5 thg 10, 2009

Đường đi khó-Không khó nếu ta kiên trì

Khi được hỏi về bí quyết của sự thành công, một con người thành đạt sẽ trả lời rằng: “ Tuy có rất nhiều những yếu tố khác nhưng sự kiên trì, bền bỉ là một trong những yếu tố hàng đầu để dẫn đến thành công ”. Nhà văn Nguyễn Bá Học đã từng nói: “ Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông ” Vậy, điều mà ông muốn nhắn gửi đến chúng ta là gì ?
Ở đây, câu nói của ông có thể hiểu đơn giản rằng: nếu bước đi trên con đường gập ghềnh, chông gai mà cảm thấy quá đỗi khó khăn và mệt nhọc thì lí do duy nhất chỉ có thể là sự lo sợ, e ngại của con người trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Hay khái quát hơn, “đường đi” còn ngụ ý là con đường đời không bao giờ bằng phẳng, lúc nào cũng đầy những sóng gió, tai ương. Và những người dễ dàng bị khuất phục, mềm yếu trước những đợt sóng dữ dội ấy chính là đã thiếu mất sự kiên trì và bền bỉ trong cuộc sống.
Thật vậy, lời Nguyễn Bá Học nói quả không sai! Ví như thế hệ học sinh ngày nay, hiếm khi có một đứa trẻ nào chịu khó tìm tòi, thích thú với những bài tập khó. Thay vào đó, chúng thường than vãn và sẵn sàng loại bỏ những bài tập hay như thế. Hoặc như một số loại người trong xã hội, khi vừa mới gặp thử thách đã vội đổ lỗi cho hoàn cảnh và tìm cách thoái lui. Như vậy, há chẳng phải đã đánh mất những cơ hội quý báu rồi sao ?
Nếu nói rằng: bản chất của những khó khăn, trắc trở trong đời người không phải do hoàn cảnh tạo ra thì cũng không hẳn là đúng. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đều ý thức rõ những bất công, những bi kịch trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Chỉ khác nhau ở chỗ, ai có khả năng đối diện với chúng và cố gắng vượt qua, tiến lên phía trước, không ngại gian khổ mà thôi !
Chính sự kiên trì, bền bỉ ấy là động lực đưa ta đến với đỉnh vinh quang, đến bến bờ hạnh phúc. Những kẻ biếng nhác, dễ đầu hàng trước khó khăn sẽ làm cho xã hội càng tồi tệ hơn, đất nước kém phát triển. Trái lại, những con người chịu thương chịu khó, có óc cầu tiến sẽ làm giàu đẹp hơn đất nước mình, và họ rất đáng được trân trọng. Sự nỗ lực, cố gắng hết mình bao giờ cũng được đền đáp xứng đáng. Như ông cha ta đã nói: “ Có công mài sắt, có ngày nên kim ”.
Hiểu được như vậy, chúng ta càng phải mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn, phát triển hơn trước những bất cập về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội chưa thể khắc phục. Về phía bản thân mình, tôi luôn tự nhủ phải rèn luyện khả năng nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề, phải học cách đứng vững trên đôi chân của mình mà bước qua sóng gió một cách tự tin và lạc quan nhất. Làm được điều đó, chúng ta mới có thể dễ dàng tồn tại trong cái vòng đời vốn lẩn quẩn và đầy những bất trắc, hiềm nguy này.
Quả thực, nhà văn Nguyễn Bá Học đã dành cho chúng ta một lời khuyên bổ ích, một lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và sẽ rơi vào tình trạng bế tắc trước những khó khăn trong cuộc sống. Nếu biết cố gắng, kiên trì rèn luyện bản thân thì sẽ dễ dàng đạt được mục đích tươi đẹp của cuộc đời mỗi con người: “Đó chính là sự thành công và niềm hạnh phúc
12a12- Thanh Vân - 0910

1 nhận xét:

  1. bài này hay lắm, tuy chưa dài nhưng đáp ứng đủ các phần của 1 bài nghị luân. Bài sẽ tốt hơn khi biết nhìn rông hơn, dẫn chứng thuyết phục hơn và đặc biệt là bình luận, mở rộng vấn đề

    Trả lờiXóa