30 thg 9, 2008

An toàn giao thông

Nguyễn Nhật Phương An Lớp: 12TA2.
"Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”

Hằng năm, tai nạn giao thông đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của con người. Vậy nên tai nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn đáng báo động đối với toàn thế giới nói chung và của nước ta nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông chính là sự hạn chế về hiểu biết và ý thức của người dân., trong đó thanh thiếu niên là đối tượng tham gia giao thông đông nhất hiện nay. Nhưng đa số họ đều chưa được qua trường lớp đào tạo, huấn luyện về kiến thức khi tham gia giao thông. Thế nên chúng ta cần phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn và giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông đang ngày một tăng cao như hiện nay?


Tai nạn giao thông là sự va chạm mạnh giữa những phương tiện tham gia giao thông với nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất. Tai nạn giao thông có thể gây thiệt mạng, tàn tật cho con người dẫn đến mất sức lao động cho xã hội và mất mát về mặt tình cảm cho gia đình. Ngoài ra, tai nạn giao thông còn gây thiệt hại của cải cá nhân và công cộng. Vậy nên, hàng năm nhà nước ta đã chi ra 1 khoản tiền không nhỏ để cải thiện tình hình, nâng cao cơ sở vật chất hay đưa ra luật nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Nhưng liệu đó là một cách làm hiệu quả?


Thật ra, nguyên nhân sâu xa của tai nạn giao thông chính là sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết của người tham gia giao thông. Những người này hoặc chưa có đủ kiến thức về an toàn giao thông hoặc chưa hoàn toàn ý thức chấp hành luật. Có những người biết rất rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Mặc dù họ biết phải dừng xe khi đèn đỏ nhưng thay vì làm như thế, họ lại cố phóng nhanh để vượt đèn đỏ. Họ không biết rằng chỉ để tiết kiệm vài giây mà họ có thể phải đáng đổi bằng mạng sống của mình. Hay có những người lớn để cho con em mình tham gia giao thông bằng xe phân khối lớn dù chưa đủ tuổi và hay phóng nhanh, vượt ẩu. Lại có trường hợp ko tôn trọng những người cùng tham gia với mình, họ khạc nhỗ bừa bãi trên đường phố làm những người đi sau không thể xử lý tình huống kịp thời, dẫ đến những tai nạn đáng tiếc. Nhưng đó chỉ là sự chủ quan của người tham gia giao thông vì tai nạn giao thông còn do nguyên nhân khách quan của việc quản lý vĩ mô của nhà nước. Như chúng ta đã biết, ngày nay, dân số nước ta ngày càng tăng cao, nhiều người dân đổ dồn về các thành phố lớn làm dân số tăng vọt, thế nhưng đất không rộng ra, đường sá vẫn như cũ dẫn đến tình trạng ”đất chật người đông”, dễ gây nạn kẹt xe và va quẹt giữa những người tham gia giao thông với nhau. Hay là do những phương tiện giao thông quá cũ hay nhiều người thường ”cải tiến” phương tiện giao thông của mình. Họ không hề biết rằng chính hành động đó của họ đã vô tình gây cản trở giao thông, dễ dẫn tới tai nạn không đáng có. Và một nguyên nhân khá quan trọng cần phải nói tới chính là chất lượng đường sá hiện nay của nước ta. Như ở thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều tuyến đường bị thu hẹp vì những công trình đang thi công, gây ùn tắc giao thông.


Vậy nên để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, theo tôi cần phải giáo dục ý thức người dân từ trong ghế nhà trường và càng sớm càng tốt, và đối tượng chính là thanh niên, học

sinh. Nhà trường nên tổ chức các buổi tuyên truyền về luật giao thông và có những biện pháp để hạn chế số lượng học sinh vi phạm luật giao thông như cấm học sinh đến trường bằng xe phân khối lớn, hay xem ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức, vv.....Đồng thời nhà nước cũng nên tuyên truyền và giáo dục người dân chấp hành luật khi tham gia giao thông thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo đài, tờ rơi, áp phích,vv...Thế nhưng theo tôi, để các bạn học sinh không vi phạm giao thông, trước tiên là cần sự hiểu biết và giáo dục từ phía gia đình của các bạn. Phụ huynh không nên cho phép con em mình tự ý tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi và chính bản thân họ cũng nên chấp hành tốt luật giao thông nhằm làm gương cho con em mình noi theo.


Tháng tư năm 2007, một thành viên của WHO đã phát biểu rằng ”tai nạn giao thông ở Việt Nam đã trở thành đại dịch” và cũng theo thống kê 20% tổng số vụ tai nạn giao thông là do giới học sinh-sinh viên gây ra. Vậy nên để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, học sinh chúng ta nên nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành luật an toàn giao thông cũng nhưng để tránh gây thiệt hại về tài sản, tinh thần và mất mát về mặt tình cảm cho gia đình.

1 nhận xét:

  1. bai nay lap lai noi dung"nguyen nhan gay tai nan giao thong" nhieu lan nen lam bai viet khong duoc hay cho lam.

    Trả lờiXóa