12 thg 10, 2012

Tự học


Đề 5 Suy nghĩ của anh chị về vai trò của bản thân trong quá trình tiếp thu kiến thức
Bài Làm
Trong thời buổi hiện nay, bên cạnh việc học tập ở trường việc tiếp thu kiến thức còn được hỗ trợ bởi nhiều phương tiện truyền thông như báo chí, tivi, internet… Tuy nhiên để phát huy những thuận lợi này một cách hiệu quả thì cần đòi hỏi chúng ta phải ý thức được vai trò của bản thân trong quá trình tiếp thu và học hỏi
Kiến thức là những gì chúng ta tích lũy được trong cuộc sống của mình, thông qua giáo dục hoặc quá trình trải nghiệm cuộc sống, bản thân chúng ta cần phải chọn lọc những kiến thức mình đã tiếp thu sao cho phù hợp với lứa tuổi và phù hợp với sự phát triển tri thức của mình
Kiến thức lớn như đại dương, có nhiều loại, lành mạnh có, không lành mạnh có. Việc của chúng ta là cần phải xác định nhu cầu cần thiết của mình trong kiến thức đó. Chẳng hạn như trong đời sống kiến thức có ở khắp nơi nhưng không phải gặp gì là học nấy mà cần xem xét coi nó có giúp ích và phục vụ cho việc học, có là hành trang kỹ năng sống hay không. Khi đã xác định được rồi thì ta thấy những kiến thức này thật bổ ích và hữu dụng cho mình. Kiến thức trong sách báo tivi đa phần là những kiến thức lành mạnh, nó giúp ta thu nhặt tin tức, hiểu thêm về cuộc sống hiện nay. Đây là mối quan hệ giữa kiến thức và nhu cầu.
Tiếp theo là mối quan hệ giữa kiến thức và sở thích của mình. Thông thường, những gì mình thích thì mình sẽ hăng say khám phá, tìm tòi. Kiến thức cũng vậy. Kiến thức nào mà ta thấy thích thú thì thường ta sẽ cảm thấy thoải mái và có lòng nhiệt huyết trong việc tiếp thu, vì vậy mà dễ hiểu và nhớ dai hơn. Ngược lại, giả sử mà ta buộc phải tiếp thu những kiến thức mà ta không thích cũng như không có lợi cho định hướng phát triển của ta thì sau một thời gian, khi có ai hỏi lại không hẳn là ta không biết nhưng rất khó để nhớ chính xác. Qua đó ta cũng thấy được tầm quan trọng của sở thích trong việc tiếp thu kiến thức
Một mối quan hệ không thể thiếu nữa là mối quan hệ giữa kiến thức và khả năng học hỏi, tiếp thu của mình. Có những kiến thức mà ta nhận thấy còn quá ít hay mơ hồ và cảm thấy mình có thể tiếp thu nhiều kiến thức ấy hơn nữa thì ta nên đào sâu hơn để hiểu sâu cốt lõi của nó. Còn có những kiến thức mà ta cảm thấy quá khả năng học hỏi của mình mà không gặt hái gì nhiều đôi khi lại là gánh nặng của mình thì nên bỏ qua. Đây là việc hết sức bình thường vì khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi người là có hạn.
Bên cạnh đó thì không phải cố gắng học thật nhiều kiến thức trong một thời gian ngắn là tốt. Tiếp thu kiến thức không phải ì ạch khiên kiến thức vào nhà kho mà hãy mở toang các cánh cửa để kiến thức tự nhiên ùa vào, tiếp thu có bài bản giờ giấc thì sẽ tốt hơn. Đó là lý giải cho việc hai người học cùng nội dung như nhau, người này học nhiều với tốc độ nhanh nhưng chưa chắc hiệu quả bằng người học chút chút nhưng lại sắp xếp nội dung và thời gian hợp lý
Óc ta tuy tiếp thu được nhiều kiến thức nhưng cũng sẽ có một số kiến thức bị lãng quên theo thời gian. Đôi khi ta cần phải ôn lại những kiến thức đó để trao dồi và tăng khả năng nhớ. Còn có những kiến thức đã cũ không còn hợp với thời gian thì ta cần phải loại bỏ và cập nhật những kiến thức mới chinh xác và hợp lý hơn.
Mỗi ngày chúng ta đều chủ động và bị động tiếp nhận kiến thức. Chúng ta như cái ly nước, kiến thức như những giọt nước, đến một lúc nào đó ly nước sẽ bị quá tải và bẩn nếu ta cứ giữ khư khư những giọt nước đó. Nhiệm vụ của ta là cần phải thường xuyên lọc những giọt nước đó và thêm những giot nước khác mới hơn để khi cần có thể đem ra sử dụng ở mọi lúc mọi nơi.
---------------------------------------


Họ và tên: Nguyễn Đăng Hoài – STT:13
Lớp: 10A1
BÀI VIẾT SỐ 1
Đề: Suy nghĩ của anh, chị về vai trò của bản thân trong quá trình tiếp thu kiến thức.
BÀI LÀM
Trong cuộc sống hiện đại và văn minh như hiện nay thì vai trò của con người là rất quan trọng. Nhưng con người muốn hòa nhập và tự khẳng định mình thì cần có vốn kiến thức sâu rộng. Vì vậy ta thấy được vai trò của bản thân trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Vậy kiến thức là gì? Kiến thức là những gì con người tích lũy được trong cuộc sống của mình hoặc những trải nghiệm trong cuộc sống và học tập được qua sách vở, thầy cô, bạn bè. Còn quá trình tiếp thu kiến thức là việc tìm hiểu, tìm kiếm những cái hay, cái tốt qua sách vở, báo chí và cuộc sống quanh chúng ta để làm tăng vốn hiểu biết, kiến thức của mình. Vì thế chúng ta càng cần phải tiếp thu kiến thức cho bản thân chúng ta. Hiện nay ở các nước văn minh, giàu có thì họ luôn đề cao con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển đất nước. Do đó ta thấy được vai trò của bản thân chúng ta là rất quan trọng. Người biết học hỏi, tìm tòi những cái mới, cái hay thì sẽ tài giỏi, hiểu biết hơn người và được mọi người kính trọng, nể phục. Hơn thế nữa họ sẽ có thể tự mình làm được mọi việc mà không cần ai giúp đỡ. Vì họ có kiến thức nên họ sẽ biết trân trọng cuộc sống, mọi người, biết cái gì dúng, cái gì sai mà bảo vệ và phê phán.Còn những người không chịu học hỏi, tiếp thu kiến thức thì những người đó luôn bị người khác lợi dụng làm điều xấu. Họ là những người chỉ biết nghe theo lời của người khác mà không biết tốt, xấu nhưng vẫn làm theo chỉ vì chút tiền bạc mà làm hại biết bao nhiêu người. Nhưng ta muốn tiếp thu kiến thức không phải là dễ. Vì hiện nay có nhiều thứ không hay, không tốt được đưa lên các bài báo, lên mạng mà chúng ta không cần phải học tập theo. Cho nên khi tiếp thu kiến thức thì ta phải có chọn loc một cách đúng đắn. Vì vậy việc học tập và tiếp thu kiến thức là bổn phận của mỗi con người chúng ta. Chúng ta cần phải tiếp thu kiến thức bằng mọi phương tiện có thể như bạn bè, thầy cô, internet, báo chí, sách vở,... ở mọi lúc, mọi nơi.
Qua đó ta thấy được vai trò của mỗi con người trong việc tiếp thu kiến thức. Xã hội càng phát triển thì con người càng phải tài giỏi và hiểu biết nhiều hơn. Đối với bản thân của em thì em sẽ cố gắng học tập để giỏi hơn và sau này có thể giúp ích cho xã hội.

2 nhận xét: