ai nhường ai, còi xe inh ỏi. Một hôm tôi thấy một cụ già không biết làm thế nào để sang đường, may mà có một anh bộ đội dắt cụ chầm chậm lách làn xe để qua. Những cử chỉ văn hóa như thế thật hiếm có ở ta, nhất là ở các công sở, nơi tiếp dân, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tôi từng chứng kiến không ít lần một nhân viên hất hàm hỏi khách trên xe buýt: “Vé?”, rồi một nhân viên còn văng tục khi khách hỏi đường đi. So sánh những cử chỉ trên ta thấy, văn hóa không phải là gì cao siêu, mà là những việc làm thật gần gũi, cụ thể ở mỗi con người, nó phụ thuộc vào cách ứng xử tự giác của mỗi chúng ta trong mỗi việc làm, mỗi lĩnh vực như văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa học đường v.v…
Ảnh minh họa/Internet
Trước đây, tuy kinh tế đất nước còn thiếu thốn nhưng mọi người luôn lễ phép, tôn trọng, yêu thương nhau, còn bây giờ nét đẹp đó phai nhạt nhiều. Như vậy, ứng xử văn hóa không hẳn đã phụ thuộc vào nền kinh tế, mà là ở sự giáo dục, tự giác của mỗi người và cả cộng đồng. Văn hóa là gì? Văn hóa chính là gốc rễ của mỗi gia đình, mỗi con người và là nền tảng của cả xã hội. Chúng ta đã từng có những nghị quyết chuyên đề về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lại có những đợt phát động rầm rộ nhưng rồi đâu lại vào đó; thậm chí có lúc, có nơi còn xuống cấp hơn. Chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục mà đổ lỗi do kinh tế thị trường, có một thực tế là trong khi mải lo phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã buông lỏng việc củng cố và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ở nhiều nước kinh tế phát triển, cũng là kinh tế thị trường, nhưng phát triển kinh tế mà họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là vì sao? Trước hết là ý thức tự giác của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, tập thể và cả cộng đồng. Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền giáo dục thì cần phải có các chế tài pháp luật xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa, trước hết từ những người làm việc ở các công sở, các xí nghiệp, nhà máy, trường học. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa…”. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và con người cũng là động lực phát triển của xã hội, văn hóa lại là nền tảng xã hội.
Văn hóa là gì? Văn hóa chính là cách ứng xử của mỗi chúng ta.
Nguyễn Lê Bảo Châu