7 thg 9, 2011

Gia đình và Tội phạm


Trách nhiệm gia đình khi tội phạm ngày càng trẻ hóa?
TTO - Cách đây mấy tháng người ta vẫn còn nhớ rõ vụ án giết người cướp tài sản ở công viên Gia Định của một thanh niên tuổi đời còn rất trẻ - vừa bước sang tuổi 18.
Nghi can Lê Văn Luyện bị thẩm vấn nóng tại đồn biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn ngay sau khi bị bắt - Ảnh: Anh Quang
Hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đó cũng xuất phát từ “bi kịch” gia đình. Bị người cha bỏ rơi, hai mẹ con nghèo không “tấc đất cắm dùi” dắt díu nhau lên Cà Mau bán vé số kiếm sống. Sau đó người mẹ lấy chồng khác và thế là em không còn nơi nương tựa vì bị chính mẹ ruột của mình chối bỏ.
Buồn đời em bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống, lang thang vật vạ ở công viên, vỉa hè, đói khát, không còn tiền nên em đã giết người cướp tài sản.
Một thanh niên phạm tội ở tuổi 17 cũng xuất phát từ bi kịch của một gia đình không hạnh phúc và thiếu tình yêu thương. Cha mẹ gây gổ, chửi rủa đánh nhau rồi ly thân, bắt gặp cảnh mẹ ăn nằm với người đàn ông khác và bị mẹ la mắng đuổi đi, từ đó em căm hận mẹ và căm hận những phụ nữ không đứng đắn nên đã lên kế hoạch và giết chết một cô gái mại dâm tại nhà nghỉ!
Dư luận cũng hết sức bàng hoàng, phẫn nộ khi cơ quan điều tra vừa phá án một vụ có ý định giết người có tính chất dã man của một thanh niên bước sang tuổi 18. Sống trong một gia đình nghèo khó và không có sự quan tâm của cha mẹ, kẻ phạm tội lên kế hoạch giết bạn đã chuẩn bị sẵn thùng xốp, bao tải, dây dù và những tảng bêtông nặng vài chục ký nhằm dìm xác bạn xuống sông khi kế hoạch giết người được thực hiện… Có lẽ dư luận sẽ không khỏi rùng mình bởi kế hoạch giết người này giống như trong những bộ phim kinh dị hoặc trong những trò chơi game đầy rẫy những cảnh bạo lực, chết chóc…
Và mới nhất là vụ án giết người của Lê Văn Luyện đang làm bàng hoàng dư luận và gây nên làn sóng phẫn nộ.
Cái ác phải bị trừng trị thích đáng và cần phải được ngăn chặn kịp thời, đó cũng là nhân quả lẽ phải ở đời nhưng tôi thật sự xót xa bởi tuổi đời phạm tội của các em ngày càng trẻ hóa và hành vi rất tinh vi ghê gớm hơn!
Đây cũng là lứa tuổi mà các em vừa bước vào sự trưởng thành và hình thành nhân cách, lứa tuổi mà các em hay khẳng định bản năng và cái tôi quá lớn của mình, lứa tuổi mà các em phải được ăn học tới nơi tới chốn và sự quan tâm yêu thương cũng như giáo dục và sự định hướng của gia đình cho tương lai các em.     
Và vai trò của những người cha người mẹ và người thân (ông, ba, anh, chị, em…) trong gia đình là quan trọng và rất cần thiết trong việc sẻ chia cũng như giáo dục nhân cách và nuôi dạy con cái thành người, thành tài. Đừng bao giờ đỗ lỗi cho hoàn cảnh nên không có điều kiện dạy bảo, thương yêu chúng.
Trong xã hội này có biết bao nhiêu hoàn cảnh và bao nhiêu gia đình, người cha người mẹ nghèo khổ nhưng họ vẫn đầy nghị lực, sống có trách nhiệm và lương tâm của tình mẫu tử thiêng liêng! Nhìn từ những vụ án giết người mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nêu trên thì chính bi kịch gia đình trên và những người cha người mẹ dù là trực tiếp hay gián tiếp cũng đã nhẫn tâm đẩy những đứa con mang nặng đẻ đau của mình vào con đường tội lỗi. Họ thật sự đáng bị xã hội lên án!
“Con hư tại mẹ” là câu nói không sai nếu xét trong những trường hợp phạm tội nêu trên. Tôi nghĩ không có sự trả giá nào khủng khiếp hơn bằng chính sự trả giá của lương tâm! Sự dày vò, cắn rứt lương tâm, nỗi ân hận của các bậc làm cha mẹ vì không làm tròn trách nhiệm của mình sẽ đeo bám đến suốt cuộc đời!             
NGUYỄN ĐƯỚC

1 nhận xét: