30 thg 9, 2008

Thành công-Thất bại

Họ tên: Hồ Hương Giang Môn: Văn Lớp: 12A05
Nhà văn nữ người Pháp Ursula K.Le Guin đã từng nói: “Thành công của người này là thất bại của người khác.”
Câu nói này cho rằng thành công và thất bại của mọi người thường hoán đổi cho nhau và không thể có tình trạng tất cả mọi người đều thành công cùng một lúc.
Anh (chị) hãy bình luận câu nói trên.

Thành công và thất bại vốn là hai trạng thái của cùng một vấn đề. Còn giữa con người với nhau thì gắn kết với nhau qua mối quan hệ trong cuộc sống. Vậy có sự liên kết giữa thành công và thất bại của người này với người khác hay không? Theo nhà văn nữ người Pháp Ursula K.Le Guin: “Thành công của người này là thất bại của người khác.” Điều này có đúng với mọi trường hợp hay không? Ta hãy cùng bàn luận để làm rõ vấn đề này.
Vậy thành công nghĩa là gì? Thành công không chỉ là đạt được kết quả, mục đích như dự định, không chỉ là sự hoàn hảo trong công việc, trong học tập mà còn là hạnh phúc trong cuộc sống. Không hạnh phúc sao được khi có thể nhìn thấy thành quả của sự cố gắng của mình đạt kết quả mỹ mãn? Hơn nữa khi bắt đầu làm một việc gì đó ai chẳng hy vọng đạt được thành công. Thành công là điều mà mọi người luôn vươn tới, luôn là mục đích cao nhất trong mọi việc. Tuy nhiên bên cạnh thành công là thất bại. Không thành công tức là đã thất bại. Trái ngược với thành công, thất bại là sự không mong đợi trong dự định, là những việc trái ngược hẳn với dự kiến tốt đẹp mà con người mong đợi. Thất bại làm con người nản chí, thất vọng. Tuy nhiên thất bại vẫn luôn tồn tại song song với thành công. Do đó câu nói của nữ nhà văn có ý nghĩa rằng thành công và thất bại của mọi người thường hoán đổi cho nhau và không thể có tình trạng tất cả mọi người đều thành công cùng một lúc.
Nhận định này là không sai vì chính sự thất bại làm nên thành công. Thất bại làm nổi bật thành công. Vì thất bại tồn tại nên người ta mới nhận thấy được niềm vui và sự hạnh phúc khi thành công. Thất bại được tạo ra là để tôn vinh thành công. Ta có thể thấy rất nhiều khía cạnh khác nhau của việc này. Trong thương trường, nhiều công ty lao vào một bản hợp đồng béo bở nhưng chỉ có duy nhất một công ty giành được bản hợp đồng. Nếu không có những công ty thất bại thì thắng lợi, giành được bản hợp đồng của công ty kia sẽ không còn ý nghĩa như trước nữa. Nếu các công ty khác không thất bại thì làm sao công ty kia lại thành công. Chính sự thất bại của các công ty khác tạo nên thành công cho công ty kia. Do đó nếu công ty kia mà thất bại thì các công ty khác sẽ thành công vì có thêm cơ hội để giành được bản hợp đồng. Trong chiến tranh cũng thế, hai thế lực đối nghịch tranh giành nhau để có được một lợi ích nhất định nào đó. Nếu thế lực này thất bại tất thế lực kia sẽ giành phần thắng và ngượclại. Vậy làm sao có thể xảy ra chuyện cả hai thế lực cùng thắng, cùng giành lấy thành công được. Từ trong cuộc sống hằng ngày, trong thương trường, trong chiến tranh hay ở bất cứ nơi đâu có sự ganh đua không thể có việc mọi người cùng thành công trong một lúc được. Đó gần như là một quy luật của sự đấu tranh để sinh tồn.
Tuy nhiên, bất cứ chuyện gì cũng có mặt trái không thể phủ nhận của nó. Đôi khi mọi người cũng có thể cùng nhau thành công. Trong việc giành lấy bản hợp đồng, nếu các công ty chấp nhận hợp tác với nhau thì bản hợp đồng sẽ là của họ. Như vậy chẳng phải tất cả các công ty đều thành công trong một lúc hay sao. Trong chiến tranh cũng thế, nếu hai thế lực đối nghịch bắt tay nhau để đạt được một lợi ích chung thì chẳng phải cả hai thế lực đều đã đạt được mục đích, đều thành công cả hay sao? Do đó câu nói của nữ nhà văn trong trường hợp này chưa hẳn đã đúng. Trong những nơi có sự ganh đua nếu có thể cùng nhau hợp tác thì mọi người có thể cùng nhau thành công cùng một lúc.
Do đó câu nói: “Thành công của người này là thất bại của người khác” không hẳn là câu nói tuyệt đối chính xác đúng hay hoàn toàn sai. Câu nói này còn tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể và quyết định của mỗi người. Chúng ta có thể xem câu nói này như một lời giáo huấn về cuộc sống của sự cạnh tranh nhưng cũng đừng quên cùng hợp tác nếu có thể để mọi người cùng được thành công.
Vì thế nên không nên vì thành công mà trở thành một người ích kỷ, chỉ sống vì thành công của bản thân. Không thể chực chờ, lăm le chờ đợi sự thất bại của người khác hay tạo ra sự thất bại của người khác, lôi kéo nhau xuống hay sẵn sàng giẫm đạp lên cả người khác để tạo nên thành công cho mình. Đó là một việc làm rất tiêu cực. Vì “gieo nhân nào gặt quả ấy”, nếu mình làm như thế tất sẽ có ngày mình phải chịu những kết cục tương tự như kết cục mình đã gây ra cho người khác. Nếu chúng ta muốn thành công, chúng ta nên tự hành động, chủ động tạo ra thành công cho mình. Ta nên tích cực làm việc, cố gắng học hành hơn nữa để có được kiến thức. Thứ sẽ giúp ta rất nhiều trong việc đạt được thành công. Đó mới là thành công thật sự của ta và là sự có ích của ta đối với xã hội, đối với đời sống. Hơn thế nữa ta cũng không nên quên cố gắng giúp đỡ, hợp tác với những người xung quanh để mọi người có thể cùng được thành công.
Tuy câu nói của nữ nhà văn không hoàn toàn đúng nhưng nó rất có ý nghĩa. Chính câu nói đó sẽ giúp cho mọi người cố gắng hơn nữa trong con đường đi đến thành công. Và làm mọi người không bao giờ ngủ quên trong thành công của bản thân mà phải luôn cố gắng hơn nữa để giữ thành công lại với mình. Tuy nhiên cũng không thể quên cùng hợp tác để cùng thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét