7 thg 10, 2010

Vui nơi này nhớ nơi kia

Bạn suy nghĩ gì khi đọc bài báo dưới đây?
----------------------------
Đang vui nơi này lại nhớ nơi kia  Tuổi Trẻ - 07-10-2010


TT - Tôi đang ở Hà Nội những ngày đại lễ mừng ngàn năm định đô Thăng Long. Tiết cuối thu trời thương người, cho thủ đô một không khí se lạnh buổi mai, mát mẻ buổi ngày, heo may buổi chiều, phiêu diêu buổi tối, để tưng bừng diễn ra những hoạt động múa hát kỷ niệm tụ hội đông người xa gần về tham dự, chia vui, nhìn ngắm.

Hà Nội đỏ sắc cờ hoa. Thăng Long êm ả Hồng Hà. Hồ Gươm thành tâm điểm cho cháu con về bên Lý Thái Tổ dâng hương hoa, tỏ lòng thành kính, soi bóng nước rùa vàng, nô nức chen chúc nghìn năm có một. Ai ai cũng như đắm chìm trong một trời thu quyến rũ say người, rất nhẹ nhàng, rất nên thơ.

Trời khi bừng lên nắng vàng mỏng manh, dịu nhẹ, khi âm u, phơ phất hạt mưa. Gió khi trút mạnh rung cây, khi nhè nhẹ mơn man da thịt. Cảnh thiên nhiên ấy, phố phường lung linh ấy, phập phồng hơi thở nghìn năm ấy, người đi hội đi lễ như cuốn say, như ngất ngây.

Mưa ở cuối trời xa, mây ở cuối trời xa chỉ là thêm dư vị nồng say cho những cảnh sắc, những cuộc vui ở hồ Gươm, hồ Tây.

Mấy ai hay mây ấy nặng mưa, mưa ấy đang nặng hạt ở miền Trung.

Vị vua 36 tuổi Lý Thái Tổ khi quyết định chuyển đô từ Hoa Lư về Đại La đã căn cứ vào nhiều lý do địa chính trị. Nào đó là nơi “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục”. Nào đó là “nơi thắng địa, chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”. Nào đó là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Lý do nào cũng quan yếu.

Nhưng giữa tiết thu này ở Hà Nội, sau ngàn năm bản Chiếu dời đô được tuyên cáo giữa triều đình nhà Lý mới lập nên khi ấy ở Hoa Lư, tôi chú ý đến một lý do vị vua sáng lập triều đại mở đầu nền tự chủ dài lâu của quốc gia Đại Việt nêu lên: ấy là người chọn Đại La làm kinh đô mới vì “vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh.”

Trong nguyên bản Chiếu dời đô chữ Hán, mấy chữ “dân cư không khổ thấp trũng tối tăm” viết là “dân cư miệt hôn điếm chi khốn”, có người dịch khác là “dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở”.

Vâng, vùng đất Lý Thái Tổ quyết định chuyển đô từ rừng núi về đồng bằng là nơi không bị ngập lụt, để dân chúng không bị đắm chìm trong làn nước lũ, được thảnh thơi vui sống, an cư lạc nghiệp.

Kinh đô là phải vậy và cả nước là phải vậy. Người đã dong thuyền từ Hoa Lư về Đại La và rồng đã bay lên trong tâm thức người, trong nguyện ước người, rồng bay lên khỏi nước, dân chúng thoát khỏi ngập chìm nước, quốc gia cất mình vượt ra khỏi nước. Từ đó nên Thăng Long. Thăng Long ngày ấy đã một dải từ châu thổ sông Hồng đến châu Hoan, châu Ái.

Nhưng Hoan, Ái giờ đây đang mưa, mưa to. Tôi đi trên phố phường thủ đô se lạnh khí thu choàng một màn sương mỏng xuống ngàn năm kinh thành mà ngỡ chân mình lạnh trong dòng nước lũ đang dâng cao trên các triền sông quê mình, đang cô lập những xóm thôn, mái nhà quê mình.

Hoan, Ái là phên giậu của nước Đại Việt xưa. Thăng Long nay nghìn tuổi, phên giậu xưa đang bị mưa lũ hoành hành. Phên giậu vẫn căng sức chống đỡ, vẫn vững vàng cho kinh thành an khang, thịnh vượng, cho đất nước mãi vẹn nguyên.

Thương về miền Trung, tôi biết có bao người đang cùng tôi vui hưởng đại lễ trên các ngả đường Hà Nội hôm nay không quên, không làm ngơ trước cảnh đồng bào mình đang bị thiên tai đe dọa mạng sống.

Tôi tin thương về miền Trung năm nào cũng lụt lội, bão dông, người người từ khắp nước về Hà Nội dịp ngàn năm này, đến cúi mình trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, sẽ đọc thấu nguyện ước của người: làm sao cho dân không bị ngập chìm.

Đang vui nơi này lại nhớ nơi kia, thoảng trong những tiếng ca hát về Thăng Long - Hà Nội, bên cạnh bài Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, tôi lại nghe vẳng cả lời ca "Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa" của người nhạc sĩ tài hoa, như một nhắc thầm, như một nỗi niềm, lúc này cho tôi, cho những người không quen tôi nhưng đang cùng tôi sống một ngàn năm kinh đô hôm qua và hôm nay, giữa lúc mưa vẫn đổ như trút xuống miền Trung quê tôi.

Hà Nội ngày 6-10-2010
----------------------------
PHẠM XUÂN NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét