5 thg 10, 2009

Học hành không phải là những hành lang thẳng tắp

Cuộc đời không phải là những hành lang thẳng tắp để ta có thể dễ dàng đi qua mà không gặp một vật cản nào. Đôi lúc, ta cũng bị lạc lối, đi vào ngõ cụt hoặc muốn từ bỏ tất cả. Nhưng bao giờ cũng vậy, nếu chúng ta có tri thức thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Đúng như nhà khoa học người Anh Phơ-răng xít Bê-cơn đã nói “Tri thức là sức mạnh”, vậy ta suy nghĩ như thế nào về câu nói trên?
“Tri thức” là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người của nhân lọai nói chung, còn theo nghĩa hẹp thì là kiến thức tích lũy được của mỗi người nhờ vào quá trình tri giác, quá trình học tập, tiếp thu, rèn luyện, quá trình giao tiếp, quá trình tranh luận, quá trình lý luận, suy nghĩ, hay kết hợp các quá trình này. Tri thức là sức mạnh trên mọi lãnh vực họat động của đời sống con người, mọi phạm vi của xã hội...
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, sức mạnh nào đã khiến dân tộc ta tồn tại vững vàng và phát triển mạnh mẽ? Sức mạnh nào đã khiến dân tộc ta vượt qua muôn ngàn gian khó hiểm nguy, khắc phục được mọi phá hoại của thiên tai, đánh đuổi được kẻ thù xâm lược? Ðó là sức mạnh ở trình độ hiểu biết của nhân dân, là điều quan trọng bậc nhất trong ba phẩm chất cơ bản của con người là nhân, trí, dũng.Trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, trí tuệ Việt Nam đã phát huy sức mạnh cực lớn của mình khi nêu những phương châm lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, khi định ra sách lược và chiến thuật linh hoạt ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, trước những kẻ thù khác nhau, trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau. Còn trong lĩnh vực khoa học, tri thức giúp cho con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực, cùng những phát minh, sáng chế, chế tạo, phục vụ cho nhu cầu của xã hội và con người như khoa học công nghệ, khoa học quân sự, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn. Không có tri thức thì không thể có những chiến lược kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, kinh tế tri thức là cầu nối để giao lưu với các cường quốc trên thế giới. Nếu không có tri thức thì không thể kinh doanh bền vững và cũng sẽ khó có được thành công. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cung cách làm ăn, chiến lược kinh doanh, tác phong cũng như trình độ tiếp cận khoa học công nghệ tiến tiến của mỗi doanh nghiệp.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, sự phát triển kỳ diệu của nhân tố trí tuệ đang đóng một vai trò quyết định. Thất bại hay thành công, suy vong hay tồn tại của mỗi dân tộc cũng như của mỗi tập thể hay mỗi con người trước hết phụ thuộc vào điều kiện có đáp ứng được yêu cầu đang nóng bỏng về trí tuệ hay không? Vấn đề nâng cao dân trí được các vị tiền bối cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra từ lâu, nay đang trở thành một vấn đề bức thiết.Nâng cao dân trí là một nhiệm vụ rộng lớn bao quát mọi mặt của tư duy con người. Trí tuệ của con người ngày nay đã trở thành một lĩnh vực vô cùng rộng lớn và phong phú. Sự phát triển toàn diện của mỗi con người trong thời đại chúng ta phải là sự phát triển toàn diện của mỗi con người về mặt hiểu biết.
Thế hệ trẻ là những người chủ tương lại của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên cần phải học tập để nắm vững lấy tri thức vì “tri thức là sức mạnh”. Có tri thức, các bạn mới có thể có những bước tiến vượt bậc trong học tập và trong công việc, giúp ích cho xã hội mai sau. Chấp nhận và vượt qua thử thách, bởi không có người thất bại, chỉ có người không biết cố gắng mà thôi.
Là một học sinh tôi tự hứa sẽ học tập thật tốt, có trách nhiệm đối với gia đình và đất nước chấp hành đúng nghĩa vụ công dân, nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân bằng việc tìm tòi, học hỏi và sáng tạo qua sách báo, các phương tiện truyền thông để chuẩn bị hành trang thật tốt bước vào cuộc sống, chung tay xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
12a6-27-0910

2 nhận xét:

  1. +Bố cục bài trình bày đủ 6 phần. Nhưng khi bàn đến mặt hạn chế của sự thiếu hụt tri thức, bạn chưa nêu rõ được ví dụ thực tế và chỉ nói đến mặt thiếu hụt tri thức như 1 cách nhận xét vấn đề.
    +Theo mình bạn nên bổ sung thêm 1 ví dụ thực tiễn trong mỗi lĩnh vực thì bài viết sẽ có sức thuyết phục hơn.
    +Phần thêm ví dụ của mình:
    -Chính nhờ sự hiều biết, nhìn xa trông rộng của nước ta, 7/11/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành 1 thành viên của WTO. Từ đó, nền kinh tế của nước ta sẽ được đẩy mạnh trên trường quốc tế, đời sống nhân dân được cải thiện và nền tri thức sẽ được nâng cao.Như vậy, ta đã thấy được sức mạnh của tri thức có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước.
    +Bài viết chưa đề cập đến hiện tượng thiếu hụt tri thức sẽ gây ra những khó khăn, trở ngại gì trong lĩnh vực đời sống con người mà chỉ nói đến cách khắc phục vấn đề mà mình đã nêu ở trên.
    +Phần sửa lại:
    -Nếu một người không trang bị cho mình đầy đủ kiến thức thì khi bước vào cuộc sống thực họ sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, và sẽ khó tìm ra cách để giải quyết vấn đề của mình. Thiếu hụt trí thức sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống nhân dân như: nạn mù chữ, thất nghiệp, tệ nạn xã hội...Những điều này sẽ đưa đến nền kinh tế đất nước bị sa sút, tụt hậu so với thế giới.
    Nguyễn Lâm Hồng Ngọc_14_12A6_VTS

    Trả lờiXóa
  2. Mai Anh, lớp: 12A12, Stt: 02
    Nhận xét về bố cục, luận điểm và dẫn chứng:
    -Bố cục đầy đủ sáu phần.
    -Giải thích rõ ràng, đủ ý.
    -Chưa đưa ra được ý kiến bản thân: "học hành không phải là những hành lang thẳng tắp" là đúng hay sai.
    -Dẫn chứng đa dạng phong phú.
    -Phần luận hay, đưa ra được nhiều nhận xét về các khía cạnh.
    -Tuy nhiên, chỉ mới nói về tri thức mà chưa nói đến học hành.

    Mình có đề nghị như sau:
    -nên nói nhiều hơn về lĩnh vực học tập.
    -Nêu lên những tấm gương sáng trong học tập, phê phán những trường hợp gian lận để có kết quả cao, chỉ ra những khó khăn trong học tập.
    -Phần phương hướng hành động còn sơ sài, cần trau chuốt hơn.

    Trả lờiXóa