20 thg 10, 2011

Thời sự và Suy nghĩ : BỆNH VÔ CẢM


Bệnh vô cảm: kết quả lối sống thực dụng thời hiện đại

Bé 2 tuổi ở Trung Quốc đã qua đời rạng sáng nay sau nhiều ngày nguy kịch vì bị 2 xe tải đâm. Chuyện xảy ra ở nước ngoài, nhưng không ít người Việt Nam bức xúc nhìn lại thực tế "bệnh vô cảm lan tràn trong xã hội hiện nay".
Bệnh 'sống chết mặc bay' của người thành thị

"Tôi vừa mới làm cha được một tháng nay, thật sự xem xong tin bé 2 tuổi Yue Yue ở Trung Quốc bị 2 xe tải đâm nằm 7 phút trên đường mà không ai chịu cứu giúp, tôi không cầm được nước mắt... Sao tài xế có thể làm như vậy, người đi đường thì quá vô tâm?", một độc giả chia sẻ với VnExpress.net.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Bình cũng bày tỏ: "Sự việc trên cho thấy con người ngày càng vô cảm trước đau khổ của đồng loại". Cùng nhiều độc giả khác, anh Bình hết lời ca ngợi người phụ nữ nhặt rác đã bế đứa bé bị nạn vào bệnh viện. "Trong cái xã hội này hình như có mỗi bà ấy mới thực sự là 'người'", anh viết.
Mẹ của em bé 2 tuổi khóc thảm khi . Ảnh: oriental daily news
Mẹ của em bé 2 tuổi Yue Yue khóc thảm khi biết tin con mình bị nạn. Ảnh: oriental daily news
Câu chuyện bi đát xảy ra ở nước láng giềng cách đây 4 ngày cũng làm chấn động lương tâm của nhiều người, và là đề tài "hot" thu hút hàng triệu người quan tâm trên các diễn đàn mạng. Nhiều topic được lập ra để bàn về "lương tâm và bệnh vô cảm". Đa phần các thành viên diễn đàn đều lên án thái độ vô cảm của gần 20 người qua đường trong vụ bé Yue Yue, trong khi một số khác lo ngại về sự xuống cấp đạo đức đang ngày càng lan tràn trong xã hội hiện đại
Từng là nạn nhân sự vô cảm trong cộng đồng, anh Tuân (quận 3, TP HCM) kể, hôm ấy khoảng 21h tối trên đường đi làm về, anh bị một gã say rượu đâm vào khiến cả hai cùng bị thương rất nặng, người bê bết máu. Mặc dù đoạn đường có nhiều người qua lại, nhưng ngoài một cô gái và bà cụ tốt bụng tận tình nhặt dùm đồ đạc rơi ra rồi đứng chặn để bảo vệ hai nạn nhân bê bết máu, còn hầu hết những người khác chỉ dừng lại, đứng nhìn với thái độ tò mò rồi bỏ đi.
Cũng bức xúc trước của thái độ vô cảm của người khác, chị Mai Hoa kể một lần trên đường đi về nhà, tay lái xe của chị bị sọt chở gà của người đi phía sau đang cố vượt lên móc vào. Hai chị em Hoa bị ngã đập đầu xuống đường. "Ấy vậy mà người đi đường cứ như không thấy gì, mặc kệ hai chị em nằm còng queo và vẫn còn bị xe đè lên người đến 10 phút. Cũng may khi đó không có xe tải nào phía sau chứ không thì chị em tôi giờ chắc đi gặp các cụ tổ rồi", chị nói.
Trên đường phố Sài Gòn ngày này, vẫn còn rất nhiều những cách hành xử vô tâm theo kiểu nhìn cụ già không dám đi qua đường vì xe cộ đông mà không giúp; thấy một phụ nữ loay mãi không lấy được xe máy từ bãi gửi xe, các cậu thanh niên đi qua lại vẫn trơ trơ; hay tà áo dài của cô gái bị cuộn vào bánh xe trở thành trò đùa chỉ trỏ nhau của giới trẻ cho đến khi cô ngã đập mặt xuống đường…
Như một trường hợp xảy trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Hôm ấy một người mua nhớt dạo chở ngang đường làm đổ nhớt. Thay vì tìm cách cảnh báo người đi đường, hoặc dùng cát lấp đống nhớt, một nhóm thanh niên ngồi uống nước ở vỉa hè lại dửng dưng ngồi chờ xem người chạy xe máy cán qua nhớt trượt ngã để phá lên cười.
Bức xúc trước hành động vô tâm, một phụ nữ sau khi bị trượt ngã đã đến công an phường để trình báo. Tuy nhiên khi các nhân viên dân phòng đến để lấp cát và nhắc nhở, nhóm thanh niên phân bua: “Chúng tôi có tội gì đâu, tại thấy người ta tự nhiên chạy rồi ngã nên cười thôi”.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ thờ ơ và căn bệnh vô cảm, song nhiều nhất vẫn là “không phải không muốn giúp nhưng sợ giúp rồi lại mang họa vào thân”.
“Thứ nhất mình không có thời gian, thứ hai dính vào các vụ tai nạn không khéo bị công an mời lên mời xuống, có khi còn bị nghi thủ phạm gây tai nạn nên tốt hơn hết là không liên quan”, anh Hòa, một người từng bị bảo vệ bệnh viện giữ lại sau khi đưa người vào cấp cứu nói.
Trò chuyện với VnExpress.net về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh, giảng viên học viện Hành chính TP HCM cũng nhìn nhận căn bệnh vô cảm đang ngày càng lây lan rộng rãi trong xã hội loài người.
Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ lãnh đạm của một người khi chứng kiến bi kịch của đồng loại. Đó có thể là cảm giác sợ hãi và sợ trách nhiệm liên đới; hoặc không biết và không được dạy làm thế nào để giúp người bị nạn nên bỏ đi; có thể họ quá bận rộn với công việc và nhịp sống hối hả; cũng có thể do chứng kiến nhiều vụ lừa đảo (cố tình dàn cảnh tai nạn để lừa người qua đường)... Cho nên đôi khi thái độ thờ ơ trong những tình huống này thể hiện sự phòng vệ bị động của con người.
Theo bà Minh, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày ăn sâu vào văn hóa tinh thần của xã hội. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.
"Dường như chữ 'nghĩa' trong xã hội đang dần mất đi nên con người hiện đại chỉ biết sống vì mình, không còn dám hy sinh và sống có trách nhiệm với đồng loại. Chính thay đổi đó đã đẩy con người về hai thái cực: hoặc thờ ơ lãnh cảm với sự an nguy của đồng loại hoặc trở nên quá nhạy cảm và sợ hãi khi lợi ích cá nhân bị đe dọa", giảng viên này nói.
Vì thế để chữa căn bệnh vô cảm đang ngày lan tràn xã hội, nhất là với giới trẻ, bà Minh cho rằng phải làm sống dậy trong con người những giá trị của lương tâm, tình yêu thương bản thân và đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng phòng vệ và phản ứng thế nào trong những tình huống có thể gặp phải.
"Mặc dù mục tiêu trên đã được ngành giáo dục xác định rất rõ ràng, song hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt được", bà Minh nói.
Thiên Chương - Thi Ngoan

1 nhận xét:

  1. người nước ngoài đã vậy người VN mình ko nên như vậy đc

    Trả lờiXóa