25 thg 10, 2012

Hậu quả của tai nạn giao thông


Mỗi ngày, 30 gia đình mất người thân vì TNGT

Thứ Năm, 25 Tháng mười 2012, 07:10 GMT+7 
Thông tin này được ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết tại buổi họp báo công bố các hoạt động hướng tới “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT)” tại Việt Nam năm 2012, tổ chức ngày 23-10 tại Hà Nội.
Một thanh niên bị xe đầu kéo cán chết trên cầu Bình Phước 2 (Thủ Đức - TPHCM) ngày 16-10
 Theo ông Hiệp, 10 năm vừa qua, nước ta đã có hơn 100.000 người chết vì TNGT. Thống kê cho thấy Việt Nam đang đứng thứ 11 trong số các nước có người chết vì TNGT nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, nước ta mất khoảng 2 tỉ USD để khắc phục hậu quả TNGT. Năm nay, lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT sẽ được tổ chức ngày 19-11 tại Hà Nội.
Theo TNO
 

20 thg 10, 2012

Suy ngẫm trước thông điệp 'phụ nữ ơi, ngừng hy sinh'



"Là chị, phụ nữ phải nhường nhịn em. Là người yêu, nàng phải cố làm vừa lòng bạn trai. Khi làm vợ, làm mẹ họ lại tiếp tục hy sinh cho chồng con. Tại sao chị em phải khổ mãi thế?".
20/10, nhiều người quên mất mẹ cũng là phụ nữ

Đó là thông điệp kêu gọi "Phụ nữ ơi! Hãy ngừng hy sinh" nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đang được chia sẻ trên các diễn đàn mạng.
Nhìn nhận về thân phận người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, tác giả một bài viết nhận được nhiều lượt "like", lý giải: "Từ ngàn năm dưới lũy tre làng, 'con trâu đi trước, cái cày theo sau', người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc oe oe thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ 'hy sinh'".
Sự hy sinh vô bờ bến ấy như được "mặc định" trong xã hội. Nó bám riết trong tâm tưởng của người phụ nữ xưa cũng như nay, có lúc sự vất vả khiến đôi chân "phái yếu" quỵ xuống, nhưng rồi họ lại cam chịu. Nhiều gương người chị, người mẹ phải sống cả cuộc đời hy sinh tảo tần lo cho cha mẹ, anh, chị, em mà bỏ mặc bản thân mình cũng được nhắc đến.
"Nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục 'hy sinh', đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên vai em gầy guộc mà thôi", tác giả nhắn gửi. Thông điệp này ngay sau đó được cư dân mạng truyền tay nhau như một "lời hiệu triệu" xuất hiện trên hàng trăm diễn đàn, trang mạng xã hội, blog...
Một bài viết kêu gọi phụ nữ
Một bài viết kêu gọi phụ nữ "ngừng hy sinh" được chia sẻ ráo riết trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Trong một bài viết khác có tên "thức dậy đi phụ nữ, đừng mù quáng nữa", chị em được khuyên không nên sống hết mình cho người khác mà hãy nghĩ đến bản thân hơn. "Bởi ngay cả trong tình yêu đàn ông vốn sinh ra để làm kẻ đi săn". Nếu quen được một cô gái hiền ngoan, chăm chỉ, hy sinh thì anh ta yêu, nhưng chỉ là yêu những gì cô mang đến cho anh. Chàng cảm thấy thoải mái khi mình không phải bỏ quá nhiều công sức mà vẫn có người cung phụng nhiều thứ. Tuy nhiên nhiều câu chuyện thực tế phũ phàng: vợ hy sinh, chồng vẫn ngoại tình, tức là đến với cô gái khác không chăm anh ta (vì theo bản năng đi săn và hám của lạ).
  
 
Vì thế lời khuyên của tác giả bài viết này cho các chị em là: "Nếu thấy mệt mỏi, hãy dừng chăm sóc anh ta. Hãy chăm sóc chính bạn, bỏ mặc anh ta, để bản năng 'săn mồi và chiếm giữ' của anh ta trỗi dậy và cũng để anh ta 'siêng' yêu bạn hơn. Còn nếu anh ta vẫn không hăng hái hơn để yêu bạn, thì bạn biết rồi đấy: Trái tim anh ấy chưa có bạn và có thể là sẽ không bao giờ có bạn".
Nhiều người cũng đưa ra ví dụ về những câu chuyện gia đình éo le: Người vợ đầu tắt mặt tối lo cho chồng con mà trở nên xấu xí, già nua. Đến khi người chồng ngoại tình, chị lại trách: "Tôi đã hy sinh cho anh thế cơ mà". Câu trả lời mà chị nhận lại chỉ là tiếng cười nhạt, ánh mắt coi thường của người đầu ấp tay gối "tôi không cần như thế, tôi không mướn cô hy sinh!".
"Bởi khi đàn ông đã chán chường thì chẳng có gì níu kéo anh ta lại được. Phụ nữ hãy hiểu rằng sau khi cưới nhau, chị cũng cần giữ gìn nét đẹp và hấp dẫn về ngoại hình với chính chồng mình. Bởi đàn ông cả thèm chóng chán và hay so sánh. Dù chị hy sinh đến đâu đi nữa mà trông chị ngày càng tàn héo, xấu xí cũng là lúc chị dâng hiến người đàn ông của mình cho người phụ nữ khác chí ít chỉ sạch sẽ hơn chị một chút", lời nhắn nhủ dành cho các bóng hồng.
Đồng tình với quan điểm "phụ nữ không nên hy sinh quá nhiều", nick name nga_phuongnguyen cho rằng, nhìn chung là con người, nếu phải mang cái tâm lý hy sinh và nhận hy sinh thì làm sao sống thoải mái với nhau. Vì thế tốt nhất là biết cách dung hòa giữa cái mình thích và "nửa kia" thích, cái mình muốn làm và người kia muốn làm. Cụ thể phụ nữ thích tề gia nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa, nấu nướng. Đàn ông thích bù khú bạn bè, tán dóc chuyện trên trời dưới đất, ngoại giao...
"Chăm sóc gia đình là mình thích làm, mình thích như thế chứ không phải hy sinh. Mình làm chuyện mình thích thì đàn ông họ cũng vậy. Tuy nhiên ở mức độ tôn trọng nhau, tôn trọng cái riêng của mỗi người và dung hòa nó với nhau sẽ thấy thoải mái hơn". Và theo thành viên này, nếu việc gì đó không thích làm, không làm nổi mà cố ôm đồm rồi ảnh hưởng tới tình cảm gia đình thì là phá hoại gia đình chứ không phải hy sinh.
Còn thành viên Aquagreen.jsc nhận định, con gái sinh ra đã được chính bố mẹ đào tạo tư tưởng "là con gái phải chịu thiệt thòi". Tư tưởng đó đã ngấm sâu vào tính cách của người phụ nữ nên phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ châu Á mặc định cho chính mình là phải hy sinh vì gia đình. Theo thành viên này: "Hy sinh cho gia đình mình không có gì là sai, không có gì là không tốt nhưng hãy biết san sẻ cho người bạn đời của mình, đừng một mình hy sinh".
Có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, hy sinh là một trong những đức tính làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Do đó "không việc gì phải ngừng hy sinh. Thử hỏi nếu bà, mẹ, chị, vợ của chúng ta không hy sinh, không hết mình chăm lo cho gia đình thì liệu tổ ấm của chúng ta có được như ngày hôm nay không? Bình đẳng giới không có nghĩa là làm cho phụ nữ biến thành đàn ông", nick name NguyenAtu bình luận.
Thi Trân
1
2
Phải ngừng hi sinh!
Thời buổi nam nữ bình đẳng nên không cần phải hi sinh.

- Bình đẳng không phải là những gì nam làm thì nữ làm và ngược lại. Bình đẳng ở đây là phụ nữ hiện tại có vai trò lớn trong gia đình không chỉ là nội trợ. vì vậy đàn ông cũng phải chia sẻ với phụ nữ trong việc nhà, việc nội trợ.
- Tôi đã từng chứng kiến một gia đình như thế này: 2 vợ chồng có 1 cháu 2 tuổi, cả hai đều đi làm công sở. Tuy nhiên khi về nhà, ông chồng tắm rửa đọc báo, xem ti vi, để mặc vợ tất với công việc gia đình, cho con ăn, rửa bát, giặt đồ,..., . Trường hợp này xin hỏi các bạn phụ nữ có nên hi sinh không? trong khi chồng xem mình là người ở. Có những ông chồng rất vô trách nhiệm, thậm chí không làm ra một đồng nào mà cũng lên giọng phụ nữ phải hi sinh, phải thế này thế nọ.
- Tóm lại: Nếu các ông đàn ông cảm thấy phụ nữ vất vả, lâu nay phải hi sinh thì phải biết thương, phải biết hi sinh cho phụ nữ chân yêu tay mềm. Đàn ông chúng ta đã hi sinh gì cho phụ nữ để đòi phụ nữ hi sinh??? Chúng ta là đàn ông đòi hỏi vậy không phải là quá ích kỷ sao!???
- Chi em phụ nữ hãy tự thương lấy mình nếu gặp ông chồng không biết chia sẻ! Chúc chị em phụ nữ ngày càng xin đẹp và thành công!
Mọi người hãy quan tâm tới phụ nữ nhiều hơn
Tôi là đàn ông, tôi luôn tôn trọng và quí mến mọi người, đặc biệt là các bà mẹ. Trong đó mẹ, vợ và các chị em gái của tôi luôn được đặt hàng đầu. Tôi rất thương vợ tôi, làm mẹ của hai côn tôi, bấy nhiêu thôi vợ tôi đã phải hy sinh rất nhiều rồi. Vậy mà vợ tôi vẫn phải đi làm vất vả, khi đi làm về vẫn phải chăm con. Thưc tâm tôi rất thương vợ tôi. Do vậy tôi luôn giúp vợ khi có thể. Tôi nhận thấy vợ tôi rất vui vẻ khi có chồng hỗ chợ và cùng làm việc gì đó. Tôi cũng thấy rất vui vẻ và hạnh phúc. Qua đây tôi cũng muốn kêu gọi mọi người hãy xây dựng gia đình hạnh phúc. Với tôi gia đình hạnh phúc là: "Mọi thành viên trong nhà hãy thỏa mãn nhu cầu hợp lý của nhau".
Hy sinh không làm nên vẻ đẹp
Thời buổi này thiếu quái gì cách làm đẹp, cả hình thức lẫn tâm hồn. Tôi vẫn nghĩ một người phủ nữ biết chăm chút bản thân, dành thời gian cho chính mình, trau dồi kiến thức để chăm sóc gia đình một cách 'thông minh' hơn, thì vẫn hấp dẫn đàn ông hơn 1 phụ nữ suốt ngày lụi cụi ở xó bếp. Còn chuyện hy sinh, nó phải xuất phát từ chính từ trái tim và lòng tự nguyện của người phụ nữ, chứ không thể mang nó ra làm 'TRUYỀN THỐNG' được. Cũng không nên gắn cái truyền thống ấy đặc trưng cho 'PHỤ NỮ VIỆT NAM', nghe rất sáo rỗng. Phụ nữ nào trên thế giới cũng đều biết cách chăm sóc gia đình thôi. Có điều họ thông minh và bình đẳng hơn khi quyền lợi của chính họ bị xâm phạm. Và tất nhiên nên nhớ một điều, không phải ai và chuyện gì cũng đáng để phụ nữ hy sinh cả.
Tại sao phải thay đổi ?
Bản thân mình cũng là phụ nữ ở lứa 8x đầu. Mình cũng khao khát sự tự do bình đẳng cho giới phụ nữ nhưng mình thấy đức tính hy sinh của người phụ nữ việt nam là 1 đức tính tốt, đáng trân trọng . Chẳng phải bao đời nay khi nói về phụ nữ VN , chúng ta luôn tự hào cho nói về sự hy sinh của phụ nữ VN. Vậy sao phải thay đổi? Cái nên thay đổi chính là thái độ và sự quan tâm của người đàn ông đối với gia đình của mình thì đúng hơn.
Sống đạo đức, trách nhiệm khác với hy sinh.
Sống đạo đức thì ai cũng hiểu là không làm hại người khác, dù chỉ bằng lời nói. Và sống có trách nhiệm để làm tròn bổn phận của 1 con người. Những người sống chỉ biết bản thân mình thường là những người ko có đạo đức và vô trách nhiệm. Còn hy sinh là tự nguyện quên bản thân mình đi vì 1 điều to lớn hơn. Như hình ảnh người lính ra chiến trường để bảo vệ đất nước. Và khi người lính hy sinh, thì đất nước cũng nhớ ơn và tôn vinh họ. 1 người pn được xem là chân yếu, tay mềm phải gánh 1 trọng trách to lớn là "hy sinh", vậy ng đàn ông mạnh mẽ để dành làm gì ?. Nếu 2 bên đều "hy sinh" cho nhau thì đã ko có lời kêu gọi này. PN Vn xưa đã được dạy là sống phải có trách nhiệm với con và có đạo đức với nhà chồng. Đó không phải là hy sinh, mà chỉ đơn giản là họ được dạy sống sao còn để cái đức lại cho con, cháu sau này.
Huyền thoại mẹ
Cá nhân tôi, là phái mạnh, tôi nghĩ lời kêu gọi trên chưa đúng.
Các bà, các mẹ, các chị - người Việt Nam ta hằng ngày, hằng giờ vẫn sống vì mọi người, vì bố mẹ, vì chồng, vì con, vun đắp lên tổ ấm gia đình. Đấy là nền tảng cơ bản nhất làm nên hậu phương vững chắc cho chúng tôi, những người đàn ông có thể yên tâm hoàn thành những nghĩa vụ của mình, thực hiện những ước mơ hoài bão.
Ngay từ ngàn xưa các cụ ta cũng đã dạy: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà." Ở đây xin hiểu theo nghĩa tích cực rằng những người đàn ông chúng tôi cũng cùng giáo dục con cái. Nhưng tấm gương của bà, của mẹ, của chị quan trọng hơn nhiều để cho con cháu noi theo. Có lẽ không bài học nào có thể tốt hơn, quan trọng hơn lòng mẹ, để mỗi chúng ta có thể biết sống nhân ái hơn - "thương người như thể thương thân".
Ngay những người đàn ông chúng tôi, chắc hẳn không bao giờ quên lời nhắn nhủ: "Không có mặt trời thì hoa kia không mọc, không có mẹ hiền thì không có anh hùng, không có thi nhân." Ngày 20-10, xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị lòng biết ơn của "phái mạnh". Bởi dù có là ai, chúng tôi vẫn "là con của một người đàn bà không ai rõ tuổi tên", được học bài học đầu tiên từ lời ru của mẹ.
HIỂU SAI VẤN ĐỀ
Hy sinh cho gia đình, người thân là một đức tính tốt cho cả nam và nữ chứ không riêng gì chỉ có nữ. Trong xã hội có rất nhiều nữ và nam cũng âm thầm hy sinh cho người thân của mình ... và rất, rất nhiều .... thì hà cớ gì mà lại nói rằng "phụ nữ ơi, ngừng hy sinh" khác nào cổ vũ cho phong trào sống ich kỹ à? Tiếp thu văn hóa hiện đại thì cũng cần biết chọn lọc chứ đâu chỉ một chiều như vầy. chẳng trách xã hội giờ phải nói vô cảm hơn thời cha ông ... tình làng, nghĩa xóm phôi pha ... Hải
Cứ việc bớt hi sinh
Các bạn nữ trẻ cứ việc thoải mái mà hưởng ứng cái gọi là tinh thần "bớt hy sinh, sống vì mình". Chỉ sợ đến lúc ngoài băm, các bạn lại cuống lên để tìm một tấm chồng, để lại xin được hy sinh. Tự nhiên đã quy định cho mỗi giới tính một thiên chức, cứ thế mà làm. Sự tiến bộ thể hiện ở việc dung hòa lợi ích giữa 2 giới chứ không phải là đùng đùng nổi lên đòi cách mạng, sau đó lại tự thân quay về với cái máng lợn mà trước đó các bạn đã định ruồng bỏ. Các bạn nên nhớ là phụ nữ bây giờ nghĩ mình làm được những việc như đàn ông thì đàn ông cũng hoàn toàn có thể làm được những việc như phụ nữ!
Không hiểu mình nói gì?
Đức tính đáng quý mà cả thế giới ngưỡng mộ là luôn hy sinh cho chồng cho con. Vậy mà lại kêu gọi "hãy ngừng hy sinh", Liệu có phải bạn kêu gọi phụ nữ hãy sống vì bản thân, đừng chăm lo cho chồng con nữa? Nếu bạn không là nam giới thì bạn cũng không phải là phụ nữ. Còn nếu bạn là nam giới thì bạn không biết chăm sóc những người phụ nữ của mình. Chúng ta nên kêu gọi phụ nữ hãy biết chăm lo cho bản thân và chúng ta sẽ luôn ở bên chăm sóc cho họ. Chứ không phải bảo họ đừng hy sinh vì ai hết.
Thông điệp "vớ vẩn"
Lịch sử ngàn năm lưu truyền: Mẹ Âu Cơ lên rừng cùng 50 con, hai bà Trưng, bà Triệu đánh giặc...tiêu biểu cho hình tượng phụ nữ Việt Nam độc lập, tự chủ trong cuộc sống! Ai dám bảo phụ nữ phải chịu nhiều hi sinh? Dẫn chứng lịch sử nào có sức thuyết phục?
Ủng hộ hai tay!
Quá chính xác! Giới trẻ sống thời hiện đại, nên nhận ra điều này, cả cả nam và nữ. Hai con người gắn kết với nhau, tạo lập một gia đình, sinh ra những thiên thần. Và mọi người ơi! Đừng biến tất cả những điều tốt đẹp đó thành mồ chôn tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão của đại đa số những người phụ nữ. Tôi không nói là tất cả, vì biết cũng có những người phụ nữ rất giỏi giang, có thể làm tốt cả hai công việc một lúc. Chúng tôi trông mong sự nhận thức từ những người chồng, hãy san sẻ cùng vợ mình nhiều hơn! Hãy tạo điều kiện cho vợ mình nhiều hơn! Phụ nữ ơi! Hãy hy sinh ít lại!
Người phụ nữ cần có quyền bình đẳng
Đọc bài này tôi thấy thương cho mẹ tôi quá, mẹ tôi là người hy sinh cho anh em chúng tôi rất nhiều , không màng đến bản thân một chút nào, thậm chí ốm đau mẹ tôi cũng cố gượng dậy kiếm miếng cơm cho chúng tôi, đó là hoàn cảnh Nhưng trong cuộc sống vẫn biết rằng bình đẵng là khó và có thể trong giới hạn nhưng chúng ta cung nên đấu tranh cho sự bình đẳng cần có mà người phụ nữ đáng để có.
Ngày 20/10
Phụ nữ ơi xin các chị đừng Hi Sinh một mình mà hãy biết cách San Sẻ... Đàn ông chúng ta ơi xin đừng Ích Kỉ mà hãy biết cách Cảm Thông!!
Phụ nữ ơi, ngừng hy sinh
Có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, hy sinh là một trong những đức tính làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Do đó "không việc gì phải ngừng hy sinh. Thử hỏi nếu bà, mẹ, chị, vợ của chúng ta không hy sinh, không hết mình chăm lo cho gia đình thì liệu tổ ấm của chúng ta có được như ngày hôm nay không? Vậy phụ nữ hãy dần dần "biến" mình thành đàn ông để ngừng "hy sinh" . Đã bao đời, đàn ông luôn nghĩ phụ nữ là người đảm đang, phái yếu... nên đàn ông lúc nào cũng phải mang trách nhiệm che chở, bảo bọc và càng phải tỏ ra hết lòng với phái yếu... phụ nữ hãy ngừng hy sinh để đàn ông không cần phải làm thế nữa vì lúc đó là công bằng... Trong mắt tôi, lúc nào phụ nữ VN cũng tuyệt vời vì những đức tính "rất duyên" mà có lẽ phụ nữ phương tây ko hề có.
Nên hi sinh chứ
Sao lại ngừng hi sinh nhỉ? Vốn khi chúng ta sinh ra trên đời đặt mình vào các ràng buộc quan hệ là đã phải hi sinh cái "tôi" để phù hợp với cái "ta" rồi. Trong quan hệ gia đình cân bằng giữa "tôi" và "chúng ta" càng phải cần sự hi sinh từ cả hai người cho nên nếu bài báo muốn đề cập tới sự bình đẳng vợ chồng trong gia đình thì không phải kêu gọi phụ nữ ngừng hi sinh mà phải là "cân bằng sự hi sinh". Còn cân bằng đến mức nào thì là do mỗi gia đình tự quyết định (cân bằng không có nghĩa là hi sinh như nhau mà là cả hai cùng thấy hợp lí thuận tiện).
Tuỳ trường hợp thôi!
Nếu như gia đình tôi hiện nay rất hạnh phúc rồi vợ tôi xem bài này rồi làm theo thì mọi chuyện sẽ như thế nào? Còn tùy trường hợ và hoàn cảnh mỗi người mỗi nhà. Phụ nữ ở Việt Nam là tốt nhất rồi, đừng làm dậy sóng chuyện nam nữ bình quyền.
Hy sinh!
Hy sinh! Sao mọi nguời lại cho những việc họ làm là hy sinh mà không phải là họ yêu thuơng chồng con... Nguời cha cũng hy sinh vì yêu thuơng gia đình, cũng tần tảo làm việc, cũng bỏ hết các cuộc vui với bạn bè... Chúng ta cần phải có cái nhìn cho đúng về người cha, người mẹ!
Biết là thế nhưng biết làm sao đay
Biết là như thế! nhưng giờ để sống bình thường không phải hy sinh thì liệu một người làm mẹ, làm vơ, có chịu nổi không? trong khi sự âm thầm hy sinh cho người khác nó đã len lõi vào tâm can của nguười phụ nữ Việt Nam luôn rồi, hic híc. Và hơn nữa cái XH hội này nói là công bằng nhưng nếu như ra đường thấy một người phụ nữ quá hiện đại, và làm những việc như đàn ông từng làm liệu XH này có nói là người phụ nữ hư đốn không?. ví dụ: nếu nói về công bằng đàn bà sau buổi tan tầm có được la cà với bạn tại quán nhậu hay quán cà phê như chồng mình từng làm không? hay sau giời tan tầm thì phải tất bật về đón con, chợ búa, cơm nước, .... Tôi một phụ nữ sỗng trong quá nhiều áp lực, áp lực công việc , gia đình, ......nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ hết đó chứ, không lo lắng, không tất bật nhưng nào có được đau. Nhìn thấy con đói, không thể làm ngơ, nhìn thấy đồ dơ không thể không giặt,.... những chuyện ấy rất bình thường thôi đúng không các bạn, nhưng nó là một gánh nặng đối với người quá bận rộn với công việc, với XH như tôi. Vì tôi cũng như bao nhiêu người khác cũng cần quan hệ XH cũng cần bạn bè, cần đủ thứ, nhưng vì công việc vì gia đình tôi dần không còn chút thời gian nào dành cho việc ấy.
Khái niệm về sự hy sinh của PN
Hy sinh cho gia đình chồng con, dành toàn bộ thời gian, sức lực cho gia đình đâu phải là hy sinh, phụ nữ ngày nay ko còn khái niệm xưa cũ như vậy nữa, ngoài chăm sóc cho gia đình còn phải biết chăm sóc bản thân, rèn luyện nhân cách, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết tạo cơ hội cho chồng cùng với mình lo cho con cái học hành giỏi, ngoan, quan tâm chăm sóc cha mẹ hai bên vẹn toàn là tốt nhất và theo tôi đó là người PN khôn ngoan.
Quan tâm phụ nữ nhiều hơn
Tôi đồng tình với tất cả các quan điểm của các bạn, tuy nhiên các bạn chi đúng 1 phần nào đó mà thôi. nét đẹp của phụ nữ Việt Nam mình không phải là hy sinh la cam chịu mà là vì tình yêu,tình thương dành cho nhưng ngươi trong gia đình mình. thể hiện sự đảm đang của phụ nữ Việt Nam, của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay. Các bạn kêu gọi dừng hy sinh là cac bạn có tư tương ràng buộc, cho là nô lệ của bạn rùi. chúng ta đã nhìn thấy được sự gian lao,cực khổ của họ thì chúng ta cùng chia sẽ,giúp đỡ, động viên không tạo áp lực và cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng va di trì nét đẹp của ngưởi phụ nữ Việt Nam mà cả thế giới đã, đang, sẽ ngưỡng mộ va khâm phuc thi đó mới đúng là sự quam tâm của chúng ta, của những cánh mài râu.

Phụ nữ thời hiện đại


Gánh nặng gấp đôi của phụ nữ thời @

Là phó giám đốc công ty, chị Huyền hàng ngày phải giải quyết hàng tá việc, tối về lại vùi đầu dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Chị tâm sự: "Nhiều khi mệt mỏi rã rời mà không được nghỉ ngơi, tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả".
Rộ thông điệp 'phụ nữ ơi, ngừng hy sinh'

Trò chuyện trong buổi tọa đàm "vai trò của phụ nữ thời hiện đại" mới đây, chị Huyền (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, chị là phó giám đốc một công ty thời trang, chồng là kỹ sư thiết kế nội thất. Ở sở làm, chị được đánh giá cao về sự năng động và nghiêm túc trong công việc nên được thăng chức khá nhanh.
"Cũng vì vậy mà khối lượng công nghiệp ngày càng nhiều hơn. Về đến nhà lại bù đầu vào công việc lặt vặt. Nhiều khi mệt mỏi rã rời mà không được nghỉ ngơi, tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả", bà mẹ một con bộc bạch.
Làm sao để dung hòa
Áp lực công việc và mối bận tâm gia đình khiến chị em đau đầu. Ảnh minh họa: wp.
Cũng chung tâm trạng cảm thấy nặng nề bởi phải quán xuyến "việc nhà, việc nước", nhân ngày 20/10, chị Thúy bày tỏ mong mỏi "hãy giảm bớt gánh nặng lên vai phụ nữ". Là nhân viên marketing, chị Thúy phải thường xuyên lập chiến lược quảng cáo, tham dự những sự kiện, viết báo cáo, tường trình... Ngày nào chị cũng phải làm việc đến tối mịt mới về nhà.
Chị kể: "Tôi không thể thường xuyên nấu cơm cho chồng con ăn, nhưng luôn cố gắng ít nhất mỗi tuần nấu một bữa cơm thịnh soạn chiêu đãi cả nhà. Vậy mà chồng tôi vẫn cằn nhằn. Giá như anh ấy biết cố gắng đi làm kiếm đủ tiền nuôi gia đình thì tôi đâu phải vất vả như vậy".
Còn cô Hòa (giáo viên tiểu học) kể, từ khi về nhà chồng làm dâu cô dường như không còn thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ngày cô phải dậy sớm lo dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bố mẹ chồng và chồng con ăn, đưa con đi học rồi tất bật phóng xe đi làm. "Mình cảm thấy vất vả lắm rồi, vậy mà mẹ chồng tôi còn chưa vừa lòng. Mới đây bà còn bắt tôi nghỉ việc. Phải chia tay học trò tôi buồn lắm nhưng cũng nín nhịn chiều lòng mẹ chồng", cô giáo chia sẻ.
Tham dự buổi tọa đàm này, một nữ nhà văn tại TP HCM cho rằng, đôi khi chính khẩu hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã vô tình làm tăng thêm gánh nặng cho chị em thời hiện đại. Ở mỗi thời đại, vai trò của người phụ nữ cũng khác nhau. Nếu ngày xưa người đàn bà chỉ quanh quẩn làm việc trên nhà, dưới bếp thì ngày nay có không ít phụ nữ học cao, hiểu rộng và kiếm tiền không thua gì đàn ông.
"Rất khó để đòi hỏi chị em vừa phải giỏi việc nước vừa phải chăm chút từng ly từng tí cho gia đình được. Đã đảm nhận việc này thì phải giảm bớt việc kia đi. Tôi mong rằng cánh mày râu quan tâm chia sẻ hơn về công việc, gia đình, chăm sóc con cái giúp phụ nữ vơi đi gánh nặng", nữ nhà văn bày tỏ.
Bàn vấn đề "phụ nữ hiện đại có cần hy sinh không?", Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM) nhìn nhận, ở thời đại nào phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ hạnh phúc gia đình. Chính vì thế sự hy sinh cho chồng, con là điều cần thiết ở "phái đẹp", đây vốn là đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Song bà Minh lưu ý, hy sinh không có nghĩa là chỉ nghĩ cho người khác mà bỏ mặc bản thân mình. Chẳng hạn một người mẹ hết mực lo cho chồng, con mà để mặc bản thân già xua, héo hon thì không nên. Điều quan trọng khi lựa chọn hy sinh làm một việc gì đó, người phụ nữ phải cảm thấy thích thú, vui vẻ, đồng thời xem xét việc hy sinh đó có đáng hay không rồi mới làm.
Nhận xét về "đức hy sinh" của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến này, bà Minh cho rằng nữ giới ngày xưa hy sinh quá mực còn bản thân lại quá thiệt thòi. Trong khi các bạn trẻ bây giờ sống cho cái tôi cá nhân quá nhiều mà quên quan tâm đến người khác. Thậm chí nhiều bạn gái thời nay không ý thức được trách nhiệm phải đỡ đần, phụng dưỡng, chăm sóc mà chỉ ích kỷ lo cho bản thân mình. Theo bà Minh, nếu chị em biết dung hòa giữa hai thái độ sống xưa và nay thì tốt hơn.
Riêng đối với những chị em đang gặp vấn đề trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, chuyên viên tâm lý khuyên nên cân nhắc để dung hòa cả hai. Những lúc "cơm lành, canh ngọt", hãy chia sẻ để chồng hiểu được suy nghĩ và những vấn đề các chị đang gặp phải. Qua đó anh hiểu được vai trò, trách nhiệm với gia đình, đồng thời phân chia công việc để giảm gánh nặng cho nhau.
Bà Minh gửi lời nhắn đến các đấng mày râu: "Hãy luôn quan tâm chăm sóc người phụ nữ ở bên cạnh bạn. Phụ nữ cũng như một bông hoa tươi đẹp luôn biết vươn lên. Nếu được chăm sóc tốt, bông hoa ấy sẽ đẹp hơn và tỏa hương thơm cho mọi người xung quanh".
Xét góc độ khác, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM khuyênphái đẹp không nên vì muốn chiều lòng người khác mà ôm đồm quá nhiều việc khiến mình trở nên mệt mỏi, chán nản. "Sự hy sinh thì được đề cao nhưng không có nghĩa là vùi dập quyền được hưởng thụ của mình. Vì thế nếu cảm thấy công việc nhà quá tải, chị em có thể thuê người giúp việc và dành thời gian đó để thư giãn cho bản thân", bà khuyên.
Thi Trân

19 thg 10, 2012

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, bạn đọc tham gia nội dung viết :Người thầy đáng kính của tôi

Cảm ơn điểm 0 cô dành cho em
TTO - Đã sáu năm trôi qua, giờ đây tôi đã là sinh viên năm cuối nhưng với tôi, những kỷ niệm về cô - người mà tất cả học sinh trong lớp từng ký đơn xin thay giáo viên - vẫn luôn còn mãi…
Cô Trần Thị Hà (áo vàng) và các học sinh trong giờ ra chơi của tiết học thể dục. Đây là bức ảnh cô chụp cùng các học sinh khóa học 2009 - 2012 - Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp
Năm lớp 10, tôi là học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội). Hồi đó không phải thi lên cấp III như hiện nay mà chỉ xét học bạ. Nhưng trước khi vào học chính thức tôi phải thi để phân ban học. Tôi thi vào khối C với điểm tổng ba môn không thuộc diện cao nhất nhưng riêng môn ngữ văn thì đứng đầu toàn khối. Tôi nghĩ đó là khởi đầu đáng tự hào. Nhưng khi nghe các anh, chị khóa trước kháo nhau rằng cô Hà - người sẽ dạy môn văn lớp tôi - rất khó tính, tôi có chút lo lắng.
Các thầy cô trong trường và học sinh phải thừa nhận cô Hà dạy giỏi, nhưng những học trò “nhất quỷ nhì ma” như tôi thì không xem trọng điều đó lắm. Cô dạy theo phương pháp mới là lấy học sinh làm trung tâm và cô chỉ là người dẫn dắt, khơi mở kiến thức. Tuy nhiên, học sinh chúng tôi đã quen học theo lối “đọc - chép” nên rất khó bắt kịp cách dạy của cô.
Quả thật cô rất khắt khe, nhất là với những học sinh lười học bài và không nghiêm túc trong giờ học. Cô có thể dành 15 phút, thậm chỉ là cả tiết học để kiểm tra bài cũ. Chính vì thế, điểm kiểm tra miệng lớp tôi luôn “lập kỷ lục” điểm 0, ngay cả điểm kiểm tra 15 phút, 1 tiết đều rất kém. Vậy là ý định thay giáo viên khác đã được lớp hưởng ứng.
Thế nhưng không có một lá đơn xin thay giáo viên nào được gửi đi. Tôi cũng dần lơ là việc học bài cũ vì nghĩ rằng điểm kiểm tra miệng không quan trọng và tôi vẫn luôn là “học trò cưng” của cô. Ngày hôm đó, cô lên lớp và kiểm tra bài cũ như mọi khi, tôi bị hai điểm 0 cùng lúc vì không soạn bài và không thuộc bài. Đây là những điểm 0 đầu tiên môn văn sau 10 năm học của tôi và điểm 0 đầu tiên của một học sinh đã luôn đứng đầu lớp về học lực. Ban đầu tôi giận cô lắm, nhưng sau đó thì thấy xấu hổ. Cô nhìn tôi và lắc đầu vẻ thất vọng. Những ngày sau đó, tôi càng ác cảm với cô thì càng quyết tâm học.
Thời gian trôi qua, không chỉ tôi mà các bạn trong lớp đều tiến bộ môn văn một cách trông thấy.
Nhớ lắm lời dặn trước khi cô nghỉ sinh em bé và gửi tôi cho cô giáo luyện học sinh giỏi đi thi tỉnh môn văn với lời nhắn: “Thắng không kiêu, bại không nản, em nhé!".
Ngày 20-11 hằng năm, lớp tôi lại tụ họp và rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo. Khi nhắc tới cô Hà các bạn thường trêu nhau: “Không biết bọn mình nhớ cô hay nhớ điểm 0 của cô nhỉ?".
Vậy đấy, sẽ chẳng có người thầy nào giỏi khi học trò không muốn học và cũng chẳng có trái ngọt nào mà không được ươm mầm từ sự cố gắng. Chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho người khác khi không đạt kết quả như ý. Nhưng có khi nào ta tự hỏi: “Mình đã hết mình với công việc ấy chưa?”.
Giá mà em có thể nhận ra điều ấy sớm hơn. Cảm ơn cô vì tất cả!
NGUYỄN THỊ MINH
Mời tham gia viết về Người thầy đáng kính của tôi
Bạn đọc thân mến, có những người thầy - người cô để lại dấu ấn đẹp trong trái tim học trò. Có những hồi ức về "người đưa đò" thân thương neo giữ dài lâu trong tâm hồn - trở thành động lực để ta vươn tới.
Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tham gia nội dung viết Người thầy đáng kính của tôi để sẻ chia tình cảm dành cho những người thầy - người cô kính yêu.
Nội dung bài viết là những câu chuyện, kỷ niệm có thật, xúc động, sâu sắc về người thầy - người cô có thật, để lại ấn tượng sâu đậm trong quãng đời đi học của bạn. Đó cũng có thể là tấm gương nhà giáo để bạn noi theo hoặc truyền cảm xúc cho những khát vọng của bạn.
Bài viết tham gia vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 800 chữ, có đầy đủ thông tin về tác giả, có tên đầy đủ và nơi công tác cụ thể của người thầy - người cô được nhắc đến trong bài.
Bài viết gửi về Tuổi Trẻ Online chưa từng đăng trên bất kỳ tờ báo, tập san hay ấn phẩm nào.
Vui lòng gửi kèm hình ảnh rõ nét về người giáo viên được nhắc đến trong bài, kèm chú thích ảnh cụ thể về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chụp. File ảnh vui lòng gửi riêng (không dán vào file bài viết).
Nội dung viết này dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Bài viết và mọi thắc mắc gửi về email thuymai@tuoitre.com.vn, từ nay đến hết ngày 20-11-2012.
Tuổi Trẻ Online chào đón sự tham gia của tất cả bạn đọc để cùng tạo nên một không khí ấm áp, thân thương chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay.
TTO
 Các bài viết đã đăng:

12 thg 10, 2012

Hành trình tiếp thu kiến thức


Nếu có hình trong tệp đính kèm này, hình này sẽ không được hiển thị. Tải xuống tệp đính kèm gốc
Thứ 5 ngày 13 tháng 9 năm 2012
Họ & Tên: Nguyễn Thanh Phương
Lớp: 10A1 Stt: 30
Điểm Lời Phê

BÀI VIẾT SỐ 1
Đề 6: suy nghĩ của anh(chị) về vai trò của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức trong nhà trường.
Bài làm
Trong xã hội ngày nay nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển mạnh mẽ vì thế việc học là rất quan trọng. Các thầy cô giáo sẽ truyền thụ cho chúng ta những kiến thức vô cùng bổ ích. Điều này cho chúng ta thấy người thầy có vai trò to lớn đối với con đường học vấn của mỗi học sinh chúng ta.
Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng. Thầy cô là người hướng dẫn, chỉ dạy, truyền đạt cho ta những kinh nghiệm mà nhân loại đã tích lũy trong suốt quá trình lịch sử lâu dài về khoa học tự nhiên, xã hội và kinh nghiệm để mở rộng vốn tri thức cho chúng ta. Với việc dạy chữ và dạy nghĩa, người thầy dạy bảo những điều hay lẻ phải, giúp các em sống theo đạo lí làm người.
Việc truyền thụ kiến thức của người thầy trong nhà trường vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho ta những kiến thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Mỗi người thầy có một cách giảng dạy riêng. Nhưng tất cả đều rất bổ ích cho học sinh chúng ta.
Kiến thức xung quanh ta vô cùng rộng lớn, và thầy chính là người truyền đạt cho ta vốn kiến thức ấy. Tuy không truyền đạt tất cả nhưng thầy giúp ta trưởng thành hơn, thông minh hơn và biết sống vì mọi người.
Từ xưa, người thầy giữ một vai trò rất quan trọng. Vì thế nhân dân ta đã khẳng định:” Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay là “ Không thầy đố mày làm nên”.
Biết ơn những người thầy đã dạy dỗ mình là một hành động đẹp rất nên làm. Chúng ta có vô vàn cách để biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với các thầy cô như: về trường cũ thăm hỏi thầy cô, thi đua giành hoa điểm mười, lễ phép chào hỏi khi gặp thầy cô, cố gắng nghe giảng…
Ấy thế lại có những học sinh vô ý thức, vô văn hóa, chẳng coi thầy cô ra gì. Những học sinh ấy học kém, không nge giảng, lo ra trong giờ học, nghịch dại khiến thầy cô, cha mẹ phiền lòng. Thậm chí còn mắng thầy cô khi bị điểm kém hay bị đánh hạnh kiểm yếu.
Mỗi học sinh chúng ta phải chăm chỉ học tập, cố gắng tiếp thu những kiến thức do thầy truyền đạt, kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản than để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết. Luôn ghi nhớ truyền thống “ Tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta.
Theo em, bản thân mình nên cố gắng chăm chỉ học tập, làm vui lòng cha mẹ thầy cô. Công lao của thầy cô em sẽ khắc ghi và nhớ mãi. Những kiến thức thầy cô mang lại chính là hành trang cho em bước vào đời, thực hiện ước mơ hoài bão. Xin cám ơn thầy cô, người thầy cũng là cha mẹ thứ hai, quan tâm chăm sóc dạy dỗ chúng em nên người !  

Môi trường quanh ta



ĐỀ: Suy nghĩ và hành động của anh/chị
trong việc giữ gìn môi trường học đường xanh-sạch-đẹp
BÀI LÀM

Đi ngang qua các cổng trường hiện nay, ta không khó để bắt gặp khẩu hiệu “ cổng trường em xanh-sạch-đẹp”. Thế nhưng chúng ta cũng thường xuyên nhìn thấy những cô cậu học sinh xả rác trước cổng trường. Vậy giới trẻ đang nghĩ gì về môi trường xanh-sạch-đẹp trong học đường
Trước hết, chúng ta phải hiểu được môi trường xanh-sạch đẹp là như thế nào? “Xanh” chính là màu xanh của cây cối xung quanh ngôi trường của chúng ta .Nhờ những cây cối, chúng ta có được bóng mát giúp cho ta có những giờ giải lao và có thể ngồi cùng bạn bè nói chuyện hay giúp đỡ nhau học tập. “Sạch” nghĩa là môi trường xung quanh ta không bị ô nhiễm, không có sự xuất hiện của rác thải. “Đẹp” ở đây chỉ hình thức xung quanh và bên trong nơi chúng ta học.
“Xanh-sạch-đẹp” chính là những yếu tố giúp chúng có được thành công trong việc học. Thật vậy , việc giữ gìn môi trường “Xanh – sạch – đẹp” trong môi trường học đường hiện nay là hết sức cần thiết. Từ bậc tiểu học cho đến các cấp trung học phổ thông hay từ lúc bé cho đến khi nên người, mọi người nên rèn luyện cho mình một ý thức giữ gìn nơi mình đang học tập sao cho thật tốt và thật đẹp. Và chính việc làm này sẽ giúp mỗi người tự hình thành cho bản thân một nhân cách tốt.
Hiện nay, rác là vấn nạn ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có sự xuất hiện của chúng kể cả bệnh viện hay trường học. Nhưng nếu mỗi bạn trẻ có được một nhận thức đúng đắn về tác hại của rác thì họ sẽ không để chúng có mặt trong giảng đường của mình. Vào những lớp học của các trường cấp hai , cấp ba hiện nay rất khó để ta thấy được những chiếc bàn sạch đẹp mà thay vào đó là những hình vẽ nguệch ngoạc và lấm lem cùng những dòng chữ được tô đỏ tô đen. Không chỉ có vậy, sau những giờ giải lao, ta sẽ thấy được xung quanh trường toàn những chai nước,những hộp cơm do học sinh xả. Đó chính là những hành động xuất phát từ sự vô ý thức của hoc sinh. Nhiều người nghĩ rằng những chuyện mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Những học sinh đó không hiểu được rằng chính vì những việc nhỏ bé đó đã làm cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Song bên cạnh đó cũng có những hành động hết sức đáng khen . Các trường luôn tổ chức những buổi tổng vệ sinh , những ngày chủ nhật xanh để trồng cây tạo bóng mát. Ai ai cũng năng nổ làm việc phù hợp với sức mình . Chỉ cần những hành động bé nhỏ như thế này thôi cũng đã đủ để mang lại sự thay đổi lớn cho môi trường học đường.
Để bảo vệ được môi trường học đường “xanh-sạch-đẹp” ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao hơn nữa các biện pháp rèn luyện ý thức cho học sinh. Cần lập ra những nhóm học sinh để tuyên truyền về trách nhiệm và ý thức cho các học sinh khác để làm theo khẩu hiệu “Vì một môi trường học đường xanh – sạch – đẹp”.Không những vậy, nhà trường cần tổ chức thêm nhiều hoạt động bảo vệ môi trường cho học sinh. Bên cạnh đó phụ huynh cũng phải luôn hỗ trợ nhà trường để hình thành ý thức cho con em mình từ bé. Mặt khác, các biện pháp xử phạt cũng cần được chú trọng hơn.
Trường, lớp cũng như mái nhà thứ hai của mỗi người học sinh thời cắp sách tới trường. Vậy bạn, tôi và chúng ta hãy cùng chung tay giữ gìn chính môi trường mà chúng ta đang học tập được “ Xanh–sạch–đẹp”.
---------------------------
Minh Hoàng - 10A1

Trách nhiệm của mỗi người về An toàn Giao thông


Đề: suy nghĩ và hành động của anh chị về việc an toàn giao thông.
Bài làm.
Xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển , hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những công trình, kiến trúc, , mỹ quan đô thị được nhà nước chú trọng quan tâm và thúc đẩy, nhưng bên cạnh đó, vấn đề an toàn giao thông vẫn còn là một hiện tượng chưa được cải cách và đầu tư đúng mực. Đó như góp phần vào việc chậm tăng tiến của đất nước Việt Nam. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vấn đề trên.
An toàn giao thông là việc người điều khiển các phương tiện giao thông tuân thủ đúng luật giao thông, tuân theo hướng dẫn của các biển báo,…trong khi tham gia giao thông. Việc thực hiện an toàn giao thông được thể hiện rõ nét qua hành vi của người điều khiển phươg tiện giao thông khi đi trên đường như: không lạng lách, vượt đén đỏ, lấn tuyến,…qua đó thể hiện trình độ hiểu biết, văn hoá, ý thức và trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông khi lưu thông trên đường. Vì thế ý thức thực hiện an toàn giao thông của một người cũng sẽ trở thành một tấm gương, một bài học để người khác soi vào đó và học hỏi thêm được nhiều điều. Thế nên thực hiện an toàn giao thông là một việc hết sức quan trọng có vai trò quyết định đến mỗi con người và góp phần ảnh hưởng đến quá trình phát triển của xã hội.
Tại sao việc thực hiện an toàn giao thông lại quan trọng đến thế? Có lẽ thực trạng hiện nay đã nêu lên được câu trả lời cho câu hỏi này. Hằng năm ở nước ta có rất nhiều vụ tai nạn giao thông dưới các hình thức khác nhau như: không tuân thủ đúng qui định luật giao thông, hay cũng có một số trường hợp rất không may mắn khi bản thân đi đúng luật mà lại bị người không tuân thủ gây ảnh hưởng. Con số người bị thương và thiệt mạng do tai nạn giao thông ngày càng tăng cao. Điều đó có phần nào nói lên ý thức thực hiện an toàn giao thông của mọi người đang ngày một mai một. Tuy cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn thấp kém nhưng điều ấy không phải là lí do để nhiều người dựa vào đó mà biện minh cho hành vi giao thông nguy hiểm của mình.
Thấy được hậu quả thảm khốc từ việc không chấp hành quy định an toàn giao thông, văn hoá giao thông đang trở thành vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. Việc tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức người dân về vấn đề an toàn giao thông bước đầu tạo được nhiều biến chuyển trong đại bộ phận đa số người dân, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận kém ý thức vẫn ngoan cố không chấp hành. Điển hình như hiện nay vẫn còn một số người đi đường không đội mũ bảo hiểm, đua xe,… Những con người ấy chính là những nhân tố góp phần làm xấu đi nếp sống văn minh đô thị, kéo lùi, làm giảm tốc độ phát triển của xã hội. Những con người này càng đáng lên án, phê phán bao nhiêu, ta lại càng thương cho cho những chú CSGT ngày đêm làm nhiệm vụ cao cả điều phối giao thông trên các tuyến đường. Họ tích cực, âm thầm cống hiến công sức của mình cho trật tự an toàn người tham gia giao thông. Vậy mà vẫn còn một số trường hợp người không chấp hành luật giao thông có những lời lẽ xúc phạm đến nghề CSGT cao quý ấy. vẫn biết còn tồn tại một số khuyết điểm trong ngành csgt nhưng chúng ta vẫn phải hoàn thiện bổn phận của mình trước để việc an toàn giao thông trở thành một nếp sống văn hoá được xây dựng trên tinh thần tự giác. Và để hình ảnh những người công an giao thông không trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.
Dù sao đi chăng nữa,ta vẫn ko thể phủ nhận được tất cả những nguyên nhân gây ra tai nạn chủ yếu đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Nếu như họ biết quý bản thân mình, biết tuân thủ luật lệ giao thông thì sẽ chẳng có những điều thương tâm và đáng tiếc. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.
Là một người học sinh và đang ở trong những ngày thánh chín, tháng an toàn giao thông, em cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm nhắc nhở mội người trong gia đình cũng như tự nhận thức và nâng cao ý thức bản thân về ý thức tự giác thực hiện an toàn giao thông,để cùng xã hội góp phần ngày càng đẩy lùi,thu nhỏ những vụ tai nạn giao thông và thúc đẩy xã hội đất nước ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp, đuổi kịp sánh bằng với thời cuộc quốc tế hiện nay.