1 thg 10, 2008

Nụ cười trẻ thơ sẽ rộn vang khắp nước ta

Trần Tuấn Vũ 12TA2 VTS
Hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình cũng như tổ chức thu nhận trẻ em lang thang, không nơi nương tựa, kiếm sống bằng đủ các nghề trong thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Và tất nhiên, việc chăm sóc những em nhỏ thật không dễ chút nào. Để làm được điều đó, họ - những nhà hảo tâm phải là những người rất chu đáo, tận tâm và có tình yêu thương vô biên đối với các em.
Theo số liệu thống kê thì tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10.000 trẻ em lang thang trên các đường phố, không nhà, không nơi che chở và không được chăm sóc. Trong số đó, tỉ lệ các bé gái chiếm 28%. Những trẻ em này dễ bị tổn thương và là nạn nhân bị bóc lột lao động, lạm dụng và bị đối xử tàn tệ. Những mảnh đời khốn khổ đó chúng ta không thể nói đó là do số phận. Các em không hề chọn lựa cái cuộc đời đau khổ ấy, các em cũng không có quyền chọn cha mẹ cho mình nhưng chính cha mẹ các em, những người sinh ra các em ra lại thẳng tay vứt đi đứa con rứt ruột của mình. Tất nhiên họ có nhiều lí do để giải thích cho sự tàn nhẫn của họ nhưng họ không có chút tình thương nào để thấu hiểu và xót xa cho đứa con ngây dại mà họ đã vứt bỏ giữa bể đời bao la. Hãy tưởng tượng nếu không có những nhà hảo tâm giúp đỡ, chăm lo thì tương lai của những đứa trẻ ấy rồi cũng chỉ là một màu đen, u tối và không lối thoát. Điều đó cũng dễ hiểu vì chúng bị bỏ rơi ngay từ khi còn bé xíu, làm sao ý thức được phải học để biết những điều hay, điều phải. Chúng chỉ có thể sống theo bản năng và theo những gì mà những đứa trẻ khác, cùng cảnh ngộ nhưng lớn hơn chúng dạy chúng. Mà những điều đó thì chắc hẳn chỉ là những thói côn đồ, dạy nhau đấm đá để tự bảo vệ bản thân trước những sự uy hiếp của các băng nhóm giang hồ khác. Ấy thế nên mới nói việc chăm sóc một đứa trẻ là vô cùng khó vì chúng học cái xấu thì nhanh nhưng để dạy chúng thích nghi lại với những cái tốt thì quả là quá trình dài.
Ở những mái ấm tình thương trong thành phố, có thể kể tên như Mái ấm Tre xanh do Đại sứ quán Đan Mạch hỗ trợ, làng trẻ em SOS, nhà tình thương Stephan…, các em nhỏ được dạy dỗ rất chu đáo. Không chỉ học văn hóa, các em còn được dạy về đạo đức và về cách sống lành mạnh, có ích cho đời. Ngoài những giờ học, các em được chơi đùa, ca hát, nhảy múa một cách hồn nhiên và rất ngây thơ mà trước đây, khi phải lang thang trên những nẻo đường kiếm sống, các em từng ao ước mà không có được. Đến đây, ta mới có thể thấy hết được sự chu đáo của những tổ chức, cá nhân chăm lo cho đời sống các em. Họ chuẩn bị mọi thứ tiện nghi để đón các em về, ban cho các em một không gian sống tuyệt vời và gieo vào lòng các em sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Qua theo dõi trên báo đài, chúng ta có thể thấy rất nhiều những cá nhân đã làm được điều kì diệu ấy. Họ chăm sóc các em như thể ruột thịt. Như trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/9/2008 với đề tài “Bà bụt sinh viên”, chúng ta có thể thấy cô sinh viên Hoàng Oanh ấy là người rất tốt. Không một chút lo ngại, không một chút đắn đo, Oanh khẳng định với mẹ rằng cô có thể tự kiếm tiền lo cho các em Hiếu, Thắng và Thường, cả ba em đều là người khuyết tật. Tấm lòng cao thượng ấy quả thật rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những người tốt, luôn luôn có sự xuất hiện thầm lặng của những kẻ xấu, những kẻ chỉ muốn lợi dụng các em nhỏ, buộc chúng đi kiếm tiền để cung phụng cho cái ăn, cái mặc của bọn họ. Như vụ bà Hồ Thị Ba ở phường 19, quận Bình Thạnh hành hung bé Hồ Thị Ba cũng được đăng tải trên Tuổi trẻ. Là một trẻ em cơ nhỡ, Bông được bà Ba đem về nhà nhưng bà không nuôi em mà ngược lại, bà ta bắt đứa trẻ mới chỉ lên chín đi ăn xin, lam lũ ngoài đường phố đem tiền về nuôi bà. Có thể thấy, đó là điều vô cùng tàn nhẫn đối với trẻ thơ. Trong tâm tưởng các em khi lớn lên, những hình ảnh hung bạo đó rồi sẽ còn hằn dấu mãi, ám ảnh các em suốt một đời. Qua những điều nói trên, cần khẳng định rằng những mái ấm tình thương, những gia đình, cá nhân tử tế muốn nuôi dạy các em mồ côi là việc rất đáng tuyên dương. Việc làm đó chỉ cho ta thấy được cái tốt chứ không nói lên cái xấu nào cả. Chăm sóc các em cũng chính là góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Bởi lẽ, các em là những mầm non tươi xanh của xã hội, nếu không được chăm sóc, nuôi nấng tử tế sẽ trở thành những thành phần bất hảo, mang đến đau khổ cho mọi người và có đôi khi là cho bản thân các em. Tuy việc nuôi dạy các em là cần thiết nhưng nếu không có kinh phí, những mái ấm tình thương cũng khó mà duy trì được. Vì vậy, các nhà sáng lập mái ấm phải làm việc rất cật lực. Họ luôn tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước nhằm giữ vững ngôi nhà tình thương cho các em. Và như quy luật cuộc sống, những người tốt sẽ luôn gặp điều may mắn nên các mái ấm hầu như được hỗ trợ luân phiên bởi các tập đoàn kinh tế khác nhau. Có một vài mái ấm có những bạn đã tốt nghiệp đại học và nay đang đi làm để kiếm thêm thu nhập, góp phần công sức nhỏ để cùng mái ấm chăm sóc tiếp những mầm non khác đang vươn lên mỗi ngày.
Với những nỗ lực của các mái ấm tình thương cũng như các cá nhân, gia đình mà các em nhỏ bơ vơ, đơn lẻ có được cuộc sống tốt đẹp. Những nhà hảo tâm ấy đã mang đến màu xanh cho xã hội, gạt đi bao nước mắt trẻ thơ vô tội và hơn vậy đã mang đến tiếng cười cho các em. Tuy nhiên, cần phê phán những người có âm mưu xấu xa, muốn hãm hại, hành hạ các em nhỏ. Nhà nước cũng như các cấp chính quyền cần có biện pháp chặt chẽ để theo dõi số trẻ cơ nhỡ và tạo điều kiện cho các em có cuộc sống tốt lành hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần có nhiều thêm nữa những bài học giáo dục cho các bậc cha mẹ vô lương tâm, sinh con ra rồi bỏ đó cho xã hội. Làm được những điều trên, tỷ lệ trẻ em lang thang sẽ giảm một cách đáng kể và trong tương lai, xã hội sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, nụ cười trẻ thơ sẽ rộn vang khắp nước ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét