Sung sướng trên nỗi đau của đồng loại
Xã hội đang lên án căn bệnh vô cảm của con người - căn bệnh được coi như hệ quả của đời sống hiện đại. Nhưng đáng lên án hơn nữa chính là những người sung sướng trên nỗi đau của đồng loại.
Hôi của: kẻ khóc - người cười
Quốc lộ 1A ngày 14/4 tắc đến 7 tiếng đồng hồ vì một xe dưa hấu bị lật, hàng trăm người đổ xô tranh nhau “hôi” dưa. Từ người già đến người trẻ, học sinh đến người đi làm đều tranh thủ dừng lại mang về cho mình ít nhất một quả. Những người có ý thức nhắc nhở thì nhận được câu nói: “Không nhặt thì trước sau người ta cũng phải thuê xe khác đến chở”. Người nhặt thì vui vẻ cười đùa, chủ xe thì méo xệch mặt xót xa.
Ai nấy xông vào hôi dưa hấu làm quốc lộ 1A tắc 7 tiếng đồng hồ. |
Tháng 6/2011, báo Tuổi trẻ đã đăng lên một vụ hôi của vô cảm tại thành phố Hồ Chí Minh. Nạn nhân giằng co với tên cướp nên bị bật túi xách, bao nhiêu tiền bay ra đường. Chưa đầy 2 phút, số tiền trong túi xách không phải rơi vào túi của những tên cướp mà rơi vào túi của những người đi đường. Ai cũng sung sướng, hạnh phúc. Họ có nghĩ rằng đó là tiền mồ hôi của nạn nhân hay nghĩ rằng đó là tiền từ trên trời rơi xuống?!
Tình trạng thấy người bị tai nạn mà không một ai gọi cho 115 nhờ cấp cứu hoặc vẫy một xe taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện mà chỉ chực lao vào hôi của cũng xảy ra hầu như không kiểm soát được. Họ rất nhanh chóng lao đến "cấp cứu" nạn nhân bằng cách móc túi lấy đồ, lấy ví, lục cốp xe... và cũng nhanh chóng lẩn ra một góc chia chác "chiến lợi phẩm", thậm chí chửi bới nhau, giằng co, đánh đập nhau khi ăn chia không đều ngay trước mắt nạn nhân.
Đâm chết người, khoe chiến tích bất hảo
Mỗi ngày có không ít các vụ tai nạn giao thông trên đường, nguyên nhân chủ quan cũng có mà nguyên nhân khách quan cũng nhiều. Nhưng đáng để nói nhất chính là thái độ của những người gây ra tai nạn.
Còn nhớ vụ tai nạn kinh hoàng gây hoang mang dư luận tháng 8/2008 của một người lái xe container máu lạnh. Khi biết mình cán qua người nạn nhân, nhiều người chạy đến kêu la, hắn không những dừng lại mà còn tiếp tục cho xe lùi lại làm bánh xe cán qua người nạn nhân lần thứ 3 rồi rồ ga đè nát chiếc xe máy chặn đầu xe mình và bỏ trốn. Tên lái xe bị phạt 8 năm tù còn em bé 15 tuổi ấy mất cả mạng sống.
Ở Trung Quốc, khoảng giữa tháng 10, một tài xế khi đâm phải một đứa bé 5 tuổi đã cố ý lùi xe để kẹp chết em. Sau khi khai báo với cảnh sát, câu hỏi duy nhất của hắn là: “Tôi sẽ phải đến bao nhiêu tiền?”
Cư dân mạng vẫn chưa hết phẫn nộ trước hành động lái xe gây tai nạn rồi sung sướng khoe chiến tích trên facebook. “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ, status đã xuất hiện 10 người nhấn like và đi kèm gần 700 bình luận phản đối. Dòng bình luận vô nhân tính đến lạnh người: “Ôi, đ… Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”.
Câu status vui vẻ trước cái chết của nạn nhân. |
Tất cả những vụ việc trên đều có chung xuất phát điểm từ một suy nghĩ: “Thà để cho nạn nhân chết còn hơn phải lo tiền viện phí và đi lại chăm sóc”. Kẹo Mút Chơi Bời - kẻ hả hê trên facebook nói: “… lo hết viện phí rồi tang lễ hết 20 triệu rồi cũng chẳng vấn đề gì, chỉ bực là lỡ hết việc”. Chính vì thế, khi nạn nhân chết thì những người gây ra tai nạn không phải lo nhiều về tiền bạc và thời gian.
Trong môi trường tự nhiên, mọi sinh vật không thích ứng đều tự bị đào thải hoặc bị đào thải bởi những sinh vật khác. Vậy mà giữa sinh vật cao cấp như con người lại vẫn ngang nhiên tồn tại những sinh vật “không phải con người”.
Dương Hương Thảo
Ý kiến bạn đọc () | Sắp xếp theo: |
Cướp của
ở quê người ta đi bắt hôi, mót lúa là nhặt nhạnh thứ còn sót lại sau khi chủ ao, chủ ruộng thu hoạch xong. Người bắt hôi, mót lúa rất tôn trọng chủ ao, chủ ruộng. Đằng này, cái gọi là "hôi của" thật ra là hành vi cướp của. Người hôi của lựa thứ tốt để lấy, đồ hư bỏ lại. Pháp luật cần quy định rõ ràng, xử phạt nghiêm minh để chấm dứt hành vi này.
( Tư Cà Mau )
Luật pháp cần xử lý nặng hơn
Khi ý thức của những loại người này đi xuống thì luật pháp phải nặng lên. Nói không ai nghe, thì dùng hình phạt thật nặng mà răn đe cho những người sau. Làm chết người bằng cách cán lại cố ý thì tử hình đi. Làm luật như vậy thử xem còn ai dám cán chết ng khác nữa không.
( Tam )
Hẹn gặp
Cái gì cũng có giá của nó cả. Nhân quả thôi
( Đức Chơn )
Pháp luật nên mạnh tay hơn nữa
Tôi đồng ý với bạn Tam khi mà ý thức người dân không đủ thì pháp luật nên mạnh tay hơn để có tính răn đe. Xã hội bây giờ ý thức mọi người càng ngày càng kém và sự vô cảm càng ngày càng tăng nhất là ở các thành phố lớn, điều đơn cử dễ thấy nhất chính là việc va quẹt xe, thành phố thì đã đông, chuyện va quẹt xe là chuyện rất dễ xảy ra tuy nhiên phản ứng của những người này thì sao, sẵn sàng xông vào đánh nhau thậm chí rút hung khí mang theo để giải quyết mặc dù va quẹt xe họ chỉ bị xây xát nhẹ.
( Phan )
Pháp luật cần xử lý nghiêm minh!
1- Lái xe cố tình lùi xe để cán nạn nhân lần thứ 2 là hành động cố ý giết người. Vì không ai cố tình đi cán một xác chết thật sự. Trong suy nghĩ của lái xe, nạn nhân chưa chết nên phải cán cho chết. 2- Hành động hôi của là hành động cướp bóc. Vì lúc đó kẻ hôi của biết tài sản đó của ai và đã cố tình cướp đi, chứ không phải là nhặt của rơi trên đường. Đã đến lúc chúng ta không thể giáo dục người dân bằng lời nói đạo đức được nữa. Mọi hành động phải dựa trên pháp luật mà xử lý. Chỉ có pháp luật rõ ràng, xử lý nghiêm minh thì mới thay đổi nhận thức của một số bộ phận kém văn minh và thiếu đạo đức như thế. Sự phẫn nộ của xã hội chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ nếu không sử dụng pháp luật.
( RANN )
Chuyen dau long
Hôm vừa rồi đúng giờ tan tầm mình đang đi ngoài đường nhìn thấy 1 người khoảng 30-> 40 tuổi đang đi mà bị người khác gạt (Mình không nhìn rõ lắm) nên xe tung ra 1 bên còn người thì nằm thẳng im lìm dưới đất. Mình là nữ đang chở con nhỏ, đi ngược chiều nhưng xe rất đông, mình thấy mà điếng người và thương người đó vô kể. Mình cứ đặt trường hợp người thân của mình là tim mình quặn đau. Vậy mà mọi người dạt ra 2 bên và đứng nhìn. Có 2 thanh niên đi trước mình chen vào nhìn và quay ra và nói “Không dại gì nhào vào mà mang họa,…..”. Không biết các nhà chức năng nghĩ gì và cách họ giải quyết như thế nào nên mọi người mới SỢ như thế chứ. Mình đi qua vì có giúp gì được mà đứng và nhìn cho Kẹt xe, Nhưng mình hoảng hồn, còn nhóc nhà mình thì hỏi mẹ bị sao thì mình chỉ biết nói thương chú đó quá, không biết chú có sao không và chú có con nhỏ như con không. Cầu mong người đó chỉ đau sơ thôi chứ đừng có tai biến và …. Đau lòng quá bà con ơi.
( Nguyen Thi Thu )
Tình người bị đánh mất
Hành động "hôi của" một cách thản nhiên trước người bị nạn là hành động vô tâm, vô cảm, không có tình người chẳng khác nào là "kẻ cướp". Hành động này cần được xã hội lên án, pháp luật trừng phạt. Những kẻ tranh nhau giành giựt tài sản trước người bị nạn phản ánh sự suy mòn về mặt đạo đức, lòng tham luôn ngự trị trong tâm trí họ. Với lối suy nghĩ " Mình không lấy thì người khác cũng lấy ", " thà được còn hơn không" của những người vô tâm,vô cảm như vậy cũng là mầm mống của vấn nạn "mất an ninh xã hội". Tôi tự nghĩ, nếu đặt họ vào trường hợp là người bị nạn trên đường và là nạn nhân của hành động "hôi của" thì chính bản thân họ và gia đình họ sẽ suy ngẫm thế nào...?!
( Quang_Nguyễn )
Sao gọi là hôi của
Cái này gọi là ăn cướp chứ sao lại nói là hôi của nhỉ
( Sơn )
Một sự vô cảm cần lên án
Sự vô cảm của con người có thể dẫn đến làm mất mạng một con người . Cách đây một tuần lễ (24/10) cháu gái tôi 25 tuổi hiện là kỹ sư, chat trên mạng , khi chat cháu nói uống kali cyanua nhưng bạn chat vẫn thờ ơ , lẽ ra bạn ấy có thể cứu cháu tôi bằng cách báo cảnh sát hoặc tìm cách gặp cháu tôi để trì hoãn việc tự tử thì gia đình chúng tôi hôm nay đã không chịu nỗi đau mất đi một người thân . Sự vô cảm khi nhìn thấy cái chết mà không cứu thật là nhẫn tâm , là một hành động vi phạm pháp luật . Chúng ta cần lên án mạnh mẽ sự vô cảm này !
( Đoàn Văn Khương )
Hậu quả
Những gì xãy ra hôm nay là kết quả của hôm qua... Ý thức con người phần nhiều do giáo dục hình thành, và hệ quả là cách mà chúng ta ứng xử trong xã hội ngày nay.
( viendong )
Phải thay đổi ngay nền giáo dục hiện tại
Đạo đức nhiều người đang rơi vào khu vực "báo động", đúng y như mô tả trong "Sát thủ đầu mưng mủ". Thực ra mà nói, tôi thấy quyển sách "hot" này phản ánh rất thực xã hội hiện tại, một xã hội mà tôi lúc nào cũng thấy ...sợ nó. Khi tôi ở nhà, tôi phải đóng kín tất cả cửa ngõ. Ấy vậy mà vẫn sợ vì những sát thủ máu lạnh có thể tìm cách vào để cướp của giết gười như trong game! Ra đường thì sợ bọn cướp giật. Bạn tôi bị gãy tay và xương bả vai vì bị giật túi xách khi đang đi xe máy. Xóm tôi có cô giáo dạy lớp 1. Kiệt vào nhà chúng tôi nhỏ. Vậy mà cô ấy sáng tối nào cũng nấu ăn (bằng bếp than) và bày vật dụng ra ngay giữa đường làm cho giao thông rất khó khăn. Mỗi khi giao thông qua đoạn kiệt trước nhà cô, tôi thật là vất vả.
Một lần, vì không thể dắt xe qua vì có quá nhiều vật dụng nấu ăn đặt trên đường, tôi yêu cầu cô ấy dọn dẹp bớt. Cô ấy "vẳng" lại tôi 1 đống chữ. "Mày không đi được thì đừng có đi, ... mày tự làm đường mà đi...". Tôi vô cùng đáng thương cho cô ấy.... là giáo viên lớp 1! Tôi không trách cô ấy. Nhưng tôi nghĩ nếu một giáo viên có tư tưởng như vậy thì làm sao đạo đức của những thế hệ sau không ảnh hưởng? Tôi mong ước Việt nam sẽ có 1 hệ thống giáo dục coi trọng đạo đức, thực tế, thực tiễn. Tôi mơ ước được sống trong hòa bình và phát triển theo đúng nghĩa của nó.
( phuong )
Luật bên Nhật
Nghe một bạn Nhật làm cùng nói là rất sợ gây ra tai nạn giao thông, vì nếu mà chết người thì kiểu gì cũng vào tù và phạt tiền tới cả triệu đô, có ra tù cày trả nợ cả đời cũng ko hết.
( Hon Nguyen Thi )
Góc nhìn khác!
đừng nên đổ hết trách nhiệm cho ý thức con người(tiên trách kỷ hậu trách nhân) . Con người sinh ra như tờ giấy trắng (nhân chi sơ tính bổn thiện) khi họ tham gia vào cái xã hội như thế nào(văn minh, suy đồi...) thì kết quả sẽ đạo đức của họ sẽ như thế ấy. Như vậy nguyên nhân từ đâu?, liệu khâu tổ chức xã hội của ta có đúng hướng chưa?,có công bằng, dân chủ, văn minh chưa?đây không thuộc trách nhiệm của cá nhân mà là của nhà chức trách.
( Toàn )
Có lẽ lối sống không tôn ti, trật tự và tự phát
Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao có tình trạng hôi của, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại và không có câu trả lời rõ ràng. Nhưng khi nhìn lại cuộc sống xung quanh thì có một biểu hiện chung đó là mỗi người trong xã hội hiện tại không sống vì cái chung, không cần quan tâm đến mọi người xung quanh... cụ thể có bao giờ bạn đi đường mà nhường đường cho người đi trước không? có bao giờ bạn biết xin lỗi, nhận lỗi khi va chạm với người cùng đi trên đường giao thông không?... có bao giờ bạn cảm thấy rằng mình đi đường không an toàn không? Nếu câu trả lời là không thì khi bạn ngã ra đường sẽ không ai thương xót bạn cả, các cụ có một câu "nhân nào quả đấy" nếu chúng ta quan tâm đến mọi người xung quanh, quan tâm đến những phép cư xử nơi đông người và quan tâm đến bản thân chúng ta thì đâu đến nỗi như thế này.
( Nguyễn Quang Minh )
Đây là hệ quả của thực dụng
Chúng ta đã xóa được nạn "cậy thế cậy quyền" chưa? Chúng ta đã xóa được nạn "chạy chức chạy quyền" chưa? Nếu để tồn tại 2 yếu tố này trong xã hội thì bệnh vô cảm sẽ vẫn tồn tại và phát triển ngày một lớn mạnh. Mỗi khi giá trị đồng tiền quyết định tất cả thì giết người để hưởng lợi là điều dễ hiểu.
( Cap Xuan Ly )
Suy đồi đạo đức quá thể!
Nước VN tuy nhỏ bé nhưng có niềm tự hào dân tộc và văn hiến bao đời nay. Con cháu ngày nay học hành thì nhiều, thậm chí cắp sách đến trường từ khi mới lên 2, vậy đã học tập và tu dưỡng đạo đức được những gì để mà một bộ phận không nhỏ có lối sống suy đồi đạo đức, hạ thấp nhân phẩm như thời Trung cổ? Nói thật, nếu VN mà gặp thảm họa động đất như ở Nhật Bản thì thiên tai làm chết 3 phần, còn 7 phần kia là tự mình giết mi`nh.
( Nguyên )
Giáo dục "lòng tự trọng" đi đôi với "mạnh tay"
Có lần được du học bên Úc : bạn tôi rơi iphone rên taxi, chỉ 10 phút sau anh tài xế quay lại và trả lại ngay lập tức. Một trường hợp nửa, anh bạn khác trong lớp tôi rơi bóp cách chỗ ở 5km vậy mà 1 ngày sau có người nhặt đượcđem lên trường trả lại đầy đủ. Đó là ý thức mà cả xã hội có được từ nên tảng giáo dục từ nhỏ: "lòng tự trọng". Đi đôi với việc giáo dục, chính quyền luôn sử dụng Camera ở rất nhiều khu vực: ga, đường phố, khu công công,... Nếu một công dân vi phạm sẽ bị phạt thật nặng và ghi vào ID ( hồ sơ thông tin cá nhân) . Người vi phạm sẽ rất khó khăn xin việc làm hoặc mất việc,..
( Trần Bảo )
Nhà báo cần phải vào cuộc
Những việc làm đó là của những người ít học.
( BSHuong )
Những con người vô cảm
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết! Hôm qua, trên đường đi làm về tôi cũng gặp một vụ tai nạn. Nhưng lạ lùng thay cũng là con người với nhau, chẳng một ai dừng xe xuống giúp người bị nạn (lúc ban đầu một mình tôi xoay sở với 2 người bị nạn thật khó khăn). Tôi xin hỏi tinh thần đoàn kết, tương trợ của dân tộc ta từ trước đến nay không hiểu đã đi đâu? Con người ngày nay, họ sống quá thực dụng, quá vô tâm và dường như đã quên đi đạo đức làm người./.
( Phạm Ngọc Diễn )
Sống trong xã hội hiện nay
Mỗi con người chúng ta khi rơi vào hoàn cảnh nào thì sẽ có góc nhìn khác, ví dụ: nếu thương cho lái xe không may bị đổ hàng gặp hôi của thì nếu lái xe kia chạy sai gây tai nạn cho người khác hoặc khi xe đổ mấy quả dưa đó lại đè chết một ai đó thi ta sẽ nhìn về góc độ nào? Chúng ta đang ít học, mặt dù được học rất nhiều! Chúng ta đang quên đi dạo đức làm người, mặc dù đạo đức luôn nằm trong mỗi con người từ bé! Không trách họ vì tất cả Chúng ta hiện nay là như vậy, chẳng qua rơi vào họ nên ta thấy và lên án thôi. Chẳng ai vào cuộc và cũng chẳng có cơ quan nào can thiệp vì chỉ khi nào chúng ta biết nên làm gì? và sống thế nào ? thì sẽ thay đổi, vì trước khi làm việc gì? ta tự hỏi : Đúng hay sai? có xấu hổ không? có mất đạo đức không? v.v. . Xã hội sẽ trật tự, đừng đổ tại, bị hoặc không biết và trình bày hoàn cảnh v.v.. . thì lại nên sông vô cảm để yên thân. Toi thật sự tin chắc dân tộc ta, con người chúng ta hiện tại và mãi mãi vẫn có lòng hảo tâm, thương người, đoàn kết và có đạo đức, nhưng chỉ là tìm ẩn.
( BS Trung )
Tin mới
- Thư của học trò hư gửi thầy giáo (14/11)
Các tin khác
- Thị trường gas - người tiêu dùng hãy cẩn thận (07/11)
- Ngửi thấy mùi gas trong nhà, bạn sẽ làm gì? (05/11)
- Kiểu hình phạm tội mới (05/11)
- Những vấn đề cần giải đáp khi sử dụng bình gas, bếp gas (04/11)
- Đừng đổ lỗi bình gas, lỗi tại chính ta! (03/11)
- Chiêu lừa doanh nghiệp (02/11)
- Phân làn chỉ là việc tất yếu tối thiểu của giao thông đô thị (01/11)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét