2 thg 10, 2008

hãy cố gắng rèn luyện để cái "tâm "trong mình được trọn vẹn

DƯ THUỴ TRÂM ANH Lớp: 12A5 - Stt: 03

“Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn vì em không biết đi về đâu …” Đó chính là số phận của những đứa trẻ lang thang. Khác với các bạn bè cùng trang lứa, lẽ ra chúng phải được yêu thương, nâng niu chăm sóc từ cha mẹ, thì giờ đây những đứa trẻ ấy phải lang thang kiếm sống dưới cái oi bức của trời Sài Gòn. Cảm thông với những số phận bất hạnh ấy, hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương đề nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Đó là những hình ảnh, hành động cao đẹp của tình tương thân tương ái, đồng thời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết quan tâm, chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
Thống kê cho thấy thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10.000 trẻ em lang thang trên các đường phố không nhà, không có nơi che chở và không được chăm sóc. Cho dù số lượng bao nhiêu hay hoàn cảnh sinh sống như thế nào thì mỗi trẻ em lang thang đều ở trong tình trạng hết sức dễ bị tổn thương. Đường phố với những hiểm hoạ có thể có những hành động tiêu cực đến sự phát triển của bản thân các em, những bài học từ đường phố ngày càng tàn nhẫn hơn, nguyên nhân là do sự nhộn nhịp của đô thị lôi kéo cũng rất nhiều. Trẻ lang thang không được đến trường, không được chăm sóc sức khoẻ thích đáng, không được chăm lo phát triển tinh thần và hỗ trợ để trở thành những công dân khoẻ mạnh và toàn diện. Do đó các mái ấm tình thương, các trung tâm bảo trợ xã hội ra đời với mục tiêu che chở, khôi phục cho các em được quyền học hành, được chăm sóc về sức khoẻ và được che chở dưới mái ấm gia đình, bảo vệ cho các em khỏi nguy cơ bị mất đi các quyền của trẻ em.
Một ví dụ điển hình về mái ấm tình thương ở thành phố Hồ Chí Minh là mái ấm Tre Xanh. Từ khi thành lập đến nay, 15 em đã được hỗ trợ đi học ở các trường công lập. Trong số những em được tạo điều kiện đến trường không chỉ có các em của mái ấm này mà còn có các trẻ em nghèo trong cộng đồng. Quan điểm không chỉ lo cho mình mà lo cho cả cộng đồngvà dựa vào cộng đồng để hỗ trợ trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Mái ấm đã trở thành một phần không thể tách rời của cộng đồng địa phương. Bên cạnh các hoạt động giáo dục trong và ngoài cơ sở, mái ấm Tre Xanh còn tiến hành đào tạo nghề, tổ chức các cuộc đoàn tụ và thu xếp việc làm. Trung tâm đã xây dựng mối quan hệ với các cơ sở ở địa phương để đào tạo tại chỗ cho các em và giúp các em tìm được việc làm hoặc gưỉ trả các em trở về đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên không phải lúc nào việc đưa các em về những mái ấm tình thương cũng là hiệu quả khi tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ ngày một tăng như hiện nay. Cần xã hội hoá việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi lang thang không nơi nương tựa bằng nhiều biện pháp như tìm bố mẹ, gia đình thay thế cho trẻ em. Việc đưc các em vào trung tâm bảo trợ xã hội, các nhà mở chỉ là biện pháp cuối cùng.
Tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ hiện nay là vấn đề cấn quan tâm đặc biệt. Vì thế hệ trẻ hiện nay là những nhân tài của xã hội, làm mầm mống để xây dựng một nền kinh tế phát triển. Chúng ta cứ thử nghĩ xem nếu một quốc gia không có trẻ em tồn tại, chỉ có những người lớn tồn tại thì sớm muộn gì quốc gia đó cũng sẽ diệt vong mà thôi. Có thể các em đó không có cha hoặc mẹ, thậm chí người thân cũng không có nên chúng ta đừng vì vậy mà xa lánh nhưng hãy dang rộng vòng tay che chở cho các em.
Con người không phải ai cũng hoàn thiện nhưng qua cuộc sống ta hãy cố gắng rèn luyện để cái tâm trong mình được trọn vẹn. Dù giàu hay nghèo, hãy mở rộng lòng quan tâm đến những người xung quanh vì biết đâu họ rất cần sự giúp đỡ củaa bạn. Cuộc sống luôn có sự công bằng, một khi bạn cho đi thì sẽ nhận lại. Vì vậy san sẻ niềm hạnh phúc với những người bất hạnh, những người kém may mắn hơn mình cũng là hạnh phúc. Và biết đâu đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận được nhiều hơn cả khi bạn cho đi.

1 nhận xét:

  1. Xin cám ơn phần bài viết của bạn.

    Mình xin có vài lời nhận xét như sau. Bài viết của bạn rất hay, bay bổng, chân thực, cách thể hiện ý tưởng rất riêng biệt, bố cục đầy đủ các phần, những dẫn chứng bạn đưa ra rất sát thực, cách kết thúc bài của bạn mang tính gợi mở trong lòng người đọc về lòng nhân ái.

    Tuy nhiên mình xin được đóng góp vài chỗ mà mình cảm thấy chưa được thỏa đáng. Theo mình thì bạn cần thêm phần đặc điểm của những đứa trẻ lang thang này như thế nào. Chúng phải khó khăn vật lộn kiếm sống trong một môi trường khắc nghiệt của cuộc sống như thế nào? Tâm hồn và những suy nghĩ của chúng bị tổn thương, bị tỗn thương như thế nào? Chưa kể trong số những đứa trẻ đó sẽ có một phần là những đứa trẻ tốt còn một số là những đứa trẻ xấu, bị biến chất thay đổi nhân cách, bị những kẻ xấu lừa gạt lợi dụng làm việc bậy.

    Theo chiều hướng tích cực thì những đứa trẻ được nhận nuôi bởi các nhà mạnh thường quân, các tổ chức nhân đạo bảo trợ sẽ có cơ hội được hoàn lương làm lại cuộc đời một cách dễ dàng hơn, đồng thời các em sẽ được phát triển toàn diện, học tập, sống trong môi trường lành mạnh và an toàn.

    Theo chiều hướng tiêu cực, một số trẻ lang thang cầu bơ cầu bất dễ bị sai lầm lạc lối và sa đọa vào những cám dỗ của cuộc đời. Các em thì vẫn còn nhỏ nhưng khổ nỗi lại không được sự chỉ dẫn đúng đắn, không có người cho những lời khuyên bổ ích.Đối với chúng việc sống còn và tồn tại còn quan trọng hơn việc được yêu thương. Các em dễ bị đi vào những con đường tội phạm, tệ nạn xã hội, hút sách, ma túy, trộm cắp,lừa gạt... Điều đó sẽ tạo nên những thành phần gây mất ổn định trật tự trong xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Chính vì thế không chỉ nhà nước, chính quyền các cấp, mà cả xã hội từ trường học đến gia đình cần có sự quan tâm chu đáo đối với vấn đề bức thiết như trên.

    Phần trên đó là mình xin có một vài ý kiến bổ sung như thế để mở rộng hơn phần giải thích hiện trạng của bạn. Tuy nhiên phần luận của bạn vẫn cần thêm vài ý. Trong cuộc sống rộng lớn này mỗi người có một hoàn cảnh riêng, khả năng riêng, không ai giống ai cả. Việc tìm gia đình nuôi dạy trẻ là việc của chính quyền. Bản thân người nhận nuôi dạy trẻ phải có trách nhiệm với việc mình làm. Nghĩa là khi thực hiện thì phải làm cho đúng và hoàn tất nghĩa vụ chứ không thể bỏ ngang xương được. Trong thực tế việc nhận nuôi trẻ ở các gia đình bình thường là rất khó. Những người đó thường có tâm lý ngờ vực, không tin tưởng vào đứa trẻ và hầu như là rất thiếu trách nhiệm hơn so với con ruột. Do vậy đây cũng thật sự là một vấn đề nhạy cảm, cần sự quan tâm kĩ lưỡng và những quyết định đúng đắn từ hai bên chính quyền và gia đình nhận nuôi.

    Kế tiếp mình xin phép được chỉnh lại đoạn "Tình trạng trẻ em ... che chở cho các em.". Tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng. Trẻ em được phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần sẽ là nguồn nhân tài mạnh cho đất nước mai sau, là nền tảng để phát triển một quốc gia tiến bộ văn minh hơn với nền kinh tế vững mạnh. Một đất nước thiếu đi thành phần này sẽ không thể nào tồn tại một cách vững chắc được. Ngay từ bây giờ chúng ta phải nhận thức ra được hiện trạng cấp bách hiện nay và những hậu quả khôn lường của nó đem lại, để từ đó chúng ta cần hành động một cách hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn và giảm thiểu trẻ em lang thang bằng cách chú trọng vào giáo dục, đặc biệt là nhân cách và rèn luyện đạo đức, sự hợp tác chặt chẽ của nhà nước, xã hội, nhà trường trong việc chung tay xóa bỏ hiện trạng này.

    Trả lờiXóa