27 thg 10, 2011

Thời sự: Tai nạn và ùn tắc giao thông

Tai nạn, ùn tắc giao thông ngang với tiêu chí tình trạng khẩn cấp
(Dân trí) - “Yếu kém trong quản lý về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí nhiều mặt còn trầm trọng hơn. Dù vậy chưa có lãnh đạo nào từ chức, không cán bộ nào bị kỷ luật, chưa Bộ trưởng nào bị miễn nhiệm”.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) dành trọn phần phát biểu của mình nói về thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông và những nguyên nhân, hệ lụy trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội.
“Người nhà nước” không nghiêm, người dân “nhờn” luật
 
Sản xuất, nhập khẩu ôtô, xe máy, phát triển taxi rầm rộ, hệ quả tất yếu là ùn tắc.
Bà Nga phân tích, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông hiện quá nghiêm trọng, hậu quả đã tương đương với tiêu chí phải ban hành tình trạng khẩn cấp.
Đại biểu nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên là ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông quá kém. Việc này đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận không nhỏ người dân. Trên 80% tai nạn do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, vì vậy kể cả những đoạn đường tốt mới làm vẫn xảy ra rất nhiều tai nạn.
Để nâng cao ý thức của người dân, bên cạnh tuyên truyền giáo dục, theo Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, việc phạt là vô cùng quan trọng nhưng hiện thực hiện không tốt. Nhiều người cho rằng vi phạm luật giao thông không có gì đáng xấu hổ, cần lên án, thậm chí nhiều trường hợp đã chống lại, gây thương vong cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Ngược lại, một bộ phận không nhỏ cảnh sát, thanh tra lại nhận tiền mãi lộ hoặc thiếu trách nhiệm bỏ qua vi phạm. Điều này lý giải cho việc cũng con người ấy nhưng khi đi ra nước ngoài, người dân chúng ta chấp hành luật giao thông của nước bạn rất nghiêm túc.
“Khi bản thân người đại diện cho nhà nước còn thực hiện luật không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là tất yếu” – bà Nga cho rằng, cần nghiêm túc chấn chỉnh hiện tượng ở cả 2 phía - nhà nước và công dân
“Công kích” thẳng, bà Nga cho rằng, nguyên nhân quyết định nhất dẫn đến tình trạng trên là do yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có nhiều mặt còn trầm trọng hơn. Đại biểu loại trừ, luật không thiếu, Chính phủ đưa ra không ít giải pháp nhưng các quy định không được thực hiện cũng không ai phải chịu kỷ luật.
“3 khóa gần đây, có trên 150.000 người chết vì tai nạn nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ chức, không cán bộ nào từ cơ sở tới TƯ bị kỷ luật do để xảy ra tai nạn. Quốc hội  cũng chưa miễn nhiệm bộ trưởng nào vì lý do này” - bà Nga nêu thực tế.
Đại biểu nêu nghịch lý, tình hình như vậy nhưng hàng năm đại đa số cán bộ công chức các đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật khái quát, nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế, khó có thể giải quyết tình trạng này.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hạ tầng và phương tiện. Vấn đề này xuất phát từ chính sách. Việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng.
Đại biểu vạch ra, việc này đi ngược với chủ trương quản lý nhà nước khi năm 2002 trong Nghị quyết 12 Chính phủ đã đưa ra chủ trương tăng cường phương tiện vận tải công cộng, kìm chế sự gia tăng của mô tô xe máy, hạn chế thấp nhất phương tiện cá nhân ở Hà Nội, TPHCM. Nhưng thực tế, trong khi tăng cường phương tiện công cộng, phát triển ở các thành phố lớn, Chính phủ cũng đồng thời cho phép sản xuất, nhập khẩu, lưu thông xe cá nhân như ôtô, xe máy, phát triển rầm rộ taxi. Tai nạn và ùn tắc giao thông, theo đó, bà Nga cho là hệ quả tất yếu. Đại biểu yêu cầu Chính phủ giải trình rõ hướng giải quyết vấn đề.
Không làm mạnh, tiếp tục nhìn… 11.000 người chết năm tới
 
Đại biểu Lê Thị Nga: "Nhiều giải pháp thực hiện nửa vời, đầu voi đuôi chuột, thậm chí có tiêu cực nên hiệu quả kém".
Vấn đề thời sự nhất hiện nay - tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn, ùn tắc, bà Nga phân tích 2 xu hướng đối lập. Một số giải pháp như bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cấm xe lôi xe lam được thực hiện rất tốt. Đó là do chúng ta nói đi đôi với làm, làm kiên trì, xử phạt nghiêm túc, dù ban đầu vấp không ít phản ứng.
Ngược lại nhiều giải pháp như hạn chế phương tiện cá nhân, giải phóng vỉa hè ở Hà Nội, TPHCM, chống mãi lộ… lại không thành công. Nguyên nhân, theo bà Nga, do “nói mà không làm” hoặc tổ chức thực hiện nửa vời, đầu voi đuôi chuột, thậm chí có cả tiêu cực nên hiệu quả kém, tạo thói quen “nhờn”, coi thường pháp luật và tinh thần đối phó trong dư luận.
“Muốn giải quyết triệt để  vấn đề, phải thực hiện quyết liệt chứ không thể làm theo phong trào, triển khai những tháng an toàn, năm an toàn, đợt cao điểm với tổng hợp các lực lượng tham gia rồi sau đó mọi việc lại nguyên như cũ” – bà Nga nêu quan điểm.
Hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực giao thông được Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật “chỉ mặt” như một vấn nạn dẫn đến nhiều hệ quả hiện tại. Dẫn chứng lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bà Nga “kể tội” học chơi bằng thật, mua bán, làm giả bằng lái.
Hàng nghìn lái xe “ra lò” mỗi năm, theo đó, là mối nguy tiềm tàng về tai nạn, mất an toàn giao thông, nguy hiểm hơn trong đó có nhiều người là lái xe khách.
Đại biểu không giấu bức xúc: “Tiêu cực trong lĩnh vực giao thông có mặt ở hầu như tất cả các mặt, kéo dài, gây bức xúc hàng chục năm nay nhưng rất chậm được khắc phục. Những vụ việc được phát hiện chi là một phần nhỏ của sự thật, góp phần làm cho giao thông ngày càng hỗn loạn trong khi các ngành đều có bộ máy thanh tra hùng hậu nhưng khả năng tự phát hiện rất kém”.
Kiến nghị giải pháp “gỡ” tình trạng… rối beng hiện tại, nữ đại biểu Thái Nguyên cho rằng cần triển khai những biện pháp hành chính mạnh, cho phép Hà Nội, TPHCM được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết giao thông của 2 thành phố lớn này.
Với những quan ngại về việc “làm mạnh” sẽ bị phản ứng, bà Nga phân tích, không thể có một giải pháp làm hài lòng tất cả các đối tượng trong xã hội nên lợi ích thiểu số phải nhường cho lợi ích cộng đồng.
“Nếu không làm ngay tất cả những gì có thể làm, chúng ta sẽ lại đành bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết vào năm sau” - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật kết lại.
P.Thảo

26 thg 10, 2011

Kỹ năng sống: Lưu ý khi phỏng vấn tuyển dụng


"Sốc" khi SV đi xin việc với nickname... "sát thủ"
(Dân trí) - Chắc mẩm đã tìm được ứng viên sáng giá cho vị trí tuyển dụng nhưng sau đó nhận được thư cảm ơn của ứng viên này từ email "Ketansatnhanloai…" (Kẻ tàn sát nhân loại), vị trưởng phòng nhân sự chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Mất điểm vì… lố
Theo các nhà tuyển dụng hành trình xin việc của SV dễ bị “đánh trượt” không hẳn thiếu kinh nghiệm chuyên môn - bởi doanh nghiệp không đặt nặng yếu tố với SV hay người mới ra trường - mà phần lớn vì hình ảnh thể hiện bên ngoài của mình. Thiếu kỹ năng sống, sự chuẩn bị, rất nhiều ứng viên trở nên “lố” trước nhà tuyển dụng.
Tự tin với kiến thức của mình cũng như cách ăn nói trôi chảy, nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chỉ đến vòng “gặp mặt” là L.M.Ng, cực SV trường ĐH Mở TPHCM bị rớt. Có lần, Ng nộp hồ sơ vào một công ty may mặc ở Gò Vấp, phỏng vấn qua điện thoại rất suôn sẻ, qua lời của nhà tuyển dụng, Ng tin chắc mình mình chỉ chờ đến ngày gặp để để bắt đầu đi làm. Vậy mà, sau buổi gặp mặt làm quen thì bên kia không hề liên lạc lại với Ng. Hiện Ng đang tạm thời bán hàng quần áo cho người quen ở chợ đêm Hạnh Thông Tây.
Những sơ suất rất nhỏ cũng có thể làm ứng viên "mất điểm". (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đem thắc mắc này đến một buổi trao đổi kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, Ng đỏ mặt khi một chuyên gia sau quan sát và hỏi han cô rất kỹ và lắc đầu: “Nếu là tôi, tôi cũng đánh trượt em khi em ăn mặc thế này đi xin việc. Rất khó nơi nào chấp nhận một ứng viên tóc nối vàng hoe, trang điểm lòe loẹt, móng tay xanh đỏ thế kia… Dù có giỏi đến đâu thì em cũng khó có cơ hội để chứng minh năng lực khi mà đánh mất thiện cảm ngay từ ban đầu”.
Nhiều lỗi “lố bịch” bên ngoài khác mà SV đi  xin việc hay gặp phải như vừa nói chuyện vừa tóp tép nhai cao su, ngoáy mũi, ngáp, hắt xì không che miệng… Thậm chí họ có thể bị đánh trượt vì sự hồn nhiên quá thể của mình với những "phụ tùng" của bản thân. 
Mai Văn Thanh, SV năm cuối chia sẻ kinh nghiệm mình bị loại khi thi tuyển vào một ngân hàng có thể chỉ vì tiếng chuông điện thoại trong túi quần vang lên khi đang PV. Nếu là nhạc chuông bình thường thì không có gì nghiêm trọng, đằng này lúc đó Thanh đang xài một bản nhạc chế với lời lẽ yêu đương khá...thô. Bài hát réo đến đâu là mấy người phỏng vấn cậu cũng phải giật mình đến đó. 
“Khi tôi tắt điện thoại để tiếp tục  thì bên đó đã dừng cuộc PV lại. Có thể họ quá nghiêm khắc nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy đó là lỗi của mình. Lỗi không thuộc về kiến thức chuyên môn, không có trong CV mà có thể tước mất cơ hội của mình”, Thanh nói.
Bà Hồ Thụy Nhàn Khanh, Trưởng phòng Nhân sự Nhóm các bộ phận & Tài chính kiểm soát (Công ty TNHH Nestle Việt Nam) cho rằng ngoài hạn chế về chuyên môn, hiểu biết về vị trị ứng tuyển của nhà tuyển dụng thì các ứng viên trẻ tuổi còn gặp các lỗi bên ngoài rất đáng tiếc.
Bà kể đã từng gặp nhiều SV sử dụng địa chỉ email nghe rất ghê và buồn cười như Ketansannhanloai… (Kẻ tàn sát nhân lại), sat_girl.. (sát gái)… để liên lạc với nhà tuyển dụng. “Việc liên lạc với nhà tuyển dụng sau khi PV là điều cần thiết nhưng với những địa chỉ “ghê người” hay nhí nhố quá thì sẽ bị mất thiện cảm ngay. Điều đó bạn đã tự phơi bày cho người khác thấy mình là người thiếu đi sự chuyên nghiệp và nghiêm túc”, bà Khanh nói.
Bề ngoài quan trọng
Rất nhiều lỗi bên ngoài mà SV đôi lúc vì quá hồn nhiên, thiếu kinh nghiệm nên trở thành vô duyên trước nhà tuyển dụng. Có người ăn mặc quá cầu kỳ, chưng diện không phù hợp, ngược lại có người lại quá cẩu thả như đi dép lê, móng tay chân cáu bẩn, đầu tóc bù xù, hơi thở nặng mùi… đều để lại ấn tượng không tốt đẹp.
Ngoài tầm quan trọng của bản CV thì phong thái bên ngoài quyết định rất nhiều đến việc trúng hay trượt của ứng viên. Lỗi mà rất nhiều SV phải gặp phải vẫn còn quá tự ti, thiếu khả năng nói chuyện với người khác. 

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp SV tự tin mà còn tăng thêm tính chuyên nghiệp cho mình
Bà Nhàn Khanh kể rằng đã gặp nhiều nhiều ứng viên là SV hay cử nhân mới ra trường khi đối mặt với nhà tuyển dụng thì mặt mũi xanh lè, tái mép như gặp… phải ma. Nhìn nhiều người đứng run rẩy, uống nước để lấy hơi mà nhà tuyển dụng cũng muốn xỉu theo. “Phần lớn là vì các em thiếu sự trau dồi cũng như sự chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho mình”, người này đánh giá.
Bà Võ Thị Xuân Trang, hiệu trưởng Trường John Robert Powers nhấn mạnh bề ngoài ứng viên cực kỳ quan trọng, chỉ cần 11 giây tiếp xúc ban đầu, nhà tuyển dụng đã có thể đưa ra quyết định có làm việc với bạn hay không. Tuy nhiên hiện nay, SV vẫn chưa coi trọng đến vấn đề này, rất nhiều người vẫn ăn mặc lếch thếch, lời ăn tiếng nói, phong cách xuề xòa… khi đi xin việc. Chính điều đó, họ tự “tố cáo” mình với người đối diện mình là một người hời hợt, cẩu thả.
“Những biểu bên ngoài như đi đứng, ăn nói, cách ăn mặc, phong thái nói chuyện, sự tự tin... những thứ mà nhiều người cho rằng không thuộc về chuyên môn nhưng lại phản ánh suy nghĩ và khả năng bạn có phải là đối tượng có thể hợp tác lâu dài hay không”, bà Trang khuyến cáo.
Hoài Nam

Tư liệu: Tai nạn giao thông 2011


Hơn 12.800 ca tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông
(TNO) Hội nghị phòng chống tai nạn thương tích được Cục Quản lý môi trường y tế (QLMTYT), UNICEF tổ chức trong hai ngày 25 - 26.10, tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu của Cục QLMTYT, trong 5 năm gần đây, số tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) trung bình 12.864 trường hợp/năm, chiếm 44,54% trong tổng số các ca tai nạn thương tích. Tỷ suất tử vong do TNGT trung bình là 18,93/100.000 dân.
Nhóm tuổi có tỷ lệ tử vong do TNGT cao nhất là từ 20 - 29 tuổi; tiếp theo là các nhóm tuổi trên 60 tuổi; từ 15 - 19 tuổi. Hà Nội là địa phương có số người tử vong do TNGT cao nhất với trung bình 898 trường hợp/năm; tiếp theo là TP.HCM, Đồng Nai.
Thống kê tại Bệnh viện Việt Đức(Hà Nội) cho thấy, 42% các ca TNGT nhập viện có nồng độ cồn trong máu. Phương tiện giao thông liên quan chủ yếu là xe máy (72%).
Liên Châu

20 thg 10, 2011

Thời sự và Suy nghĩ : BỆNH VÔ CẢM


Bệnh vô cảm: kết quả lối sống thực dụng thời hiện đại

Bé 2 tuổi ở Trung Quốc đã qua đời rạng sáng nay sau nhiều ngày nguy kịch vì bị 2 xe tải đâm. Chuyện xảy ra ở nước ngoài, nhưng không ít người Việt Nam bức xúc nhìn lại thực tế "bệnh vô cảm lan tràn trong xã hội hiện nay".
Bệnh 'sống chết mặc bay' của người thành thị

"Tôi vừa mới làm cha được một tháng nay, thật sự xem xong tin bé 2 tuổi Yue Yue ở Trung Quốc bị 2 xe tải đâm nằm 7 phút trên đường mà không ai chịu cứu giúp, tôi không cầm được nước mắt... Sao tài xế có thể làm như vậy, người đi đường thì quá vô tâm?", một độc giả chia sẻ với VnExpress.net.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Bình cũng bày tỏ: "Sự việc trên cho thấy con người ngày càng vô cảm trước đau khổ của đồng loại". Cùng nhiều độc giả khác, anh Bình hết lời ca ngợi người phụ nữ nhặt rác đã bế đứa bé bị nạn vào bệnh viện. "Trong cái xã hội này hình như có mỗi bà ấy mới thực sự là 'người'", anh viết.
Mẹ của em bé 2 tuổi khóc thảm khi . Ảnh: oriental daily news
Mẹ của em bé 2 tuổi Yue Yue khóc thảm khi biết tin con mình bị nạn. Ảnh: oriental daily news
Câu chuyện bi đát xảy ra ở nước láng giềng cách đây 4 ngày cũng làm chấn động lương tâm của nhiều người, và là đề tài "hot" thu hút hàng triệu người quan tâm trên các diễn đàn mạng. Nhiều topic được lập ra để bàn về "lương tâm và bệnh vô cảm". Đa phần các thành viên diễn đàn đều lên án thái độ vô cảm của gần 20 người qua đường trong vụ bé Yue Yue, trong khi một số khác lo ngại về sự xuống cấp đạo đức đang ngày càng lan tràn trong xã hội hiện đại
Từng là nạn nhân sự vô cảm trong cộng đồng, anh Tuân (quận 3, TP HCM) kể, hôm ấy khoảng 21h tối trên đường đi làm về, anh bị một gã say rượu đâm vào khiến cả hai cùng bị thương rất nặng, người bê bết máu. Mặc dù đoạn đường có nhiều người qua lại, nhưng ngoài một cô gái và bà cụ tốt bụng tận tình nhặt dùm đồ đạc rơi ra rồi đứng chặn để bảo vệ hai nạn nhân bê bết máu, còn hầu hết những người khác chỉ dừng lại, đứng nhìn với thái độ tò mò rồi bỏ đi.
Cũng bức xúc trước của thái độ vô cảm của người khác, chị Mai Hoa kể một lần trên đường đi về nhà, tay lái xe của chị bị sọt chở gà của người đi phía sau đang cố vượt lên móc vào. Hai chị em Hoa bị ngã đập đầu xuống đường. "Ấy vậy mà người đi đường cứ như không thấy gì, mặc kệ hai chị em nằm còng queo và vẫn còn bị xe đè lên người đến 10 phút. Cũng may khi đó không có xe tải nào phía sau chứ không thì chị em tôi giờ chắc đi gặp các cụ tổ rồi", chị nói.
Trên đường phố Sài Gòn ngày này, vẫn còn rất nhiều những cách hành xử vô tâm theo kiểu nhìn cụ già không dám đi qua đường vì xe cộ đông mà không giúp; thấy một phụ nữ loay mãi không lấy được xe máy từ bãi gửi xe, các cậu thanh niên đi qua lại vẫn trơ trơ; hay tà áo dài của cô gái bị cuộn vào bánh xe trở thành trò đùa chỉ trỏ nhau của giới trẻ cho đến khi cô ngã đập mặt xuống đường…
Như một trường hợp xảy trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Hôm ấy một người mua nhớt dạo chở ngang đường làm đổ nhớt. Thay vì tìm cách cảnh báo người đi đường, hoặc dùng cát lấp đống nhớt, một nhóm thanh niên ngồi uống nước ở vỉa hè lại dửng dưng ngồi chờ xem người chạy xe máy cán qua nhớt trượt ngã để phá lên cười.
Bức xúc trước hành động vô tâm, một phụ nữ sau khi bị trượt ngã đã đến công an phường để trình báo. Tuy nhiên khi các nhân viên dân phòng đến để lấp cát và nhắc nhở, nhóm thanh niên phân bua: “Chúng tôi có tội gì đâu, tại thấy người ta tự nhiên chạy rồi ngã nên cười thôi”.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ thờ ơ và căn bệnh vô cảm, song nhiều nhất vẫn là “không phải không muốn giúp nhưng sợ giúp rồi lại mang họa vào thân”.
“Thứ nhất mình không có thời gian, thứ hai dính vào các vụ tai nạn không khéo bị công an mời lên mời xuống, có khi còn bị nghi thủ phạm gây tai nạn nên tốt hơn hết là không liên quan”, anh Hòa, một người từng bị bảo vệ bệnh viện giữ lại sau khi đưa người vào cấp cứu nói.
Trò chuyện với VnExpress.net về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên học viện Hành chính TP HCM cũng nhìn nhận căn bệnh vô cảm đang ngày càng lây lan rộng rãi trong xã hội loài người.
Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ lãnh đạm của một người khi chứng kiến bi kịch của đồng loại. Đó có thể là cảm giác sợ hãi và sợ trách nhiệm liên đới; hoặc không biết và không được dạy làm thế nào để giúp người bị nạn nên bỏ đi; có thể họ quá bận rộn với công việc và nhịp sống hối hả; cũng có thể do chứng kiến nhiều vụ lừa đảo (cố tình dàn cảnh tai nạn để lừa người qua đường)... Cho nên đôi khi thái độ thờ ơ trong những tình huống này thể hiện sự phòng vệ bị động của con người.
Theo bà Minh, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày ăn sâu vào văn hóa tinh thần của xã hội. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.
"Dường như chữ 'nghĩa' trong xã hội đang dần mất đi nên con người hiện đại chỉ biết sống vì mình, không còn dám hy sinh và sống có trách nhiệm với đồng loại. Chính thay đổi đó đã đẩy con người về hai thái cực: hoặc thờ ơ lãnh cảm với sự an nguy của đồng loại hoặc trở nên quá nhạy cảm và sợ hãi khi lợi ích cá nhân bị đe dọa", giảng viên này nói.
Vì thế để chữa căn bệnh vô cảm đang ngày lan tràn xã hội, nhất là với giới trẻ, bà Minh cho rằng phải làm sống dậy trong con người những giá trị của lương tâm, tình yêu thương bản thân và đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng phòng vệ và phản ứng thế nào trong những tình huống có thể gặp phải.
"Mặc dù mục tiêu trên đã được ngành giáo dục xác định rất rõ ràng, song hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt được", bà Minh nói.
Thiên Chương - Thi Ngoan

19 thg 10, 2011

Thời sự và Suy nghĩ

Cảm ơn người quét... rác đời
TT - Đó là bà Trần Hiền Muội (Chen Xianmei), quét rác ở khu chợ thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Bà là người thứ 19 đến bên cô bé Duyệt Duyệt (Yue Yue) 2 tuổi bị xe cán nằm trên đường mà 18 người trước đó đi ngang qua đã dửng dưng bỏ mặc.
Không chỉ bố mẹ cô bé Duyệt Duyệt cảm ơn bà. Không chỉ những người dân Trung Quốc cảm ơn bà. Tất cả chúng ta, những con người, ở đâu trong cuộc sống này, đều cảm ơn bà. Người quét rác chợ bằng hành động cứu Duyệt Duyệt đã quét cả... rác đời.
Rác đời là thái độ vô cảm đến tàn nhẫn trước hoạn nạn của người khác, nhất lại là của một đứa bé mới 2 tuổi; nhất lại nữa là đứa bé đó bị xe đâm nằm ngay trên đường, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người qua lại. Một sinh vật khác loài giãy giụa trên đường còn khiến động lòng trắc ẩn. Huống chi đây là một con người, một đồng loại ấu thơ, mà 18 kẻ đồng loại người lớn đi ngang qua nhìn thấy nhưng không chút dừng chân lại. Mắt người trong trường hợp này, nói không quá, không khác gì mắt thú nên mới không nhận ra hình hài con người của cô bé.
Rác đời là sự lạnh lùng tính toán trên mạng người. Kẻ lái xe thứ nhất đâm bé Duyệt Duyệt thú nhận là nếu cô bé chết, anh ta sẽ chỉ phải đền khoảng 20.000 NDT (3.125 USD), còn nếu bị thương thì phải chăm nom tốn kém hơn nhiều. Tính vậy nên anh ta đã lái xe bỏ chạy, mặc kệ nạn nhân trên đường. Người không ra tay giúp Duyệt Duyệt nói rằng sợ dính vào bé thì bị rầy rà, liên lụy, tự dưng “ách giữa đàng lại quàng vào cổ”. Sự sợ hãi những ràng buộc pháp luật và lề thói cuộc sống đã khiến con người văn minh thành kẻ dã man.
Người dân Trung Quốc phẫn nộ. Cả thế giới bàng hoàng. Vì sự việc không chỉ ở 18 con người cụ thể vô cảm và tàn nhẫn. Trường hợp bé Duyệt Duyệt như là một dấu hiệu cho thấy một xã hội chạy theo đồng tiền, nguội lạnh lương tâm và tình cảm khiến mạng người bị coi như cỏ rác. Chuyện tuy là ở Trung Quốc nhưng dư luận ở Việt Nam cũng sôi sục. Vì ở nước ta chuyện xe cán người rồi bỏ chạy đã có. Chuyện bỏ mặc một cô bé bị nạn như Duyệt Duyệt chưa có, nhưng đã có chuyện hôi của lấy đồ người bị nạn trên đường.

Dư luận Trung Quốc thậm chí đã coi trường hợp Duyệt Duyệt là biểu hiện của một “thế giới vô nhân đạo”. Trong hoàn cảnh đó, hành động của bà nhặt rác Trần Hiền Muội thật đáng ca ngợi, cảm ơn. Nhưng một hành động bình thường như phải có, tự nhiên như phải lẽ, lại trở nên đột xuất, bất thường thì đó quả là điều đáng buồn nhất và đau đớn nhất cho xã hội loài người hiện đại.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
--------------------------------------------------------------------------


Người đàn bà nhặt rác: 
“Lẽ nào làm một việc tốt cũng khó khăn đến vậy sao?"
TT - Bị báo chí Trung Quốc săn lùng và phỏng vấn ráo riết, người đàn bà nhặt rác Trần Hiền Muội mệt mỏi đáp: “Đây chỉ là một chuyện nhỏ, lúc đó tôi chỉ nghĩ tôi giúp đứa bé bị nạn, không nghĩ nhiều, cũng không có gì để nói nhiều đâu”.
Bà Trần Hiền Muội bật khóc khi gặp mẹ của bé Duyệt Duyệt ở Bệnh viện quân y Quảng Châu chiều 18-10 - Ảnh: ycwb.com
Được hỏi bà cứu bé Duyệt Duyệt để muốn nổi tiếng và có tiền?, bà e dè nói: “Tôi chỉ làm một việc rất bình thường, nào dám lấy tiền”.
Khi được Văn phòng văn minh quận Nam Hải (Phật Sơn) trao 20.000 nhân dân tệ (3.136 USD) do các nhà hảo tâm tặng, bà miễn cưỡng nhận sau năm lần bảy lượt từ chối không được. Bà nói sẽ đem số tiền này đến bệnh viện tặng lại cho ba mẹ Duyệt Duyệt để lo thuốc men cho bé.
Nghe có người nói từ chối nhận tiền là muốn nổi tiếng, bà Trần lại rất buồn nói: “Tôi sợ cầm tiền rồi tâm mình không yên, người ta sẽ chê trách. Lẽ nào làm một người tốt cũng khó khăn đến vậy sao?”.
A Bân, con trai của bà Trần, kể thấy mẹ cứ mãi áy náy nên đã nhờ phóng viên báo Dương Thành Buổi Tối đưa mẹ đến Bệnh viện quân y Quảng Châu thăm bé Duyệt Duyệt. Bà Trần mang theo số tiền. “Đây là số tiền người khác cho tôi, tôi dành hết cho Duyệt Duyệt, mong bé mau tỉnh lại” - bà Trần vừa khóc vừa trao số tiền.
MỸ AN

Sống đẹp: Tấm gương về nghị lực sống

“Chiếc bình nứt” của Duy
TT (19.10.2011) - Những ngày này, bạn bè khóa 34 (khoa tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP TP.HCM) chuẩn bị cho chuyến thực tập cuối cùng của đời sinh viên, thì chàng lớp trưởng Nguyễn Ngọc Duy lại oằn mình chống chọi giành sự sống.
Duy (giữa) rất tích cực thảo luận nhóm trong giờ học - Ảnh: Thái Bình
Tai họa đã ập xuống cuộc đời Duy cách đây tám tháng, đang khi đi thực tập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Niềm tin trong bóng tối
"Có lúc muốn buông xuôi để giải thoát cuộc đời nhưng trong đầu có gì đó cứ thôi thúc phải cố lên"
NGUYỄN NGỌC DUY
Chuyến đi ấy dự kiến kéo dài cả tháng, nhưng mới được tám ngày thì Duy bỗng nôn ộc máu tươi. Duy được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). “Cứ nghĩ bệnh vu vơ, nằm viện vài ngày rồi tiếp tục đi thực tập, ai ngờ...” - Duy nghẹn lời.
Đất trời như sụp đổ khi bác sĩ nói Duy bị suy thận giai đoạn cuối, ngoài ra còn mắc thêm lao phổi, phù và suy tim. Uống thuốc dồn dập nên sau đó Duy bị di chứng suy gan. Đau đớn hơn, đôi mắt Duy cứ mờ dần, mờ dần.
Nằm trên giường bệnh mà nước mắt Duy cứ chực trào ra, không phải vì những cơn đau thấu trời mà vì nghĩ đến cảnh bạn bè hào hứng thực tập nghề trên bục giảng. Từ quê nhà, gia đình báo tin hai đứa em trai của Duy mắc chứng đau đầu phải dở dang việc học. Ba vào chăm sóc Duy, lúc trở về nhà không may lại bị tai nạn. Mẹ ở quê ra, thấy con trai gầy xác xơ nên cứ khóc suốt. Vậy là Duy có cơ hội sử dụng mớ kiến thức tâm lý của mình: “Mẹ à, mọi chuyện rồi sẽ qua!”.
“Không phải là an ủi mẹ mà mình tin như thế”, chàng trai trẻ bộc bạch. Có lẽ chính vì vậy mà cậu gượng dậy được trong lúc ai cũng nghĩ sắp nói lời vĩnh biệt Duy. Hằng ngày, chàng lớp trưởng vẫn miệt mài đến trường. Mắt không còn nhìn rõ, Duy dùng đôi tai cảm nhận bài giảng. Không thể ghi chép được, Duy chọn lọc kiến thức nạp vào đầu. Nhưng rồi có những ngày thân xác rã rời, Duy gục xuống bàn học giữa lớp...
Phải sống sao cho xứng...
Sống cùng “vết nứt cuộc đời”
Hồi còn đứng lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ, Duy thường kể câu chuyện về một chiếc bình nứt cứ mặc cảm vì không mang đầy nước về nhà, nhưng nhờ vết nứt mà nó tưới tắm cho những cây hoa khoe sắc bên đường. Duy bảo mỗi người có những khuyết điểm rất riêng biệt, mỗi người là một chiếc bình nứt. Nghĩ vậy nên trong lòng Duy thật bình thản.
Chúng tôi bí mật theo chân Duy vào lớp học. Mặc cho trước mắt mù mịt, Duy vẫn rất sôi nổi khi thảo luận nhóm, giơ tay phát biểu hay phản biện. Giữa chừng, Duy len lén vốc một nắm thuốc cho vào miệng. Học xong, cậu ra ngồi chờ ở trạm xe buýt trước cổng trường. Mỗi khi loáng thoáng thấy có chiếc xe buýt nào tấp vô là Duy lại quay sang hỏi người xung quanh tuyến số mấy. Đến bảy lượt như thế thì Duy đón được xe buýt ra đường Hàm Nghi (quận 1) để bấm huyệt chữa bệnh.
Thật bất ngờ khi thấy Duy xuất hiện trong một vở kịch tại đêm họp mặt truyền thống của khoa tâm lý giáo dục. Trong vở kịch, Duy sắm vai vị giám đốc oai vệ, nhưng bạn bè ngồi bên dưới cứ lo chàng lớp trưởng ngất xỉu trên sân khấu thì khổ. Thì ra, dù mang đủ thứ bệnh trong mình nhưng Duy vẫn tham gia xây dựng ý tưởng, dàn dựng, tập dượt và diễn xuất kịch.
Chưa hết, mới tháng trước cậu còn là chủ xị tổ chức chuyên đề “Tình yêu thời @” của Câu lạc bộ “Ngôi nhà trái tim” do chính Duy sáng lập, với những hoạt động gắn với chuyên môn nhằm tạo sân chơi học thuật cho sinh viên của trường và sinh viên tâm lý giáo dục.
“Hôm nào không thấy Duy là cả lớp bồn chồn lo lắng”, cô sinh viên Trần Thị Vinh cho biết. Theo lời Vinh, Duy rất chân thành với bè bạn. Chính vì vậy khi Duy ngã bệnh có rất nhiều bạn bè chăm sóc và giúp đỡ, có một bạn nữ cùng lớp còn dọn đến thuê phòng trong cùng nhà trọ để lo cơm nước cho Duy.
Chúng tôi tìm đến phòng trọ đúng lúc Duy vừa đi bấm huyệt về. Tối qua, cậu đã khiến cả khu nhà trọ nhốn nháo khi bỗng lịm đi vì cảm lạnh do chờ xe buýt quá lâu dưới trời mưa.
Nghe Duy kể chuyện đi xe buýt mà thương: “Mấy lần chạy thận bị tụt huyết áp, đến trạm xe buýt gần nhà mình đòi xuống nhưng chẳng ai nghe, vậy là qua tuốt luốt. Còn chuyện té khi lên xuống xe buýt cứ như cơm bữa”. Mắt nhìn lờ mờ nhưng Duy cứ dũng mãnh băng qua đường Hàm Nghi. Bạn nói thật lòng: “Tôi qua đường là bằng... niềm tin, đi dứt khoát như vậy cho xe cộ dễ tránh mình”.
Từ một chàng trai nặng 62kg, da dẻ hồng hào, giờ Duy chỉ còn 50kg, da sạm đen. Duy kể: “Lần bị hôn mê co giật cả chục ngày, có lúc muốn buông xuôi để giải thoát cuộc đời nhưng trong đầu có gì đó cứ thôi thúc phải cố lên”.
Bốn tháng trước, khi đôi mắt dần tối tăm, trong đầu Duy cũng nhen lên ý nghĩ chán nản, nhưng rồi cậu nghĩ lại “biết bao nhiêu người mù cũng sống được, sao mình lại không”. Bác sĩ nói bệnh suy thận giai đoạn cuối có những trường hợp tự hồi phục kỳ diệu, và Duy hi vọng phép mầu đó sẽ đến với mình. Nhưng còn một động lực khác khiến Duy nỗ lực giành sự sống: “Bạn bè đối xử tốt quá nên mình phải sống sao cho xứng với họ”.
HUỲNH THÁI BÌNH

17 thg 10, 2011

Muốn sang thì bắc cầu kiều...

Tên :Phạm Ngọc Khánh Hậu
Lớp: 10A8
BÀI VIẾT SỐ MỘT
Đề 9
 
Việt Nam chúng ta được biết đến với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về những truyền thống đó như : “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”… Nhưng câu ca dao mà đa số mọi người dân đều biết là
“Muốn sang thì bắt cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Ấy vậy mà giá trị của câu ca dao đã bị mai một dần trong quá trình phát triển của con người, tại sao vậy?
Câu ca dao trên rất phổ biến trong cộng đồng những người làm công tác giáo dục. Nó mang ý nghĩa động viên to lớn cho họ rằng họ-những con người đào tạo ra lớp trẻ tài năng cho đất nước. Bản đầy đủ hơn của câu ca dao này là :
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
Muốn sang thì bắc Cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Ở câu trên, câu ca dao là một lời ru nói lên những ngậm ngùi của người mẹ đối với đứa con. Mẹ bồng con đi dọc trên bờ sông vắng để tìm một chuyến đò qua sông, thế nhưng lại không có. “Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo” thì làm sao qua được. Qua câu sau, ta thấy rõ được “biện pháp” của người mẹ, tức là phải xây cầu để qua. Và khi đó, trong lời ru của người mẹ đã thấy được hình ảnh người thầy : “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Từ xưa, quan niệm học tốt gắng liền với hình ảnh ông giáo-tiền thân của giáo viên sau này. Cha mẹ ai muốn con mình học giỏi đều mang biếu ông giáo gói xôi, con gà chỉ mong ông dạy con mình cái chữ cái câu.
Bây giờ xã hội đang ngày càng phát triển, sự tiên tiến của công nghệ thông tin khiến cho học sinh, sinh viên và cả phụ huynh tiếp xúc nhiều với nền văn hóa của các nước khác. Vì thế nên họ đã dần lãng quên hình ảnh người thầy luôn tận tụy giúp đem con chữ đến cho những đứa học trò của mình. Họ mải mê chạy theo những xu hướng hiện nay như tư tưởng tự học ở nhà, tự học bằng internet nhưng họ nào biết muốn giỏi thì cần phải có người chỉ dẫn, hướng cách học theo một con đường đúng.
Và điều điển hình trong việc xem nhẹ nghề giáo của nước ta đó là lương. Nghề giáo là một nghề đào tạo nhân tài cho đất nước trong tương lai nhưng lại với mức lương ít ỏi dưới ba triệu. Còn đối với những nước phát triển, nghề nhà giáo luôn được xem trọng và được hưởng mức lương hằng tháng từ  50.000 USD đến 70.000USD.
Vấn đề là tầng lớp học sinh hiện nay đang dần bị cuốn theo những trào lưu của nước ngoài như chơi game, xem phim bạo lực , văn hóa phẩm đồi trụy 18+… Nhưng thường những thói quen đó sẽ dẫn đến hậu quả xấu như bỏ học chơi game, đánh giáo viên, xem nhẹ việc học…Tuy nhiên phần lỗi không hoàn toàn thuộc về học sinh mà phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lí việc học và việc chơi của con em mình, cần hướng chúng theo một con đường đúng đắn, và việc đầu tiên phải làm là dạy cho chúng biết tôn trọng và yêu thương thầy cô.
Tóm lại, nghề nhà giáo cần được giữ vững và phát huy hơn nữa. Học sinh và phụ huynh cũng cần có ý thức trong việc “ Yêu lấy thầy”. Hơn thế nữa, bản thân những người giáo viên cần phải khắc phục những khuyết điểm của mình, nâng cao chất lượng dạy học để học sinh có hứng thú trong việc học tập hơn. Có thế thì câu ca dao
“Muốn sang thì bắt cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
mới còn nguyên bản chất thật của nó là truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt ta.

14 thg 10, 2011

Thực hiện nếp sống văn minh trong trường học

Họ  & tên : Đỗ Ngọc Anh Thư         Lớp 10A8 (nhóm 4)
Đề bài : Suy nghĩ của anh (chị) về điều đầu tiên trong nội quy của trường Võ Thị Sáu : “ Học sinh phải kính thầy yêu bạn , thực hiện nếp sống văn hoá,trang phục gọn gàng , phù hợp”
BÀI LÀM
    Để có thể đào tạo được những công dân tốt cho xã hội,cho đất nước việt nam thì trước tiên ngành giáo dục phải truyền đạt được cho mỗi học sinh về cách sống đạo đức ,tốt đẹp và tinh thần kỉ luật .Do đó trong môi trường sư phạm nói chung và trường Võ Thị Sáu nói riêng đã đưa ra bảng nội quy để học sinh thực hiện trong đó ngay ở điều đầu tiên đã cho thấy rõ được trách nhiệm và bổn phận của học sinh : “Học sinh phải kính thầy yêu bạn,thực hiện nếp sống văn hoá trang phục gọn gàng phù hợp”
     Vậy như thế nào là” kính thầy yêu bạn” ? Sống văn hoá là sống ra sao ? Và trang phục gọn gàng phù hợp là như thế nào? Kính thầy yêu bạn là thái độ của học sinh nên có với thấy cô và bạn bè , kính thầy là tôn trọng biết ơn thầy cô, yêu bạn là yêu thương và giúp đỡ bạn bè trong học tập.Nếp sống văn hoá là nếp sống lành mạnh ,tuân thủ những qui định chung và đem lại lợi ích cho cộng đồng.Trang phục của học sinh Việt Nam hiện nay là áo trắng quần hoặc váy xanh rất phù hợp với lừa tuổi học trò cũng như môi trường sư phạm.Bằng những hành động rất thông thương như gặp thầy,cô phải chào hỏi hay bỏ rác vào thùng cũng đã thực hiện tốt được nội quy.
      Việc học sinh thực hiện nội qui nhà trường đề ra là thiết thực và cần thiết ,đặc biệt là những nội quy có tính đúng đắn và ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc như nội qui trên. Hơn hết đang trong giai đoạn tiếp thu kiến thức từ những người đi trước là các thầy cô thì phải có thái độ tôn trọng, kính yêu ,vâng lời thầy cô vì thầy cô chỉ muốn cho học sinh những điều tốt đẹp,muốn ta nên người nên phải “kính thầy” đồng thời bằng việc kính trọng thầy cô cũng sẽ giúp ta tiến tới trong quá trình học tập vì thầy cô sẽ rất vui lòng giảng dạy cho những học trò ngoan ngoãn vâng lời hơn những em quậy phá hỗn hào . Còn với bạn bè thì ta phải đoàn kết tương trợ nhau trong học tập nhằm cùng nhau trau dồi kiến thức cũng như giúp đỡ nhau để khắc phục các khuyết điểm nhằm đưa đến kết quả học tập tốt hơn .Khi đã có hiểu biết và kiến thức thì ta không thể không thực hiện một nếp sống văn hoá, vì khi có nếp sống tốt như thế sẽ làm nâng cao phẩm giá cũng như nhận được thiện cảm của mọi người.Mặt khác trang phục ta mặc cũng cho người khác thấy được về con người cũng như tình cách của mình.Nếu như ăn mặc trang nhã lịch sự thì cộng đồng sẽ đánh giá ta là một con người văn hoá có học vấn và qua đó thể hiện phép lịch sự tối thiểu được của chúng ta với mọi nguời vì thế ta cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ mọi người .Vì những lẽ trên ta dễ dàng thấy được việc tuân thủ nội qui trên sẽ đem lại những điều cần thiết cho chúng ta đi tới ngưỡng cửa của thành công.
     Nhưng hiện thực đáng buồn ngày nay vẫn còn nhiều học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của nội quy trên và bằng chứng là tin học sinh đánh thầy cô hay đánh nhau và có cách ăn mặc kì quái bây giờ không còn quá lạ.Họ không hề biết những hành động của mình ở hiện tại sẽ đem lại hậu quả khôn lường cho tương lai,không tôn trọng thầy cô bạn bè khiến việc học bị đứt đoạn vì không tiếp thu được gì từ điều thầy cô giảng dạy bạn bè giúp đỡ dẫn đến tình trạng chán học và dễ lạc vào những tệ nạn xã hội ,mặt khác cùng với thái đội sống thiếu văn hoá cách ăn mặc không giống ai sẽ gây phản cảm cho người khác và khi ấn tượng đầu là xấu thì khó có thể hợp tác với người khác nên ít có cơ hội thành công trong cuộc sống.Muốn đẩy lùi được những điều tiêu cực trên cần có sự hợp tác và giúp đở từ phía nhà trường gia đình trong toàn xã hội . ta có thể tuyên truyền phong trào người tốt việc tốt tổ chức các hoạt động tập thể như sinh hoạt trò chuyện về các chủ đề như “kỉ luật học đường “ hay “quan hệ học đường” hoặc tổ chức các buổi văn nghệ giao lưu giữa thầy và trò để siết chặt mối quan hệ tốt đẹp . Và qua đó ta sẽ góp phần cải thiện tình trạng đạo đức học sinh xuống cấp và làm cho xã hội tốt đẹp hơn
     Thực hiện nội qui là một hành động thiết thực cho mỗi học sinh chúng ta Riêng bản thân em , em sẽ cố gắng phấn đấu học tập thực hiện tốt nội qui nhà trường để trở thành một người có ích cho đất nước như lời Bác dạy thiếu niên nhi đồng “ Đoàn kết tốt , kỉ luật tốt”  
 

Không quay cóp khi thi cử

                                         BÀI VIẾT SỐ 1
Đề:Suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ học đường về không quay cóp,gian lận trong thi cử.
                                             Bài làm
Học tập là nền tảng quan trọng của mỗi con người. Chỉ có học tập mới là chiếc chìa khóa mở cho chúng ta những cánh cửa thành công.Và để làm được điều đó,mỗi người cần có sự nỗ lực và thực lực ở bản than rất nhiều.Nhưng vẫn còn đó nhữn người không biết phấn đấu mà chỉ biết tạo ra những điểm số hư ảo bằng việc gian lận,quay cóp trong giờ kiểm tra,giờ thi.
  Vậy gian lận là gì và nó có tác hại như thế nào?Gian lận là việc làm sai trái của bản thân như muốn có diểm cao, không muốn mình bị tuột hạng hay không muốn làm ba mẹ thất vọng…Chính những điều đó dã tạo cho các bạn áp lực và sẽ bất chấp mọi thứ để có được nó.Hành động dần dần tạo cho chúng ta một thói quen dựa dẫm người khác và biến mình thành kẻ lười biếng.
    Các biểu hiện của gian lận là sử dụng tài liệu, điện thoại dể quay cóp, trao đổi thông tin cho nhau…Ngoài ra họ còn có thể viết ra bàn, lên tay hay một manh giấy nhỏ để khỏi phải học bài.Điều đó tạo ra sự không bình đẳng lẫn nhau,giữa một người có học bài và một người không nhưng điểm số ngang nhau thì thật vô lí.Kết quả phải đúng với công sức chúng ta đã bỏ ra,người chăm chỉ xứng đáng được nhận còn người biếng nhác phải nhận lấy bài hoc cho mình
      Thử nghĩ mà xem,nếu cứ tiếp tụ quay cóp như vậy,liệu có bao nhiêu kiến thức tồn đọng lại trong đầu chúng ta?Đến khi kì thi đến, chúng ta có đủ thời gian để học hay không?Lúc đó cứ mãi trach mình sao lúc đầu không học thì đã muộn rồi.thời gian sẽ không chờ đợi chúng ta đâu.Bây giờ cố gắng học,làm bài tập đầy đủ,ôn luyện trước kì thi là ta dã sẵn sàng bước vào kì thi rồi.
      Tương lai là một con đường rộng mở ở phía trước, việc đi trên con đường đầy hoa hồng hay khô cằn sỏi đá là tùy ở chúng ta.Hãy cố gắng học tập để ta không hối tiếc vì những ngày đã qua,để ta co thể mang theo hành trang kiến thức bước vào đời.

Tôn sư - Trọng đạo

Họ và tên: Trần Nguyễn An Thái
Lớp: 10A8
Đề 8: Suy nghĩ và hành động của anh (chị) về tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Bài làm
“Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi
Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng.”
     Con người Việt Nam ta từ ngày xưa đã có truyền thống ham học hỏi nên địa vị của người thầy bấy giờ rất được tôn vinh. Bởi vậy người ta mới xếp thứ bậc trong xã hội: “Quân, sư, phụ”. Nó cho thấy tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.
     Tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lí quý báu mà ông cha ta đã đúc kết và gìn giữ cho đến ngày nay. Nó cho ta thấy công lao giáo dục to lớn của người thầy. Họ không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy ta những bài học làm người sâu sắc giúp ta hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó có thể thấy vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ.  Bổn phận của đạo làm trò phải biết khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình. Ngày xưa, mỗi khi tết đến xuân về, cha mẹ người học trò thường mua gà, trái cây đem biếu thầy cô. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được phát huy tốt: học sinh khi gặp thầy cô đều lễ phép bỏ nón cúi đầu chào; luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, hăng hái đóng góp ý kiến xây dựng bài vở ở lớp và ngạc nhiên hơn là có những người đã gần đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn giành thời gian để đến thăm các giáo sư cũ. Hành động ấy càng giúp ta hiểu sâu hơn lòng biết ơn thầy là vô bờ bến, nó không phân biệt tuổi tác.
     Việc kính trọng thầy cô vừa là quan niệm đạo đức vừa là trách nhiệm của mỗi học sinh. Xã hội bây giờ ngày một phát triển nên vai trò của người thầy cũng có phần thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Tuy có thay đổi ít nhiều nhưng vai trò của người thầy đối với học trò cũng không hề suy giảm, trò vẫn luôn kính trọng thầy và thầy cũng vẫn luôn thương yêu học trò như những đứa con thân yêu. Họ mong muốn những “đứa con” của mình sẽ không phụ công dưỡng dục mà lấy đó làm nền tảng đi đến thành công. Không phải chỉ nói suông mà ở nước ta còn giữ lại nhiều di tích cổ xưa cho thấy lòng tôn kính ấy như Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội-nơi lưu giữ tài liệu, những bài thơ quý giá của những người thầy xưa. Qua đó nói lên sự thành kính của dân tộc ta đối với người thầy.
   Càng đi sâu vào phân tích, ta càng nhận thấy tầm quan trọng của những người “bắc cầu nối” cho thế hệ đi sau trong việc tìm ra đích đến của ước mơ và hoài bão. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những trang thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Vì vậy, ta còn có thể hiểu sâu xa hơn: "Tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, khát vọng văn minh, tiến bộ; "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Gần đây xuất hiện những thanh niên có những lời nói, hành động vô giáo dục, vô lễ, xúc phạm thầy cô. Vì vậy, chúng ta phải có những hành động lên án gay gắt và nhắc nhở mọi người nhìn lại cách ứng xử, thái độ của mình đối với những người làm thầy.
     Để giữ gìn và phát huy tinh thần “tôn sư  trọng đạo”, chúng ta là học sinh trong lớp phải siêng năng học tập, lắng nghe giáo viên giảng bài, tôn trọng thầy cô. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, tất cả học sinh trở về ngôi trường cũ để gặp bè bạn, thăm thầy cô- những người đã từng giúp chúng ta chắp thêm đôi cánh ước mơ trên con đường học vấn bao la rộng mở.
     “Tôn sư trọng đạo’ là một trong những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ ngàn đời nay và đã được khắc sâu trong lòng những đứa con Việt.
    

Không đánh nhau trong và ngoài trường học

Trước đây, chúng ta thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng việc học sinh đánh nhau,mang vũ khí vào trường là một vấn đề hết sức xa xôi, không xảy ra phổ biến,chỉ tồn tại ở những nước phương Tây hay ở những nước lân cận. Đồng thời cũng vì thế mà bộ Giáo Dục chỉ đưa ra những qui định qua loa như:”Học sinh không được đánh nhau,không mang vũ khí vào trường”nhưng không ý thức được sâu sắc về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của nó tới thế hệ trẻ nói riêng, con người nói chung, . Song thời gian gần đây, những vấn đề này đã có những chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp và trở thành một vấn đề nóng bỏng, một vấn nạn nhức nhối khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, kinh ngạc. Phải chăng đó chính là một dự báo “sóng ngầm đang thành bão”. Đứng trước thực trạng đó mỗi chúng ta cần có nhận thức và hành động như thế nào?

Đánh nhau,mang vũ khí vào trường hay còn gọi là bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh chóng, diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới,hiện đang xâm nhập và lan rộng ở Việt Nam.Do đó đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng của toàn xã hội.Những hành động này xảy ra ở nhiều dạng như xúc phạm,lăng mạ,đay nghiến từ đó dẫn tới đánh nhau,tra tấn,làm hại sức khỏe,cơ thê con người.

Ngày nay chỉ gần lên mạng thì cũng đã  có hàng tá clip đánh nhau của các học sinh: Ở Phú Thọ, nữ sinh đánh bạn bằng giày cao gót.Tại TP.HCM,2 nam hs (1 em lớp 7,1 em lớp 9) trường THCS Nguyễn Huệ,Q.4,xích mích khi chát với nhau trên mạng dẫn đến đâm nhau trong ngày tổng kết trường,khiến 1 em bị thương nặng).1 nữ học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Công Trứ dùng dao lam"xả" lên mặt nữ sinh trường khác.

Những hành động trên là do sự phát triên thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống,ngoài ra do ảnh hưởng của phim, ảnh, sách, báo,game mang tính bạo lực,sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu quan tâm của gia đình; tình trạng bạo lực trong gia đình cũng là một phần nhân tố ảnh hưởng không tốt. Và một khi bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại thì bạo lực học đường sẽ vẫn còn có nguy cơ gia tăng.Nền giáo dục nặng về kiến thức,đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người,từ đó dẫn nên những vấn đề về
tâm lí của tuổi học trò.Bực dọc,ức chế không thê chia sẻ hay được sự quan tâm của người lớn,thầy cô.Các học sinh có những hành động bạo lực trong nhà trường đê “xả” đi những ức chế trong người,những học sinh có những hành động này cũng là do mặc cảm với bản thân,với bạn bè nên có xu hướng hù dọa đê được nê trọng.Ngoài cách xa lánh các bạn ấy thì chúng ta phải cố gắng giúp đỡ mở rộng vòng tay chào đón đê các bạn ấy trở lại thành những học sinh ngoan hiền chứ không phải quậy phá dùng vũ lực đê ức hiếp người khác.
Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ thì sẽ có nhiều học sinh sẽ trở thành nạn nhân hoặc là kẻ gây ra bạo lực trong vấn nạn bạo lực học đường này,những kết quả mà ta không hề mong muốn sẽ xảy ra.Đối với nạn nhân:tôn thương về thê xác và tinh thần,tôn hại đến gia đình, người thân, bạn bè người bị hại,tạo tính bất ổn trong xã hội: tâm lí lo lắng bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường, đến xã hội.Đối với kẻ gây ra bạo lực làm hỏng tương lai chính mình, gây nguy hại cho xã hội;bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét.Đê xóa bỏ vấn nạn bạo lực học đường trong nhà trường,ngoài đặc ra những qui định,chúng ta phải tuyên truyền giáo dục,cải cách nhân phẫm,tư vấn tâm lí cho những đối tượng gây ra bạo lực và nạn nhân của bạo lực học đường, có thái độ quyết liệt phê phán răn đe, giáo dục cải tạo, biện pháp trừng phạt kiên quyết làm gương cho người khác đê phòng ngừa và triệt tiêu vấn nạn này.Ngoài xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và khống chế hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Nghiêm cấm các game bạo lực,mạnh dạn lên án bạo lực gia đình.

Qua câu nói của Mahatma Gandhi: “Không nên mất niềm tin vào con người. Nhân loại là cả một đại dương. Nếu một vài giọt nước trong đại dương ấy dơ bẩn thì cả đại dương cũng không vì thế mà trở thành dơ bân được.”Chúng ta thấy rằng không chỉ 1 vài cá nhân mà làm chúng ta mất niềm tin vào thế hệ trẻ ngày nay,cũng còn rất nhiều bạn trẻ tài năng  là tương lai của đất nước.Qua vấn đề trên,chúng ta phải có những quan điêm,nhận thức,hành động đúng đắn,hình thành những quan niệm sống tốt đẹp và phải cố gắng học tập đê phát triển đất nước,nâng cao xã hội văn minh.

Những qui định của bộ Giáo Dục cũng chỉ là những qui định,muốn vấn nạn về việc đánh nhau mang hung khí vào trường kết thúc thì người lớn,thầy cô giáo trong trường phải trở thành những tấm gương sáng để học sinh,con cái noi theo.Và quan trọng nhất là do chúng ta,những học sinh phải biết tự ý thức về chính mình,cố gắng học tập đê có tương lai tốt đẹp mai sau.

Nói KHÔNG với cờ bạc

   ĐỀ : Suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ về Qui định cuả BỘ GIÁO DỤC về vấn đề : “ Không tham gia cờ bạc trong nhà trường “
                                    BÀI LÀM
   Chúng ta đang sống trong một đất nước không ngừng phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Để làm được điều đó,chúng ta phải vượt qua các trở ngại,khó khăn. Một trong số đó là các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy , cá độ , văn hóa phẩm đồi trụy. Nhưng đáng sợ nhất chính là cờ bạc. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tác hại to lớn của cờ bạc để phòng tránh cho bản thân, gia đình và xã hội.
   Để phòng chống một tệ nạn thì chúng ta cần biết rõ về tệ nạn đó . Cờ bạc được định nghĩa như là may rủi trong tiền bạc nhằm mục đích có nhiều tiền nhưng không phải từ việc làm kiếm thêm .Ngoài ra nó cũng được xem như một lọai ma túy , một khi đã sa chân vào thì khó có thể mà rút ra . Cờ bạc là trò chơi đỏ đen , may rủi , hên xui nhưng lại cực kì kích thích sự ham múôn chiến thắng trong mỗi con ngừơi chúng ta thật khó có thể mà cưỡng lại được . Ông cha ta đã ví cờ bạc như câu nói “ ma đưa lối , quỹ dẫn đường “ . Không những ảnh hưởng đến thời gian , sức khõe ,  tiền bạc , sự nghiệp , cờ bạc còn làm cho con ngừơi ta mnất hết nhân cách , gia đình không hạnh phúc ,an ninh xã hội kém . Cờ bạc cũng có nhiều loại như : tổ tôm , bài cào , sạp xám , cá độ đá banh….
   Chúng ta thường nghe nói cờ bạc là vi phạm pháp luật , là nguy hiểm nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến điều đó , mọi người cho rằng cờ bạc chỉ  là một thú vui bình thường giúp mọi người xả  stress . Thế nhưng công nghệ đánh bạc ngày càng phát triển , cùng với việc gia tăng số lượng người trẻ tham gia vào các hoạt động này đã làm dấy lên nhiều mối đáng lo ngại cho xã hội. Theo như thống ke của một số quốc gia ; điển hình là nứơc Úc “Trung bình trẻ em trong độ tuổi 12-15 đã bắt đầu chơi bài bạc hoặc cá độ và khi tới độ tuổi 16 -17, một số em tham gia các hoạt động bài bạc mang tính thương mại.” Ngày nay, cùng với sự phổ biến của Internet, bài bạc trên mạng thông tin toàn cầu này đang trở thành loại hình giải trí ngày càng phổ biến. Các công ty cờ bạc và cá độ trên Internet rất tích cực ‘chiêu mộ’ người trẻ bằng nhiều biện pháp tinh vi khác nhau và ‘nhử’ họ bằng những phần thưởng hấp dẫn. . Đặc biệt hơn là học sinh chúng ta cùng với hiện tượng mang bài bạc vào lớp để chơi . Và theo như Qui định của Bộ Gíao Dục thì đó là một trong 5 điều câm kỵ nhất .Nhiều người cho rằng việc đánh bạc nhằm thể hiện đẳng cấp và trình độ kỹ thuật của họ . Thế nhưng ít ai nghĩ tới những hậu quả tương lai mà họ sắp phải trả như : Nợ nần tăng cao, phải vất vả trong việc trả các sinh hoạt phí thường ngày , phải sống phụ thuộc vào bạn bè và gia đình , ngày càng cảm thấy bất an , dễ cáu giận , bỏ việc hoặc gặp khó khăn khi phải tập trung làm việc , tiêu tốn thời giờ và tiền bạc vào bài bạc hơn là dành thời gian cho gia đình, bạn bè , liên tục nghĩ rằng việc tiếp tục đánh bài sẽ giúp giải quyết các khó khăn tài chính ,  nghĩ rằng bài bạc đã chi phối mọi hoạt động trong đời sống . Và nhất là những bạn học sinh, tuổi đời còn quá dài mà chỉ vì một phút nông nỗi, bị bạn bè rủ rê đã đánh mất tương lai. Thật đáng thương ! Chốt lại , cờ bạc là mối nguy hiểm mà tất cả học sinh chúng ta phải tránh . Hãy vì tương lai tương đẹp của mỗi chúng ta .
   Không dừng lại ở đó , cờ bạc như một con sâu đục khóet xã hội . Khiến cho an ninh, trật tử, quốc phòng bất ổn. Để thõa đựoc sự ham múôn , cám dỗ , con bạc không từ một thủ đoạn, hành vi trộm cắp, giết người nào để có tiền cờ bạc . Không chỉ thế, nhà nước, xã hội còn phải tốn tiền để tổ chức lực lượng phòng chống và giải quyết những thiệt hại do người nghiện bạc gây ra. Mất tiền xây dựng các trại cải tạo, giáo dục, điều trị cho người nghiện. . Rồi các núơc láng giềng sẽ nghĩ sau về đất nứớc ta , điều đó quả thật là một thiệt hại rất lơn cho nền kinh tế nước nhà .
   Nhưng các bạn đừng lo, nếu chúng ta biết cách phòng chống thì  những mối nguy ngại trên sẽ được giải quyết, sẽ  không còn tệ nạn cờ bạc nói riêng và tệ  nạn xã hội nói chung. . Mỗi người phải có trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho người thân mình sự nguy hiểm của bài bạc để không ai bị chết vì thiếu hiểu biết. Luôn tránh xa với cá độ , bài bạcbằng mọi cách, mọi người nên có ý thức sống lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, luôn tỉnh táo, đủ bản lĩnh để chống lại mọi thử thách, cám dỗ của xã hội .
   Cờ  bạc quả là một con quỷ khủng khiếp nhất của gia đình và xã hội, còn hơn cả bệnh tật và đói khát. Chúng ta vẫn có thể phòng trừ nanh vuốt của con quỷ dữ này. Mỗi chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chung tay ngăn chặn nó, mở rộng vòng tay đỡ lấy những người nghiện, đừng để họ lún quá sâu vào bóng tối. Đặc biệt là học sinh chúng ta phải kiên quyết nói không với baì bạc , xây dựng một mái trường, một xã hội thân thiện
 

Thực hiện Nội quy

Tên: Dương Nguyễn Hoàng Duyên 
Lớp 10A8
                              Bài viết số  1: Văn nghị luận xã  hội
Đề: Suy nghĩ và hành động của anh/chị về nội quy trường học : “Toàn thể học sinh trường THPT Võ Thị Sáu phải nghiêm túc chấp hành đúng nội quy của nhà trường”
                                    Bài làm
   Chúng ta đang sống trong Thế kỉ XXI – thế kỉ của sự văn minh, tiến bộ vượt bậc của loài người , thế kỉ của công nghiệp hóa – hiện dại hóa. Chúng ta cũng dần hòa nhập với những bôn ba, phù hoa của thế giới ngày nay. Bên cạnh đó. Để hình thành nên những mối quan hệ tốt đẹp, ta còn cần phải biết tạo cho ta một lối sống nền nếp. Vậy để có thể tạo nên lối sống ấy, ta cần phài làm gì? Đó là ta phải nghêm túc chấp hành những nội, những luật lệ được đặt ra ngay khi còn bé.
    Xã hội là một thể thống nhất, trong xã hội những gia đình là những thành phần nhỏ hình thành nên xã hội đó, vậy những gia đình ấy tốt hay xấu đều có ảnh hưởng đến bộ mặt của xã hội nói chung nhất.Dân gian xưa có câu: “Dạy con tử thưở còn thơ “ Quả không sai, muốn tập cho mình một lối sống có nề nếp, ta cần tập từ nhỏ. Đối với việc học tập, ta cần chấp hành tốt các các nội quy của nhà trường một cách nghiêm túc. Có người hỏi rằng “nghiêm túc là sao?” Cũng xin thưa “ Nghiêm túc có nghĩa là thực hiện đúng, thực hiện tốt và đủ các nội quy đã được đặt ra. Đó cũng không theo nghĩa là cần thực hiện đúng trước mặt thầy cô rồi sau đó thực hiện trái lại, không tôn trọng nội quy.
Trường Võ Thị  Sáu chúng ta đã đặt ra những nội quy phù hợp với mọi thời điểm. Tuy có những điều hơi nghiêm khắc nhưng nó lại có ích cho chúng ta trên đoạn đường dài phía trước. Một số nội quy của trường chẳng hạn như: “Học sinh phải kính trên nhường dưới, không vô lễ với thầy cô” hay “ Học sinh cần thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh” Những việc trên giúp ta tao nên nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng ngay từ bây giờ. Đồng thời ta cũng có thể sử dụng những nội quy này như một kim chỉ nam giúp đỡ ta trên đường đời nhiều gian nan vì không phải lúc nào phía trước ta cũng là một thảm hoa đầy màu sắc thành công. Đi học trễ là một trong những lỗi mà các bạn học sinh trẻ ngày nay hay mắc đến, dù chỉ là một lỗi nhỏ nhưng nó đánh giá khách quan về lối sống của một học sinh, nó thể hiện rõ cái tính của bạn học sinh nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Ai dám nói rằng “Tôi chưa bao giờ đi học trễ hay đi làm trễ dù chỉ một lần” Quan trọng hơn nó tuy là một việc nhỏ nhưng ngăn cản sự phát triển của đất nước ta. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng bạo lực học đường cũng là một trong những vấn đề nóng bỏng và đáng quan tâm.Đó là mối lo ngại của phụ huynh, nhà trường và những người xung quanh.Bộ giáo dục, trường Võ Thị Sáu cũng như các trường khác cũng đã đặt ra những điều luật hẳn hoi về điều này.Nhưng “đặt ra thì vẫn đặt đấy, ta thì ta cứ đánh nhau rầm rầm”Hình ảnh các bạn học sinh đánh nhau trên mọi quãng đường là điều thường thấy và nó không còn là việc hiếm hoi nữa. Tuy nhiên, một ngôi trường cũng có thành phần xấu và tốt.Cũng có rất nhiều bạn thực hiện rất nghiêm túc các nội quy của nhà trường, là những công dân tốt cho đất nước mai sau. Vì thế những bạn học sinh không tuân thủ những nội quy cần được xử phạt một cách hợp lí với từng “ thể loại” mắc phải.Chấp hành tốt các nội quy nhà trường là nấc thang để ta chấp hành tốt các luật lệ mà công ty hay cao hơn là nhà nước đặt ra.
    Tóm lại, muốn có một lối sống nề nếp, muốn là một công dân tốt, muốn là người được mọi người yêu quý, tin tưởng , ngay từ bây giờ ta phải chấp hành nghiêm túc những nội quy mà nhà trường đã đặt ra.Việc chấp hành nghiêm túc những nội quy ấy cũng là hành trang tạo lập cho ta những kĩ năng sống tốt trong đoạn đường dài mai sau.

Tôn sư trọng đạo

Nếu có hình trong tệp đính kèm này, hình này sẽ không được hiển thị.  Tải xuống tệp đính kèm gốc
Họ và tên : Huỳnh Yến Nhi                             Lớp 10a8
Nhóm 4 đề 9
      Đề bài : Suy nghĩ của anh chị về truyền thống tôn sự trọng đao của dân tộc ta
                                     Bài làm 
      “ Tôn sự trọng đạo”,một truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay.Quả thật vậy,truyền thống đó dần trỡ thành một phẫm chất tối thiểu nhất mà mỗi người trong chúng ta cần phãi có.
      Ông cha ta ngày xưa dạy chúng ta câu tôn sư trọng đạo nhầm nhắc nhỡ chúng ta phãi biết tôn trọng kình yêu những người đã dạy dỗ mình,không chỉ là người thầy mà còn là những bậc cha me,những người đã dạy chúng ta,dù  ít dù nhiều chúng ta vẫn phãi giữ đúng tinh thần đó,như người xưa có câu: “Nhất tự vi sư,bán tự vi sư”.Từ khi còn trong nôi ai cũng được nghe lời ru: “ Muốn sang thì bắc cầu kiều.muốn con hay chữ phãi yêu lấy thầy” và càng ngày càng ngày lời ru đó cầng thấm nhuần sâu vào tâm trí của mỗi chúng ta rằng vai trò vị trí của người thầy rất quan trọng: “ Không thầy đố mày làm nên”.Qua đó cho ta thấy rằng người thầy dạy dỗ ta cũng có thễ ví như là những bậc sinh thành,vần được nhớ ơn,công lao dạy dỗ chúng ta,bỡi vì lẽ đó nhân gian có câu: “ Mùng một tết cha,mùng hai tết mẹ,mùng ba tết thầy”.Vậy đối với đầng sinh thành ra chúng mình,mình đã kính trọng,thương yêu biết bao nhiêu thì đối với những người đã dạy dỗ chúng ta,chúng ta cũng phãi có thái độ như vậy.
      Mối quan hệ thầy trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xữ của cũa dân tộc Việt Nam.Tinh thần tôn sư trọng đạo không chỉ là vấn  đề về đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp,vô cùng quý  giá mà chúng ta cần phãi gìn giữ.Cũng như  dân tộc ta có những ngày nhớ ơn cha mẹ,thì  ta cũng có ngày nhớ ơn người thầy,đó là  ngày hai mươi tháng mười một,ngày nhà giáo Việt Nam,là  dịp đễ chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và sự kính yêu của mình bằng những lời cãm ơn,những món là nhõ bé chứa đựng tình cãm của chúng ta dành cho thấy cho cô.Tuy trong xã hội hiện nay,người thầy không còn ỡ một vị trí cao tuyệt đối nữa như xưa nữa,nhưng họ vẫn là những người được xã hội tôn trọng vì nghề dạy học được là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý,những người thầy người cô bõ biết bao công sức,tấm huyết cho những em học trò tựa nhưng đàn con nhỏ yếu dấu ruột thịt của mìnhcho dù trên lưng họ đang mang những gánh nặng,những lo toan mưu sinh trong cuộc sống,họ vãn dành thời gian,nghiền ngẫm nhưng bài dạy,làm giáo án,suy nghĩ phương thức giãng dạy như thế nào đễ học trò có thê nắm bắt tất cã bài học.Là bổn phận học sinh,chúng ta cần phãi giữ đúng tinh thần tôn sự trọng đạo
      Cho đến bây giờ,truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn còn giữ nguyên đươc giá trị của nó,còn rất nhiều học trò ngoan ngoãn học tập,chú ý lắng nghe những gì thầy cô giãng,giữ đúng đạo làm trò,luôn lễ phép không làm uỗng công sức của người thầy.Như gương ông Phạm Sư Mạnh,một người học trò giỏi của thầy Chu Văn An,cho dù đã đỗ đạt làm quan to chức lớn,địa vị xã hội lớn hơn thầy mình rất nhiều nhưng ông vẫn rất lễ phép với thầy,khi về thăm thầy,ông cho lính ngựa đứng ngoài đầu ngõ,ông đi bộ vào nhà thầy và quỳ xuống lạy thầy.Thật là một tầm gương sáng để chúng ta noi theo.Nhưng bên cạnh đó,vẫn còn rất nhiều không làm tròn bổn phận học sinh,tỏ ra coi thường công sức của người thầy miệt mài ngày đêm để có được bài giảng cho mình,xúc phạm thầy cô và làm thầy cô buồn long.Thật đáng chê trách!
      Vì  vậy những ai đang là học sinh đang ngồi trên ghê  nhà trường ,hãy thể hiện tinh thần tôn sự  trọng đạo nhiều hơn nữa,cố gắng làm thây cô vui lòng.Còn đối với những ai từng làm thầy cô buồn long,hãy cố gắng sửa sai bằng việc học thật tốt,để không phụ lòng thầy cô.
      Hãy giữ nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc,hãy biết ơn những người đã dạy cho ta nhưng bài học hay,cũng như những bậc cha mẹ  nuôi nấng cho chúng ta ăn học nên người.Người thầy người cô luôn là một tấm gương đề chúng ta học hỏi,noi theo.Đồng thời là những người bỏ biết bao công sức để truyền đạt kiến thức cho ta mà  không hề than trách như lời một bài hát:
                  “ Khi thầy viết bảng
                    Bụi phấn rơi rơi
                    Có hạt bụi nào
                    Rơi trên bục giảng
                    Có hạt bụi nào
                    Vương trên tóc thầy”.
          

Kính thầy - Yêu bạn

Trương Thị Hồng Thảo     Lớp: 10A8 (2011-2012)
 Đề: Suy nghĩ và hành động của anh/ chị về nội qui trường học: “ Học sinh phải kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh.
Bài làm
 Trong xã hội hiện nay, học sinh chính là những mầm non tương lai của đất nước. Đất nước muốn phát triển tốt thì phải cần những khởi đầu vững chắc, vì thế việc học là rất quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, để là một học sinh tốt trước hết chúng ta phải biết kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phuc gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với lứa tuổi học sinh.
 Vậy thế nào là kính thầy yêu bạn? Kính là tôn trọng, lễ phép với thầy cô và người lớn tuổi. Thầy là người đóng vai trò chủ đạo trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của học sinh. Số lượng trường lớp ngày càng tăng là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho vị trí của người thầy trong cuộc sống. Yêu bạn là quí mến bạn bè, biết sẻ chia trong những lúc khó khăn. Biểu hiện của kính thầy yêu bạn là những việc làm như lễ phép chào hỏi thầy cô hoặc người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè, cho bạn mượn bút, nụ cười sẻ chia khi bạn đạt kết quả cao trong học tập. Còn thực hiện nếp sống văn hóa là gì? Đó là nói năng đúng mực, lễ phép, không thô lỗ cộc cằn, không nói tục, chửi thề. Biết giữ gìn vệ sinh chung, ăn mặc đúng qui định, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh.
Những nội qui nhà trường đưa ra thật đúng đắn. Thử nghĩ xem nếu như một trường học mà những học sinh đều ngoan hiền, lễ phép thì sẽ như thế nào? Ví dụ như những trường Võ Thị Sáu, Gia Định,...Các bạn học sinh đều biết kính trọng thầy cô, người lớn tuổi, mặc những bộ đồng phục sạch sẽ tinh tươm. Những hình ảnh đó thật đẹp biết bao nhiêu. Vậy học sinh chúng ta phải thực hiện tốt nội qui nhà trường vì những điều đó là cần thiết và tốt cho chúng ta.
Nhưng bên cạnh đó, có nhiều trường học không quan tâm đến những vấn đề trên, học sinh cũng không để ý đến bảng nội qui. Chẳng hạn như những trường GDTX, bổ túc văn hóa... Các bạn học sinh hầu hết đều nói tục, chửi thề, một số trường hợp quậy phá thầy cô, hút thuốc trong giờ học... Những trường hợp ấy thật đáng trách và phê phán.
Là học sinh, em và những bạn khác sẽ cố gắng thực hiện tốt nội qui nhà trường, nhận ra được tác hại nếu như không thực hiện những điều đó. Riêng bản thân em, em sẽ có những phương hướng hành động đúng đắn để không vi phạm nội qui nhà trường.
Việc kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh là rất đúng đắn. Chúng ta phải thực hiện cho tốt bởi vì đó không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của học sinh.