11 thg 9, 2011

Đọc và Ngẫm


Rơi nước mắt trước cảnh học sinh bơi qua sông đến trường
(Dân trí) - Hàng chục học sinh ngày hai buổi bơi qua sông đến trường. Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào...
Nhận được thông tin từ nhiều giáo viên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình về thực trạng học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc đi học phải bơi qua sông, chúng tôi đã vượt quãng đường hàng trăm km để có mặt tại khe Rào (thượng nguồn sông Danh), tận mắt chứng kiến cảnh tượng buồn rơi nước mắt: Hàng chục học sinh, giáo viên phải bơi qua sông đến trường Tiểu học Hưng (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá). Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào bao, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào.
Học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc, bản Hưng, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, bơi qua dòng sông chảy xiết đến trường
Hôm chúng tôi đến, sau cơn mưa rừng hôm trước, nước khe Rào còn sâu và chảy xiết. Qua một bãi đá bồi sau những trận lũ chừng 20m, 15 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 người đen nhẻm, cởi hết quần áo, cho cùng toàn bộ sách vở cho vào một túi ni-long rồi thổi căng lên, hì hục bơi qua đoạn sông dài khoảng 15m. Những chiếc túi đó, ngoài tác dụng giữ khô quần áo, sách vở còn như một cái phao giúp các em qua sông.
Em Hồ Không (học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Hưng) cho biết: “Nước chỗ này sâu và chảy xiết nên chúng cháu sợ lắm. Nhưng vì muốn đến trường học cái chữ để mong sau này có cái nghề cho đỡ khổ nên phải liều mình bơi qua sông thôi”.  

Một học sinh giơ cao cặp sách lên đầu, hì hục bơi qua sông
Được biết gần một năm trước, gần bản Hưng có một chiếc thuyền độc mộc chở khách qua sông nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu nên nhiều người vẫn phải chọn cách bơi qua sông. Nhưng trận lũ lịch sử cuối năm ngoái đã cuốn trôi mất con thuyền này.
Chị Hồ Thị Thanh - một người dân sống lâu năm ở đây - cho biết: Trên con sông này đã có nhiều người bị nước cuốn trôi, nhưng may mắn chưa ai mất mạng.
Mùa lũ năm 2009, cô Cao Thị Thức - giáo viên Trường Mầm non Trọng Hóa - cùng một giáo viên khác qua bản ông Tú dạy học trên con đò nhỏ; ra giữa dòng gặp nước xoáy làm lật đò. Cô giáo kia biết bơi nên bơi được vào bờ; còn cô Thức bị nước cuốn trôi gần 200m; rất may sau đó đã được một người dân cứu sống.
Trường hợp gần đây nhất là ông Hồ Nhâm ở bản ông Tú; trong khi bơi qua sông đã bị chuột rút, nước cuốn trôi nhưng cũng may mắn có người đến cứu giúp kịp thời.

Để có con chữ, các em nhiều khi phải đổi lấy cả tính mạng
Gặp chúng tôi bên dòng sông Danh, thầy Đinh Thanh Tùng - giáo viên trường Tiểu học Hưng - cho biết: “Việc học sinh bản ông Tú bơi qua bản Hưng để học lấy con chữ đã diễn ra khá lâu nay. Học sinh ở đây khó khăn lắm. Để có con chữ các em nhiều khi phải đổi lấy cả tính mạng”.
Thầy Đinh Thiêm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hưng - bày tỏ niềm lo lắng: “Thấy học sinh bơi qua sông đến trường học chữ nhà trường cũng bất an lắm. Dù nhà trường đã phối hợp với phụ huynh cùng giáo viên các lớp trực ban theo dõi mỗi khi học sinh qua sông đến lớp hoặc về nhà nhưng vẫn thấy không an tâm”.
Thầy Thiêm cho biết thêm, mùa mưa về nước khe Rào dâng lên rất nhanh và chảy mạnh nên học sinh phải nghỉ học dài ngày. Trung bình mỗi năm, học sinh bản ông Tú phải nghỉ học ít nhất 1 tháng do mưa lũ. Chính vì thế nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.

Sau khi bơi qua dòng nước “tử thần” các em lại chỉnh tề trang phục để tới trường
Trao đổi với PV Dân trí ông Hồ Phin - Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết: “Không riêng bản ông Tú mà bên trong còn có bản Ka Oóc mọi hoạt động đi lại cũng đều phải bơi qua sông. Để xây dựng cầu phải cần một khoản kinh phí rất lớn trong khi kinh tế xã lại đang còn rất khó khăn. Vừa rồi đã có một đoàn về tiến hành kiểm tra khảo sát nhưng nghe bảo với nguồn kinh phí 5 tỉ đồng là chưa đủ để xây dựng một cái cầu. Hiện chúng tôi đang mong các cấp ban ngành quan tâm hơn nữa để các em học sinh, giáo viên và người dân bản ông Tú, bản Hưng, bản Ka Oóc, xã Trọng Hoá sớm có một cây cầu nhằm thuận tiện và an toàn cho việc đi lại”.
Đặng Tài

3 nhận xét:

  1. Mình đã xem đi xem lại những bài viết trên báo Dân trí và cả clip mà Đài truyền hình Việt Nam thực hiện ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa – Quảng Bình. Hình ảnh những em bé vượt qua thác lũ đến trường sống dậy trong mình kí ức thủa nào. Làng mình bên bờ một con sông. Lũ trẻ con làng mình ngày ngày đi học phải vượt qua con sông ấy. Dòng sông không rộng nhưng về mùa mưa rất hung dữ. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy sẵn sàng cuốn trôi tất cả ra biển. Mùa đông, mặt nước yên ả, xanh thăm thẳm nhưng ẩn chứa cái lạnh thấu da, buốt xương. Hình ảnh những đứa trẻ làng mình vật lộn với dòng sông cuồn cuộn vào mùa mưa và run rẩy vào mùa lạnh tưởng đã mãi mãi chìm vào ký ức. Thế mà giờ đây, hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước đã trải qua bao thay đổi. Những đô thị lớn mọc lên. Các công trình điện - đường - trường - trạm đã thay đổi diện mạo nông thôn. Thế mà ở mảnh đất Minh Hóa, miền đất lửa Quảng Bình năm xưa vẫn còn lặp lại cảnh tượng của chính mình hơn 40 năm về trước. Trên dòng sông nơi đây đã có những con đò bị sóng đánh tan, đã có những số phận làm mồi cho hà bá, đã có những em học sinh mãi mãi không còn được đến trường…

    Tinh thần hiếu học của các em thơ nơi đây đang bị thách thức. Không thể để các em chờ đợi bởi sự chờ đợi ít nhiều cũng mang dáng dấp vô tâm. Sinh mệnh của các em, sự an toàn của các em không cho phép chúng ta chờ đợi phải không các bạn?

    Bùi

    http://dantri.com.vn/c728/s728-520789/sinh-menh-cac-em-khong-cho-doi.htm

    Trả lờiXóa
  2. Trở lại chuyện cây cầu ở Minh Hóa. Có lẽ tại thời điểm hiện tại, các em học sinh và người dân xã Trọng Hóa chưa cần đến cây cầu qui mô và hiện đại nhưng ở thì tương lai, nằm trong sự đợi chờ như vậy. Họ cần, rất cần ngay một cây cầu nho nhỏ trị giá chưa tới 2 tỉ đồng như cầu Khuyến học & Dân trí đã bắc trên sông Pô Kô đang cần mỗi chúng ta tiếp sức. Số phận người dân nơi đây đang bị đe dọa từng ngày. Số phận các em thơ nơi đây đang bị đe dọa từng giờ. Không và không được phép treo số phận các em trên sợi dây chờ đợi. Cần có ngay một cây cầu dù nho nhỏ để các em được qua đó đến trường trong thời gian sớm nhất có thể. Hãy vĩnh viễn khép lại cảnh các em thơ vật lộn cùng sóng dữ qua sông bởi điều tồi tệ, điều không ai mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Xin cám phục trước tinh thần hiếu học của các em. Xin tạ lỗi với mảnh đất lửa Quảng Bình, nơi những người dân kiên cường đã cưu mang, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo cho chúng tôi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong lúc địa phương còn đang chờ ngân sách, mỗi người dù chỉ một đóng góp nhỏ, xin hãy chung tay xây một cây cầu trong thời gian sớm nhất.

    Trả lờiXóa
  3. Cảnh các em học sinh phải cởi quần áo, cho sách vở áo quần vào túi nilon, bơi qua sông đi học đã khiến nhiều độc giả khắp mọi miền xót xa, thương cảm. Chia sẻ với khó khăn của các em học sinh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khắp cả nước đã gọi điện đến tòa soạn Dân trí mong được giúp đỡ, ủng hộ.

    Trả lờiXóa