Vì sao số đông người Việt bây giờ thường im lặng?
Cập nhật 14/11/2011 07:40 (GMT+7)
Mới đây, nick name keomutchoiboi đã thách thức dư luận bằng chiêu “chém gió” về một vụ tai nạn giao thông. Bên cạnh thói vô cảm thường gặp thì đây là điển hình của sở thích khoái chơi nổi, khoe thành tích không hiếm gặp trên cộng đồng mạng. Thế nên, mới có định nghĩa rằng, “nổ” và “chém gió” hiện đang là mốt của người Việt trẻ, giúp họ thỏa thích “bung” ra những tị hiềm, kìm nén... Nhưng nói thế là chưa đủ, bởi rất nhiều người Việt trẻ còn biết cả cách... im lặng, kể cả những khi chẳng nên im lặng chút nào...
Một kiểu "chém gió". |
Đấu tranh thì... tránh đâu
Trên một trang mạng, một bạn có nick name divangcuoctinh chia sẻ kỷ niệm về tính phản biện là một câu chuyện buồn về thầy dạy Triết: “Năm ấy, tôi hào hứng vào năm thứ nhất đại học với nhiều mơ ước, kỳ vọng.
Thế rồi, những kỳ vọng, mơ mộng cứ tan biến dần ngay từ những bài giảng đầu tiên. Tôi nhớ đó là môn Triết học, thầy giáo cứ đọc từ cuốn giáo trình khô khốc còn SV ở dưới cứ cắm đầu vào chép như cái thời cấp I, cấp II. Ông giáo không đủ năng lực để diễn giải cho chúng tôi một khái niệm triết học đơn giản mà không phải nhìn vào sách. Học được một thời gian, Chủ nhiệm khoa Mác - Lênin vào lớp, yêu cầu chúng tôi hãy cho biết ý kiến của mình về các giáo viên giảng dạy các môn thuộc khoa.
Ông thầy còn nói, để đảm bảo bí mật và dân chủ, chúng tôi viết nhận xét vào giấy để nộp mà không phải ghi tên. Sẵn nhiệt huyết với đôi chút ngây thơ của một cậu SV năm nhất, tôi ghi luôn vào mảnh giấy: “Em thấy thầy giáo dạy Triết học không đạt yêu cầu, không có năng lực giảng dạy và truyền đạt, đề nghị khoa thay thế bằng giáo viên khác".
Mấy hôm sau, ông chủ nhiệm khoa vào giảng đường nói về những nhận xét của chúng tôi. Ông nói có một nhận xét đòi thay thầy giáo, như vậy là “xấc”, nhưng Khoa “không chấp”. Và tất nhiên, không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn tiếp tục chịu đựng ông giáo chỉ biết “đọc” từ sách. Đến kỳ thi, tôi bị điểm 5 môn Triết học, chúng bạn cứ cười vì biết tôi rất ham học triết học và kinh tế chính trị.
Lần ấy, có lẽ mỗi mình tôi có đề xuất “ngang ngược” là đòi thay thầy giáo. Đa phần những bạn khác cũng chỉ có một vài đề nghị nho nhỏ, dù rằng ai cũng có suy nghĩ giống tôi và đều ngủ gật trong giờ Triết. Nhưng rốt cuộc chỉ có tôi dám nói ra và hứng đủ. Thế nên, giờ đây tôi vẫn thường suy nghĩ nhiều về sự thờ ơ và im lặng đó của nhiều người Việt mình, không chỉ trong chuyện đó mà trong rất nhiều những vấn đề khác trong cuộc sống…”
Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ cho vô vàn các câu chuyện khác trong xã hội ta, khi ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã phải sống thụ động ngoan ngoãn nghe lời thầy cô và cha mẹ. Cứ thế, những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường mà ở nhà phụ huynh áp đặt, tới lớp thầy cô luôn là chân lý, người lớn thì luôn sống với tiêu chí “im lặng là vàng”, thì tự trong bản thân đứa trẻ đã có sự “sàng lọc” và triệt tiêu những ý tưởng phản biện.
“Nổ” để giãi bày... ganh tỵ?
Quay lại với câu chuyện của nick name keomutchoiboi,bạn bè trong trang Facebook của nickname này cũng thừa nhận, cậu là chuyên gia “chém gió”, phát ngôn gây sốc. Và, đây cũng là “căn bệnh” chung của nhiều người Việt trẻ nói chung và cộng đồng mạnh nói riêng. Thế mới thường xuyên gặp trên mạng những câu vô cảm đến kinh người kiểu như: “Buồn cười quá, bà già đang chạy xe thì bị gió tấp áo mưa vào mặt ngã lăn kềnh khiến mụ bán cháo đứng bên lề đường đổ cả nồi. Hahaha, sướng nhá”. Mà cuối cùng, khi bị phản ứng dữ dội vì thái độ vô duyên, vô cảm, thì chủ nhân của nó lại thản nhiên trần tình: “À, chỉ là làm nổi cho... vui ấy mà!”.
Cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, nhưng thường thì vẫn thấy trong các cuộc họp là những sự im lặng cười trừ, những lời phát biểu chung chung vô thưởng vô phạt. Trong khi đó, tại các quán bia, các quán trà lá vỉa hè, một từ đang rất thịnh hành một thứ mốt là “nổ” và “chém gió” về những việc làm rất... lớn lao và vĩ đại trong tưởng tượng.
Chẳng hạn như, “những việc ấy, đơn giản thôi, nếu là anh, anh sẽ làm thế này, thế khác, nhẹ tênh”; “À, dự án tiền tấn ấy đâu nhằm nhò gì”... Người trẻ biện hộ rằng vì muốn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong công việc và cuộc sống nên một khi họ đã phải chịu bức xúc, kìm nén ở môi trường này, thì sẽ kiếm môi trường khác để “xả” mà không e sợ sẽ bị ảnh hưởng tới sự thăng tiến hay đơn giản là làm mếch lòng một ai đó...
Ở nước ngoài, ngay từ bé, những đứa trẻ đã biết đi vận động cộng đồng để đạt được một điều gì đó mà mình mong muốn, đơn giản như chức lớp trưởng. Còn ở ta, suốt một thời gian dài, chúng ta sống theo ý kiến số đông, mà những ý kiến đó đôi khi chỉ mang tính nhất thời, trước mắt. Vẫn có những người giỏi, thẳng thắn, hiểu sâu rộng vấn đề nhưng những người đó lại luôn bị số đông áp đảo. Đó là một đặc điểm mang yếu tố văn hóa không dễ một sớm một chiều có thể phá bỏ trong tâm lý người Việt. Có phải vì thế mà “sự im lặng" dường như luôn luôn là sự chọn của số đông người Việt?.
* Tiến sỹ tâm lý Trịnh Hòa Bình: Con người vốn thích an toàn và thỏa hiệp Thích an toàn, cam chịu, dễ thỏa hiệp, vô cảm trước những vấn đề không động chạm đến quyền lợi thiết thân... đó là tâm lý rất phổ biến trong xã hội, thậm chí ở ngay cả các bậc người lớn như cha mẹ, thầy cô, các nhà khoa học, trí thức... Nhìn vào đó, tự nhiên thế hệ trẻ sẽ hình thành một cơ chế “tự kiểm duyệt” trước những vấn đề bức xúc cần lên tiếng. * Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM: “Chém gió” - ảo mà lại thật “Chém gió” là nhu cầu rất ảo nhưng được thỏa mãn thật, đó là sự tự khẳng định một cách thái quá của một nhóm đối tượng. Những biểu hiện này không hẳn là đơn lẻ mà xuất hiện ở một nhóm bạn trẻ... Có thể nhận thấy những từ ngữ như “chém gió”, “nổ” mang đến cho người nói sự thoải mái về cảm xúc. |
Uyên Na
chém gió thì được chứ để thành bão thì không nên!! Ảo mà để thành thật thì quá nguy hiểm
Trả lờiXóa