6 thg 5, 2011

Văn hóa là gì?




QĐND - Trong một chuyến thăm Nhật Bản, đi tàu từ Tô-ki-ô đến Bép-pu và từ Bép-pu đi Ki-ô-đô, tôi chứng kiến nhân viên đường sắt vào toa kiểm vé và nhân viên bán hàng ăn uống. Trước khi vào và ra khỏi toa, họ đều cúi đầu chào mọi người. Khi kiểm vé, đến chỗ hành khách, họ không quên nói: “Go men na sai” - nghĩa là, xin lỗi đã làm phiền - và đưa hai tay trả lại vé.

Còn ở trong nước, giữa đường phố Hà Nội vào giờ tan tầm, xe cộ chen lấn, không ai nhường ai, còi xe inh ỏi. Một hôm tôi thấy một cụ già không biết làm thế nào để sang đường, may mà có một anh bộ đội dắt cụ chầm chậm lách làn xe để qua. Những cử chỉ văn hóa như thế thật hiếm có ở ta, nhất là ở các công sở, nơi tiếp dân, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tôi từng chứng kiến không ít lần một nhân viên hất hàm hỏi khách trên xe buýt: “Vé?”, rồi một nhân viên còn văng tục khi khách hỏi đường đi. So sánh những cử chỉ trên ta thấy, văn hóa không phải là gì cao siêu, mà là những việc làm thật gần gũi, cụ thể ở mỗi con người, nó phụ thuộc vào cách ứng xử tự giác của mỗi chúng ta trong mỗi việc làm, mỗi lĩnh vực như văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa học đường v.v…
Ảnh minh họa/Internet
Trước đây, tuy kinh tế đất nước còn thiếu thốn nhưng mọi người luôn lễ phép, tôn trọng, yêu thương nhau, còn bây giờ nét đẹp đó phai nhạt nhiều. Như vậy, ứng xử văn hóa không hẳn đã phụ thuộc vào nền kinh tế, mà là ở sự giáo dục, tự giác của mỗi người và cả cộng đồng. Văn hóa là gì? Văn hóa chính là gốc rễ của mỗi gia đình, mỗi con người và là nền tảng của cả xã hội. Chúng ta đã từng có những nghị quyết chuyên đề về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lại có những đợt phát động rầm rộ nhưng rồi đâu lại vào đó; thậm chí có lúc, có nơi còn xuống cấp hơn. Chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục mà đổ lỗi do kinh tế thị trường, có một thực tế là trong khi mải lo phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã buông lỏng việc củng cố và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ở nhiều nước kinh tế phát triển, cũng là kinh tế thị trường, nhưng phát triển kinh tế mà họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là vì sao? Trước hết là ý thức tự giác của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, tập thể và cả cộng đồng. Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền giáo dục thì cần phải có các chế tài pháp luật xử lý nghiêm những hành vi thiếu văn hóa, trước hết từ những người làm việc ở các công sở, các xí nghiệp, nhà máy, trường học. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa…”. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội và con người cũng là động lực phát triển của xã hội, văn hóa lại là nền tảng xã hội.
Văn hóa là gì? Văn hóa chính là cách ứng xử của mỗi chúng ta.
Nguyễn Lê Bảo Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét