NGUYỄN THỊ TRUNG HẬU Lớp : 12A5
Đề tài: Nữ sinh nên mặc áo dài truyền thống hay đồng phục hiện đại.
Nên hay không nên qui định nữ sinh phải mặc áo dài đến trường? Nữ sinh sẽ được mặc “đồng phục hiện đại” thay áo dài? Vấn đề được đặt ra đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Tham gia ý kiến không chỉ có những “người trong cuộc” là các bạn nữ sinh ,không chỉ các bậc phụ huynh là những người “liên quan trực tiếp” , mà còn có rất nhiều những người đứng ngoài cuộc quan tâm về vấn đề mang tính xã hội này.
Từ thời xa xưa, nữ sinh đến trường với chiếc áo dài trắng tha thướt tung bay trong nắng trong gió. Còn bây giờ , đi trên đường chúng ta có thể bắt gặp được những hình ảnh các nữ sinh với những bộ đồng phục riêng của từng trường . Có nữ sinh mặc váy,có nữ sinh mặc quần ,có nữ sinh thắt cà vạt,… với những màu sắc khác nhau tạo nên một phong cách hiện đại, làm mới cho các nữ sinh khi đi học. Vậy để hiểu rõ và đưa ra ý kiến của riêng mình về vấn đề trên thì chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một số khái niệm quen thuộc : Theo bạn “áo dài truyền thống “là gì? Không giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari – trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng , duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài – trang phục truyền thống đã “len lỏi ” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Áo dài,trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Áo dài màu trắng thường là màu áo đồng phục nữ sinh.chiếc ào dài hình như có cách riêng để tôn đẹp mọi thân hình. Phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng, hai tà xẻ chí trên vòng eo khiến cho cử chỉ người mặc thật thoải mái,lại tạo dáng thướt tha,tôn vẻ nữ tính làm cho tà áo nữ sinh đậm chất hồn nhiên ,dễ thương. Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Vậy còn “đồng phục hiện đại” là gì? Công an có bộ trang phục mà “nhìn là biết” ngay anh là công an. Thợ điện,công nhân,… cũng có “dấu hiệu nhận diện” riêng. Tương tự như vậy, nữ sinh bây giờ cũng có bộ trang phục được thiết kế với nhiều kiểu dáng,màu sắc khác nhau để làm “dấu hiệu nhận diện” riêng cho từng trường được gọi là “đồng phục hiện đại”.
Cùng với sự phát triển của đất nước,khoa học kỹ thuật ngày càng cải tiến, mọi thứ đều được cách tân, đổi mới, trang phục và cách ăn mặc cũng được chú trọng nhiều hơn. Vậy phải chăng “đồng phục hiện đại sẽ thay thế hẳn áo dài truyền thống của các nữ sinh khi đến trường ”. Xét về mặc tích cực, áo dài là một truyền thống dân tộc, một di sản văn hóa của Việt Nam. Được mặc áo dài đến trường là niềm kiêu hãnh và tự hào của người phụ nữ Việt Nam chúng ta. Sở dĩ các nước khác, nữ sinh mặc váy hay trang phục khác vì họ đâu có được bộ áo dài truyền thống đằm thắm, dịu dàng như đất nước Việt Nam. Việc bắt buộc mặc áo dài khi đến trường phổ thông trung học là các thầy cô muốn nhắc nhở các bạn nữ sinh phải dịu dàng hơn và nữ tính hơn, sẽ giúp các bạn chững chạc hơn trong suy nghĩ,ứng xử , sinh hoạt. Ngoài ra , chiếc áo dài còn làm ngôi trường thêm đẹp, sáng hơn với màu trắng tinh khiết. Và có lẽ trong những vần thơ rất dung dị sau đây của Huy Cận cũng có hình bóng của chiếc áo dài trắng nữ sinh :
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng.
(Áo trắng)
Những vần thơ trên như muốn nhắn nhủ rằng : các bạn nữ sinh đang ở vào thời đẹp nhất “thời áo trắng”, hãy nâng niu chiếc áo dài trắng mà các bạn đang mặc, nó sẽ là một kỉ niệm không bao giờ phai và cũng là một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng “nên mặc áo dài đúng lúc”,vì bên cạnh những nét đẹp riêng của tà áo dài như tạo vẻ duyên dáng,tôn vinh truyền thống ,… nó còn có rất nhiều điều phiền toái mà nhiều người cũng đã từng biết tới như : về thể chất , mỗi nữ sinh phát triển khác nhau . Áo dài thể hiện rất rõ các đường nét cơ thể , nên những nữ sinh thể hình chưa chuẩn dễ bị chiếc áo dài “tố cáo”. Cơ thể các bạn nữ sinh đang ở độ tuổi “vào chuẩn ” trưởng thành,nên chuyện khiếm khuyết là bình thường , vì vậy không công bằng cho nhiều bạn khi phải mặc áo dài. Về màu sắc, bộ áo dài được qui định màu trắng. Màu trắng là màu nhạy cảm với các vết bẩn nhất trong tất cả các màu,chỉ cần một vết dơ nhỏ cũng dễ bị nhìn thấy. Với lứa tuổi tinh nghịch “nhất quỉ nhì trò” thật khó mà giữ được đồ mặc trắng sạch suốt cả ngày. Phương tiện đi học của các nữ sinh là xe đạp, xe gắn máy. Áo dài với tà dài ,quần ống rộng rất dễ bị kẹt vào bánh xe, hay bị dính dầu. Vào những ngày trời mưa thì càng thê thảm hơn. Về mặt xã hội , để có và chăm chút cho bộ áo dài hằng ngày phải tốn kém nhiều hơn. Trước tiên, tiền vải may áo dài và công may đắt hơn đồ bình thường. Áo dài cổ cồn,màu trắng (mà phải trắng tinh) nên không giặt chung với các quần áo khác, phải giặt riêng, giặt bằng tay. Riêng về điều này đã mất nhiều thời gian nghỉ ngơi quí báu của các nữ sinh hay các phụ huynh. Thời gian ủi một bộ áo dài lâu hơn, giữ gìn một bộ áo dài phải cẩn thận hơn so với các loại quần áo thông thường khác. Cộng tất cả những cái “hơn” ấy với hàng triệu nữ sinh hàng ngày phải sử dụng là chưa phù hợp với xã hội chúng ta hiện nay. Chúng ta vẫn còn đang phải thắt lưng buộc bụng, vẫn còn đang xóa đói giảm nghèo, cần phải tiết kiệm chi li từng tí một. Đa số dân ta ở vùng nông thôn (80%), vùng sâu vùng xa…, việc sắm vài bộ áo dài cho nữ sinh đi học không phải là chuyện nhỏ. Phần lớn những bộ áo dài của năm trước không sử dụng cho năm sau được, rất lãng phí. Một điều nữa cũng cần nêu lên là những gia đình giàu có thường chọn cho con các loại vải đắt tiền , may nhiều bộ , cách tân kiểu theo cách của riêng mình, tạo khoảng cách giàu nghèo trong môi trường học sinh vốn rất cần sự ngang bằng, trong sáng. Vì vậy việc chọn đồng phục cho nữ sinh thống nhất cả nước là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc thận trọng.
Còn về “đồng phục hiện đại” : khoảng vài năm gần đây, có thể vì kinh tế thị trường tác động vào nhà trường nên “nhà nhà kinh doanh, trường trường kinh doanh”, mà trong đó “đồng phục” là một trong nững mặt hàng “kinh doanh” của các nhà trường. Đầu tiên là kinh doanh đồng phục thể dục, sau đó là kinh doanh đồng phục. Việc trang bị đồng phục cho nữ sinh là một việc cần thiết trong “nhận dạng” nữ sinh trong sinh hoạt, học tập và ngoài nhà trường. Vào giờ học (như giờ hành chính) , nhìn một thiếu niên (thanh niên) mặc đồng phục xuất hiện ở những nơi không phải trường học, người ta có thể nghĩ ngay đến tình trạng “cúp cua” và nếu là người có tâm huyết sẽ hỏi và nhắc nhở các bạn đó không nên làm vậy. Đối với nữ sinh, việc bỏ học sẽ bị hạn chế khi các bạn đang mặc đồng phục có phù hiệu nhà trường ,tên học sinh,kí hiệu lớp học. Ngoài ra,”đồng phục hiện đại” còn có ích cho một số trường hợp như : khi các bạn học sinh bị tai nạn trên đường, người đi đường có thể nhanh chóng báo với nhà trường nhờ bộ trang phục được thiết kế riêng của từng trường và thông tin trên phù hiệu mà các bạn đang mặc…Được biết, sở giáo dục và đào tạo cũng từng có văn bản, cách đây nhiều năm, khuyến khích các trường nên có đồng phục riêng tùy theo điều kiện từng địa phương. Một số trường đã chọn được những mẫu đồng phục đẹp phù hợp với các nữ sinh. Mọi khi mặc đồng phục nữ sinh sẽ cảm thấy tự tin và càng thên yêu quý, tự hào về ngôi trường của mình. Đáng tiếc, có không ích trường đã đánh mất vẻ đẹp của chiếc áo đồng phục theo cái cách “thương mại hóa”. Kèm theo những lời phàn nàn của các bậc phụ huynh sẽ là những cái nhìn thiếu trân trọng của chính các bạn nữ sinh về mái trường của mình. Thiết nghĩ , trong hướng dẫn đầu năm sở giáo dục và đào tạo nên có thêm một dòng qui định đối với các trường về đồng phục cho các nữ sinh. Về phía các trường , chỉ nên thay mới đồng phục theo hình thức cuốn chiếu, tức là thay từ lớp đầu cấp thay lên, như vậy sẽ tránh được sự lãng phí và tốn kém cho phụ huynh.
Thực chất vấn đề là cần phải hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc mặc “đồng phục hiện đại” nói chung và trang phục “áo dài truyền thống” cho nữ sinh nói riêng. “Đồng phục hiện đại” chỉ mang tính “qui ước” chứ không phải là “qui tắc”. Bộ giáo dục cũng không thề có văn bản nào “bắt buộc tất cả các nữ sinh phải mặc áo dài khi đến trường”. Đồng ý rằng, áo dài là bộ trang phục truyền thống của nữ sinh Việt Nam, và chúng ta không có quyền thay đổi hay đánh mất nó. Nữ sinh đến trường rất duyên dáng trong trang phục áo dài, nhưng mục tiêu lớn nhất của giáo dục không phải là trang phục thật đẹp mà ở chất lượng công tác giáo dục. Có lẽ chúng ta cũng nhận thấy rằng nền giáo dục của các nước bạn, họ không quan tâm nhiều đến vấn đề đồng phục cho nữ sinh,nữ sinh thích mặc gì cũng được miễn là gọn gàng,lịch sự , thoải mái trong học tập. Trong khi đó chất lượng giáo dục của họ cũng đâu thua kém gì chúng ta. Do vậy vẫn cứ nên giữ vẻ đẹp của chiếc áo dài trắng nữ sinh nhưng chỉ nên qui định vào một số ngày nhất định trong tuần, tháng, năm học như ngày đầu tuần hay kiểm tra, tổng kết, lễ hội,… thì phù hợp hơn và để các nữ sinh chuyên tâm đến chuyện học hành nhiều hơn.
Tóm lại, vấn đề “nên hay không nữ sinh mặc áo dài đến trường” và “đồng phục hiện đại sẽ thay thế áo dài” đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều người. Theo ý kiến của riêng cá nhân em và mọi người nói chung, chúng ta nên qui định nữ sinh chỉ mặc “áo dài truyền thống” vào ngày thứ hai đầu tuần để tham dự chào cờ, ngày lễ,… còn lại tất cả các ngày trong tuần thì mặc “đồng phục hiện đại” của từng trường. Như vậy,chúng ta vừa giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tạo sự thoải mái trong học tập, sinh hoạt cho các bạn nữ sinh.
bai viet tuong doi cu the va ro y
Trả lờiXóa