2 thg 5, 2011

Căn bệnh của những ai thiếu trách nhiệm và vô tình đánh mất thành công

TTO- Thứ Hai, 02/05/2011, 06:12 (GMT+7)
Bệnh... đổ thừa
TT - Căn bệnh tâm lý trên hiện đang khá phổ biến ở nhiều bạn trẻ. Họ đổ thừa cho mọi thứ về những thất bại của mình trong học hành, công việc... mà không nhận thấy phần nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân mình.
Trò chơi xây nhà tại một khóa huấn luyện kỹ năng làm việc tập thể. Người chơi phải chủ động làm công việc được phân công để hoàn thiện ngôi nhà, tự chịu trách nhiệm phần công việc của mình và không được đổ thừa vì bất cứ lý do nào - Ảnh: PHI LONG
“Sao mình xui thế?”
Đã hai năm trôi qua nhưng N.Trí (cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) vẫn không thể quên khoảng thời gian mình bị rơi vào đỉnh điểm của sự khủng hoảng với câu hỏi trên luôn ám ảnh trong đầu.
Tốt nghiệp loại khá, tiếng Anh và ngoại hình ổn... nhưng Trí liên tục nhận được những cái lắc đầu từ những nhà tuyển dụng hoặc chỉ trụ lại ở các cơ quan trong khoảng thời gian rất ngắn. Trí cũng hoàn toàn thất bại khi nộp đơn xin học bổng nước ngoài. Trong khoảng thời gian thất nghiệp, N.Trí chỉ ở nhà “luyện” phim bộ chứ không đi học bổ sung nghiệp vụ.
Tương tự, Q.Anh - cựu HS Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - bức xúc chia sẻ với chúng tôi về việc không hiểu vì sao bạn luôn gặp thất bại trong việc xin học bổng du học dù đang sở hữu bảng điểm giỏi, bằng IELTS 7.0 và một số thành tích hoạt động xã hội.
Sau thời gian dài cất công tìm hiểu lý do mình... xui, N.Trí nhận ra: “Kiến thức và kinh nghiệm chưa phải là tất cả. Nhà tuyển dụng còn tìm hiểu nhiều thông tin khác trong quá khứ của ứng viên”. Coi nhẹ việc thực tập, điểm danh ở giảng đường... N.Trí đã tạo ra một hình ảnh khá xấu về mình suốt thời đi học và thực tập. Nhà tuyển dụng không khó để kiểm tra các thông tin trên chỉ với vài cú điện thoại.
Q.Anh cũng từng nhận lại một email thông báo kết quả từ trường mà bạn xin học bổng với nhiều lời khuyên khá chua chát. Nhà trường đã thẳng thắn góp ý về việc tài khoản trang mạng Facebook và Twitter của Q.Anh có nhiều hình ảnh, lời nói thiếu tích cực, nhí nhố... Nhận xét về điều này, Q.Anh chỉ tuyên bố gọn lỏn: “Tại họ khó tính quá thôi chứ mình thấy mình trả lời phỏng vấn cũng được, còn thành tích cá nhân vậy là trên cả tuyệt vời rồi!”.
Câu chuyện của V.Kim (cựu SV Trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM) lại khác. Sau khi tốt nghiệp, V.Kim đầu quân về một công ty quen biết với mức lương rất khiêm tốn. Sớm nhận ra bản thân không phù hợp với công việc này nhưng do ngại va chạm, lười bổ sung kiến thức mới, Kim chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong mọi hoàn cảnh. Khi gặp lại bạn bè cũ, Kim luôn miệng than thở “điệp khúc”: “Ôi, đời ta xui!”...
Muốn thành công không khó lắm!
Trò chuyện với một số nhà tuyển dụng, đa số nhận định hầu hết thất bại của các bạn trẻ nói trên đều bắt nguồn từ việc họ chưa nhận thức chính xác vấn đề mình đang mắc phải. Ông Lê Thành Quang Khôi (phó phòng nhân sự Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tân Định) phân tích: “Nhẫn nại làm việc ở môi trường không đúng chuyên ngành sẽ không phát triển được năng lực chuyên môn... Điều này sẽ khiến người khác tin rằng V.Kim là mẫu người không có năng lực, thiếu tham vọng”.
Một cán bộ nhân sự khác cho rằng việc V.Kim và N.Trí luôn cảm thấy bất an trong công việc, cuộc sống là dễ hiểu, bởi mọi thứ đều phải vận động để phát triển, nếu cứ ì mãi một chỗ và chỉ biết đổ thừa cho hoàn cảnh sẽ nhanh chóng mất đi sự tự tin ở bản thân. Khi bạn nhàm chán chính mình một thì người khác sẽ chán bạn gấp nhiều lần.
Sean Covey (tác giả cuốn sách nổi tiếng 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt) đã chỉ ra và phân loại rằng: “Có hai loại người trên đời. Một là người tích cực, họ luôn tự chịu trách nhiệm về mọi việc và chủ động tạo ra hoàn cảnh cho mình. Người tiêu cực là người thụ động, chỉ biết đổ lỗi, luôn chờ hoàn cảnh xảy đến với mình”.
Bạn muốn mình là người tích cực hay tiêu cực?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Đại học Sư phạm TP.HCM) đã trao đổi với NST về bệnh đổ thừa:
1. Vì sao một số người trẻ lại “chuộng” bệnh đổ thừa?
Do nhu cầu tự vệ tâm lý, sự đổ lỗi cho hoàn cảnh sẽ tạo cảm giác an toàn tạm thời khi bản thân mắc lỗi nào đó. Dần dà hành động đó trở thành thói quen ăn sâu vào cách nhìn nhận những thất bại trong đời.
Thật ra không chỉ người trẻ mới “chạy trốn lỗi lầm” mà ngay cả người lớn đôi khi cũng thế. Tuy nhiên, hiện tượng này gặp ở tuổi trẻ nhiều hơn, do thiếu kinh nghiệm sống nên đôi khi họ chưa biết phân tích thấu đáo vấn đề để nhận ra nguyên nhân tiềm ẩn là từ bản thân mình.
2. Căn bệnh này sẽ tác động ra sao tới người trẻ?
Thói quen này sẽ ươm mầm cho sự đổ vỡ mối quan hệ, khi đổ chiếc gánh trách nhiệm cho người khác, bản thân bạn trẻ ấy sẽ đánh mất lòng tin của mọi người. Nhưng tác hại lớn nhất là bạn trẻ sẽ không thể hoàn thiện mình nếu như không can đảm nhìn nhận những lỗ hổng của bản thân.
3. Cách chữa trị bệnh này ra sao?
Nếu đã quen nhìn cuộc sống với chữ “tại, do, bởi” trên lăng kính của mình, hãy tập so sánh: “Vì sao những người khác cũng có hoàn cảnh như mình nhưng họ vẫn làm được?” để tìm ra nguyên nhân từ bản thân. Đặc biệt, hãy một lần thử cảm giác vui sướng khi... nhận lỗi. Sau sự phê bình ban đầu sẽ là sự tôn trọng và tin tưởng của mọi người dành cho một người dám nhận trách nhiệm. Thất bại là mẹ thành công, không ai trong đời trở nên hoàn thiện mà chưa từng thất bại cả.
CÔNG NHẬT
---------------------------------------------------------


Ý kiến bạn đọc
-----------------------
Ai cũng vậy!
02/05/2011 1:14:59 CH
Đã là con người thì ai cũng mắc sai lầm, mà đã sai lầm thì phải tìm cách 
khắc phục. Thực ra, chỉ có những người đã biết sai mà cố tình làm,
 hoặc biết sai mà không chịu sửa mới đáng bị lên án, còn đổ thừa 
chỉ là 1 hình thức làm nhẹ nhõm tâm hồn của người đó thôi. Nếu 
người đó đã biết sai và đổ thừa nhưng đồng thời cũng cố gắng 
hết sức khắc phục khắc phục cái sai thì theo tôi người đó vẫn là người
 tốt.
Tóm lại, bài viết chỉ phản ảnh 1 hiện thực xã hội nhưng chưa nêu được 
phương cách khắc phục. Theo tôi, thường 1 người sai thì rất khó để 
anh bắt người đó nhìn nhận cái sai của họ. Dù cái sai đó đã thể hiện
 rành rành ra thì họ cũng cố tìm 1 cái gì đó để chối hay ít nhất là để
 cho qua chuyện. Cho nên điều mà nền giáo dục Việt cần làm là phải
 đào tạo con người mình phải biết tự nhìn nhận cái sai và khắc phục 
trong thời gian ngắn nhất.
NGUYỄN KIM SÁNG
Đố thừa là một cái bệnh rồi...
02/05/2011 11:22:02 SA
Tôi thấy đâu chỉ sinh viên mới ra trường mới có bệnh đổ thừa. Ví dụ 
như mấy chú dự báo thời tiết, dự báo sai thì đổ thừa do máy móc cũ. 
Mấy chú kiểm lâm để rừng bị phá nhiều thì đổ thừa cho lực lượng 
mỏng quá không xoay sở được.....và còn nhiều nhiều nữa. 
Chắc cần phải có liều thuốc mạnh và điều trị ngay từ nhỏ mới 
mong hết được bệnh này.
PHẠM VĂN HÙNG
Xuất phát từ giáo dục ban đầu?!
02/05/2011 6:50:17 SA
Qua bài viết "Bệnh...đổ thừa" của bạn Công Nhật viết về bệnh tâm lý, 
đa số ở tuổi trẻ hiện nay thường mắc khi giao tế, làm việc,...
mà gặp khó khăn, thất bại! Theo tôi, bệnh này là do ảnh hưởng
 bởi sự giáo dục của gia đình từ khi các em còn bé! Từ khi bé chập
 chững tập đi, vấp té... cha mẹ thường trấn an con bằng cách...
đổ thừa tại cục đá, cái vật gây té cho bé và dỗ nín bé bằng hành động 
chữi mắng cái "vật cản" ấy!
 Đến khi lớn một chút, khi giao tế với bạn bè chung quanh mà xảy
 ra xung đột, cha mẹ lại tiếp tục bênh bằng cách "đổ thừa" tại lỗi của
 đối tượng và lại có lời nói, hành động "trả thù" đối tượng ấy cho con mình...!
Đến khi con vào trường, nó học dở, học kém thì lỗi ở giáo viên không biết 
dạy dỗ con em mình! Khi con "lỡ" bị GV phạt thì "ầm ĩ" khiếu nại, thưa gửi
 bằng mọi cách. Có cha mẹ nào quan tâm tìm hiểu xem lý do tại sao con 
em mình "bị phạt, học dở..."hay không? Thế là đứa bé trưởng thành trong
 "ảo tưởng tâm lý", lúc nào cũng cho mình là đúng!
Khi gặp khó khăn, thất bại,...thì trốn tránh "trách nhiệm" với đủ thứ lý do, 
kể cả tại... ông trời! Điện nước thiếu: tại trời không chịu mưa; quá tải 
giao thông: tại xe cộ nhiều! sập mỏ đá, mỏ vàng: tại không nghe theo...(?).
Chúng ta nên học theo cách sẵn sàng chịu trách nhiệm khi thất bại 
và cúi mình xin lỗi trước tập thể...!
DƯƠNG VĂN NGỌC

email
email
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/zingme_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
top
(3)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét