2 thg 10, 2011

"Kẻ dở hơi" hay người có Lý tưởng - Sống đẹp


“Kẻ dở hơi nhất Hà Nội”
Không ít người gọi Tạ Ngọc Vân là “kẻ dở hơi nhất Hà Nội”. Nhưng cái dở hơi ấy thật đáng trân trọng và có ích cho đời...
“Người ta nói với tôi: anh không thể đưa hết các em thoát khỏi đường hầm tối đâu. Tôi trả lời rằng: tôi có thể chỉ giúp được một em trong một ngàn, thậm chí mười ngàn em đang phải sống cuộc đời bất hạnh vẫn còn hơn là không được một em nào cả”, sáu năm trước, theo Tạ Ngọc Vân đi giúp trẻ không gia đình ở gầm cầu Long Biên, tôi đã nghe tâm sự này. Và sáu năm sau, tôi vẫn gặp Vân lang thang ở những xó xỉnh tối tăm đó.

Trong một đêm đông rét buốt, tôi nằng nặc xin theo chân “kẻ dở hơi nhất Hà Nội” để đi tìm giúp những đứa trẻ không nhà đang co ro chui rúc dưới gầm cầu Long Biên. Loáng một chốc đã thấy anh tìm đến đúng cái hốc dầm cầu có mấy đứa trẻ đang co ro cách dưới bánh xe lửa chỉ vài tấc.

“Sơn phải không? Tí hả? Lại mò ra ngoài này à? Thôi, về chỗ anh đắp chăn ngủ đi. Rét thế này ngày mai lại ốm cho mà xem!”. Tôi bất ngờ vì thấy Vân sành sõi khu vực này như nhà mình. Anh bảo: “Tôi cũng từng lang thang nhiều đêm ngoài này để hiểu và làm thân với các em mà. Chính vì vậy có người mới gọi tôi là thằng dở hơi. Còn tôi chỉ dám nhận mình là một trong rất nhiều người dở hơi thôi”...

Tạ Ngọc Vân (mặc áo phao) trong một chuyến cứu trợ trẻ em vùng lũ.

Cuộc giải thoát ở “phố đèn đỏ”

Biết Tạ Ngọc Vân từ dạo ấy và đã nhiều lần cùng anh đi tìm giúp các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng lần nào gặp nhau Vân cũng làm tôi bất ngờ. Hai năm trước, cũng một chiều mùa đông mưa phùn, Vân vội vã đón xe lên Lạng Sơn.

Anh chỉ kịp báo vội cho mấy người bạn ở Trung tâm thiện nguyện Rồng Xanh tại Hà Nội đã từng cưu mang những đứa trẻ anh giúp đỡ, là mình phải lên biên giới gấp để giải thoát cho mấy em gái bị dụ dỗ qua biên giới làm gái mại dâm.

Lên Lạng Sơn nửa đêm, anh vạ vật chờ trời sáng làm thủ tục qua ngay khu “chợ người” Pò Chài bên kia biên giới để tìm các em gái kém may mắn. Chiều hôm trước, có một bác nhặt rác ở gần nhà đến tìm Vân rồi vừa khóc vừa cầu xin anh giúp đỡ đưa con gái mình từ Pò Chài về.

Em gái này mới 14 tuổi, bị lừa đi biệt tích suốt hơn nửa năm. Bất ngờ cách đây vài hôm, em gọi điện về cầu cứu cô giáo vì gia đình không có điện thoại. Em khóc lóc báo mình đang bị ép phải “làm việc” ở nơi hay nghe khách chơi bời gọi là Pò Chài. Cô giáo báo ngay lại gia đình. Nhưng cha mẹ em ốm đau, mù chữ, phải nhặt rác kiếm sống nên cũng chẳng biết làm thế nào để cứu con. May mắn là người cha biết Vân hay giúp đỡ trẻ nhặt rác nên đến cầu khẩn anh.

Vân lập tức vào cuộc. Anh hỗ trợ gia đình viết đơn trình báo công an. Riêng anh lên biên giới ngay vì sợ em bị đưa sâu vào nội địa, không thể tìm được, đặc biệt chuyện em lén gọi về VN nếu bị chủ chứa phát hiện sẽ nguy hiểm cả tính mạng. Làm thủ tục qua biên giới bên Trung Quốc xong, Vân giả vai khách chơi bời vào “phố đèn đỏ” Pò Chài. Cuối cùng anh cũng tìm được người cần tìm: em gái đang ngồi co ro đợi khách trước một căn phòng tối tăm như hang chuột.

Giả vờ “ưng ý” em này, Vân ỏng eo chê dơ với chủ chứa và đòi đi khách sạn. Thấy khách sộp, chủ chứa đồng ý với điều kiện Vân phải “bao” luôn hai em vì một em đi riêng không an toàn. Vân mừng rỡ đưa luôn hai em gái lên taxi, giả vờ vòng vèo tìm khách sạn nhưng anh cố ý đến gần biên giới. Phát hiện bất thường, chủ chứa cho mấy tay dao búa phóng xe đuổi theo. Vân buộc phải kêu người lái taxi chạy thẳng vào đồn công an Trung Quốc.

Rất may cho Vân, khi nghe anh trình báo cụ thể sự việc bằng tiếng Anh, công an Trung Quốc báo với biên phòng VN để chuẩn bị hỗ trợ thủ tục đưa các em về nước và lập ngay tổ khẩn cấp đi bắt chủ chứa này. Đi theo giúp đỡ thông dịch, Vân dẫn được tất cả sáu em gái trong động này về nước khi chủ chứa bị bắt. Những nghẹn ngào tủi hờn bị kìm nén lâu nay của các em gái bất hạnh vỡ òa thành tiếng khóc ngay bước chân đầu tiên trở lại quê hương. Vân cũng vui lắm! Nhưng sau đó anh buồn đến mất ngủ khi biết một em gái trong số đó đã phải mang căn bệnh thế kỷ...

Vân huấn luyện kỹ năng sống cho các em nhỏ.

Đốt lên một que diêm...

Gần đây, tình cờ tôi gặp Vân lang thang với đám trẻ ở Huế. Vân khoe: “Bây nhiêu đây đủ làm bóng đá nhí không anh?”. Thì ra Vân đang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và chính quyền các xã ở tỉnh này để giúp trẻ bị bóc lột lao động sớm được về nhà đi học lại.

Một số cán bộ hiểu chuyện giúp đỡ Vân, nhưng không ít người nói thẳng: “Anh đang húc đầu vào đá. Trẻ nghèo phải sớm ra đời kiếm sống đầy xã hội. Sức anh chỉ như con nhái lao đầu vào vách núi thôi”. Vân cười và vẫn lặng lẽ làm. Anh vào tận các xưởng may gia công ở TP.HCM để thuyết phục các em nhỏ về nhà đi học lại. Học phí, ăn uống, sinh hoạt mỗi tháng có các mạnh thường quân chia sẻ. Nhiều lần anh bị chủ xưởng hăm đánh, vu khống là kẻ buôn người.

Có lần một chủ xưởng may tại quận 12, TP.HCM đã cầm hung khí hành hung Vân. Bình tĩnh, anh thuyết phục họ: “Việc tôi làm đúng luật pháp. Trước khi đến đây tôi đã báo chính quyền biết. Còn các anh đang sử dụng trẻ 11, 12 tuổi làm việc ngày đêm là trái luật. Các anh sẽ phải chịu trách nhiệm”. Lúc đầu họ vẫn hung hăng đòi “đập chết thằng phá đám”. Nhưng rồi họ cũng xuôi lòng khi Vân chuyển sang tình cảm: “Các anh là đồng hương, thậm chí cùng dòng họ với các em. Mai này đời các em chịu thiệt thòi, bất hạnh, các anh sẽ ăn nói thế nào với cha mẹ các em và chính các em?”.

Cuối cùng, Vân đã dẫn an toàn được 15 trẻ từ 11-14 tuổi phải lao động sớm trở về quê nhà ở Huế để đi học lại. Có lần tôi gặp chị Nguyễn Thị Luyến ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế có con là bé Ky đang học lớp 3 phải bỏ vào TP.HCM lao động sớm. Chị Luyến xúc động kể: “Lúc đầu, tôi nghe Vân nói dự án giúp trẻ đi học lại, thật lòng cũng băn khoăn. Nhưng khi Vân thuyết phục: bây giờ Ky đi học lại có thể thiếu thốn một chút nhưng mai này em sẽ không phải khổ cả đời thì tôi đồng ý. Và càng nghĩ tôi càng thấy đúng. Tương lai con cái sẽ ra sao nếu cha mẹ vì chút tiền mồ hôi nước mắt tuổi thơ hôm nay của chúng?”. Từng lăn xả thực hiện nhiều dự án giúp trẻ bất hạnh, nhưng Vân tâm sự với tôi chương trình giúp trẻ lao động sớm được đi học lại là tâm huyết nhất của anh với gần 100 trẻ đã trở về nhà.

Sau kinh nghiệm ban đầu, Vân mời đại diện chính quyền, hội đoàn địa phương cùng đi thực tế các em bị bóc lột sức lao động để sau khi mắt thấy tai nghe, chính họ sẽ cất tiếng nói quan trọng giúp các bậc cha mẹ không đẩy con em phải nghỉ học, lao động sớm. Trong một lần gặp ở Huế, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên-Huế Trần Xuân Phát đã tâm sự với tôi: “Lúc đầu tôi chưa hiểu Vân có làm nổi không. Nhưng khi theo Vân vào TP.HCM, tận mắt chứng kiến mồ hôi nước mắt các em nhỏ, tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa, nên được nhân rộng để góp phần giải quyết tình trạng trẻ lao động sớm”.

Những nỗ lực của Vân đã được các tổ chức vì trẻ em trong nước và quốc tế trân trọng ghi nhận. Vừa rồi, anh được một trường đại học ở Boston, Mỹ cấp học bổng thạc sĩ về phát triển xã hội bền vững. Anh đã làm nhiều người xúc động khi nói: “Có thể tôi chỉ đốt được một que diêm thắp lên ánh sáng cho các em không may mắn. Nhưng tôi có niềm tin rằng ánh sáng nhỏ bé của tôi sẽ khơi gợi cảm hứng cho hàng trăm, hàng ngàn que diêm khác cùng bùng lên để làm rực sáng nụ cười hạnh phúc của các em ...”.

Hôm nay, lại chuẩn bị chia tay Vân để anh qua Mông Cổ tham dự tiếp một lớp tập huấn giúp đỡ trẻ em nghèo, tôi bắt tay, chúc chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết: “Cứ tiếp tục làm kẻ dở hơi, bạn nhé”.

Chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ có thế?

Đêm đông đầu tiên tôi lang thang với Vân ở cầu Long Biên, người thanh niên sinh năm 1982 đầy ắp nhiệt huyết này đã tâm sự: “Lúc bước vào cổng trường đại học luật, tôi chỉ mơ mình lấy bằng tốt nghiệp, được đi làm đúng nghề, có xe, có nhà ở Hà Nội là mãn nguyện rồi. Nhưng khi đã đi học, biết chút kiến thức để giúp đỡ trẻ bất hạnh đường phố, tự nhiên tôi thấy ước nguyện đó thật ích kỷ. Nếu chỉ sống cho riêng bản thân thì làm nông dân hay đi nhặt rác cũng có cái bỏ vào miệng mà. Chẳng lẽ cuộc đời ngắn ngủi của mình chỉ có thế?”.

Vân không muốn nói nhiều về lý tưởng, nhưng tôi hiểu Vân đã đau đáu với suy nghiệm đó trên đường đời. Ra trường, anh không vội vã tìm việc làm kiếm tiền mà gắn bó với các chương trình hỗ trợ trẻ em khó khăn. Tổ chức giúp đỡ trẻ em khó khăn Rồng Xanh ở Hà Nội biết nhiệt huyết của Vân đã mời anh về để có điều kiện làm việc vì cộng đồng tốt hơn.
  
Theo Quốc Việt
Tuổi trẻ

3 nhận xét:

  1. Cổ tích về “cô bé bán khoai”

    1. Hè 1998. Câu chuyện về Trần Bình Gấm giống như một câu chuyện cổ tích, cổ tích về cô bé bán khoai đậu ba trường đại học khi gia đình gần như đã kiệt quệ: người cha mất, năm đứa con nhỏ, người mẹ bị nợ đuổi, hăm dọa.

    Gấm phải dắt díu các em chạy trốn và lặng lẽ vượt qua tất cả.

    Điều kỳ diệu bắt đầu từ đó. Hàng chục, rồi hàng trăm tấm lòng từ khắp trong và ngoài nước đã tìm gặp và chia sẻ khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh lấy làm tấm gương để giáo dục con cái; nhiều bạn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước đã viết thư kết bạn cùng Gấm...

    Câu chuyện cổ tích giữa đời thường là như vậy.

    2. Hè 2005. Bảy năm trôi qua. Em, cô bé bán khoai ngày nào giờ đã là bác sĩ. Ngày tốt nghiệp đại học (cuối năm 2004), tay cầm tấm bằng, xúng xính trong bộ lễ phục, Gấm gầy nhưng chững chạc hơn và nét mặt rạng ngời hạnh phúc.

    Ngày tốt nghiệp của Gấm không có sự chứng kiến của cha, thiếu cả một vòng tay âu yếm sẻ chia của mẹ, của chị bởi cũng vì những lý do cũ lặp lại mà mấy năm nay Gấm đã phải vừa đi học vừa dạy kèm, làm thêm, thay thế mẹ cha gánh vác chuyện gia đình, kèm cặp ba đứa em để đứa thành sinh viên đại học, đứa học trung học...

    Con đường đi tìm hạnh phúc và sự khẳng định của Gấm rõ ràng không trải những hoa hồng... Nhưng tôi hiểu: cả một vườn hồng yêu cuộc sống đã rực lên trong trái tim cô bé bán khoai ấy cho đến tận hôm nay...

    (theo TT)
    Việt Báo (Theo_24h)

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện cổ tích mang tên Nguyễn Hữu Ân
    (Dân trí) - Đến khoa Nội Bệnh viện Ung bướu TPHCM hỏi Nguyễn Hữu Ân thì từ bệnh nhân đến bác sĩ ai cũng biết. Bởi ở chàng trai ấy, nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi, đành gạt nước mắt để tiếp tục chăm sóc cho người mẹ nuôi mới nhận trong thời gian chăm sóc mẹ ruột.
    Sinh ra ở vùng quê nghèo Đông Hà, Quảng Trị. Lớn lên trong cảnh ly tán của gia đình. Cuộc sống nghèo khó, không đủ nuôi năm người con ăn học. Cha mẹ phải gửi các con tứ tán mỗi đứa một nơi. Riêng út Ân được cha mẹ gửi làm công quả ở chùa trên tận miệt Đơn Dương - Bảo Lộc.

    Ngày tốt nghiệp lớp 12, cũng là ngày mẹ ruột phát bệnh ung thư. Ân phải tức tốc khăn gói xuống Sài Gòn để ôn thi đại học và cũng tiện để chăm sóc mẹ. Số tiền 4 triệu mà cả nhà phải chạy đôn chạy đáo vay mượn mới hơn tháng đã hết sạch.

    Tiền chỉ để mua thuốc, nên hai mẹ con phải sống qua ngày dựa nhờ vào những chén cơm từ thiện của bệnh viện. Một buổi đi học, một buổi vào viện chăm sóc mẹ. Bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của mình, Ân đã chăm sóc mẹ ruột bị bệnh ung thư trong Bệnh viện Ung bướu suốt mất tháng trời.

    Những ngày chăm sóc mẹ trong bệnh viện, Ân có dịp chứng kiến bao cảnh đời cơ cực, bất hạnh. Nằm chung phòng với mẹ, có một bệnh nhân mà hoàn cảnh cũng đáng thương tương tự, đó là bà Nguyễn Thị Phẳng quê ở Buôn Mê Thuột. Bà cũng bị bệnh ung thư nhưng ngặt nghèo hơn khi nằm đây đã sáu năm rồi mà chưa bao giờ thấy con cái, người nhà đến thăm hoặc chăm sóc.

    Cũng như mẹ con Ân, ngoài chế độ chữa bệnh miễn phí cho người nghèo mà bà được hưởng, hằng ngày bà cũng phải sống dựa vào những chén cơm từ thiện của bệnh viện. Cảm thông trước hoàn cảnh trớ trêu của bà Phẳng, hằng ngày bên cạnh việc chăm sóc cho mẹ, Ân còn kết hợp chăm lo cho bà Phẳng.

    Lúc đầu chỉ là những công việc phụ như mang nước, lấy cơm, nhận thuốc… sau đó em còn thay đồ, rồi giặt quần áo cho bà. Những hôm trở trời, bà Phẳng không ngủ được, Ân lại thức suốt đêm để quạt, săn sóc cho bà như con ruột.

    Chăm sóc mẹ được sáu tháng thì căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất mẹ của Ân. Trước lúc nhắm mắt, người đàn bà bất hạnh nhân hậu đó đã trăn trối lại cậu con trai nhỏ của mình là hãy cố gắng chăm sóc bà Phẳng, và nhận bà Phẳng làm mẹ, để khi bà có vĩnh viễn ra đi thì vẫn có một người mẹ nữa để chăm sóc, để có dịp gọi tiếng mẹ thiêng liêng như bà vẫn đang ở cạnh con như ngày nào…

    Ghi tạc lời mẹ dặn, Ân gạt nước mắt để chăm sóc cho người mẹ thứ hai của mình. Vừa học ôn thi đại học, vừa chăm sóc mẹ nuôi ở bệnh viện. Hai mẹ con cũng nương dựa vào những bữa cơm từ thiện để sống qua ngày. Yêu thương và chăm sóc như mẹ ruột của mình, Ân luôn làm tròn nhiệm vụ của người con.

    Bà Phẳng cũng coi Ân như con ruột, đứa con mà bà không sinh ra nhưng bà quý hơn cả mạng sống của mình. Bà luôn động viên Ân cố gắng học tập. Không phụ lòng mong mỏi của những người mẹ, chính năm đó (2003) Ân đã đậu vào đại học.

    Hằng ngày, sau những giờ tan học, Ân lại chạy vội vào bệnh viện để chăm sóc mẹ nuôi. Phòng bệnh của mẹ cũng là nhà trọ của Ân. Những hôm chật chội, không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm, Ân chọn luôn nơi gầm giường trong phòng bệnh của mẹ để nằm. Vừa tiện chăm sóc mẹ, vừa là nơi học bài của Ân.

    Hiện nay, Ân đã xin được việc làm thêm. Với công việc chạy bàn cho nhà hàng, mỗi tháng được gần 300 ngàn cũng tạm đủ đóng tiền học và tằn tiện góp lại cho đủ tiền để thỉnh thoảng mẹ nuôi vô được một toa hóa trị chữa bệnh.

    Nói về ước mơ sau này, cậu sinh viên năm 4 ngành Du lịch, khoa Đông Nam Á, trường Đại học mở bán công TPHCM cho biết: “Nếu có điều kiện sẽ vận động cùng mọi người lập ra quỹ hỗ trợ cho những bệnh nhân ung thư, nghèo khổ và đơn độc”.
    --------
    Ngô Công Quang

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thấy việc làm này vô cùng ý nghĩa trong xã hội hiện nay,khi vẫn còn nhiều con người đối xử tàn nhẫn với người khác thì đâu đó xuất hiện những người cao cả và có ích, xứng đáng là tấm gương cho mọi người như Vân. Vân hãy hành động nữa và hãy giúp cho nhiều người nữa đi!Ủng hộ bạn !!! . Chúc Vân nhiều sức khỏe, bình an và ngày càng có nhiều người biết, ủng hộ, tin tưởng để cùng Vân cứu giúp những, đem đến ánh sáng cho những mảnh đời bất hạnh. Nam Mô A Di Đà Phật !

    Trả lờiXóa